Viêm Họng Giả Mạc: Biểu Hiện Và Cách Chữa Trị Hiệu Quả

Viêm họng giả mạc là một trong những căn bệnh hiếm gặp thuộc về đường hô hấp trên. Tuy hiếm nhưng tính chất bệnh lại khá nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm thận, thấp tim, viêm xoang, liệt thần kinh, liệt các chi…Để nắm rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh, xin mời quý bạn đọc tham khảo ngay bài viết dưới đây.

Tổng quan bệnh học

Viêm họng giả mạc hay còn được gọi là viêm họng bạch cầu, là một trong những chứng bệnh về đường hô hấp, tuy nhiên khá hiếm gặp. Khi không may bị vi khuẩn Klebs – Loeffler xâm nhập và tấn công, cơ thể sẽ nhiễm bệnh. Đặc trưng của bệnh là tại vùng niêm mạc họng bị tổn thương xuất hiện một hoặc nhiều mảng trắng, xám dày, bám rất chắc, khó bóc tách và được gọi là mảng giả mạc.

Viêm họng giả mạc
Tuy khá hiếm gặp nhưng viêm họng giả mạc lại mang tính chất nguy hiểm cao, dễ gây biến chứng

Các mảng giả mạc này lúc mới khởi phát chỉ phân bố ở vùng niêm mạc họng, nhưng nếu không được thăm khám, can thiệp sớm chúng có thể lan rộng xuống dưới vùng thanh quản, gây ra tình trạng khó thở. Đồng thời lúc này người bệnh sẽ kèm theo những triệu chứng như sốt cao, sắc mặt nhợt nhạt, đau đầu, đau rát cổ họng, có cảm giác vướng víu, khó nuốt.

Viêm họng giả mạc có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, kể cả người lớn lẫn trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ trong khoảng từ 2 đến 7 tuổi. Căn bệnh này nếu được phát hiện kịp thời, áp dụng đúng phương pháp điều trị sẽ khỏi bệnh sau khoảng vài tuần. Ngược lại nếu không được chữa trị đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân, do đó chúng ta nên lưu ý.

Tìm hiểu thêm: Bà Bầu Bị Viêm Họng 3 Tháng Đầu: Nguyên Nhân, Cách Nhận Biết Và Điều Trị

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Theo các bác sĩ chuyên khoa hai nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm họng giả mạc đó là do nhiễm khuẩn và mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra hai nguyên nhân chính thì còn rất nhiều yếu tố khiến bệnh sớm khởi phát hoặc tiến triển ngày càng nặng nề thêm. Cụ thể:

Viêm họng giả mạc
Vi khuẩn Klebs – Loeffler được xem là tác nhân hàng đầu gây bệnh viêm họng giả mạc
  • Do trào ngược dạ dày: Những người đã và đang mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản sẽ rất dễ bị viêm họng giả mạc. Bởi vì khi bị trào ngược sẽ khiến cho lượng acid đẩy ngược lên vùng miệng và cổ họng. Các chất này có khả năng phá hủy và làm tổn thương tế bào ở khu vực hầu họng gây bệnh.
  • Nhiễm khuẩn: Những trường hợp chưa từng mắc chứng trào ngược dạ dày vẫn bị nhiễm bệnh viêm họng giả mạc là do cơ thể bị vi khuẩn tấn công. Loại vi khuẩn này có tên là Klebs – Loeffler thuộc nhóm nhiễm trực khuẩn viêm họng bạch hầu xâm nhập vào đường hô hấp gây viêm nhiễm vùng hầu họng.

Ngoài hai nguyên nhân cơ bản nói trên, còn rất nhiều yếu tố nguy cơ khiến bệnh sớm bùng phát, chẳng hạn như: Những người đã có tiền sử mắc bệnh viêm amidan, cắt amidan, trẻ nhỏ trong khoảng từ 2 – 7 tuổi, người có hệ miễn dịch yếu kém. Do đó chúng ta nên chú ý tăng sức đề kháng để tránh nguy cơ mắc phải chứng bệnh này.

