Viêm Họng Ho Ra Máu: Nguyên Nhân Và Giải Pháp Điều Trị

Theo các bác sĩ chuyên khoa, tình trạng viêm họng ho ra máu tức là bệnh đã tiến triển ở mức độ nặng. Lúc này cần được thăm khám và điều trị ngay nếu không sẽ gây ra nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm liên quan đến ung thư vùng tai mũi họng đe dọa tính mạng con người.

Viêm họng ho ra máu là gì? Nguy hiểm không?

Viêm họng là tình trạng vùng niêm mạc họng bị tổn thương, nguyên nhân có thể là do vi khuẩn, virus tấn công, thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học, thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn, ô nhiễm môi trường. Chứng bệnh này có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào kể cả người lớn và trẻ nhỏ, nhất là những người có hệ miễn dịch yếu kém như người cao tuổi, trẻ em.

Triệu chứng điển hình của viêm họng là người bệnh có cảm giác đau họng, rát họng, ngứa ngáy vướng víu ở cổ, ho nhiều, sốt cao, cơ thể mệt mỏi, nghẹt mũi, chảy mũi thường xuyên, niêm mạc họng bị phù nề, sưng đỏ, sung huyết, thậm chí nổi hạch. Triệu chứng ho nhiều kèm theo ngứa ngáy, vướng mắc ở cổ nên người bệnh thường khạc nhổ để tống khứ đờm ra ngoài. Vấn đề này diễn ra thường xuyên khiến cho niêm mạc họng bị tổn thương nặng nề, nhiều trường hợp ho ra máu hoặc khạc nhổ đờm có lẫn dịch máu.

Viêm họng ho ra máu
Viêm họng ho ra máu có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang mắc phải các chứng bệnh nguy hiểm

Lượng máu tươi nhiều hay ít còn tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh, tình trạng niêm mạc họng bị tổn thương nặng hay nhẹ. Để biết được viêm họng ho ra máu có nguy hiểm không? Bệnh nhân cần thăm khám thì bác sĩ mới có thể đưa ra được kết luận chính xác. Thông thường sẽ có hai trường hợp xảy ra, đó là:

  • Thứ 1: Trường hợp những bệnh nhân viêm họng ho ra máu do niêm mạc họng bị tổn thương nặng nề vì khạc nhổ, ho hen do ngứa ngáy thì sẽ không có gì nguy hiểm. Người bệnh chỉ cần uống thuốc điều trị kết hợp ngậm viêm ngậm, uống trà thảo dược giúp loại bỏ các triệu chứng ho, đau rát, sau khoảng 5 – 7 ngày niêm mạc họng hồi phục, tình trạng ho ra máu cũng chấm dứt.
  • Thứ 2: Một số trường hợp viêm họng ho ra máu nhiều lại là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang mắc phải các chứng bệnh về đường hầu họng nguy hiểm chẳng hạn như giãn phế quản, viêm phế quản, lao phổi, ung thư vòm họng, ung thư phổi. Một khi gặp phải các chứng bệnh liên quan đến ung thư sẽ rất khó điều trị, tính mạng người bệnh luôn bị đe dọa.

Viêm họng ho ra máu dù mang tính chất nguy hiểm hay không, chúng ta cũng nên thăm khám và điều trị sớm. Bởi vì viêm họng cấp nếu như không được chữa trị kịp thời đúng cách sẽ dẫn đến thể mạn tính rất khó chữa, dễ bị tái đi tái lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người bệnh.

Đọc thêm: Viêm Họng Hạt Khạc Ra Máu Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? Cách Xử Lý

Viêm họng ho ra máu cảnh báo mắc bệnh gì?

Như đã chia sẻ, viêm họng khạc ra máu có thể chỉ là tình trạng niêm mạc họng bị tổn thương quá mức do người bệnh thường xuyên ho hen, khạc nhổ đờm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang mắc những bệnh lý nguy hiểm, chẳng hạn như:

Viêm nhiễm đường hô hấp

Ngoài viêm họng thì triệu chứng ho ra máu cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp trên và dưới, cụ thể như:

Viêm họng ho ra máu
Mắc các chứng bệnh viêm đường hô hấp như viêm amidan, viêm xoang có thể gặp triệu chứng ho ra máu
  • Viêm nhiễm đường hô hấp trên: Bao gồm các chứng bệnh như cảm lạnh, cảm cúm thông thường, viêm tai giữa, viêm amidan, viêm mũi họng cấp, viêm xoang.
  • Viêm nhiễm đường hô hấp dưới: Gồm các chứng bệnh như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm khí quản.

