Viêm đại tràng sau sinh có nên cho con bú?

Phụ nữ sau sinh là nhóm đối tượng có nguy cơ bị viêm đại tràng. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn tác động gián tiếp đến nguồn sữa và sự phát triển của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Vì vậy, mẹ bỉm cần chủ động thăm khám để kịp thời phát hiện và kiểm soát bệnh hoàn toàn. 

Viêm đại tràng sau sinh
Phụ nữ sau khi sinh là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm đại tràng

Viêm đại tràng sau sinh và dấu hiệu nhận biết

Viêm đại tràng là bệnh tiêu hóa phổ biến, xảy ra khi niêm mạc ruột già bị viêm và tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thống kê cho thấy, bệnh có thể ảnh hưởng đến cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Trong đó, phụ nữ sau khi sinh là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này.

Thực tế, viêm đại tràng sau sinh chủ yếu xảy ra do thói quen ăn uống thiếu khoa học và ảnh hưởng của những yếu tố tâm lý, rối loạn giấc ngủ. Do đó, đa phần mẹ bỉm có thể dễ dàng kiểm soát bệnh thông qua việc điều chỉnh lối sống và áp dụng một số biện pháp tự nhiên.

Viêm đại tràng sau sinh
Viêm đại tràng sau sinh thường gây tiêu chảy/ táo bón, đi phân sống, đầy hơi, đau bụng,…

Tương tự như viêm đại tràng ở những đối tượng khác, viêm đại tràng sau sinh gây ra các triệu chứng như:

  • Rối loạn đại tiện, có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón, một số trường hợp có thể xen lẫn các đợt đại tiện táo và đi phân lỏng
  • Bụng dưới đau âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn, đôi khi cảm nhận được cơn đau chạy dọc theo khung đại tràng
  • Bụng đầy trướng, ăn uống kém
  • Đầy hơi, thường xuyên sôi bụng và xì hơi
  • Cơ thể mệt mỏi do chán ăn và giảm hấp thu dinh dưỡng
  • Một số người có thể bị sốt nhẹ và mất nước do tiêu chảy kéo dài

Triệu chứng của viêm đại tràng ở phụ nữ sau sinh tương đối đa dạng. Vì vậy ngoài những dấu hiệu kể trên, mẹ bỉm cũng có thể gặp phải một số biểu hiện khác.

Xem ngay: Siêu Âm Đại Tràng Như Thế Nào?, Quy Trình Thực Hiện Và Bảng Giá Mới Nhất 2023

Nguyên nhân gây viêm đại tràng sau khi sinh

Thông thường, viêm đại tràng xảy ra chủ yếu do nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,… Tuy nhiên ở phụ nữ sau khi sinh, bệnh còn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Viêm đại tràng sau sinh
Căng thẳng và lo âu quá mức là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị viêm đại tràng sau khi sinh

Các nguyên nhân có thể gây bệnh viêm đại tràng sau khi sinh:

  • Loạn khuẩn ruột: Phụ nữ sau sinh thường có hệ miễn dịch kém do tác động của quá trình mang thai và sinh nở. Hơn nữa sau khi sinh, các hormone trong cơ thể sẽ có sự điều chỉnh dẫn đến những thay đổi đột ngột trong đường ruột. Những yếu tố này khiến hại khuẩn trong ruột già tăng mạnh dẫn đến viêm niêm mạc đại tràng.
  • Do thói quen ăn uống: Sau khi sinh, nhiều mẹ bỉm có thói quen ăn uống tẩm bổ để lợi sữa nhằm giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt. Tuy nhiên, tình trạng ăn uống quá mức và dung nạp nhiều thực phẩm giàu đạm có thể khiến đường ruột bị rối loạn dẫn đến các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, táo bón,…
  • Ít vận động: Ít vận động là một trong những yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng ở phụ nữ sau sinh. Thói quen này khiến nhu động ruột giảm dẫn đến tiêu hóa kém và đại tiện táo kết. Ít vận động kết hợp với ăn uống không phù hợp và hệ miễn dịch suy giảm tạo ra môi trường lý tưởng để hại khuẩn phát triển mạnh dẫn đến viêm đại tràng và các bệnh lý tiêu hóa thường gặp khác.
  • Căng thẳng, lo âu: Thay đổi nội tiết sau sinh và tác động từ việc chăm sóc con trẻ khiến không ít mẹ bỉm rơi vào trạng thái lo âu và căng thẳng quá mức. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thần kinh não – ruột (cơ quan chi phối nhu động ruột). Do đó, căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến nhu động ruột tăng/ chậm bất thường và khiến chức năng ruột già bị rối loạn. Chứng bệnh này được gọi là viêm đại tràng co thắt hoặc hội chứng đại tràng kích thích.

