Viêm da cơ địa tái đi tái lại và cách phòng ngừa

Viêm da cơ địa tái đi tái lại gây ra không ít phiền toái khi sinh hoạt, học tập và lao động. Ngoài ra, tình trạng bệnh tái phát nhiều lần còn ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất của trẻ và tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng khác. 

viêm da cơ địa tái phát
Tái phát thường xuyên là một trong những đặc tính của bệnh viêm da cơ địa

Nguyên nhân khiến viêm da cơ địa tái đi tái lại

Viêm da cơ địa (chàm thể tạng, eczema thể địa) là một dạng tổn thương da mãn tính có liên quan đến rối loạn đáp ứng miễn dịch. Bệnh đặc trưng bởi hiện tượng viêm lớp nông của da đi kèm với triệu chứng ngứa dai dẳng, mức độ dao động từ âm ỉ đến dữ dội. Viêm da cơ địa là bệnh da liễu phát triển theo từng giai đoạn, bao gồm cấp tính, bán cấp và mãn tính.

Đôi khi bệnh bùng phát mạnh, rầm rộ, tiến triển nhanh gây ra không ít phiền toái trong quá trình sinh hoạt, lao động và học tập. Nhưng cũng có những thời điểm bệnh lắng xuống, tổn thương da thuyên giảm và hầu như không ngứa ngáy hoặc chỉ gây ngứa ngáy nhẹ. Vì cơ chế bệnh sinh phức tạp và căn nguyên có nhiều điểm chưa được làm rõ nên điều trị bệnh lý này còn gặp khá nhiều bất lợi.

Thực tế, hơn 80% trường hợp bệnh có thể thuyên giảm khi trưởng thành. Tuy nhiên ở một số ít bệnh nhân, bệnh có thể tái đi tái lại trong suốt cả cuộc đời. Mặc dù ít ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tổn thương da và tình trạng ngứa tái phát thường xuyên tác động tiêu cực đến tâm lý, thể chất và chất lượng cuộc sống.

Để kiểm soát được tình trạng bệnh tái phát nhiều lần, bệnh nhân cần xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này. Dưới đây là một số nguyên nhân có khả năng khiến viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần.

1. Do tính chất của bệnh

Viêm da cơ địa thực chất là một trong những thể lâm sàng của bệnh viêm da eczema (hay còn là bệnh chàm). Tương tự như các thể khác, cơ chế gây chàm thể tạng có sự tham gia của “dị nguyên” – tác nhân kích thích phản ứng thái quá của hệ miễn dịch. Tuy nhiên theo các chuyên gia, viêm da cơ địa là thể chàm có cơ chế bệnh sinh phức tạp nhất.

Hầu hết người mắc bệnh lý này đều có bất thường trên nhiễm sắc thể dẫn đến tình trạng cơ địa nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích (bao gồm nội sinh và ngoại sinh). Ngoài yếu tố cơ địa, bệnh nhân còn bị thiếu hụt filaggrin trong cấu trúc da. Filaggrin là một loại protein đặc biệt có khả năng liên kết các tế bào biểu mô tạo thành hàng rào vững chắc, bảo vệ da khỏi sự xâm nhập của dị nguyên. Bên cạnh đó, hàng rào này cũng có vai trò ngăn chặn sự mất nước, giúp da ẩm mịn và khỏe mạnh.

viêm da cơ địa tái đi tái lại
Rối loạn đáp ứng miễn dịch cùng với khiếm khuyết da khiến viêm da cơ địa tái đi tái lại

Việc thiếu hụt filaggrin khiến da bị khô ráp, bong tróc và tạo điều kiện cho dị nguyên xâm nhập. Với thể địa dị ứng sẵn có, hệ miễn dịch nhanh chóng tăng IgE trong máu, giải phóng các chất gây viêm (chimiokines, cytokines), histamine,… vào da và kết quả là gây viêm lớp sừng kèm theo ngứa ngáy.

Do cơ chế phức tạp, bệnh chịu nhiều tác động từ cả yếu tố nội sinh và ngoại sinh nên viêm da cơ địa có tiến triển dai dẳng và mãn tính. Đặc biệt, bệnh lý rất dễ tái phát khi có những điều kiện thuận lợi như thời tiết khô hanh, tiếp xúc với xà phòng, căng thẳng quá mức,…

Chính vì vậy, ngay cả khi tích cực điều trị, viêm da cơ địa vẫn có khả năng tái đi tái lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đây cũng chính là vấn đề đáng lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc bệnh lý này.

