Viêm da cơ địa sau sinh và những lưu ý khi điều trị

Viêm da cơ địa sau sinh là tình trạng khá phổ biến. Tuy nhiên, vì là nhóm đối tượng đặc biệt nên phụ nữ sau sinh không được khuyến khích sử dụng thuốc bôi và thuốc uống. Điều trị chủ yếu là kết hợp các phương pháp không dùng thuốc để giảm ngứa và cải thiện tổn thương da. 

viêm da cơ địa sau khi sinh
Phụ nữ sau khi sinh là đối tượng dễ bị viêm da cơ địa và các vấn đề da liễu khác

Viêm da cơ địa sau khi sinh – Dấu hiệu nhận biết

Mang thai và sau khi sinh là hai giai đoạn nhạy cảm với sự thay đổi đột ngột của nồng độ nội tiết tố, tâm lý và chức năng đề kháng. Đây là yếu tố thuận lợi để kích hoạt các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể bùng phát, trong đó có viêm da cơ địa (chàm thể tạng).

Viêm da cơ địa là bệnh da liễu mãn tính, có tính chất dai dẳng, cố thủ và dễ tái phát. Hiện tại, căn nguyên gây bệnh vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, cơ chế bệnh sinh có mối liên hệ mật thiết với thể địa dị ứng dưới sự kích hoạt của các dị nguyên (bên trong và bên ngoài cơ thể). Thực tế, viêm da cơ địa là bệnh lành tính, chủ yếu gây tổn thương da kèm ngứa ngáy và rất ít khi đe dọa đến sức khỏe.

viêm da cơ địa sau khi sinh
Viêm da cơ địa đặc trưng bởi tình trạng ngứa ngáy, da đỏ, khô ráp và nứt nẻ

Dấu hiệu nhận biết viêm da cơ địa ở phụ nữ sau khi sinh:

  • Da nổi các ban dát đỏ kèm theo mụn nước nhỏ, xuất hiện chủ yếu ở da tay, cổ, chân và vùng mặt
  • Theo thời gian, mụn nước tự vỡ, rỉ dịch, dẫn đến hiện tượng trợt loét và phù nề
  • Quá trình nổi mụn nước, vỡ, rỉ dịch,… có thể lặp đi lặp trong khoảng vài ngày đến vài tuần
  • Sau đó, da có xu hướng khô lại và bong vảy trắng. Trong trường hợp bội nhiễm, tổn thương da viêm đỏ nặng, nóng rát, phù nề, đau nhức, nổi mụn mủ và tiết vảy vàng
  • Sau một thời gian, da khô lại, khô ráp, sần sùi và tổn thương thường có màu hồng đỏ
  • Dần dần da tăng sinh tế bào sừng dẫn đến tình trạng thâm nhiễm, nứt nẻ, sần sùi, da sẫm màu và bong vảy
  • Toàn bộ giai đoạn phát triển của viêm da cơ địa đều đi kèm với triệu chứng ngứa dai dẳng. Mức độ ngứa có thể dao động từ âm ỉ đến dữ dội tùy theo tiến triển của bệnh

Ở một số trường hợp, viêm da cơ địa sau khi sinh có thể đi kèm với nổi mề đay và phát ban. Các bệnh da liễu này đều chỉ gây tổn thương da kèm ngứa ngáy, nóng rát (ít gặp hơn) và hầu như không tác động đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, triệu chứng ngứa dai dẳng có thể gây ra cảm giác khó chịu, bứt rứt, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và chất lược cuộc sống.

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa sau sinh

Như đã đề cập, căn nguyên của viêm da cơ địa vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên khi nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy tất cả bệnh nhân viêm da cơ địa đều có cơ địa dị ứng (thể địa mẫn cảm). Yếu tố này khiến cho hệ miễn dịch trở nên nhạy cảm với các tác động bên trong và bên ngoài cơ thể. Kết quả là dẫn đến tổn thương ngoài da kèm ngứa ngáy dai dẳng và dễ tái phát.

Dưới đây là một số nguyên nhân, yếu tố có thể gây viêm da cơ địa ở phụ nữ sau khi sinh:

1. Cơ địa dị ứng (thể địa mẫn cảm)

Viêm da cơ địa chỉ xảy ra ở một số cá thể nhất định. Ngay cả khi cùng chịu các tác động nội sinh và ngoại sinh nhưng chỉ có một số người có các biểu hiện của bệnh. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ yếu tố cơ địa. Như đã đề cập, thể địa mẫn cảm khiến hệ miễn dịch nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích.