Ngoài những nguyên nhân thường gặp, viêm đại tràng sau sinh cũng có thể xảy ra do nhiễm ký sinh trùng, virus từ thực phẩm và nguồn nước chưa được đun sôi, nấu chín, dị ứng thức ăn, tự miễn,… Dù không phổ biến nhưng đã có nhiều trường hợp bỉm bị viêm đại tràng không rõ nguyên do.

Viêm đại tràng sau sinh có nguy hiểm không? Có nên cho con bú?

Viêm đại tràng không phải là bệnh lý quá nguy hiểm và đã phần đều đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc kết hợp với điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên ở phụ nữ sau khi sinh, điều trị bệnh lý này tương đối khó khăn vì một số loại thuốc có thể bài tiết qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của bé.

Do đó nếu không cần thiết, bác sĩ thường tư vấn điều trị bằng các phương pháp an toàn như điều chỉnh chế độ ăn, tăng cường luyện tập và áp dụng một số mẹo tự nhiên. Các biện pháp này có thể cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của mẹ bỉm. Đồng thời không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ cân nhắc cho phụ nữ sau sinh sử dụng một số loại thuốc ít có khả năng bài tiết qua sữa mẹ và đã được chứng minh an toàn với phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên trong trường hợp viêm đại tràng tiến triển nặng cần phải sử dụng các loại thuốc có hoạt tính mạnh, mẹ bỉm cần phải ngưng cho trẻ bú trong thời gian điều trị để đảm bảo an toàn.

Dù không phải là bệnh lý quá nghiêm trọng nhưng viêm đại tràng sau khi sinh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề nếu không kịp thời thăm khám và điều trị.

Một số ảnh hưởng của bệnh viêm đại tràng sau sinh:

  • Giảm sức khỏe của mẹ và gián tiếp tác động đến sự phát triển của bé
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
  • Tăng nguy cơ hình thành các vấn đề tâm lý như lo âu, căng thẳng quá mức
  • Trường hợp nặng có thể gây xuất huyết tiêu hóa, giãn đại tràng

Tìm hiểu thêm: Viêm đại tràng góc gan là gì? Bệnh có nguy hiểm không?

Cách điều trị bệnh viêm đại tràng sau sinh an toàn

Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu viêm đại tràng, mẹ bỉm nên chủ động đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Sau khi thực hiện các kỹ thuật cần thiết như khám lâm sàng, nội soi đại tràng, sinh thiết, xét nghiệm phân, máu,… bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và tư vấn phương án điều trị phù hợp nhất.

Các phương pháp điều trị bệnh viêm đại tràng cho phụ nữ sau khi sinh:

1. Điều chỉnh chế độ ăn

Điều chỉnh chế độ ăn là biện pháp quan trọng giúp kiểm soát viêm đại tràng và các bệnh tiêu hóa thường gặp khác. Ở phụ nữ sau sinh, thay đổi chế độ dinh dưỡng có thể giảm áp lực lên đường ruột, từ đó giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa và đại tiện cho viêm đại tràng gây ra.

