Quan Niệm Và Điều Trị Viêm Khớp Dạng Thấp Theo Y Học Cổ Truyền

Điều trị viêm khớp theo Đông y là phương pháp được nhiều bệnh nhân lựa chọn hiện nay nhờ tính hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn so với sử dụng thuốc Tây y. Cùng chúng tôi tìm hiểu quan niệm cũng như các bài thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền trong bài viết dưới đây.

Quan niệm về bệnh viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền

Đông y chia viêm khớp dạng thấp thành các loại khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Việc điều trị viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền cũng sẽ tập trung vào việc giải quyết tận gốc các nguyên nhân này.

Những nguyên nhân gây ra viêm khớp dạng thấp theo Đông y

Đông y cho rằng viêm khớp dạng thấp có nguyên nhân bên trong liên quan đến yếu tố di truyền hoặc sau sinh suy dinh dưỡng, thân nhiệt thấp, khí huyết kém lưu thông,… Căn nguyên bệnh viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền được phân thành 2 nhóm chính là nguyên nhân ngoại cảm và nội thương, cụ thể:

  • Nhóm nguyên nhân ngoại cảm: Bao gồm ba loại tà khí là Phong, Hàn và Thấp xâm nhập vào cơ thể người làm rối loạn sự lưu thông của khí huyết. Lúc này khí và huyết sẽ bị ngưng trệ đồng thời sinh ra các bệnh lý do khí huyết khó lưu thông. 3 loại tà khí này tích trữ và gây tắc nghẽn trong kinh lạc, nội tạng, gây ra sưng tấy, đau nhức, khó chịu, nặng nề thậm chí tê liệt ở một bộ phận cơ thể, trong đó có khớp.
  • Nhóm nguyên nhân nội thương: Do sự suy yếu của cơ thể do khí huyết bị hư nhược bởi tuổi già hay hư can thận. Khi cơ thể suy yếu lại gặp phải các yếu tố Phong, Hàn, Thấp thì sẽ sinh ra nhiều căn bệnh nguy hiểm bao gồm chứng viêm khớp dạng thấp.
Điều trị viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền được nhiều bệnh nhân lựa chọn
Điều trị viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền được nhiều bệnh nhân lựa chọn

Ngoài ra, theo quan điểm của y học cổ truyền khi nói đến tác nhân khiến bệnh viêm khớp dạng thấp diễn tiến nặng, chúng ta không thể bỏ qua điều kiện thuận lợi để các loại nguyên nhân ngoại cảm có thể xâm nhập và gây bệnh này là môi trường sống, làm việc ẩm ướt, ăn uống thiếu dinh dưỡng hay làm việc quá độ.

Quan tâm: Viêm Khớp Dạng Thấp Có Chữa Khỏi Không? Điều Trị Ra Sao Hiệu Quả?

Triệu chứng và tiên lượng viêm khớp dạng thấp

Các triệu chứng bệnh lý của bệnh viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền được mô tả như sau:

  • Chứng Tý là một trong những chứng chính trong y học cổ truyền. Tý là dùng để chỉ tình trạng bế tắc không thông dẫn tới những tình trạng bệnh bao gồm đau, tê, mỏi, nặng, sưng, đau, ngứa ran … ở da và khớp, vừa để mô tả cơ chế bệnh sinh của cứng khớp.
  • Chứng Tý của bệnh viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền có 2 dạng là “Lịch tiết phong” tức là đau đớn khắp các khớp xương và “Hạc tất phong” là triệu chứng thoái hóa khớp gối, gây sưng, đau, hạn chế vận động của khớp gối.

Như đã nói ở trên, nguyên nhân ngoại cảm gây ra viêm khớp dạng thấp là do 3 loại tà khí Phong, Hàn và Thấp, mà việc ngăn chặn các yếu tố này gần như không thể. Tiên lượng của bệnh nhân theo Đông y sẽ được đánh giá tùy thuộc vào tình trạng xâm nhập của các yếu tố này như sau:

  • Tà khí ở ngoài da thì bệnh còn ở thể nhẹ, dễ trị.
  • Tà khí đã thâm nhập vào nội tạng sẽ gây suy kiệt tạng và gần như không thể trị khỏi, chỉ có thể cải thiện triệu chứng.
  • Tà khí vào khoảng gân xương, không còn ngoài da nhưng cũng chưa vào nội tạng thì có thể điều trị nhưng lâu và phức tạp hơn.
Chẩn đoán viêm khớp theo y học cổ truyền để xác định nguyên nhân gây bệnh
Chẩn đoán viêm khớp theo y học cổ truyền để xác định nguyên nhân gây bệnh

Phương pháp chữa bệnh viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn đặc trưng bởi tình trạng viêm đặc hiệu xảy ra ở các khớp. Căn bệnh này có thể làm tổn thương các bộ phận của vùng khớp, chẳng hạn như sụn khớp, bao hoạt dịch và xương bên dưới sụn. Nếu bệnh phát triển nặng theo thời gian có thể gây biến dạng khớp hoặc tàn tật vĩnh viễn.