Ngoài triệu chứng ho ra máu thì người bệnh viêm nhiễm đường hô hấp còn kèm theo các triệu chứng điển hình khác như sốt, đau rát họng, vướng víu ở cổ, chóng mặt, đau đầu, khó thở. Hầu như các chứng bệnh về đường hô hấp nếu như được thăm khám và điều trị sớm sẽ khỏi bệnh sau khoảng 5 – 7 ngày điều trị, không để lại biến chứng nguy hiểm, do đó người bệnh không cần quá lo lắng.

Xem thêm khái niệm: Viêm Amidan Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? Cách Điều Trị Hiệu Quả

Giãn phế quản

Giãn phế quản tức là tình trạng phế quản bị giãn rộng, lúc này mất đi sự đàn hồi và không có khả năng làm sạch các chất nhầy. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng theo ghi nhận nữ giới thường có xu hướng mắc bệnh cao hơn nam giới. Khi mắc phải chứng bệnh này, người bệnh thường có nhiều triệu chứng như ho nhiều liên tục, ho ra máu tươi, trong đờm có lẫn dịch máu, quặn thắt ở ngực, khó thở, da móng tay móng chân dày lên, sụt cân nhanh chóng.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, giãn phế quản nếu được điều trị kịp thời bệnh có thể hoàn toàn được kiểm soát. Nhưng nếu chậm trễ sẽ gây ra nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm như suy hô hấp, xẹp phổi, suy tim, tất cả những điều này đều có thể khiến cho bệnh nhân gặp phải tình trạng khó thở, mệt mỏi, da tái nhợt, xanh xao, nhịp tim tăng lên đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.

Bệnh lao phổi

Lao phổi được xếp vào nhóm bệnh viêm nhiễm đường hô hấp mang tính chất cực kỳ nguy hiểm. Theo số liệu thống kê, năm 2005 có đến 10.4 triệu người mắc bệnh lao phổi, trong đó có 1.8 triệu người chết. Hiện nay chứng bệnh này đang có xu hướng gia tăng, nguyên nhân là do bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng qua đường không khí, ăn uống. Trong khi đó chúng ta luôn chủ quan, có thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học.

Viêm họng ho ra máu
Lao phổi dù ở mức độ nặng hay nhẹ đều gặp phải triệu chứng ho, khạc đờm ra máu

Khi mới khởi phát các dấu hiệu bệnh thường mờ nhạt khiến cho bệnh nhân dễ nhầm lẫn với các chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp khác. Đến khi các triệu chứng biểu hiện rõ rệt thì bệnh đã khá nghiêm trọng, một số dấu hiệu nhận biết bệnh được kể đến như: Ho nhiều dữ dội, ho ra máu, khạc đờm có lẫn máu tươi, khó thở, tức ngực, sốt nhẹ, người luôn trong tình trạng mệt mỏi, sụt cân nhanh chóng.

Việc điều trị bệnh lao phổi khá khó khăn, thời gian chữa trị kéo dài cả nửa năm, thậm chí cả năm nếu như bệnh nhiễm nặng. Đặc biệt đây là căn bệnh có tính lây lan nhanh do đó người bệnh nên có ý thức bảo vệ cộng đồng, tránh gây bệnh cho những người thân xung quanh và toàn xã hội.

Đọc thêm: Viêm Họng Khó Thở Là Bệnh Gì? Cảnh Báo Bệnh Nguy Hiểm

Ung thư phế quản

Viêm họng khạc đờm có máu có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp phải căn bệnh ung thư phế quản. Chứng bệnh này khá hiếm gặp nhưng mức độ nguy hiểm cao, có thể gây tử vong nếu như không điều trị. Một số triệu chứng điển hình nhận biết bệnh được kể đến như khó thở, thở khò khè, sốt, ho nhiều, thường xuyên khạc đờm, ho ra máu.