Điều này dẫn đến phản ứng tăng kháng nguyên IgE trong huyết tương khi tiếp xúc với “dị nguyên”. Khi IgE tăng đến mức độ nhất định sẽ kích thích giải phóng các chất trung gian gây dị ứng và các yếu tố tiền viêm vào da. Kết quả là da xuất hiện tổn thương điển hình của viêm da cơ địa kèm theo tình trạng ngứa ngáy dai dẳng.

Mặc dù chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến thể địa dị ứng nhưng các nghiên cứu đều cho thấy, yếu tố này có liên quan mật thiết đến di truyền. Do đó, phụ nữ sau khi sinh dễ bị viêm da cơ địa nếu tiền sử gia đình mắc bệnh lý này hoặc các vấn đề sức khỏe có liên quan đến thể địa quá mẫn như viêm mũi dị ứng, hen phế quản, sốt mùa cỏ khô,…

2. Rối loạn nội tiết tố

Rối loạn nội tiết tố được xem là yếu tố chính kích hoạt viêm da cơ địa bùng phát ở phụ nữ sau khi sinh. Nồng độ estrogen và progesterone trong giai đoạn này dễ bị rối loạn do buồng trứng chưa ổn định hoạt động sản xuất nội tiết. Hơn nữa sau khi sinh, cơ thể có xu hướng tăng sinh hormone prolactin nhằm kích thích sản xuất sữa mẹ.

viêm da cơ địa sau khi sinh
Rối loạn nội tiết tố là yếu tố kích hoạt viêm da cơ địa sau khi sinh bùng phát

Nồng độ nội tiết tố mất cân bằng là yếu tố nội sinh kích hoạt phản ứng dị ứng và làm bùng phát viêm da cơ địa. Ngoài ra, yếu tố này còn là nguyên nhân gây tái phát các bệnh da liễu mãn tính như (mề đay mãn tính, viêm da tiết bã nhờn, vảy nến,…).

Tham khảo thêm thông tin: Bệnh vảy nến là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh hiệu quả

3. Suy giảm sức đề kháng

Cơ thể sản phụ dễ bị suy nhược và mệt mỏi sau khi trải qua quá trình sinh nở. Hơn nữa do ảnh hưởng của rối loạn nội tiết tố, phụ nữ sau sinh thường có thể trạng kém và chức năng đề kháng suy giảm. Đây chính là yếu tố khiến cho dị nguyên dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và kích hoạt phản ứng thái quá của hệ miễn dịch.

Vì vậy ở giai đoạn sau khi sinh, cơ thể trở nên “nhạy cảm” với những yếu tố nội sinh và ngoại sinh như căng thẳng, suy nhược quá mức, thời tiết thay đổi, phấn hoa, xà phòng,… Thực tế cũng cho thấy, nhiều mẹ bỉm bị dị ứng với các loại thức ăn trước đây chưa từng có tiền sử dị ứng/ kích ứng. Điều này càng khẳng định vai trò của suy giảm sức đề kháng trong cơ chế bệnh sinh của viêm da cơ địa.

4. Tâm lý căng thẳng, lo âu

Rối loạn nội tiết, suy nhược cơ thể, áp lực từ việc chăm sóc con cái,… là những nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng và lo âu ở phụ nữ sau khi sinh. Không chỉ tác động xấu đến tâm lý, tình trạng này còn là yếu tố kích thích viêm da cơ địa và các bệnh da liễu bùng phát.

chữa viêm da cơ địa sau sinh
Căng thẳng, lo âu cũng có thể là yếu tố làm bùng phát viêm da cơ địa ở phụ nữ sau khi sinh

5. Một số yếu tố khác

Ngoài những nguyên nhân kể trên, viêm da cơ địa ở phụ nữ sau khi sinh cũng có thể bùng phát do những yếu tố sau:

  • Tiếp xúc với các gây dị ứng như hóa chất, mỹ phẩm, xà phòng, chất len dạ, phấn hoa,…
  • Ăn uống quá mức khiến gan không chuyển hóa toàn bộ dinh dưỡng dẫn đến tích tụ độc tố và gây ra tình trạng dị ứng
  • Ảnh hưởng của một số loại thuốc sử dụng trong quá trình sinh nở
  • Quan niệm “ở cữ” thiếu khoa học cũng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm da cơ địa sau sinh

Trên thực tế, viêm da cơ địa sau sinh hiếm khi xảy ra một nguyên nhân cụ thể. Tình trạng này thường là hệ quả do nhiều yếu tố và nguyên nhân cộng hưởng.

Viêm da cơ địa sau sinh có nguy hiểm không?

Viêm da cơ địa là vấn đề da liễu tương đối phổ biến. Bệnh chủ yếu gây tổn thương ngoài da kèm ngứa ngáy dai dẳng và đau rát (chủ yếu xảy ra ở giai đoạn cấp). Hiện tại, chưa có phương án điều trị bệnh dứt điểm do căn nguyên còn nhiều điểm chưa được làm rõ. Tuy nhiên, viêm da cơ địa là căn bệnh lành tính và có thể kiểm soát thông qua sử dụng thuốc, chăm sóc da đúng cách và tổ chức lại lối sống.

Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể nhưng viêm da cơ địa dễ tái phát và có tính chất dai dẳng, cố thủ. Hơn nữa, triệu chứng ngứa do bệnh lý này gây ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ, tâm lý và chất lượng cuộc sống của phụ nữ sau khi sinh.

viêm da cơ địa sau sinh
Viêm da cơ địa gây ra cảm giác ngứa ngáy, bứt rứt, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống

Nếu chăm sóc không đúng cách và thường xuyên gãi, cào, da có thể bị xây xước, chảy máu và tăng nguy cơ viêm nhiễm. Ngoài ra, phụ nữ sau khi sinh cũng có thể gặp phải một số rủi ro và biến chứng nếu điều trị không đúng cách như teo da, mỏng da, rạn da, hội chứng Cushing (chủ yếu do lạm dụng thuốc bôi corticoid).

Chính vì vậy ngay khi xuất hiện các biểu hiện của viêm da cơ địa, mẹ bỉm nên can thiệp các phương pháp khắc phục an toàn để giảm ngứa và cải thiện tổn thương da. Tránh tình trạng chủ quan khiến tổn thương da lan rộng dẫn đến ngứa ngáy dữ dội, viêm nhiễm và đau nhức.

Cách chữa viêm da cơ địa sau khi sinh an toàn

Điều trị viêm da cơ địa cho phụ nữ sau khi sinh phải được thực hiện một cách thận trọng – nhất là với những người đang cho con bú. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bé, mẹ bỉm có thể áp dụng một số cách chữa đơn giản sau:

1. Dùng kem dưỡng ẩm – Cách chữa viêm da cơ địa sau sinh an toàn

Da khô ráp, sần sùi và ngứa ngáy là triệu chứng điển hình của viêm da cơ địa. Đặc biệt ở bệnh nhân bị viêm da cơ địa, da càng khô thì mức độ ngứa ngáy càng tăng lên. Chính vì vậy, mẹ bỉm có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm lành tính để làm mềm da, khóa ẩm, giảm khô ráp và ngứa ngáy.

Dưỡng ẩm da có vai trò quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa viêm da cơ địa tái phát. Bởi đa phần bệnh nhân mắc bệnh lý này đều có khiếm khuyết trong cấu trúc da khiến hàng rào bảo vệ suy giảm, da dễ bị thoát hơi nước và khô ráp. Đây chính là yếu tố để các dị nguyên dễ dàng xâm nhập và kích thích phản ứng dị ứng.

viêm da cơ địa sau khi sinh
Sử dụng kem dưỡng ẩm giúp làm mềm da, giảm ngứa và bong tróc hiệu quả

Bằng cách giữ ẩm cho da, các sản phẩm kem dưỡng có thể phục hồi hàng rào bảo vệ tự nhiên, hỗ trợ giảm ngứa và ngăn ngừa tổn thương do viêm da cơ địa lan tỏa rộng. Hiện nay, một số thương hiệu dược mỹ phẩm đã nghiên cứu và sản xuất các dòng kem dưỡng dành riêng cho người bị viêm da cơ địa. Ngoài thành phần dưỡng ẩm, các sản phẩm này còn được bổ sung thêm vitamin E, B5, chiết xuất yến mạch, Zinc oxide,… để giảm ngứa và tái tạo mô da.

Các loại kem dưỡng ẩm lành tính có độ an toàn cao và có thể sử dụng lâu dài. Mẹ bỉm nên thoa kem dưỡng từ 2 – 4 lần/ ngày lên vùng da tổn thương để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

2. Cải thiện sức khỏe tổng thể

Nguyên nhân chủ yếu gây bùng phát viêm da cơ địa ở phụ nữ sau khi sinh là sức khỏe suy giảm do rối loạn nội tiết, stress, căng thẳng,… Vì vậy để kiểm soát các triệu chứng của bệnh lý này, mẹ bỉm nên cải thiện sức khỏe tổng thể bằng một số biện pháp sau:

viêm da cơ địa sau sinh
Mẹ bỉm nên ăn uống, sinh hoạt điều độ để cải thiện sức khỏe và chức năng đề kháng
  • Bổ sung thực phẩm chứa probiotic hoặc dùng sản phẩm chứa men vi sinh trực khuẩn đông khô để phục hồi hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ nâng cao chức năng đề kháng và phục hồi cơ thể. Ngoài ra, hệ tiêu hóa được phục hồi còn giúp giảm nguy cơ dị ứng thức ăn – một trong những yếu tố kích thích viêm da cơ địa bùng phát.
  • Xây dựng chế độ ăn khoa học với các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, hạt, trái cây, các, thịt,… Hạn chế dùng thức ăn chế biến sẵn, món ăn chứa nhiều dầu mỡ và gia vị.
  • Ngoài ra, mẹ bỉm cũng nên hạn chế cà phê, chất kích thích và rượu bia. Các loại thức uống này đều làm tăng độ nhạy cảm của hệ miễn dịch và khiến viêm da cơ địa tiến triển dai dẳng, mãn tính.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và nên chia sẻ công việc chăm sóc con cái với bạn đời. Bên cạnh đó, mẹ bỉm cũng có thể thực hiện một số hoạt động thư giãn giúp giải phóng căng thẳng như ngồi thiền, đọc sách, nghe nhạc, tập thể dục,…

Việc tổ chức lại lối sống giúp phục hồi sức khỏe và cải thiện chức năng đề kháng cho phụ nữ sau khi sinh. Khi hệ miễn dịch được phục hồi, cơ thể sẽ giảm mức độ nhạy cảm với những yếu tố bên ngoài và bên trong cơ thể. Qua đó hỗ trợ kiểm soát triệu chứng và tiến triển của viêm da cơ địa cùng với các vấn đề da liễu khác.

Nên xem: Viêm da cơ địa có bị lây không? Những lưu ý để phòng ngừa bệnh hiệu quả

3. Tận dụng một số thảo dược tự nhiên

Bên cạnh việc sử dụng kem dưỡng ẩm và điều chỉnh lối sống để nâng cao sức đề kháng, mẹ bỉm cũng có thể cải thiện cơn ngứa và các triệu chứng đi kèm bằng một số loại thảo dược tự nhiên như:

viêm da cơ địa sau sinh
Có thể tận dụng một số loại thảo dược tự nhiên để cải thiện viêm da cơ địa sau sinh
  • Lá trầu không: Với đặc tính kháng sinh và tiêu viêm tự nhiên, lá trầu không có khả năng giảm ngứa, viêm đỏ và hỗ trợ phòng ngừa tình trạng viêm da cơ địa bội nhiễm. Mẹ bỉm có thể đun sôi lá trầu với 1 ít muối biển để ngâm rửa vùng da tổn thương. Chỉ sau khoảng 10 – 15 phút, cảm giác ngứa ngáy và đau rát sẽ thuyên giảm đáng kể.
  • Lá chè xanh: Tinh chất trong lá chè xanh có tác dụng se da, giảm viêm và sát trùng. Bên cạnh đó, thảo dược này còn chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa có khả năng làm mềm da, tái tạo và phục hồi các tế bào hư tổn. Nếu viêm da cơ địa xảy ra trên diện rộng, mẹ bỉm có thể nấu nước lá chè xanh tắm hằng ngày để giảm ngứa, viêm đỏ và làm sạch tổn thương trên da.
  • Các loại thảo dược khác: Ngoài ra, phụ nữ sau sinh bị viêm da cơ địa cũng có thể tận dụng một số thảo dược tự nhiên khác như lá lốt, lá khế, lá kinh giới, đinh lăng,… nấu nước tắm và ngâm rửa da để giảm ngứa, cải thiện tình trạng da viêm đỏ, bong tróc và nứt nẻ.

Các cách chữa viêm da cơ địa tại nhà bằng mẹo dân gian mang lại hiệu quả khá rõ rệt, dễ thực hiện và có độ an toàn cao. Do đó, mẹ bỉm có thể áp dụng đồng thời mẹo chữa này cùng với sử dụng kem dưỡng ẩm và điều chỉnh lối sống. Thực tế cho thấy, việc kết hợp các phương pháp không dùng thuốc giúp cải thiện tình trạng viêm da cơ địa sau sinh đáng kể.

Có thể dùng thuốc trị viêm da cơ địa sau sinh?

Tương tự như phụ nữ mang thai, phụ nữ sau khi sinh – đặc biệt là người đang cho con bú là nhóm đối tượng nhạy cảm. Do đó, không tự sử dụng thuốc điều trị viêm da cơ địa. Bởi đa phần các loại thuốc – kể cả thuốc bôi đều có khả năng hấp thu vào máu và bài tiết qua sữa mẹ.

Vì vậy, mẹ bỉm chỉ nên áp dụng các phương pháp không dùng thuốc để giảm ngứa và cải thiện tổn thương da. Trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm hoặc có xu hướng lan tỏa toàn thân, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn các loại thuốc an toàn. Ngoài thuốc tây, mẹ cũng có thể cân nhắc dùng điều trị viêm da cơ địa bằng Đông y. Tuy nhiên, cần lựa chọn phòng khám uy tín để tránh các tình huống rủi ro và tác dụng phụ phát sinh trong quá trình điều trị.

Xem thêm: viêm da cơ địa tắm lá gì? Tổng hợp các loại lá tắm giúp cải thiện bệnh

Một số lưu ý khi điều trị viêm da cơ địa sau khi sinh

Điều trị viêm da cơ địa ở phụ nữ sau sinh gặp nhiều bất lợi vì không thể sử dụng các loại thuốc có đáp ứng tốt (corticoid). Do đó để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao, mẹ bỉm nên lưu ý một số vấn đề sau:

viêm da cơ địa sau sinh
Khi điều trị viêm da cơ địa, nên tránh tiếp xúc với xà phòng, hóa chất và thức ăn gây dị ứng
  • Tích cực trong việc xây dựng lối sống khoa học, giữ tâm lý lạc quan và hạn chế stress, căng thẳng là biện pháp quan trọng nhất trong điều trị viêm da cơ địa ở phụ nữ sau sinh.
  • Dùng kem dưỡng ẩm đều đặn để làm mềm da, giảm ngứa và ngăn ngừa tổn thương lan rộng. Ngoài ra, mẹ bỉm nên thay đổi các loại sữa tắm, sữa rửa mặt để tránh gây khô da và kích ứng.
  • Không sử dụng xà phòng và các chất tẩy rửa có độ pH cao. Các sản phẩm này đều có thể khiến hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ, da trở nên khô ráp, nứt nẻ và chảy máu. Để bảo vệ làn da, nên thay thế bằng các sản phẩm chứa thành phần làm sạch dịu nhẹ, an toàn.
  • Tránh sử dụng thức ăn có khả năng dị ứng cao, hạn chế tiếp xúc với hóa chất và mang khẩu trang khi ra ngoài trời để tránh bụi bẩn, phấn hoa, nấm mốc. Việc cách ly với các yếu tố kích thích giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và hạn chế nguy cơ tái phát đáng kể.
  • Tuyệt đối không chà xát, gãi cào lên da. Bên cạnh đó, nên giữ vệ sinh cơ thể, mặc các trang phục thông thoáng để giảm ma sát lên vùng da tổn thương.
  • Chủ động trị liệu tâm lý nếu tình trạng lo âu, căng thẳng kéo dài. Tình trạng này không chỉ khiến viêm da cơ địa tái đi tái lại mà còn mà làm tăng nguy cơ trầm cảm và phát triển các vấn đề tâm lý bất thường.

Viêm da cơ địa sau sinh là tình trạng tương đối phổ biến. Hy vọng qua nội dung của bài tiết, mẹ bỉm có thể hiểu rõ hơn về tính chất bệnh và dễ dàng kiểm soát triệu chứng – tiến triển của bệnh lý này. Trong trường hợp tổn thương da bùng phát mạnh, nổi ồ ạt và lan tỏa toàn thân, nên sắp xếp thời gian tìm gặp bác sĩ để được điều trị y tế kịp thời.