Viêm Tai Xương Chũm Mạn Tính Hồi Viêm Và Cách Điều Trị

Viêm tai xương chũm là bệnh lý của tai giữa, thường xuất hiện do vi khuẩn tấn công qua lớp niêm mạc hòm tai và xương chũm gây viêm. Khi các triệu chứng bệnh kéo dài, không được can thiệp và điều trị đúng cách có thể chuyển biến thành mãn tính, nghiêm trọng hơn có thể gây viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm. 

Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm là gì?

Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm được xem là một thể của viêm tai xương chũm mạn tính, hay chính xác là biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường gặp nhất là những trẻ trong độ tuổi từ 8 – 15.

Viêm tai xương chũm hồi viêm là bệnh nguy hiểm, nếu có cholesteatoma có thể gây tử vong
Viêm tai xương chũm hồi viêm là bệnh nguy hiểm, nếu có cholesteatoma có thể gây tử vong

Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm là tình trạng thường xảy ra trên cơ sở 1 viêm tai xương chũm mạn tính có 1 đợt bội nhiễm. Bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng cấp tính cơ bản, kèm theo biểu hiện của bội nhiễm, nếu không kịp thời phát hiện và điều trị sẽ vô cùng nguy hiểm cho người bệnh. Đây được xem là một cấp cứu trong tai mũi họng, phải xử lý kịp thời, nhanh chóng, kết hợp nội và ngoại khoa.

Bệnh xuất hiện trên nền bệnh viêm tai xương chũm nên sẽ có các triệu chứng đặc trưng như đau tai, chảy mủ tai, khả năng nghe kém, da vùng chũm sau tai nề, dày, hơi đỏ… Đặc biệt, người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng sốt toàn thân thể trạng nhiễm trùng. Sốt cao từ 39 – 40 độ C và kéo dài, thậm chí có thể gây co giật. Người mệt mỏi, nước tiểu ít, sẫm màu, kém ăn, môi khô, lưỡi bẩn…

Trong nghiên cứu dịch tễ học, các bác sĩ nhận thấy, có đến 70% các trường hợp viêm tai xương chũm mạn tính có bệnh tích Cholesteatoma. Đồng thời, các biến chứng của viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm chiếm 90% các biến chứng do tai.

Xem thêm: Bệnh Viêm Tai Xương Chũm Có Cholesteatoma: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân chính gây viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm là do người bệnh mắc bệnh viêm tai giữa nguy hiểm, viêm tai xương chũm cấp không được theo dõi, phát hiện và điều trị kịp thời hoặc điều trị không dứt điểm. Cộng thêm các yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Viêm tai xương chũm thực chất là viêm tai giữa, xuất hiện do vi khuẩn tấn công niêm mạc hòm tai và các thông bào xương chũm. Sau đó diễn biến thành viêm xương chũm, khi viêm xương chũm chuyển biến thành mạn tính, có sự xuất hiện của bội nhiễm thì gọi là viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm.

Các yếu tố thuận lợi làm gia tăng nguy cơ viêm xương chũm hồi viêm là:

  • Vi khuẩn gây bệnh có độc tố quá mạnh hoặc người bệnh bị viêm tai do tụ cầu gây ra
  • Cấu trúc xương chũm có các thông bào nhiều và to, tùy vào sự phát triển của nhóm thông bào mà người bệnh có thể bị hồi viêm xuất ngoại theo vị trí tương ứng.
  • Mủ dẫn lưu không tốt có thể do khối Cholesteatoma chắn đường dẫn lưu mủ hoặc do khối polyp khiến mủ bị ứ đọng
  • Sức đề kháng của người bệnh suy giảm do còi xương, suy dinh dưỡng; do mắc các bệnh nhiễm khuẩn toàn thân, nhiễm khuẩn lây; hoặc do mắc các bệnh toàn thân khác như HIV/AIDS, tiểu đường…
  • Khi có sự xuất hiện của cholesteatoma, đây là khối sừng hóa hay còn gọi là khối u biểu bì lạc chỗ, có thể ăn mòn xương, gây các biến chứng về nội sọ.