2. Không cách ly với dị nguyên

Viêm da cơ địa và các thể khác của bệnh chàm đều bị kích hoạt khi có dị nguyên (các chất kích ứng, dị ứng). Mỗi cá thể đều nhạy cảm với một số dị nguyên nhất định. Do đó, nếu xác định được yếu tố gây phát bệnh, nên chủ động cách ly và hạn chế tiếp xúc để phòng ngừa tái phát.

Việc tiếp xúc thường xuyên với dị nguyên làm kích hoạt phản ứng dị ứng liên tục, hoạt hóa tế bào lympho T (tế bào miễn dịch), tăng kháng nguyên và giải phóng các chất dị ứng, tiền viêm, gây viêm vào da. Kết quả là khiến lớp sừng của da bị viêm đỏ, nổi mụn nước, rỉ dịch, phù nề, ngứa ngáy, khô ráp và bong tróc.

viêm da cơ địa tái đi tái lại
Bệnh có xu hướng tái phát nhiều lần nếu liên tục tiếp xúc với các yếu tố kích ứng, dị ứng

Do đó ngay cả khi điều trị đúng cách, viêm da cơ địa vẫn có nguy cơ tái phát nhiều lần nếu bệnh nhân không chủ động cách ly với dị nguyên. Ngoài ra, liên tục tiếp xúc với các chất dị ứng, kích ứng còn khiến tổn thương da lan rộng và gây ra biến chứng đỏ da toàn thân (ảnh hưởng chủ yếu ở trẻ nhỏ).

3. Stress, căng thẳng kéo dài

Ở bệnh nhân bị viêm da cơ địa, các chuyên gia nhận thấy mức  Acetylcholine trong da cao hơn bình thường. Acetylcholine là chất dẫn truyền thần kinh thường tập trung ở não bộ có vai trò như chất trung gian hóa học. Điều này cho thấy tác động của căng thẳng, stress và xúc động quá mức có vai trò kích hoạt triệu chứng của viêm da cơ địa bùng phát.

viêm da cơ địa tái đi tái lại
Stress, căng thẳng, lo âu và xúc động quá mức là nguyên nhân khiến viêm da cơ địa tái đi tái lại

Do đó, tình trạng viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần có thể bắt nguồn do tình trạng căng thẳng kéo dài, trầm cảm, lo âu và các vấn đề tâm lý khác. Thực tế cho thấy, rất ít bệnh nhân chú ý đến những yếu tố kể trên. Điều này dẫn đến việc điều trị không đạt được hiệu quả như mong đợi và khiến bệnh tái phát nhiều lần.

4. Thể trạng kém – Nguyên nhân khiến viêm da cơ địa tái đi tái lại

Mặc dù là bệnh ngoài da nhưng viêm da cơ địa có liên quan đến rối loạn đáp ứng miễn dịch. Do đó, hệ miễn dịch suy yếu và thể trạng kém là yếu tố thuận lợi để triệu chứng của bệnh tái phát hoặc tiến triển nặng nề hơn.

Cũng chính vì vậy mà viêm da cơ địa ở phụ nữ có thai rất thường gặp, bệnh nhân tiểu đường, nhiễm HIV hoặc mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch hiếm gặp. Do đó bên cạnh các phương pháp y tế, bệnh nhân thường được chuyên gia tư vấn thêm cách tổ chức lại lối sống để nâng cao sức khỏe tổng thể.

5. Chủ quan, không tiến hành điều trị

Viêm da cơ địa là bệnh lành tính nhưng hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Mục đích của việc điều trị chủ yếu là giảm tổn thương da, cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng các phương pháp y tế và chăm sóc có thể giảm ngứa, tổn thương da và phần nào hạn chế được ảnh hưởng của bệnh.

viêm da cơ địa tái đi tái lại
Trường hợp chủ quan, không tiến hành điều trị đều gặp phải tình trạng bệnh tái phát nhiều lần

Ngược lại, bệnh có xu hướng tiến triển nặng, lan tỏa rộng và tái đi tái lại nhiều lần nếu không can thiệp các phương pháp điều trị và chăm sóc. Vì bản chất lành tính nên nhiều bệnh nhân chủ quan trước tổn thương do viêm da cơ địa gây ra. Tuy nhiên, tình trạng này làm tăng nguy cơ bội nhiễm, gây thâm nhiễm da, ảnh hưởng đến ngoại hình, chất lượng cuộc sống và tăng tần suất – mức độ tái phát.

Viêm da cơ địa tái phát nhiều lần có nguy hiểm không?

Như đã đề cập, viêm da cơ địa là bệnh lành tính và hầu như không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngay cả khi tái phát nhiều lần, bệnh lý này cũng không gây ra các biến chứng hay ảnh hưởng quá nặng nề. Tuy nhiên, tình trạng tái đi tái lại có thể khiến việc điều trị kéo dài, chất lượng cuộc sống đi xuống và gây hao tốn tài chính.