Ung thư phế quản có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính, nhưng theo ghi nhận nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn so với nữ giới. Ngoài nguyên nhân chính là di truyền, thì có rất nhiều yếu tố nguy cơ khiến bệnh sớm khởi phát chẳng hạn như hút thuốc lá, tiếp xúc với các chất độc hại như amiang, niken, crom…

Chứng bệnh này rất nguy hiểm, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị khác nhau. Hiện nay đối với bệnh ung thư phế quản thường được điều trị bằng các phương pháp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, điều trị nhắm trúng đích.

Ung thư phổi

Ung thư phổi được xem là một chứng bệnh phổ biến thường gặp và mang tính chất cực kỳ nguy hiểm, được xếp thứ hai sau ung thư gan. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng theo ghi nhận tuổi càng cao thì khả năng mắc ung thư phổi càng tăng. Ngoài ra, những người thường xuyên hút thuốc lá, trong gia đình từng có người bị ung thư, làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiều yếu tố độc hại cũng sẽ có nguy cơ cao mắc chứng bệnh này.

Người bệnh ung thư phổi thường có những triệu chứng điển hình như: Ho kéo dài không thuyên giảm, đờm có chứa dung dịch máu tươi, khó thở, thở dốc, đau ngực, khó nuốt, đau các cơ, xương khớp, cơ thể mệt mỏi, khàn tiếng, gầy yếu, sụt ký trầm trọng.

Viêm họng ho ra máu
Khi bị ung thư phổi ngoài ho ra máu người bệnh còn suy nhược cơ thể, sút cân nhanh

Nếu như được phát hiện và có hướng điều trị phù hợp tình trạng bệnh sẽ được kiểm soát. Còn nếu bệnh tiến triển quá nặng, các bác sĩ sẽ thực hiện hóa trị, xạ trị chỉ để làm giảm nhẹ các triệu chứng và kéo dài sự sống cho bệnh nhân, còn điều trị khỏi là điều hoàn toàn rất khó xảy ra.

Ung thư vòm họng

Theo ghi nhận, ung thư vòm họng được xếp vào nhóm một trong 10 loại bệnh ung thư nguy hiểm thường gặp ở nước ta. Đối tượng mắc bệnh thường tập trung ở nam giới trong độ tuổi từ 40 – 60. Lúc mới khởi phát các triệu chứng bệnh rất mờ nhạt, khiến cho nhiều người lầm tưởng mắc các bệnh viêm đường hô hấp thông thường nên rất chủ quan.

Một số dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh ung thư vòm họng sớm chúng ta nên lưu ý đó là: Có cảm giác đau nửa đầu âm ỉ, ù tai, nghẹt mũi, chảy máu cam, giảm thị lực, sụp mắt, ho nhiều, khạc đờm ra máu, nổi các khối hạch nhỏ rất chắc nằm ở góc hàm. Bệnh thường tiến triển nặng theo thời gian, do đó ngay khi có dấu hiệu khởi phát chúng ta nên thăm khám ngay.

Cũng như các chứng bệnh ung thư khác, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng các phương pháp như xạ trị, hóa trị, phẫu thuật. Khi bệnh đã bước vào giai đoạn cuối thì việc chữa trị rất khó khăn, chỉ nhằm mục đích kéo dài tiên lượng sống cho bệnh nhân.

Đọc thêm: Viêm Họng Bội Nhiễm Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? Giải Pháp Điều Trị

Giải pháp điều trị bệnh viêm họng ho ra máu

Đầu tiên, bác sĩ cần thực hiện thăm khám thông qua các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cần thiết. Sau khi xác định được nguyên nhân, mức độ bệnh nặng nhẹ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. Thông thường sẽ có hai trường hợp xảy ra, đó là:

Trường hợp 1:

Nếu như viêm họng ho ra máu chỉ là bệnh viêm họng cấp tính, mạn tính hoặc các chứng bệnh về đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm mũi họng cấp, viêm amidan thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Bệnh nhân chỉ cần uống thuốc theo đúng hướng dẫn chỉ định của bác sĩ đưa ra. Sau khoảng 5 – 7 ngày bệnh sẽ khỏi hẳn, người bệnh không còn ngứa ngáy, đau rát cổ họng do đó không còn khạc nhổ, các triệu chứng ho ra máu cũng chấm dứt.

Viêm họng ho ra máu
Khi thấy triệu chứng viêm họng ho ra máu người bệnh cần thăm khám ngay, không nên chủ quan

Bệnh nhân cũng nên lưu ý, tùy thuộc vào lượng máu nhiều hay ít khi ho mà ngoài uống thuốc bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị khác, chẳng hạn:

  • Trường hợp người bệnh ho ra máu với những khối máu đông, ở mức độ nhẹ sẽ được nội soi phế quản để điều trị.
  • Nếu như lượng máu tiết ra khá nhiều, chảy thành từng mạch lớn sẽ được chỉ định tiểu phẫu thuyên tắc mạch để cầm máu.
  • Còn nếu như người bệnh bị chảy máu quá nhiều thì trước hết cần được cầm máu, sau đó bác sĩ sẽ tiến hành truyền máu để cung cấp đầy đủ lượng máu cho cơ thể, không để tình trạng thiếu máu xảy ra.

Trường hợp 2:

Còn trường hợp viêm họng ho ra máu sau khi xét nghiệm và chẩn đoán là dấu hiệu của các chứng bệnh nguy hiểm liên quan đến ung thư đường tai mũi họng như ung thư thanh quản, phế quản, ung thư phổi, ung thư vòm họng…thì bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u hoặc hóa trị, xạ trị. Nhưng một khi đã bị ung thư thì người bệnh thường đối mặt với nguy cơ tử vong cao, bệnh rất khó chữa khỏi, tốn nhiều chi phí, thời gian và công sức.

Tham khảo thêm: Mách Bạn 13 Cách Chữa Viêm Họng Hạt Tại Nhà Cực Hay Và Hiệu Quả

Người bệnh viêm họng ho ra máu cần lưu ý gì?

Khi bị viêm họng ho ra máu dù ở mức độ nặng hay nhẹ, viêm họng bình thường hay dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm khác thì người bệnh cũng nên chú ý thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt một cách khoa học, lành mạnh. Bởi vì điều này có tác dụng tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật, hỗ trợ rất nhiều trong quá trình điều trị.

Viêm họng ho ra máu
Người bệnh viêm họng ho ra máu nên ăn các món mềm dễ nuốt, bổ máu để tránh bị thiếu máu

Cụ thể người bệnh viêm họng ho ra máu nên thực hiện tốt những vấn đề sau:

  • Nên ăn những món mềm, dễ nuốt như cháo huyết mạch, cháo ngó sen, soup, canh. Ngoài ra nên bổ sung các loại thực phẩm bổ máu, tốt cho người bệnh viêm họng ho ra máu như mật ong, cà rốt, rau bina, bí ngô, rau dền, mã thầy, thịt lợn.
  • Kiêng thực phẩm chứa các chất dị ứng, dễ gây kích ứng niêm mạc họng như lạc, đậu nành, sữa bò, trứng, hải sản; Hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều đường, nhiều dầu mỡ, đồ ăn khô cứng.
  • Tuyệt đối không được hút thuốc lá và uống các loại nước chứa cồn, chứa chất kích thích như rượu, bia, nước ngọt, nước đá lạnh, kem.
  • Nên uống nhiều nước, ít nhất 2 lít mỗi ngày để tránh tình trạng khô cổ họng và giúp loãng đờm hạn chế các cơn ho. Ngoài ra nên bổ sung thêm các loại nước ép trái cây, rau củ tươi để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Ngoài việc đánh răng sạch sẽ ngày hai lần thì người bệnh viêm họng ho ra máu nên cố gắng súc họng bằng nước muối loãng để giúp giảm viêm, dịu cổ họng giảm ngứa rát, loãng đờm.
  • Nếu như tình trạng nghẹt mũi, chảy mũi quá nhiều bệnh nhân có thể dùng nước muối sinh lý để xịt rửa mũi tránh trường hợp dịch tiết mũi chảy xuống hầu họng gây viêm nhiễm các bộ phận lân cận khác.
  • Có thể xông hơi hoặc tắm nước ấm nóng bằng các loại tinh dầu thiên nhiên như bạc hà, dầu tràm, dầu bạch đàn, khuynh diệp để giúp long đờm.
  • Không nên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như sơn nước, chất tẩy rửa, khi ra đường nên bịt khẩu trang để tránh bụi bẩn, không khí lạnh đi vào vùng hầu họng.

Viêm họng ho ra máu không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh, mà trong một số trường hợp đây còn là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang mắc một số chứng bệnh nguy hiểm khác. Do đó không nên quá chủ quan, ngay khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường nên nhanh chóng đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Thông tin hữu ích cho bạn

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.