Có thể bạn quan tâm: Bệnh Viêm Tai Giữa Có Lây Không? Dấu Hiệu Và Cách Phòng Ngừa

Triệu chứng nhận biết

Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm là đợt viêm cấp tính ở người bị viêm xương chũm mạn tính. Đây là tình trạng đặc biệt nguy hiểm, có thể gây các biến chứng như viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch, viêm xương chũm mạn tính hồi viêm xuất ngoại…

Đau tai, chảy mủ tai mùi thối khẳn là triệu chứng đặc trưng của bệnh
Đau tai, chảy mủ tai mùi thối khẳn là triệu chứng đặc trưng của bệnh

Các triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn với viêm xương chũm, viêm tai giữa cấp… Các triệu chứng của bệnh thường là:

  • Tai đau âm ỉ, có đợt đau nghiêm trọng
  • Chảy mủ tai đặc thối, có mùi khó chịu
  • Khả năng nghe càng ngày càng kém
  • Đột nhiên sốt cao 39 – 40 độ, kéo dài và có thể xuất hiện co giật
  • Có các dấu hiệu của nhiễm trùng như người mệt mỏi, nước tiểu ít, sẫm màu, môi khô, lưỡi bẩn…
  • Đau sâu trong tai và vùng chũm sau tai, có thể đau nhức vùng đầu
  • Ù tai, khả năng nghe kém, mủ chảy nhiều hoặc ít, mùi thối rõ
  • Da vùng chũm sau tai nề, dày, hơi đỏ, ấn vào thấy đau

Đọc thêm: Viêm Tai Giữa Có Mủ: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Chẩn Đoán Và Điều Trị

Các biến chứng thường gặp

Viêm tai xương chũm hồi viêm được đánh giá là vô cùng nguy hiểm, nếu có kèm theo khối Cholesteatoma thì nguy cơ tử vong là rất cao. Đây là một trong các mối nguy hiểm của bệnh viêm tai xương chũm mạn tính. Là đợt cấp tính của bệnh, cần được sớm can thiệp và điều trị, có sự kết hợp của cả nội khoa lẫn ngoại khoa.

Bệnh được xếp vào loại viêm tai nguy hiểm, là một trong những cấp cứu của chuyên khoa Tai – Mũi – Họng. Các biến chứng của bệnh có thể kể đến như:

Viêm tai xương chũm hồi viêm xuất ngoại là tình trạng xương bị phá hủy nhiều do cholesteatoma khiến mủ thoát ra ngoài xương chũm. Bệnh dễ gây các biến chứng đặc biệt nguy hiểm như viêm xương đá, liệt mặt, biến chứng nội sọ, cốt tủy viêm xương thái dương… Các biến chứng này không thể hồi phục, vô cùng nguy hiểm, cần được phẫu thuật tiệt căn để tránh đe dọa tính mạng người bệnh.

Theo các chuyên gia, có đến 70% các trường hợp viêm tai xương chũm mạn tính có bệnh tích Cholesteatoma. Đây là khối u biểu bì lạc chỗ nằm ở xương chũm, có thể phá hủy chuỗi xương con, ăn mòn các thành xương chũm, gây ra các biến chứng về nội sọ.

Tìm hiểu thêm: Viêm Tai Giữa Tái Đi Tái Lại: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Khắc Phục

Chẩn đoán viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm

Bệnh thường được chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm phát triển trên cơ sở 1 viêm tai xương chũm mạn tính.

1. Chẩn đoán lâm sàng

Bệnh nhân có các biểu hiện như có tiền sử đau tai âm ỉ, khả năng nghe càng ngày càng kém, chảy mủ tai đặc, thối khản, kèm theo một đợt viêm với các triệu chứng cấp tính. Cụ thể:

– Toàn thân sốt – thể trạng nhiễm trùng

Sốt cao 39 – 40 độ C, kéo dài ở trẻ nhỏ. Người mệt mỏi, lưỡi bẩn, ăn kém, môi khô, nước tiểu ít, sẫm màu.

– Triệu chứng cơ năng

Đặc trưng với 3 triệu chứng gồm đau tai – nghe kém – chảy mủ tai. Trong đó:

  • Đau tai là triệu chứng chính, đau sâu trong tai và vùng chũm sau tai, đau tăng lên dữ dội, có thể lan ra vùng thái dương.
  • Khả năng nghe kém, thể truyền âm hoặc hỗn hợp, có thể kèm theo chóng mặt, ù tai.
  • Chảy mủ tai nhiều hoặc ít nhưng có mùi thối rõ rệt

– Triệu chứng thực thể

Người bệnh gặp phải các triệu chứng như da vùng chũm sau tai nề, dày, hơi đỏ, khi ấn vào có cảm giác đau rõ rệt. Mủ tai chảy nhiều, mùi thối rõ, có khi chảy ít và thối nhiều. Mủ tai thường có màu vàng óng ánh hoặc lẫn chất lổn nhổn trắng của cholesteatoma.

