Viêm Tai Giữa Tái Đi Tái Lại: Nguyên Nhân và Cách Khắc Phục

Viêm tai giữa là bệnh có nguy cơ tái đi tái lại nhiều lần nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách hoặc điều trị không dứt điểm. Bệnh cũng có thể tái phát do cơ địa của bệnh nhân, kết hợp cùng những yếu tố thuận lợi từ môi trường, cách chăm sóc sau điều trị chưa phù hợp. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến bệnh viêm tai giữa tái đi tái lại nhiều lần và cách khắc phục mà bạn có thể tham khảo.

Viêm tai giữa có tái phát không?

Viêm tai giữa tái đi tái lại
Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi, bệnh có nguy cơ tái phát nhiều lần

Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi, do cấu trúc và chức năng tai chưa hoàn thiện, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn, virus trú ngụ, phát triển gây bệnh. Bệnh được chia làm nhiều dạng như viêm tai giữa cấp tính, viêm tai giữa mãn tính, viêm tai giữa ứ dịch

Tác nhân chủ yếu gây bệnh là các loại virus, vi khuẩn gây bệnh như Haemophilus Influenzae, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, virus hợp bào hô hấp, liên cầu khuẩn nhóm A… Bệnh gây ra các triệu chứng thường gặp như sốt, đau đầu, đau tai, nghe kém, giảm nhạy cảm với âm thanh, mất thăng bằng, chán ăn, dịch hoặc mủ chảy ra ống tai ngoài…

Các triệu chứng của viêm tai giữa có thể thuyên giảm sau  7 – 10 ngày. Thậm chí nếu chỉ mắc thể nhẹ thì chỉ 3 – 5 ngày là các triệu chứng của bệnh đã biến mất. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp phải can thiệp, điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa để tránh các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, đây là căn bệnh có nguy cơ tái phát cao, bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần do cơ địa của trẻ hoặc do điều trị không đúng cách.

Xem thêm định nghĩa: Viêm Tai Giữa Là Bệnh Gì? Có Nguy Hiểm Không? Cách Xử Lý

Nguyên nhân viêm tai giữa tái đi tái lại

Viêm tai giữa tái đi tái lại là tình trạng bệnh tái phát nhiều lần, tần suất xuất hiện thường xuyên, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe lẫn chất lượng cuộc sống. Có thể do bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, dẫn đến chuyển biến thành mãn tính. Viêm tai giữa mãn tính là tình trạng niêm mạc tai giữa bị viêm kéo dài trên 3 tháng mà không biến mất.

Hoặc các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm sau một thời gian thì tái phát trở lại, có thể nghiêm trọng hơn. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm tai giữa tái đi tái lại. Có thể kể đến như:

1. Do thuốc điều trị hoặc cơ địa

Trẻ bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần có thể xuất phát từ cơ địa hoặc cách dùng thuốc không đúng. Có những trường hợp, trẻ bị viêm tai giữa có thể tự khỏi sau 3 – 5 ngày, thậm chí chỉ 2 – 3 ngày mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, cũng có những trẻ phải sử dụng kháng sinh mới khỏi bệnh, nếu không điều trị có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.

Việc dùng kháng sinh cho trẻ cần phải đúng liều lượng và đủ ngày theo chỉ định của bác sĩ. Bé bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần có thể do ba mẹ cho con dùng kháng sinh không đúng cách, dừng quá sớm khi thấy triệu chứng đã hết. Hậu quả là việc điều trị không dứt điểm, tạo điều kiện cho bệnh tái phát trở lại.

Đặc biệt những trẻ có cơ địa dị ứng, môi trường sống không đảm bảo, thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng thì sẽ có nguy cơ tái phát viêm tai giữa thường xuyên. Các yếu tố như thời tiết lạnh, cơ địa dị ứng, môi trường sống thường xuyên có khói thuốc lá… chính là yếu tố khiến bệnh xuất hiện và hay tái phát ở trẻ.

Xem thêm: Bệnh Viêm Tai Giữa Có Lây Không? Cách Nhận Biết Và Phòng Ngừa

2. Không loại bỏ dứt điểm tác nhân gây bệnh

Viêm tai giữa tái đi tái lại nhiều lần do nhiều nguyên nhân
Tai giữa dễ bị tái viêm nếu không điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh

Viêm tai giữa có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu các tác nhân gây bệnh không được loại bỏ, trẻ sẽ có nguy cơ tái phát lại viêm tai giữa. Do đó, để tránh tình trạng viêm tai giữa tái phát, cần phải loại bỏ được dứt điểm căn nguyên của bệnh.