Một số biến chứng, ảnh hưởng bệnh nhân có thể gặp phải khi viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần:

  • Viêm da cơ địa bội nhiễm
  • Viêm da thần kinh
  • Khiến trẻ chậm phát triển về thể chất
  • Phát triển các bệnh cơ địa khác như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, sốt cỏ khô, viêm phế quản,…
  • Da dễ bị nhiễm trùng do nấm, virus và vi khuẩn
  • Da thâm nhiễm, nổi cộm, nứt nẻ ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ
  • Ngứa ngáy dai dẳng gây mất ngủ, mệt mỏi, hình thành tâm lý lo âu và căng thẳng

Có thể thấy, mặc dù không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng viêm da cơ địa gây ra vô số tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, việc kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tái phát là vấn đề quan trọng bệnh nhân cần tích cực thực hiện.

Cách phòng ngừa viêm da cơ địa tái phát nhiều lần

Tái phát là một trong những đặc tính của viêm da cơ địa. Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng bệnh nhân có thể giảm tần suất và mức độ bệnh tái phát bằng một số biện pháp sau:

1. Tìm gặp bác sĩ và điều trị y tế

Trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh, rầm rộ, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị. Việc điều trị ở giai đoạn này giúp kiểm soát tổn thương da, giảm ngứa và hạn chế phạm vi ảnh hưởng của bệnh.

viêm da cơ địa tái đi tái lại
Điều trị y tế giúp kiểm soát triệu chứng của bệnh và giảm nguy cơ bệnh tái phát đáng kể

Sau khi sử dụng thuốc bôi, thuốc uống và liệu pháp ánh sáng, các triệu chứng của bệnh sẽ giảm đi đáng kể và duy trì ở mức ổn định. Vì không thể chữa khỏi hoàn toàn nên các phương pháp điều trị viêm da cơ địa chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định. Lạm dụng các phương pháp này quá mức có thể gây ra không ít rủi ro và biến chứng.

Nên xem: Viêm Da Cơ Địa Có Lây Không? Các Lưu Ý Phòng Bệnh Hiệu Quả

2. Tránh các yếu tố có khả năng kích ứng, dị ứng

Có khá nhiều yếu tố có thể làm bùng phát triệu chứng của viêm da cơ địa. Do đó để giảm tần suất bệnh tái phát, bệnh nhân nên tránh tiếp xúc với các yếu tố có khả năng gây kích ứng, dị ứng như:

viêm da cơ địa tái đi tái lại
Thay thế xà phòng bằng các sản phẩm làm sạch tự nhiên để ngăn ngừa bệnh tái phát
  • Thức ăn dị ứng hoặc có nguy cơ dị ứng cao như hải sản, đậu phộng, mè,…
  • Phấn hoa, nấm mốc, bụi bẩn và chất dị ứng có trong không khí.
  • Người bị viêm da cơ địa thường dị ứng với quần áo có chất len dạ. Vì vậy, nên tránh sử dụng trang phục được may từ chất liệu này.
  • Xà phòng khiến màng lipid trên bề mặt da suy giảm, da dễ mất nước, khô ráp và bong tróc. Đây là điều kiện thuận lợi để bệnh bùng phát mạnh. Do đó, bệnh nhân nên thay thế bằng các loại xà phòng chứa chất làm sạch từ thiên nhiên, độ pH cân bằng và không chứa hương liệu.
  • Tránh các chất kích thích thần kinh trung ương như rượu bia, thuốc lá, cà phê,…
  • Tác động cơ học cũng là yếu tố khiến bệnh bùng phát và lan tỏa rộng. Do đó, nên hạn chế chà xát, gãi, ma sát,… lên da – đặc biệt là những vùng da đã từng xuất hiện tổn thương dạng eczema.
  • Xem xét bảng thành phần của các sản phẩm chăm sóc da (sữa tắm, kem dưỡng, sữa rửa mặt,…) trước khi chọn mua. Bạn nên ưu tiên sử dụng những sản phẩm sữa tắm, kem dưỡng dành cho da bị viêm da cơ địa.
  • Thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe (cơ địa dị ứng) để được chỉ định loại thuốc phù hợp. Vì một số loại thuốc có thể gây dị ứng ở những người có cơ địa mẫn cảm.