Khi soi tai thấy có các dấu hiệu như sập thành sau trên ông tai, da thành sau ống tai nề hoặc bong ra khỏi thành xương, sa xuống và che lấp 1 phần ống tai ngoài. Trên tai có lỗ thủng rộng, bờ nham nhở, sát khung xương đáy bẩn, ở thượng nhĩ màng trùng có lỗ nhỏ.

Có thể có các biến chứng xuất ngoại như sau tai, mỏm chũm, nền chũm, thái dương mỏm tiếp. Về nội sọ có thể có các biến chứng như:

  • Viêm màng não: Nôn, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, gáy cứng
  • Viêm tĩnh mạch bên: có cơn rét run, xuất hiện hội chứng nhiễm khuẩn huyết
  • Viêm mê nhĩ: Ù tai tiếng cao, chóng mặt…

2. Cận lâm sàng

Các phương pháp thường được chỉ định trong chẩn đoán cận lâm sàng thường là X-quang, thính lực đồ, công thức máu. Cụ thể:

  • X-quang: Phim Schuller thấy thông bào xương chũm mờ đặc, mất thông bào hoặc tiêu xương. Nếu có cholesteatoma sẽ thấy ổ tiêu xương hình đa vòng, có bờ bọc quanh đậm rõ. Phim Chaussé III thấy bệnh tích vùng sào bào, sào đạo, sào bào thượng nhĩ.
  • Thính lực đồ: Thấy hình ảnh nghe kém truyền âm hoặc hỗn hợp.
  • Công thức máu: Thấy máu lắng, số lượng bạch cầu tăng cao, nhất là bạch cầu đa nhân trung tính.

Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm cần phân biệt với viêm tai xương chũm cấp, viêm ống tai ngoài, nhọt ống tai ngoài, viêm hạch tổ chức bạch huyết sau tai hay ung thư tai.

Có thể bạn quan tâm: TOP 7 Bài Thuốc Đông Y Chữa Viêm Tai Giữa Cực Hiệu Nghiệm

Phương pháp điều trị viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm

Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm là bệnh không tự khỏi. Bệnh có thể gây ra tình trạng mủ thoát ra ngoài xương chũm, dẫn đến biến chứng nguy hiểm, có thể gây xuất ngoại thể sau tai, ống tai, thái dương… Khi có các dấu hiệu của bệnh, bệnh nhân cần phải nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để được điều trị.

Bệnh thường được điều trị bằng phẫu thuật kết hợp với điều trị nội khoa
Bệnh thường được điều trị bằng phẫu thuật kết hợp với điều trị nội khoa

Đây được xem là 1 cấp cứu trong tai mũi họng, cần được xử trí kịp thời, có sự kết hợp giữa nội và ngoại khoa. Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử trí phù hợp. Bệnh không thể tự khỏi, khi đã chuyển biến thành mãn tính, có biến chứng, người bệnh phải kiên trì điều trị, tuân theo chỉ định của bác sĩ thì mới có thể điều trị dứt điểm.

Khi bị viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm, người bệnh sẽ được chỉ định:

  • Phẫu thuật: Mục đích của phẫu thuật để loại bỏ phần xương chũm đang bị nhiễm trùng và không thể hồi phục được.
  • Điều trị nội khoa: Được tiến hành sau phẫu thuật, các thuốc được sử dụng trong điều trị là dùng kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, chống viêm. Mục đích là để điều trị triệt để, phòng ngừa biến chứng cho người bệnh.

Đọc thêm: Phẫu Thuật Viêm Tai Xương Chũm: Các Phương Pháp Phẫu Thuật Và Một Số Lưu Ý

Lời khuyên cho người bị viêm tai xương chũm

Người bị viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm cần đặc biệt lưu ý. Đây là bệnh nguy hiểm, cần được cấp cứu và điều trị kịp thời. Nếu không được xử trí đúng cách sẽ dẫn đến viêm tai xương chũm xuất ngoại và các biến chứng về xương, thần kinh, nội sọ (viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch bên). Người bệnh viêm tai xương chũm cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ, các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách.
  • Thăm khám ngay khi bệnh nhân có các biểu hiện như chảy mủ tai, xuất hiện sốt, đau tai, nhức đầu, khả năng nghe kém…
  • Sau khi thăm khám, cần phối hợp với bác sĩ để điều trị. Nên dùng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tuyệt đối không tự ý mua và dùng kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc nhỏ tai khi có các triệu chứng bất thường về tai mũi họng.

Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm là bệnh nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Bệnh nhân tuyệt đối không nên chủ quan khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, đặc biệt là tình trạng sốt, đau tai, chảy mủ tai…

Bài viết hấp dẫn