Về phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền, việc áp dụng các bài thuốc chỉ được thực hiện khi lương y thực sự hiểu rõ thể trạng của từng bệnh nhân và thể bệnh. Vì mỗi loại viêm khớp dạng thấp khác nhau nên triệu chứng và cách điều trị cũng khác nhau như sau:

1. Châm cứu Đông y cho bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp

Châm cứu hỗ trợ chữa bệnh viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền có hai tác dụng chính là giảm đau hiệu quả và dứt điểm triệu chứng. Bác sĩ sẽ đánh giá kỹ tình trạng cụ thể của bệnh nhân như đau một hoặc nhiều khớp, đau cục bộ hoặc đau toàn thân kèm theo các triệu chứng khác như tay chân lạnh, sợ lạnh, sợ gió để xác định thể bệnh, từ đó xác định huyệt đạo cũng như lựa chọn kỹ thuật châm cứu phù hợp, tối ưu nhất cho từng bệnh nhân.

Tương ứng với các thể bệnh viêm khớp dạng thấp theo Đông y là các huyệt đạo cần châm cứu như sau:

  • Thể thấp nhiệt thương âm: Các huyệt đạo như Phong trì, Phong môn, Khúc trì, A thị huyệt, Huyết hải, Thái khê, Hợp cốc, Tam âm giao, Túc tam lý,…
  • Thể phong thấp nhiệt: Các huyệt đạo như Phong trì, Phong môn, Khúc trì, A thị huyệt, Hợp cốc, Túc tam lý, Huyết hải,…
  • Thể đàm ứ kinh lạc: Các huyệt đạo như Phong long, A thị huyệt, Phong môn, Khúc trì, Đại chùy, Huyết hải, Âm lăng tuyền, Huyền chung, Túc tam lý,…
Châm cứu giúp đả thông kinh lạc, giảm đau hiệu quả
Châm cứu giúp đả thông kinh lạc, giảm đau hiệu quả

2. Bài thuốc y học cổ truyền điều trị thể phong hàn thấp tý

Phép chữa: Khu phong tán hàn, thông kinh lạc, trừ thấp.

Tùy thuộc vào thân nhiệt và tình trạng cụ thể của người bệnh để áp dụng một trong các bài thuốc sau:

Quyên tý thang:

  • Chuẩn bị: Khương hoạt 9g, Khương hoàng 10g, Đương quy 12g, Chích hoàng kỳ 6g, Xích thược 10g, Phòng phong 6g, Chích cam thảo 3g.
  • Cách làm: Kết hợp các dược liệu trên, thêm 3 lát gừng sắc trong một thang thuốc dùng để đun nước uống 2 lần trong ngày.

Phòng phong thang:

  • Chuẩn bị: Bạch thược 12g, Cam thảo 4g, Đương quy 12g, Khương hoạt 12g, Phòng phong 12g, Phục linh 8g, Quế chi 8g, Tần giao 8g.
  • Cách làm: Đun thuốc trên rồi uống với nước. Để đạt hiệu quả tốt, nên chia thuốc thành 2 lần uống ngoài bữa ăn.

Ngũ tích tán:

  • Chuẩn bị: Phục linh 12g, Bạch truật 12g, Xuyên khung 10g, Hậu phác 8g, Bạch chỉ 6g. Chỉ xác 6g, Cát cánh 8g, Sinh khương 4g, Quế chi 8g, Ma hoàng 10g, Táo 4g, Cam thảo 6g, Hương phụ 8g.
  • Cách làm: Đun sôi thuốc trong nước nóng, chia làm 2 phần uống trong ngày.

Bạch hổ quế chi tang:

  • Chuẩn bị: Tri mẫu 9g, Quế chi 5 – 9g, Cam thảo 4g, Ngạnh mê 6g, Thạch cao 30g.
  • Cách làm: Tương tự như các bài thuốc trên, bài thuốc Bạch hổ quế chi tang cần sắc nước uống mỗi ngày.

3. Bài thuốc chữa thể phong hàn thấp tý có thêm tình trạng huyết hư

Phép chữa: Khu phong tán phong thấp, ích thận khí, thông kinh hoạt lạc.

Độc hoạt ký sinh thang:

  • Chuẩn bị: Độc hoạt 2g, Tang ký sinh 16 – 40g, Tần giao 12g, Đương quy 12g, Phòng phong 12g, Tế tân 4 – 8g, Thược dược 12g, Địa hoàng 16 – 24g, Đỗ trọng 12g, Ngưu tất 12g, Xuyên khung 8 – 12g, Nhân sâm 12g, Chích thảo 4g, Quế tâm 4g, Phục linh 12g.
  • Cách làm: Đun sôi nước thuốc, chia làm 2 lần uống trong ngày.

Có thể bạn quan tâm: Điều Trị Viêm Khớp Dạng Thấp Theo Đông Y Phương Pháp Và Lưu Ý

4. Bài thuốc thể phong hàn thấp tý kèm chứng khí huyết đều hư

Để điều trị bệnh phong thấp theo bài thuốc Đông y theo thể này, người bệnh có thể sử dụng phối hợp các bài thuốc sau theo chỉ định của lương y:

Tam tý thang:

  • Chuẩn bị: Thục địa 20g, Đương quy 14g, Xuyên khung 14g, Đỗ trọng 14g, Bạch thược 14g, Nhân sâm 12g, Bạch truật 12g, Tục đoạn 12g, Phục linh 14g, Hoàng kỳ 14g, Nhục quế 6g, Khương hoàng 12g, Tế tân 6g, Tần giao 12g, Phòng phong 8g, Khương hoạt 10g, Chích thảo 6g, Đại táo 12g.
  • Cách làm: Sắc nước thuốc chia làm 2 lần uống một ngày.
Các bài thuốc đông y tập trung vào điều trị nguyên nhân gây viêm khớp
Các bài thuốc đông y tập trung vào điều trị nguyên nhân gây viêm khớp

5. Bài thuốc chữa viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền đối với chứng hóa nhiệt

Trường hợp khớp sưng đau, lớp phủ của lưỡi chuyển sang màu vàng chứng tỏ bệnh đã chuyển sang thể nhiệt. Toàn bộ quá trình hàn và nhiệt đều phải được xử lý nếu bệnh tiến vào giai đoạn này. Quế chi thược dược tri mẫu thang là bài thuốc được sử dụng cho trường hợp này.

Nguyên tắc điều trị: Đả thông kinh mạch, hạ nhiệt và hạ sốt.

Quế chi thược dược tri mẫu thang: 

  • Chuẩn bị: Quế chi 8 – 12g, Thược dược 12g, Chích thảo 8g, Ma hoàng 8g, Phòng phong 12g, Bạch truật 12g, Tri mẫu 12g, Chế Phụ tử 8 – 12g, Sinh khương 5 lát.
  • Cách làm: Đun cùng nước và dùng hàng ngày dưới dạng thuốc sắc, ngày 2 lần.

Lưu ý khi điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả tốt nhất trong quá trình điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Lựa chọn địa chỉ khám, chữa bệnh, bốc thuốc, cung cấp sản phẩm chăm sóc sức khỏe theo pháp trị y học cổ truyền uy tín, có đội ngũ bác sĩ, lương y được đào tạo bài bản, có đầy đủ giấy phép và chứng chỉ, bằng cấp của Bộ Y tế.
  • Ngoài những phương pháp, bài thuốc tham khảo trên, người bệnh có thể tham khảo thêm phương pháp điều trị khác cũng như điều chỉnh thuốc cho phù hợp tùy theo tình trạng và cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, tăng giảm liều lượng các vị dược hoặc sử dụng song song nhiều phương pháp chữa bệnh mà không có chỉ định, tư vấn của bác sĩ, lương y.
  • Bên cạnh việc điều trị, cải thiện triệu chứng bằng các bài thuốc, pháp trị, bệnh nhân cũng cần chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung các nhóm thực phẩm tốt cho xương khớp, hạn chế các chất kích thức, thực phẩm nhiều đường, chất béo, dầu mỡ,…
  • Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp vẫn có thể luyện tập thể dục thể thao, vận động một cách khoa học bằng các bài tập nhẹ nhàng hoặc kết hợp vật lý trị liệu, từ đó giúp tăng lưu thông máu, tăng thể lực, sức khỏe nhưng không gây tổn thương đến các cổ khớp.

Trên đây là những điều người bệnh cần biết về viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền, việc áp dụng các bài thuốc điều trị cần do các bác sĩ Đông y có kinh nghiệm chỉ định để đảm bảo hiệu quả cũng như an toàn cho bệnh nhân.

Tham Khảo Thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.