3. Kiểm soát tâm trạng

Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng đa phần bệnh nhân bị viêm da cơ địa, tổ đỉa, vảy nến,… đều có thuộc tuýp thần kinh dễ kích động. Khi bị stress, lo âu và xúc động quá mức, nồng độ Acetylcholine có thể tăng lên và kích hoạt phản ứng dị ứng.

viêm da cơ địa tái đi tái lại
Giữ tâm trạng thoải mái, lạc quan là cách phòng ngừa viêm da cơ địa tái đi tái lại hiệu quả

Do đó, bệnh nhân nên giữ tâm lý thoải mái, lạc quan và tập kiểm soát tâm trạng để tránh gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Để phòng ngừa căng thẳng, nên cân chỉnh thời gian nghỉ ngơi – làm việc, tập thể thao, đọc sách, ngủ đủ giấc, vui chơi giải trí,…

4. Nâng cao sức khỏe tổng thể

Suy giảm miễn dịch là yếu tố thuận lợi khiến cho viêm da cơ địa và các bệnh lý có cơ chế dị ứng bùng phát mạnh. Để phòng ngừa tình trạng bệnh tái đi tái lại, bệnh nhân nên thực thiện một số biện pháp nhằm nâng cao sức khỏe tổng thể như:

viêm da cơ địa tái đi tái lại
Thể trạng khỏe mạnh có thể giảm độ nhạy cảm của hệ miễn dịch và hạn chế bệnh tái phát đáng kể
  • Ăn uống điều độ, đúng giờ và đủ bữa. Tập trung vào các nhóm thực phẩm lành mạnh, giàu vitamin, khoáng chất và axit béo không no.
  • Tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích, hạn chế dùng các loại thực phẩm chế biến sẵn và nước ngọt có gas.
  • Cân đối thời gian làm việc, tránh lao động quá mức khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi.
  • Dành 20 – 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể dục thể thao. Nên lựa chọn bộ môn có cường độ phù hợp với thể trạng để tránh tình trạng mất sức, mệt mỏi quá mức sau khi tập.
  • Tắm nắng từ 10 – 15 phút trước 9:00 sáng là biện pháp tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả. Ngoài ra, tác động từ tia UVB và UVA trong ánh nắng tự nhiên còn hỗ trợ làm giảm các rối loạn ở lớp sừng của da.
  • Hạn chế stress, giữ tâm trạng thoải mái và lạc quan.

5. Chăm sóc da đúng cách

Tình trạng thiếu hụt filaggrin và loricrin khiến bệnh nhân viêm da cơ địa thường xuyên gặp phải tình trạng da nứt nẻ, khô căng và ngứa ngáy. Da khô quá mức khiến hàng rào bảo vệ suy giảm, dị nguyên dễ dàng xâm nhập và kích hoạt triệu chứng của bệnh bùng phát.

Vì vậy, biện pháp cơ bản nhất để quản lý triệu chứng và phòng ngừa viêm da cơ địa tái đi tái lại là chăm sóc da đúng cách. Thực tế cho thấy, các biện pháp chăm sóc có thể cải thiện sức khỏe của da, giảm mức độ nhạy cảm với các yếu tố kích ứng và cải thiện triệu chứng khô ráp, bong tróc và ngứa ngáy rõ rệt.

viêm da cơ địa tái đi tái lại
Chăm sóc da là bước căn bản để kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa viêm da cơ địa tái phát

Các biện pháp chăm sóc da cho bệnh nhân viêm da cơ địa:

  • Dưỡng ẩm là biện pháp có vai trò quan trọng nhất đối với việc phòng ngừa và kiểm soát tiến triển của viêm da cơ địa. Do đó, cần dưỡng ẩm 2 – 4 lần/ ngày trong tất cả các giai đoạn của bệnh và nên duy trì dùng 2 lần/ ngày ngay cả khi da lành hẳn, không có biểu hiện bất thường.
  • Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da an toàn, lành tính. Hiện nay, các thương hiệu dược mỹ phẩm cũng đã nghiên cứu và phát triển nhiều dòng sản phẩm dành cho người bị vảy nến, viêm da cơ địa, da khô, nhạy cảm…
  • Tránh để da tiếp xúc với mỹ phẩm chứa chì, hương liệu và các chất lột tẩy, ăn mòn da.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm khi thời tiết khô hanh. Độ ẩm không khí tăng giúp da giảm mất nước, hạn chế khô căng và nứt nẻ quá mức.
  • Vì hàng rào da suy giảm nên bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng da do nấm, vi khuẩn và virus. Do đó, cần chú ý vệ sinh da bằng các sản phẩm dịu nhẹ và hạn chế tiếp xúc với người mắc các bệnh viêm nhiễm da, mô mềm.

Viêm da cơ địa tái đi tái lại gây ra không ít ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Mặc dù đây là tính chất đặc trưng của bệnh và khó thay đổi nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể giảm thiểu tần suất bệnh tái phát bằng các biện pháp đơn giản. Để được tư vấn cụ thể hơn, nên tìm gặp và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa da liễu.