Viêm Tai Xương Chũm Xuất Ngoại Là Tình Trạng Gì? Cách Trị

Viêm tai xương chũm xuất ngoại là tình trạng vỡ mủ, mủ thoát ra ngoài xương chũm. Bệnh được chia làm nhiều thể khác nhau, có thể xuất ngoại ở giai đoạn cấp tính hoặc xuất ngoại ở giai đoạn mãn tính gây viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm xuất ngoại. 

Viêm tai xương chũm xuất ngoại là gì?

Xương chũm là bộ phận của tai giữa, chứa nhiều thông bào, trong đó có một thông bào lớn nhất gọi là sào bào. Viêm tai xương chũm là tình trạng tổn thương ở xương chũm, bệnh tích chủ yếu là viêm tắc mạch máu, viêm loãng xương, các vách ngăn giữa các tế bào bị phá hủy, xuất hiện các túi mủ do ổ mủ tập trung lại thành.

Sưng vùng da chũm tai do viêm tai xương chũm
Sưng vùng da chũm tai do viêm tai xương chũm

Viêm tai xương chũm xuất ngoại là tình trạng ổ mủ thoát ra ngoài xương chũm. Có 2 dạng thường gặp là viêm tai xương chũm cấp tính xuất ngoại và viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm xuất ngoại:

– Viêm tai xương chũm cấp tính xuất ngoại

Khi mắc bệnh, sẽ có sự xuất hiện của các túi mủ do ổ mủ tập trung tạo thành. Nếu mủ làm phá vỡ lớp bảo vệ xung quanh và chảy ra những tổ chức bên ngoài tai, sẽ gây ra chứng viêm tai xương chũm xuất ngoại.

Bệnh gây ra tình trạng sưng phồng phía sau tai, vành tai bị đẩy ra phía trước, có mủ chảy dọc theo vùng cổ xuống cơ của cổ ức đòn chũm, dẫn đến sưng tấy tại vùng cổ. Mủ thậm chí có thể phá vỡ da tại vùng này và gây ra các lỗ rò.

– Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm xuất ngoại

Viêm tai xương chũm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ chuyển biến thành mãn tính, dẫn đến sự xuất hiện của bệnh viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm xuất ngoại. Bệnh được chia làm nhiều thể khác nhau.

Bệnh xảy ra trên cơ sở viêm xương chũm mạn tính hồi viêm, nhất là khi có Cholesteatoma, khiến xương bị phá hủy làm mủ thoát ra ngoài xương chũm. Các thể bệnh của viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm xuất ngoại gồm: Xuất ngoại thể sau tai, xuất ngoại mỏm chũm, xuất ngoại thái dương – mỏm tiếp, xuất ngoại vào ống tai ngoài, xuất ngoại nền chũm.

Có thể bạn quan tâm: Hướng Dẫn Bạn Cách Chăm Sóc Sau Mổ Viêm Tai Xương Chũm Nhanh Hồi Phục

Triệu chứng nhận biết viêm tai xương chũm xuất ngoại

Viêm xương chũm xuất ngoại xuất hiện trên nền bệnh viêm tai xương chũm cấp hoặc viêm xương chũm hồi viêm, nhất là khi có bệnh tích Cholesteatoma. Bệnh được chia làm nhiều thể khác nhau, tùy vào vị trí của mủ thoát ra ngoài xương chũm mà sẽ có những triệu chứng khác nhau. Có thể kể đến như:

Đau nhức tai, ấn vào vùng xương chũm thấy đau là triệu chứng đặc trưng của bệnh
Đau nhức tai, ấn vào vùng xương chũm thấy đau là triệu chứng đặc trưng của bệnh

1. Xuất ngoại thể sau tai

Đây là thể thường gặp nhất, xảy ra khi mủ phá vỡ thành ngoài của sào bào, tạo thành một lỗ dò xương. Khi mắc viêm tai xương chũm xuất ngoại thể này, người bệnh thường có các triệu chứng như:

  • Sưng phồng vùng chũm sau tai, tình trạng sưng ngày càng nghiêm trọng
  • Vành tai bị đẩy vểnh ra phía trước
  • Phồng nếp rãnh sau tai khiến nếp rãnh này mất đi (gọi là dấu hiệu Jacques)
  • Ấn vào mặt chũm thấy mềm, lùng nhùng, cảm giác đau rõ rệt…

2. Xuất ngoại mỏm chũm (thể Bezold)

Ở thể này, mủ thoát ra ở mỏm chũm và chảy vào phía trong bao cơ ức đòn chũm. Bệnh thường gây ra các triệu chứng ở cổ bên dưới tai:

  • Sưng tấy ở vùng cổ dưới chũm
  • Cơ ức đòn chũm bị đẩy phồng lên
  • Ấn vào mỏm chũm thấy có cảm giác đau rõ rệt
  • Cổ bị nghẹo sang một bên, đau nhiều khi quay cổ
  • Ấn vào vùng dưới chũm thấy mủ phòi ra ống tai ngoài

Đọc thêm: Viêm Tai Xương Chũm Mạn Tính Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

3. Xuất ngoại thái dương – mỏm tiếp

Thể bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Xảy ra do nhóm thông bào trên – trước tai bị phá hủy thành rò xương. Người bệnh sẽ gặp phải tình trạng mủ chảy theo bao cơ thái dương hàm, gây ra các triệu chứng ở khu vực này. Các triệu chứng thường gặp ở thể này là:

  • Sưng tấy vùng trên trước tai, vành tai bị đẩy xuống dưới và ra ngoài
  • Sưng nề vùng mỏm tiếp và quanh ổ mắt do mủ đầy làm phồng hõm thái dương hoặc lấn ra phía trước
  • Nếu mủ đẩy xuống dưới thấp sẽ ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm, khiến người bệnh đau khi nhai hoặc khít hàm.

 4. Xuất ngoại vào ống tai ngoài (thể Gelle)

Khi mắc thể này, nhóm thông bào vùng tường dây thần kinh số 7 bị phá hủy, tạo thành lỗ rò xương vào thành sau ống tai ngoài. Bệnh gây ra các triệu chứng như:

  • Mủ chảy ở lỗ rò thành sau ống tai
  • Dùng móc thăm dò lỗ rò chảy mủ thấy chạm xương
  • Có nguy cơ bị liệt mặt ngoại biên do dây thần kinh số 7 bị tổn thương.

5. Xuất ngoại nền chũm (thể Mouret)

Ở thể này, nhóm thông bào vùng nền bị phá hủy thành lỗ dò. Cơ ức đòn chũm, cơ nhị thân che đi mủ nên khó nhìn thấy. Thể này rất hiếm gặp, có các triệu chứng như:

  • Sưng tấy ở góc hàm, tình trạng sưng tấy lan ra vùng cổ
  • Có thể bị sưng tấy mủ vùng gáy dưới chẩm
  • Mủ chảy vào bên trong gây áp xe thành bên họng
  • Tổn thương vùng vịnh tĩnh mạch cảnh gây nhiễm khuẩn huyết.

Tham khảo thêm: Viêm Tai Xương Chũm Hài Nhi: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Điều Trị

Biến chứng của viêm tai xương chũm xuất ngoại

Viêm tai xương chũm là bệnh nguy hiểm, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, khi có các triệu chứng của bệnh, bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện để thăm khám và điều trị. Tuyệt đối không nên lơ là, chủ quan, bỏ qua các triệu chứng bệnh.