Viêm đại tràng sau sinh
Mẹ bỉm có thể kiểm soát triệu chứng của viêm đại tràng bằng cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng

Cách xây dựng chế độ ăn cho mẹ bỉm bị viêm đại tràng:

  • Tập thói quen ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không dùng các món ăn tái, sống và nước chưa được đun sôi. Thói quen dùng thực phẩm chưa được nấu chín hoàn toàn làm tăng nguy cơ nhiễm virus, ký sinh trùng, nấm và các chủng vi khuẩn gây viêm nhiễm đường ruột.
  • Không nên tẩm bổ quá mức. Thay vào đó, cần lên kế hoạch ăn uống phù hợp với mức calo dao động từ 2500 – 3000calo/ ngày. Đây là lượng calo cần thiết để mẹ bỉm duy trì các hoạt động thể chất, trí tuệ và cung cấp cho bé nguồn sữa dồi dào, chất lượng.
  • Để giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa do viêm đại tràng, mẹ bỉm nên chia nhỏ bữa ăn và sử dụng các món ăn mềm, ít gia vị và dễ tiêu hóa. Sử dụng món ăn khô cứng, chứa nhiều muối và gia vị cay nóng có thể làm nghiêm trọng các triệu chứng như đau bụng, táo bón, đầy hơi, ăn uống kém,…
  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm tốt cho đường ruột như lợi khuẩn (probiotic), chất xơ, thực phẩm chứa nhiều chất oxy hóa,… Bổ sung thực phẩm lành mạnh không chỉ cung cấp năng lượng dồi dào cho cơ thể mà còn giúp điều hòa nhu động và cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
  • Mẹ bỉm cần uống đủ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày để tránh mất nước do tiêu chảy, đồng thời hỗ trợ làm mềm phân và giảm tình trạng đại tiện táo kết. Ngoài nước lọc, có thể bổ sung thêm nước ép từ rau củ, trái cây và nước khoáng để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.
  • Tránh sử dụng món ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, món ăn chứa gia vị cay nóng, rượu bia, thuốc lá và nước ngọt có gas. Sử dụng các loại thức uống và thực phẩm này thường xuyên có thể làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng ở phụ nữ sau khi sinh.
  • Nên ăn chậm nhai kỹ để làm giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa nói chung và đại tràng nói riêng.
  • Rửa sạch tay trước khi ăn, chế biến món ăn và sau khi đi vệ sinh. Đây là thói quen vô cùng quan trọng giúp mẹ bỉm kiểm soát và phòng ngừa các bệnh lý về đường ruột.

Ngay cả khi không có vấn đề về tiêu hóa, phụ nữ sau khi sinh cũng nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe được phục hồi và trẻ phát triển tốt. Đối với những trường hợp nhẹ, thay đổi chế độ ăn có thể kiểm soát hầu hết các triệu chứng khó chịu do viêm đại tràng gây ra.

Chia sẻ thêm: Mang thai mà bị viêm đại tràng có nguy hiểm không?

2. Tập thể dục thường xuyên

Thống kê cho thấy, phần lớn phụ nữ sau khi sinh đều có nguy cơ gặp phải tình trạng viêm đại tràng co thắt – một dạng viêm đại tràng mãn tính đặc trưng bởi tình trạng rối loạn chức năng ruột già không đi kèm với tổn thương thực thể (u, loét, viêm,…).

Bệnh lý này thường xảy ra vào thời điểm sau khi sinh do ảnh hưởng của quá trình sinh nở, stress, mất ngủ và lo âu quá mức.

Ngoài điều chỉnh chế độ ăn uống, mẹ bỉm nên dành 20 – 30 phút mỗi ngày để tập thể dục.

Viêm đại tràng sau sinh
Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe và chức năng tiêu hóa

Nghiên cứu cho thấy, các bài tập đơn giản tại nhà có thể điều hòa nhu động ruột và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất còn giúp thể trạng của mẹ bầu nhanh chóng hồi phục, đồng thời hỗ trợ chức năng tiêu hóa và giúp kiểm soát cân nặng.

3. Áp dụng mẹo tự nhiên

Bên cạnh điều chỉnh lối sống, mẹ bỉm cũng có thể giảm các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng bằng cách áp dụng một số mẹo tự nhiên. Các mẹo chữa này đa phần đều an toàn, lành tính và hoàn toàn không ảnh hưởng đến nguồn sữa của bé.