Xem thêm định nghĩa: Bệnh Viêm Họng Là Gì? Nguyên Nhân Gây Bệnh, Chẩn Đoán Và Điều Trị

Triệu chứng điển hình bệnh viêm họng giả mạc

Bệnh viêm họng giả mạc thường tiến triển nặng theo thời gian, do đó có thể được chia thành hai giai đoạn cơ bản đó là cấp tính và mạn tính. Mỗi giai đoạn sẽ có những triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài khác nhau, cụ thể như sau:

Giai đoạn cấp tính

Lúc này bệnh mới khởi phát nên các triệu chứng còn khá nhẹ, người bệnh viêm họng giả mạc cấp tính thường có những triệu chứng cơ bản sau:

  • Có cảm giác đau họng, rát họng, cơn đau nhức tăng lên khi tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố như đá lạnh, đồ uống có chứa chất kích thích.
  • Triệu chứng điển hình để phân biệt viêm họng giả mạc với các loại viêm họng cấp, viêm mũi họng đó chính là niêm mạc họng xuất hiện các mảng giả mạc màu xám hoặc trắng rất dày, bám chặt hầu họng.
  • Đau đầu, mệt mỏi, da mặt xanh xao, thiếu sức sống.
  • Có cảm giác vướng víu, khó nuốt.
  • Ngoài xuất hiện các mảng giả mạc thì họng bắt đầu có màu đỏ thẫm.
  • Sốt cao từ 38 – 40 độ C, nhịp tim đập nhanh, có nhiều trường hợp thở gấp, khó thở.
Bệnh viêm họng giả mạc
Ngoài triệu chứng xuất hiện các mảng giả mạc màu trắng thì người bệnh còn bị sốt cao, ho nhiều

Giai đoạn mạn tính

Viêm họng giả mạc nếu như không được thăm khám, điều trị sẽ tiến triển nặng và chuyển sang giai đoạn mạn tính. Lúc này các triệu chứng diễn ra nghiêm trọng, cụ thể:

  • Sốt cao từ 40 độ C trở lên, liên tục không giảm bớt.
  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi thường xuyên rất khó chịu.
  • Họng khô rát, sưng đau, có nhiều trường hợp nổi hạch cổ.
  • Luôn có cảm giác khó nuốt, không muốn ăn, suy nhược cơ thể.
  • Nghiêm trọng hơn nữa là bị loét một phần mũi.

Tìm hiểu thêm: Hiện Tượng Rát Cổ Họng Là Gì? Nguyên Nhân Do Đâu? Cách Xử Lý Hiệu Quả

Bệnh viêm họng giả mạc nguy hiểm không?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh viêm họng giả mạc nếu như được phát hiện và có hướng điều trị phù hợp thì các triệu chứng sẽ khỏi hoàn toàn sau khoảng 1 đến 2 tuần và không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh. Nhưng trường hợp không được can thiệp, để bệnh kéo dài trên 10 ngày có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như:

  • Ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh như viêm amidan, viêm amidan giả mạc, viêm xoang, viêm tai, viêm thanh quản.
  • Các cơ quanh xung quanh bị tác động và tổn thương như hệ thần kinh bị liệt, liệt các chi, liệt cơ mặt và các cơ hô hấp.
  • Gây bệnh viêm thận, thấp tim.
  • Gây biến chứng bệnh Osler tức là viêm màng trong tim, trường hợp này khá hiếm gặp nhưng khá nguy hiểm.
  • Người bệnh viêm họng giả mạc có thể gặp biến chứng xa cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh đó chính là ung thư vòm họng.

Có thể nhận định bệnh viêm họng giả mạc nếu như không được điều trị sớm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người bệnh, thậm chí đe dọa tính mạng con người. Do đó ngay khi thấy triệu chứng bệnh nên thăm khám sớm, tránh để bệnh tiến triển nặng rất khó chữa.

Đọc thêm khái niệm: Viêm Xoang Có Nguy Hiểm Không? Chẩn Đoán Và Điều Trị

Phương pháp điều trị bệnh viêm họng giả mạc

Nguyên nhân gây bệnh viêm họng giả mạc chủ yếu là do vi khuẩn tấn công, do đó việc áp dụng các mẹo dân gian chữa bệnh thường không mang lại hiệu quả cao. Người bệnh nên chủ động đến các trung tâm y tế, bệnh viện để thăm khám, các bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác nguyên nhân, tình trạng bệnh từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Đối với người bệnh viêm họng giả mạc thường được điều trị kết hợp theo hai hướng đó là uống thuốc và cải thiện các triệu chứng tại nhà, cụ thể:

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc được các bác sĩ chỉ định điều trị bệnh viêm họng giả mạc bao gồm:

  • Sử dụng thuốc Penicilin nhằm mục đích tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, lưu ý thuốc chống chỉ định cho những trường hợp đi ngoài ra máu, mắc chứng rối loạn đông máu, bệnh thận, hen suyễn, dị ứng thuốc kháng sinh.
  • Uống thuốc Coramin, tuy nhiên những người có huyết áp tăng, mắc chứng động kinh, mẫn cảm với các thành phần của thuốc nên thận trọng.
  • Bổ sung thêm lượng Vitamin B1 và Vitamin C liều cao nhằm cung cấp năng lượng và giúp nhanh chóng chữa lành vết thương.
  • Tiêm thuốc Strychnin chống liệt, nhưng tuyệt đối không được dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, người thường xuyên bị khó thở. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như đỏ da, nổi ban ngứa, dị ứng, ngộ độc.
  • Một số trường hợp bệnh nhân được bác sĩ chỉ định truyền huyết thanh kháng bạch cầu.

Người bệnh cần tuân thủ uống thuốc theo đúng hướng dẫn và chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa thì bệnh mới nhanh khỏi. Tuyệt đối không nên thêm bớt liều lượng hoặc tự ý mua thuốc về uống để tránh xảy ra những điều không mong muốn.

Đọc thêm: Bị Viêm Họng Uống Thuốc Gì Hiệu Quả Và Nhanh Khỏi? Chuyên Gia Giải Đáp

Bệnh viêm họng giả mạc
Viêm họng giả mạc do vi khuẩn gây nên, do đó cần điều trị bằng kháng sinh thì mới khỏi bệnh

Cải thiện các triệu chứng bệnh tại nhà

Song song với việc uống thuốc điều trị bệnh theo sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ, người bệnh nên thực hiện tốt chế độ ăn uống, sinh hoạt, thực hiện các biện pháp tự cải thiện triệu chứng tại nhà để hỗ trợ quá trình điều trị tốt hơn, cụ thể:

  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp cơ thể tăng sức đề kháng, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều Vitamin C như dâu tây, bưởi, cam, quýt…
  • Uống nhiều nước, ít nhất 2 lít mỗi ngày để tránh tình trạng cổ họng bị khô, sưng đau. Ngoài nước lọc nên uống thêm các loại nước ép trái cây tươi, rau củ.
  • Súc họng, khò họng bằng nước muối pha loãng để loại bỏ vi khuẩn ra khỏi vùng hầu họng.
  • Kiêng rượu bia, nước đá lạnh, nước ngọt có ga…vì đây đều là những thức uống chứa chất kích thích khiến cho tình trạng viêm họng giả mạc ngày càng trầm trọng.
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm khô cứng, nhiều đường, nhiều muối, nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên rán, cay nóng.
  • Cần giữ ấm cơ thể vào mùa đông, bịt khẩu trang để tránh bụi bẩn khi ra đường. Nếu có điều kiện nên sử dụng máy tạo độ ẩm không khí cho không gian sống của mình.

Tham khảo thêm: Bỏ Túi 16 Cách Chữa Rát Cổ Họng Tại Nhà Cực Hay Và Hiệu Quả

Phòng ngừa bệnh viêm họng giả mạc

Chúng ta không thể nào ngăn chặn được hoàn toàn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể tấn công gây bệnh. Tuy nhiên nếu như thực hiện các vấn đề sinh hoạt, ăn uống khoa học lành mạnh sẽ góp phần giảm bớt nguy cơ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm họng giả mạc. Cụ thể nên thực hiện tốt các điều sau:

Bệnh viêm họng giả mạc
Đánh răng, súc miệng sạch sẽ hàng ngày giúp phòng ngừa các chứng bệnh viêm họng hiệu quả
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng ngày hai lần sáng tối, súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý sau khi ăn để tránh thức ăn thừa, cặn bã bám trong răng và cổ họng.
  • Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể bằng cách ăn uống đủ chất, tập thể dục thể thao thường xuyên.
  • Uống nhiều nước, tốt nhất nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để tránh cổ họng bị khô rát, dễ bị tổn thương.
  • Giữ vệ sinh nhà ở sạch sẽ, tránh bụi bẩn, lông thú, nhiệt độ phòng ngủ vừa phải, không quá lạnh.
  • Giữ ấm cơ thể khi ra đường bằng cách mặc đủ ấm, quàng khăn, nên bịt khẩu trang để tránh bụi bẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp những nơi có nhiều khói bụi.
  • Sau khi ra đường về chúng ta nên rửa tay sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng.
  • Nếu như không may mắc các chứng bệnh về đường hô hấp nhẹ như cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng cấp thì nên thăm khám và điều trị triệt để.

Trên đây là những thông tịn cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, mức độ nguy hiểm, hướng điều trị và cách phòng ngừa bệnh viêm họng giả mạc. Tuy khá hiếm gặp nhưng không nên chủ quan, chúng ta nên tham khảo và tìm hiểu kỹ về bệnh, nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ bệnh nên thăm khám ngay, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, vì điều này không giúp khỏi bệnh mà còn khiến các triệu chứng ngày càng thêm trầm trọng.

Thông tin hữu ích cho bạn