Các biến chứng của viêm tai xương chũm xuất ngoại có thể kể đến như:

  • Có thể tiến triển thành mãn tính với các triệu chứng nghiêm trọng, nguy hiểm
  • Dễ gây ra các biến chứng hiểm nghèo như viêm xương đá, liệt mặt, viêm mê nhĩ, cốt tủy viêm xương thái dương
  • Gây ra các biến chứng nội sọ nguy hiểm như viêm màng não, áp xe đại não, áp xe tiểu não…

Đặc biệt, các trường hợp viêm tai xương chũm thường xuất hiện cholesteatoma. Đây là khối u biểu bì lạc chỗ, nằm ở xương chũm, rất nguy hiểm, có thể ăn mòn xương, làm phá hủy chuỗi xương con, gây biến chứng nội sọ. Những tình trạng như viêm tai xương chũm có Cholesteatoma, viêm xương chũm mạn tính hồi viêm bắt buộc phải phẫu thuật kết hợp cùng điều trị nội khoa để tránh biến chứng.

Đọc thêm: Viêm Tai Giữa Có Bị Đau Đầu Không? Cách Điều Trị Dứt Điểm

Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc viêm tai xương chũm, người bệnh nên nhanh chóng thăm khám để được điều trị kịp thời, đúng cách. Tùy vào tình trạng bệnh và sức khỏe của bệnh nhân cũng như kinh nghiệm của bác sĩ mà người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán và điều trị nhất định.

Cần sớm thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán viêm tai xương chũm

Các phương pháp chẩn đoán bệnh thường là:

  • Thăm khám lâm sàng thông qua triệu chứng bệnh
  • Thực hiện các phương pháp cận lâm sàng như chụp X-quang xương chũm, chụp cắt lớp vi tính, thính lực đồ, công thức máu…

Phương pháp điều trị

Đối với viêm tai xương chũm xuất ngoại, tùy vào tình trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Đa phần các trường hợp sẽ được chỉ định phẫu thuật cấp để dẫn lưu mủ, khoét chũm, kết hợp với điều trị nội khoa.

Một số kiểu phẫu thuật cho viêm tai xương chũm thể lâm sàng đặc biệt như sau:

  • Trường hợp viêm xương chũm xuất ngoại ở cổ: Cần rạch kéo dài đường rách sau tai đi dưới quá mỏm chũm 10 mm. Sau đó tiến hành bóc tách hết các thớ của cơ ức đòn chũm, bỏ toàn bộ chũm đến khi lộ gờ bám của cơ nhị thân ở sau mỏm.
  • Trường hợp viêm tai xương chũm xuất ngoại thái dương: Cần rạch da sau tai lên cao, dài về phía trước ống tai, mở nạo hang chũm, ống thông hang và mở rộng về phía nhóm xoang chũm mỏm thái dương.

ĐỌC NGAY: Phẫu Thuật Viêm Tai Xương Chũm: Các Phương Pháp Phẫu Thuật Và Một Số Lưu Ý

Biện pháp phòng ngừa

Viêm tai giữa, viêm tai xương chũm là bệnh có thể phòng ngừa được. Khi có các triệu chứng bệnh, đặc biệt là đau tai, chảy mủ tai, sốt cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để được chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, chúng ta có thể phòng bệnh tái phát bằng cách:

  • Giữ vệ sinh tai sạch sẽ, vệ sinh tai đúng cách, tránh sử dụng bông tăm ngoáy tai
  • Tránh để nước lọt vào tai nhất là khi đi bơi lội, sau khi đi bơi cần vệ sinh lại tai cho sạch sẽ để tránh nhiễm trùng
  • Hạn chế để viêm tai quá lâu, khi có các triệu chứng bất thường, nghi ngờ viêm tai thì nên thăm khám bác sĩ tránh để bệnh kéo dài, có thể gây ra những hệ lụy không lường.
  • Thường xuyên khám, kiểm tra sức khỏe chuyên khoa định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh lý của cơ thể.

Viêm tai xương chũm xuất ngoại là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Việc điều trị căn bệnh này được xem là tương đối khó khăn, do đó, người bệnh cần kiên trì, phối hợp theo phác đồ của bác sĩ.

Có thể bạn quan tâm