Tai giữa có vòi nhĩ thực hiện chức năng thông khí cho tai. Ở một số trẻ, V.A lớn, gây chèn ép lỗ vòi ở hầu họng, khiến hòm nhĩ không được thông khí dẫn đến tái viêm thường xuyên. Ngoài ra, tình trạng này còn khiến áp lực âm gia tăng, tạo điều kiện cho vi khuẩn ngược dòng gây bệnh. Chỉ khi được nạo V.A kết hợp đặt ống thông khí thì mới tránh được nguy cơ tái viêm tai giữa.

3. Nguyên nhân khác

Viêm tai giữa tái đi tái tại có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác như:

  • Trẻ được thăm khám và điều trị nhưng ba mẹ lại không theo phác đồ của bác sĩ. Không cho con tái khám theo lịch hẹn, tuy triệu chứng bệnh có giảm nhưng mầm mống gây bệnh vẫn còn trú ngụ bên trong cơ thể, khi gặp điều kiện thuận lợi lại tái phát.
  • Do ba mẹ tự dùng thuốc điều trị tại nhà hoặc điều trị cho trẻ không đúng cách, chỉ trị được ngọn, không trị được gốc khiến bệnh dễ tái phát.
  • Do trẻ hệ miễn dịch yếu, sức đề kháng kém, cộng theo nhiều yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, trẻ thường tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn… Hoặc do trẻ đi nhà trẻ từ sớm, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, làm tăng nguy cơ tái phát viêm tai giữa.
  • Do trẻ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như viêm amidan, viêm xoang, viêm họng… không được điều trị đúng cách, điều trị không dứt điểm khiến vi khuẩn lây lan sang tai, gây viêm tai giữa…

Tham khảo thêm: Bệnh Viêm Amidan Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? Cách Điều Trị Hiệu Quả

Cách điều trị viêm tai giữa

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé bị viêm tai giữa tái đi tái lại như phát hiện bệnh muộn khiến bệnh chuyển biến thành mãn tính, điều trị không đúng cách hoặc điều trị không triệt để. Hoặc cũng có thể do chăm sóc không đúng cách, không tuân thủ các lưu ý trong điều trị, theo dõi tái khám định kỳ hay các lưu ý về sinh hoạt trong phòng bệnh.

Thông thường, viêm tai giữa sẽ được điều trị bằng nhiều biện pháp khác nhau. Tùy theo từng giai đoạn mà có cách điều trị phù hợp:

– Giai đoạn sung huyết

Viêm tai giữa được chia làm 3 giai đoạn gồm: Sung huyết, ứ mủ và vỡ mủ. Ở giai đoạn sung huyết, tức là giai đoạn đầu của bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa bằng kháng sinh toàn thân.

Viêm tai giữa chủ yếu do các vi khuẩn như Haemophilus Influenzae, phế cầu, liên cầu… Vì vậy, loại kháng sinh thường được dùng là kháng sinh nhóm B lactam, kết hợp với các thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt, chống phù nề…

– Giai đoạn ứ mủ

Ở giữa đoạn ứ mủ, trẻ bị đau nhức bên tai viêm nhiều hơn, kèm theo các triệu chứng như ù tai, giảm thính lực, sốt, ho, đau họng, ngạt mũi, chảy nước mũi… Ở trẻ nhỏ thì trẻ thường ăn kém, bú kém, mất ngủ, bứt tai, quấy khóc.

Để điều trị viêm tai giữa giai đoạn ứ mủ, bệnh nhân thường được chỉ trích rạch màng nhĩ để dẫn lưu mủ. Đồng thời kết hợp cùng các thuốc điều trị toàn thân khác để làm giảm triệu chứng, loại bỏ tác nhân gây bệnh và ngăn ngừa biến chứng.

– Giai đoạn vỡ mủ

Viêm tai giữa nếu không điều trị thì dịch mủ trong tai sẽ gây thủng màng nhĩ và thoát ra ngoài. Có thể gặp phải các triệu chứng như ho, sốt, chảy mũi, tai ngoài thấy có mủ chảy ra, dịch màu vàng, đặc hoặc dạng nhầy mủ.

Để điều trị, trước hết cần làm sạch mủ còn lại bên trong tai bằng cách bơm dung dịch rửa vào tai, dùng dụng cụ làm sạch tai để lấy mủ và lau khô hết dung dịch. Tiếp đó, sử dụng các thuốc nhỏ tai phù hợp cho từng tình trạng, kết hợp cùng các biện pháp chăm sóc, vệ sinh tai mũi họng.

Có thể bạn quan tâm: Viêm Tai Giữa Có Mủ Nguy Hiểm Không? Nguyên Nhân Và Cách Chữa

Những sai lầm cần tránh trong điều trị viêm tai giữa

Để tránh khiến bé có nguy cơ mắc viêm tai giữa cũng như ngăn ngừa bệnh tái phát, trong quá trình chăm sóc trẻ, các bậc cha mẹ cần tránh mắc phải những sai lầm sau đây:

  • Tự ý mua kháng sinh điều trị: Không tự ý mua kháng sinh, thuốc điều trị cho trẻ bị viêm tai giữa. Không cho trẻ dùng thuốc theo hướng dẫn của những người không có chuyên môn, không dùng thuốc của trẻ mắc viêm tai giữa khác.
  • Ngưng thuốc khi thấy triệu chứng thuyên giảm: Không được tự ý cho trẻ ngưng sử dụng thuốc khi thấy các triệu chứng đã thuyên giảm. Kháng sinh cần được dùng đủ liều, đúng theo thời gian chỉ định để tránh nhờn thuốc và tránh các tác dụng phụ.
  • Không tái khám theo lịch hẹn: Trẻ mắc viêm tai giữa cần được chăm sóc, điều trị đúng cách. Cần tuân thủ các hướng dẫn, lưu ý của bác sĩ trong sinh hoạt để phòng ngừa bệnh tái phát. Nên thăm khám, theo dõi theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
  • Dùng oxy già, thuốc nhỏ tai bừa bãi: Dùng thuốc nhỏ tai, oxy già khi con bị viêm tai giữa là một sai lầm rất phổ biến. Oxy già làm bong lớp biểu bì bảo vệ da ống tai, có thể gây chít hẹp ống tai ngoài, ảnh hưởng đến chức năng nghe của tai. Hoặc có nhiều trường hợp, ba mẹ cạo các viên thuốc kháng sinh, rắc thuốc bột lên tai cao khi thấy tai con chảy nhiều nước, dịch mủ. Điều này rất nguy hiểm, sẽ làm bít tắc dẫn lưu dịch, gây phá hủy xương chũm của tai giữa.
  • Thường xuyên lấy ráy tai: Chỉ lấy ráy tai khi chúng nhiều quá mức, ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ. Tuyệt đối không được dùng tăm bông để lấy ráy tai cho con, tốt nhất nên đi khám bác sĩ chuyên khoa nếu thấy cần phải lấy ráy tai.
  • Lấy ráy tai không đúng cách: Việc lấy ráy tai không đúng cách như dùng tăm bông, dùng móc sắt, móc kèm chìa khóa lấy ráy tai cho bé rất nguy hiểm. Mặc dù không làm chấn thương chảy máu nhưng chúng lại tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm ống tai cho trẻ.
Tự ý cho trẻ dùng kháng sinh hay các loại thuốc nhỏ tai sẽ rất nguy hiểm
Tự ý cho trẻ dùng kháng sinh hay các loại thuốc nhỏ tai sẽ rất nguy hiểm

Có thể thấy, có rất nhiều vấn đề cần tránh trong điều trị viêm tai giữa cho trẻ. Trẻ bị viêm tai giữa cần được chăm sóc và điều trị đúng cách để các triệu chứng bệnh nhanh chóng thuyên giảm, phòng ngừa được tối đa nguy cơ gây biến chứng cũng như nguy cơ bệnh tái đi tái lại nhiều lần.

Có thể bạn quan tâm: TOP 7 Bài Thuốc Đông Y Chữa Viêm Tai Giữa Cực Hiệu Nghiệm

Cách phòng ngừa viêm tai giữa tái phát

Viêm tai giữa là bệnh có nguy cơ tái đi tái lại nhiều lần, đặc biệt là khi có nhiều yếu tố thuận lợi hoặc khi bệnh chưa được điều trị triệt để, dứt điểm, mầm mống bệnh chưa bị loại bỏ. Có thể phòng ngừa viêm tai giữa tái đi tái lại bằng cách:

  • Vệ sinh tai đúng cách, nhất là sau khi đi bơi, sử dụng đồ bảo hộ tai khi bơi, tránh bơi ở những nơi môi trường nước không đảm bảo vệ sinh.
  • Dùng dung dịch vệ sinh mũi, họng phù hợp, an toàn để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp và giảm thiểu nguy cơ mắc viêm tai giữa.
  • Vệ sinh tay sạch sẽ, tránh dùng tay, tăm bông để ngoáy tai, hạn chế đưa tay vào mũi, miệng, tai.
  • Giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng đãng, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng.
  • Hạn chế tiếp xúc với những người bị ho, hắt hơi, mắc các bệnh tai mũi họng, bệnh về đường hô hấp để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm.
  • Tránh các thói quen có thể gây viêm tai như dùng vật nhọn để ngoáy tai, dùng hóa chất, mỹ phẩm quá hạn, lạm dụng việc nhỏ tai, nhỏ mũi.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, ngủ đúng giờ, đủ giấc, luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng.

Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm tai giữa tái đi tái lại nhiều lần, cách phòng ngừa và điều trị mà bạn có thể tham khảo. Viêm tai giữa có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, bạn nên thăm khám tai định kỳ để kịp thời phát hiện, kiểm soát và phòng bệnh đúng cách.

Bài viết xem thêm