Viêm đại tràng sau sinh
Dùng nghệ mật ong có thể giảm nhẹ một số triệu chứng của bệnh viêm đại tràng

Các mẹo tự nhiên giúp kiểm soát viêm đại tràng ở phụ nữ sau khi sinh:

  • Massage bụng hằng ngày: Massage bụng với các tinh dầu nóng như dầu gừng, dầu tràm,… giúp thư giãn cơ trơn ống tiêu hóa, từ đó giảm tiêu chảy, đầy hơi và táo bón. Bên cạnh đó, biện pháp này còn thúc đẩy quá trình đào thải sản dịch và hỗ trợ cải thiện độ săn chắc của vòng 2.
  • Mật ong và nghệ: Sau khi sinh, mẹ bỉm nên dùng mật ong ngâm nghệ pha với nước ấm uống hằng ngày. Ngoài tác dụng phục hồi sức khỏe, bài thuốc này còn giúp kháng khuẩn, tiêu viêm và giảm nhẹ triệu chứng của các bệnh lý tiêu hóa thường gặp như đau dạ dày, viêm đại tràng,…
  • Trứng chiên lá mơ lông: Các thành phần tự nhiên trong lá mơ lông được chứng minh có tác dụng tiêu diệt một số chủng vi trùng thường gây viêm đại tràng như Shigella và Salmonella. Do đó, mẹ bỉm có thể dùng món trứng chiên lá mơ lông 3 – 5 lần/ tuần để hỗ trợ cải thiện bệnh.

Mẹo chữa tự nhiên có thể kiểm soát phần nào các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, ăn uống kém, tiêu chảy, táo bón,… Vì vậy bên cạnh điều chỉnh lối sống, mẹ bỉm nên kiên trì áp dụng để quản lý tiến triển của bệnh một cách an toàn và hiệu quả.

Tin liên quan khác: Mách bạn 8 cách dùng lá mơ lông trị viêm đại tràng hiệu quả tại nhà

4. Sử dụng thuốc khi cần thiết

Trong trường hợp viêm đại tràng sau sinh gây ra nhiều triệu chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của mẹ bỉm, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định một số loại thuốc điều trị. Tùy theo loại thuốc được chỉ định, mẹ bỉm có thể cho trẻ bú sữa mẹ hoặc phải cho trẻ sử dụng sữa công thức trong thời gian điều trị để đảm bảo an toàn.

Nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình sử dụng thuốc điều trị viêm đại tràng, phụ nữ sau khi sinh nên trao đổi cụ thể với bác sĩ trước khi dùng. Bên cạnh đó, nên chú ý các biểu hiện của trẻ và thông báo với bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường (trong trường hợp cho trẻ bú sữa mẹ khi dùng thuốc).

Phòng ngừa bệnh viêm đại tràng sau khi sinh

Viêm đại tràng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của mẹ bỉm và trẻ nhỏ. Do đó, phụ nữ sau khi sinh cần chủ động thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tuyệt đối không tẩm bổ quá mức. Đồng thời cần tránh sử dụng các món ăn khó tiêu hóa, chứa gia vị cay nóng và đồ uống chứa cồn.
  • Đảm bảo ăn chín uống sôi.
  • Thực hiện tốt bước vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tránh sử dụng thuốc lá và các chất kích thích. Các thói quen này có thể làm tăng nguy cơ căng thẳng, rối loạn lo âu dẫn đến viêm đại tràng co thắt và một số bệnh tiêu hóa có liên quan.
  • Chia sẻ việc chăm sóc con trẻ cho những người thân trong gia đình. Dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để thể trạng được phục hồi, đồng thời hỗ trợ giảm căng thẳng và lo âu quá mức.
  • Sau khi sinh khoảng 2 – 3 tuần, mẹ bỉm nên tập thể dục nhẹ nhàng để cải thiện sức khỏe và thúc đẩy hoạt động tiêu hóa. Tuy nhiên, nên bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng để tránh kích thích xương khớp dẫn đến đau và nhức mỏi.

Viêm đại tràng sau khi sinh là tình trạng khá phổ biến. Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, mẹ bỉm nên chủ động thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó, cần thực hiện song song với các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tình trạng tái phát.

Tham khảo thêm: