Viêm da cơ địa ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm da cơ địa ở trẻ em chủ yếu xảy ra ở trẻ từ 2 tháng – 2 tuổi với biểu hiện chính là tổn thương lớp nông của da kèm theo ngứa ngáy dai dẳng, mãn tính. Cơ chế bệnh sinh được xác định là có liên quan đến di truyền, rối loạn đáp ứng miễn dịch và tác động từ môi trường. Tuy nhiên, hơn 95% trường hợp bệnh có thể tự thuyên giảm sau 2 tuổi. 

Viêm da cơ địa ở trẻ em
Viêm da cơ địa là bệnh da liễu mãn tính, khởi phát chủ yếu ở trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi

Viêm da cơ địa ở trẻ em là bệnh gì?

Viêm da cơ địa ở trẻ em (chàm sữa/ chàm thể tạng) là bệnh viêm da mãn tính, xảy ra chủ yếu ở trẻ từ 2 tháng – 2 tuổi. Bệnh lý này có biểu hiện tương đối đa dạng, phụ thuộc vào cơ địa và độ tuổi của trẻ. Tuy nhiên, triệu chứng chung của bệnh là tình trạng viêm lớp nông của da đi kèm với triệu chứng ngứa ngáy dai dẳng, mức độ dao động từ âm ỉ đến dữ dội.

Mặc dù là bệnh da liễu lành tính nhưng chàm thể tạng có cơ chế bệnh sinh phức tạp. Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy, ở cả trẻ em và người lớn, bệnh đều có mối liên hệ mật thiết với yếu tố di truyền, rối loạn đáp ứng miễn dịch (cơ địa dị ứng) và tác động từ môi trường.

Thống kê cho thấy, có khoảng 95% trường hợp bệnh thuyên giảm hoàn toàn sau 2 tuổi. Ở những trường hợp khác, bệnh có tiến triển dai dẳng, tái phát nhiều lần và không thể điều trị hoàn toàn nhưng đa phần đều có thể kiểm soát được và gần như không gây ra biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Vì có liên quan đến rối loạn đáp ứng miễn dịch nên trẻ bị chàm thể tạng còn có phát triển đồng thời với các bệnh lý có cơ chế dị ứng như hen suyễn (hen phế quản), viêm mũi dị ứng, sốt cỏ khô,…

Biểu hiện của viêm da cơ địa ở trẻ em

Viêm da cơ địa là bệnh da liễu phát triển qua từng giai đoạn, bao gồm giai đoạn cấp tính, bán cấp và mãn tính. Ngoài ra, biểu hiện lâm sàng của bệnh cũng có sự khác biệt ở từng độ tuổi. Có thể nói, chàm thể tạng là bệnh da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ có biểu hiện phong phú nhất. Việc phát hiện sớm biểu hiện của bệnh là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát tổn thương da và cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ.

1. Triệu chứng của viêm da cơ địa theo giai đoạn

Như đã đề cập, viêm da cơ địa phát triển theo từng giai đoạn cụ thể. Ở mỗi giai đoạn, bệnh có biểu hiện hoàn toàn khác biệt. Trong đó, viêm da cơ địa cấp và mãn tính có các triệu chứng điển hình, dễ nhận biết. Ngược lại, viêm da cơ địa bán cấp có triệu chứng mờ nhạt và thời gian tiến triển tương đối ngắn.

Triệu chứng của viêm da cơ địa ở trẻ em giai đoạn cấp tính:

Hình ảnh bé bị viêm da cơ địa
Hình ảnh viêm da cơ địa ở trẻ em trong giai đoạn cấp tính
  • Da xuất hiện ban dát có màu hồng hoặc đỏ, ranh giới không rõ ràng và bằng phẳng với vùng da xung quanh
  • Tổn thương da có hình móng ngựa hoặc hình tròn với kích thước đa dạng
  • Sau đó, các ban dát nổi nhiều mụn nước nhỏ, đám sẩn kèm theo hiện tượng tiết dịch nhưng không có vảy da
  • Da tiếp tục nổi mụn nước và rỉ dịch, quá trình này lặp lại trong khoảng vài tuần đến vài ngày
  • Trong giai đoạn rỉ dịch, tổn thương da có dấu hiệu phù nề kèm đau nhức – mức độ có thể tăng lên nếu xuất hiện bội nhiễm
  • Bội nhiễm đặc trưng bởi sự xuất hiện các mụn mủ nhỏ kèm vảy tiết màu vàng (thường do vệ sinh kém, gão cào thường xuyên lên vùng da tổn thương).
  • Có đến hơn 95% trẻ nhỏ bị viêm da cơ địa đều xuất hiện tổn thương ở vùng mặt. Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng đến vùng da ở cánh tay, bàn tay, bàn chân và phần thân trên nhưng ít gặp hơn

Dấu hiệu viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ trong giai đoạn bán cấp:

Hình ảnh bé bị viêm da cơ địa
Ở giai đoạn bán cấp, da ngưng rỉ dịch, giảm phù nề và thường có tổn thương màu đỏ, bóng
  • Da ngưng tiết dịch, hết đau nhức, phù nề, ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội
  • Da đỏ, hơi sần sùi nhẹ
  • Thời gian tiến triển ngắn, tổn thương bán cấp xen lẽn với tổn thương da cấp tính nên khó nhận biết

Triệu chứng của viêm da cơ địa ở trẻ em trong giai đoạn mãn tính:

Hình ảnh bé bị viêm da cơ địa
Ở giai đoạn mãn tính, tổn thương da khô lại, dày sừng, thâm nhiễm và ngứa ngáy
  • Tổn thương da khô lại dần theo thời gian, có hiện tượng thâm nhiễm, nổi cộm và có ranh giới rõ với vùng da lành
  • Tình trạng kéo dài dẫn đến hiện lichen hóa (da dày sừng, cứng và sẫm màu)
  • Da nứt nẻ, sần sùi, bong tróc và gây ngứa ngáy dai dẳng

Có thể thấy, viêm da cơ địa chủ yếu gây viêm ở lớp nông của da đi kèm với triệu chứng ngứa âm ỉ, dữ dội và dai dẳng. Ngoài ra trong giai đoạn cấp, bệnh có thể gây đau nhức nhẹ do bội nhiễm nhưng mức độ đau thường không đáng kể.

Ở trẻ nhỏ, vấn đề đáng lo ngại nhất là hiện tượng ngứa dai dẳng. Tình trạng này khiến cho trẻ dễ mất ngủ, mệt mỏi, bứt rứt, chán ăn và dần dần ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất.

2. Đặc điểm của viêm da cơ địa theo độ tuổi

Không chỉ phụ thuộc vào giai đoạn phát triển, viêm da cơ địa còn có những đặc điểm riêng biệt ở từng độ tuổi. Cụ thể như sau:

Hình ảnh bé bị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh, trẻ dưới 2 tuổi ảnh hưởng chủ yếu đến vùng da mặt
  • Thời kỳ nhũ nhi, sơ sinh (trẻ từ 2 tháng tuổi đến 2 tuổi): Chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ bụ bẫm, mập mạp với tổn thương xảy ra ở hai bên má, cằm và trán, hiếm khi xuất hiện ở bàn tay, cánh tay, bàn chân hay thân mình. Ở giai đoạn này, bệnh thường được gọi là chàm sữa với triệu chứng đặc trưng là da đỏ, rỉ dịch, trợt loét, khô và sần sùi. Viêm da cơ địa thời kỳ nhũ nhi, sơ sinh thường đi kèm với chứng ỉa lỏng và viêm tai giữa.
  • Thời kỳ trẻ em (từ 2 – 3 tuổi và 12 – 20 tuổi): Viêm da cơ địa ở thời kỳ trẻ em ảnh hưởng chủ yếu đến vùng da có nếp gấp như cổ, đầu gối, khuỷu tay, bàn chân,… Ở thời kỳ này, bệnh hầu như không có tổn thương da cấp tính hay bán cấp mà điển hình với các biểu hiện ở giai đoạn mãn tính như da sần sùi, khô ráp, hình thành các mảng hằn cổ trâu (lichen hóa). Viêm da cơ địa thời kỳ trẻ em có thể đi kèm với đục thủy tinh thể và viêm kết mạc.

Ở một số ít trường hợp, viêm da cơ địa ở trẻ em có thể bùng phát mạnh và gây tổn thương da trên diện rộng (đỏ da toàn thân). Tuy nhiên, may mắn là tình trạng này rất hiếm gặp.

Có thể bạn quan tâm: Lá tắm chữa viêm da cơ địa dễ kiếm ngay tại nhà, mẹ đã biết

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở trẻ em

Mặc dù đã được nghiên cứu trong thời gian dài nhưng nguyên nhân chính xác gây ra viêm da cơ địa vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, đa phần trẻ nhỏ và người lớn mắc bệnh lý này đều có thể địa dị ứng (rối loạn đáp ứng miễn dịch). Yếu tố này khiến cho hệ miễn dịch trở nên nhạy cảm với “dị nguyên” và phản ứng lại bằng cách tăng kháng nguyên IgE trong máu.

IgE tăng lên kích hoạt các yếu tố gây viêm, tiền viêm và các chất trung gian hóa học trong phản ứng dị ứng. Kết quả là các yếu tố này gây ra phản ứng viêm, ngứa ngáy và làm tổn thương lớp nông của da. Thể địa dị ứng được quy định bởi gen (di truyền) nên viêm da cơ địa và các bệnh lý dị ứng khác (viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm kết mạc dị ứng, sốt cỏ khô,…) thường có tính chất gia đình.

Hình ảnh bé bị viêm da cơ địa
Dị ứng thức ăn là yếu tố làm bùng phát viêm da cơ địa ở trẻ em

Tuy nhiên, viêm da cơ địa ở trẻ em chỉ bùng phát khi có yếu tố kích thích như:

  • Dị ứng thức ăn (thường là dị ứng đạm sữa bò)
  • Dị ứng thời tiết
  • Khí hậu khô hanh, độ ẩm thấp
  • Tiếp xúc nhiều với xà phòng, chất tẩy rửa
  • Điều kiện vệ sinh kém
  • Nhiễm khuẩn da, đường hô hấp
  • Đặc điểm của làn da (da của trẻ nhỏ mỏng và có khả năng mất nước cao hơn gấp 5 lần so với da của người lớn)

Trên thực tế, viêm da cơ địa còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố nội sinh như rối loạn nội tiết tố, căng thẳng thần kinh,… Tuy nhiên, đa phần những yếu tố này chủ yếu tác động đến trẻ lớn và người trưởng thành, hiếm khi ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Cũng chính vì vậy mà viêm da cơ địa ở trẻ em dễ kiểm soát hơn so với viêm da cơ địa ở người trưởng thành do phạm vi các yếu tố kích thích (dị nguyên) khá hạn chế.

Tham khảo thêm: mẹo chữa dị ứng thời tiết tại nhà rất đơn giản, mang lại hiệu quả cao

Viêm da cơ địa ở trẻ em có lây không? Nguy hiểm không?

Viêm da cơ địa là thể lâm sàng thường gặp nhất của bệnh chàm – eczema. Đây là bệnh da liễu hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm, ngay cả khi tiếp xúc da – da trực tiếp. Bởi căn nguyên của bệnh liên quan đến cơ địa dị ứng, dị truyền dưới tác động của môi trường. Vì vậy, trẻ nhỏ bị viêm da cơ địa hoàn toàn có thể sinh hoạt, vui chơi thân mật với các trẻ khỏe mạnh.

Tuy nhiên, viêm da cơ địa khiến lớp sừng của da bị tổn thương, da nứt nẻ và dễ nhiễm khuẩn. Do đó, trẻ mắc bệnh lý này dễ bị lây nhiễm các bệnh da liễu do virus và vi khuẩn như herpes, u mềm lây, chốc lở,… Ngoài ra, tình trạng vệ sinh kém cũng có thể khiến tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) – vi khuẩn thường trú trên da dễ dàng xâm nhập và gây bội nhiễm.

Viêm da cơ địa và các thể khác của bệnh chàm đều có tiến triển dai dẳng nhưng lành tính. Bệnh chủ yếu gây tổn thương da nên hầu như không đe dọa đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên, tình trạng ngứa ngáy dai dẳng do bệnh lý này có thể gây ra cảm giác bứt rứt, khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và tinh thần. Nếu không quản lý các triệu chứng kể trên, bệnh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ.

Các phương pháp điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em

Nguyên tắc chính khi điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em là phục hồi hàng rào bảo vệ da, kiểm soát nhanh các triệu chứng ở giai đoạn cấp bằng thuốc và ổn định tiến triển của bệnh bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà.

1. Dùng thuốc điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em

Trong các đợt cấp của bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn loại thuốc phù hợp. Ở giai đoạn này, mục tiêu chính là sử dụng thuốc nhằm kiểm soát nhanh tổn thương da và các triệu chứng cơ năng của bệnh.

trị viêm da cơ địa ở trẻ em
Trong các đợt cấp, nên sử dụng thuốc cho trẻ để kiểm soát nhanh các triệu chứng của bệnh

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm da cơ địa cho bé:

  • Thuốc bôi chứa corticoid: Được sử dụng để làm giảm tình trạng viêm da, ngứa ngáy và phù nề. Thuốc được sử dụng 1 – 2 lần/ ngày trong tối đa 2 tuần. Sau đó, có thể giảm liều 1 – 2 lần/ tuần để ổn định tiến triển của bệnh. Thuốc bôi chứa corticoid gây ra nhiều rủi ro và biến chứng nếu lạm dụng quá mức. Do đó, phụ huynh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ khi sử dụng loại thuốc này cho con trẻ.
  • Kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng trong trường hợp viêm da cơ địa bội nhiễm. Tùy theo mức độ nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh dạng bôi hoặc dạng uống. Phụ huynh cần duy trì dùng kháng sinh cho trẻ đều đặn hằng ngày trong 7 – 10 ngày để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.
  • Thuốc chống ngứa: Thuốc chống ngứa được sử dụng để làm giảm tình trạng ngứa ngáy và cải thiện cảm giác khó chịu cho trẻ. Loại thuốc được sử dụng thường là thuốc kháng histamine H1. Tuy nhiên với trẻ dưới 2 tuổi, nhóm thuốc này gây ra không ít rủi ro và tác dụng ngoại ý. Do đó, phụ huynh chỉ sử dụng thuốc cho trẻ khi có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.

Hầu hết các loại thuốc điều trị viêm da cơ địa cho trẻ nhỏ đều có thể gây ra tác dụng ngoại ý nếu lạm dụng quá mức. Chính vì vậy, phụ huynh chỉ nên sử dụng thuốc trong các đợt cấp của bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong giai đoạn bệnh ổn định, nên kiểm soát bệnh bằng các biện pháp chăm sóc để hạn chế rủi ro do dùng thuốc dài hạn.

Tham khảo thêm: 9 Cây thuốc nam trị bệnh viêm da cơ địa dễ tìm quanh nhà

2. Dưỡng ẩm, chăm sóc da đúng cách

Đa phần bệnh nhân bị viêm da cơ địa đều có khiếm khuyết ở hàng rào bảo vệ da (thiếu hụt filaggrin). Thiếu filaggrin (protein có vai trò liên kết các sợi keratin trong tế bào biểu mô) khiến hàng rào da suy giảm, da dễ mất nước, khô và nhạy cảm hơn với các yếu tố ngoại sinh. Điều này lý giải vì sao mặc dù cùng sinh sống trong điều kiện không khí khô hanh, cùng tiếp xúc với xà phòng và hóa chất nhưng chỉ có một số cá thể bị viêm da cơ địa.

Chính vì hàng rào da suy giảm, da khô ráp và sần sùi nên việc dưỡng ẩm có vai trò vô cùng quan trọng đối với điều trị và phòng ngừa viêm da cơ địa tái phát. Khi được cung cấp đủ độ ẩm, da sẽ nhanh chóng giảm ngứa ngáy, đau rát và hạn chế mức độ nhạy cảm với các yếu tố từ môi trường. Do đó, trẻ nhỏ và người lớn bị viêm da cơ địa cần phải sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên và lâu dài.

trị viêm da cơ địa ở trẻ em
Trẻ nhỏ bị viêm da cơ địa cần được dưỡng ẩm thường xuyên và lâu dài để kiểm soát triệu chứng – tiến triển của bệnh

Ngoài sử dụng kem dưỡng 2 – 4 lần/ ngày, phụ huynh cũng có thể dùng các loại sữa tắm và sản phẩm chăm sóc da có bổ sung thành phần dưỡng ẩm để cải thiện tình trạng da khô ráp, bong tróc ở trẻ nhỏ. Theo các chuyên gia, nên dưỡng ẩm ngay sau khi tắm để cung cấp độ ẩm lý tưởng cho làn da, hạn chế tình trạng thoát hơi nước khiến da bong tróc và ngứa ngáy.

Ngoài ra, phụ huynh cũng nên áp dụng một số biện pháp chăm sóc da khác như:

  • Tắm nước ấm vừa phải trong khoảng 10 phút để giảm ngứa, làm mềm da và loại bỏ vảy bong
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm trong không khí nhằm hạn chế tình trạng da thoát nhiều hơi nước khi thời tiết khô hanh. Ở bệnh nhân bị viêm da cơ địa, da càng khô thì mức độ ngứa càng tăng lên và tổn thương da có xu hướng lan tỏa, phát triển rộng.
  • Giữ ấm cơ thể cho bé, mặc quần áo dài tay để bảo vệ da, giảm tình trạng da khô và bong tróc.
  • Mặc trang phục rộng rãi, thấm hút tốt để hạn chế ma sát lên vùng da tổn thương.
  • Cắt ngắn móng tay của trẻ và mang bao tay để tránh tình trạng trẻ chà xát, gãi mạnh lên vùng da tổn thương.

3. Kiểm soát các yếu tố bùng phát bệnh

Viêm da cơ địa là bệnh lý da liễu chịu sự chi phối của các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Do đó bên cạnh việc sử dụng thuốc và dưỡng ẩm cho bé, phụ huynh cần kiểm soát các yếu tố có khả năng bùng phát và khiến bệnh tiến triển nặng như:

trị viêm da cơ địa ở trẻ em
Cắt ngắn móng cho trẻ để hạn chế tính trạng trẻ cào gãi, bóc các mảng da tổn thương
  • Thức ăn gây dị ứng là “dị nguyên” thường gặp nhất gây bùng phát viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ. Do đó, phụ huynh nên tránh cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm có khả năng dị ứng cao như hải sản, đậu phộng, mè (vừng), sữa bò,…
  • Thay thế các sản phẩm chăm sóc da chứa xà phòng, độ pH cao, chất bảo quản và hương liệu. Các sản phẩm này có thể phá vỡ màng lipid khiến hàng rào bảo vệ da suy giảm, da khô, nứt nẻ và nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích.
  • Cắt ngắn móng cho trẻ và mang bao tay để hạn chế phản ứng gãi cào, chà xát lên da. Với trẻ lớn, nên dặn dò trẻ không được gãi, cạy và bóc các mảng da tổn thương.
  • Cho trẻ mặc trang phục thông thoáng nhằm hạn chế tình trạng đổ nhiều mồ hôi và ma sát mạnh lên da. Các tác động cơ học này đều có khả năng khiến tổn thương da lan rộng và gây ngứa ngáy dữ dội.
  • Nếu trẻ dị ứng với thời tiết, nên đóng kín cửa sổ vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa. Trong trường hợp cần thiết, nên sử dụng thiết bị lọc không khí để giảm thiểu các yếu tố kích thích, dị ứng có trong không gian sống.
  • Nhiễm trùng da và đường hô hấp có thể kích hoạt triệu chứng của viêm da cơ địa bùng phát ở trẻ nhỏ. Do đó, phụ huynh nên chủ động cho trẻ tiêm vaccine và thực hiện các biện pháp phòng ngừa vào giai đoạn dễ mắc bệnh (giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nóng ẩm khiến bệnh bùng phát thành dịch,…).
  • Một số nghiên cứu cho thấy, thiếu hụt vitamin có thể làm nghiêm trọng các tổn thương da ở trẻ nhỏ. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ bú mẹ trong thời gian dài nhất có thể. Bên cạnh đó, nên xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống khoa học để nâng cao thể trạng, giảm rối loạn đáp ứng miễn dịch và hỗ trợ kiểm soát mức độ của bệnh.

Viêm da cơ địa là bệnh da liễu lành tính nhưng dai dẳng, cố thủ và dễ tái phát. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh lý dứt điểm. Do đó, phụ huynh cần kết hợp sử dụng thuốc, chăm sóc da, dưỡng ẩm và cách ly trẻ với các yếu tố kích thích để quản lý triệu chứng và kiểm soát tiến triển của bệnh.

Lưu ý khi điều trị viêm da cơ địa cho trẻ em

Khác với người lớn, trẻ em – đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi là đối tượng nhạy cảm, dễ gặp phải rủi ro và tác dụng phụ khi dùng thuốc. Do đó khi điều trị bệnh lý này cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:

trị viêm da cơ địa ở trẻ em
Cho trẻ ăn uống điều độ để nâng cao thể trạng và hỗ trợ hạn chế tổn thương do viêm da cơ địa gây ra
  • Hơn 95% trường hợp viêm da cơ địa thuyên giảm hoàn toàn sau 2 tuổi. Do đó, phụ huynh không nên quá lo lắng khi con trẻ mắc bệnh lý này.
  • Tránh tình trạng tự ý sử dụng thuốc và các loại lá tắm cho bé. Thực tế, đã có trường hợp trẻ bị dị ứng nặng dẫn đến sốc phản vệ do sử dụng lá tắm chữa viêm da cơ địa. Để đảm bảo an toàn, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương da của từng trẻ để chỉ định loại thuốc điều trị phù hợp, đồng thời tư vấn cách chăm sóc để kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh.
  • Dưỡng ẩm da và cách ly với yếu tố kích thích có vai trò quan trọng trong việc quản lý triệu chứng và phòng ngừa bệnh tái phát. Do đó, hai biện pháp này phải được thực hiện liên tục và lâu dài. Trong khi đó, thuốc điều trị chỉ nên dùng trong trường hợp thật sự cần thiết.
  • Xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống khoa học và điều chỉnh thời gian sinh hoạt phù hợp để nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch. Khi khả năng đề kháng của trẻ phát triển hoàn chỉnh, viêm da cơ địa và các bệnh lý dị ứng thường có xu hướng tự thuyên giảm.

Viêm da cơ địa ở trẻ em là bệnh da liễu lành tính, chủ yếu gây ngứa ngáy kèm tổn thương lớp nông của da. Tuy nhiên, bệnh có thể khiến trẻ mất ngủ, bứt rứt, khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thể chất. Do đó, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn về hướng điều trị, cách chăm sóc nhằm quản lý triệu chứng và tiến triển của bệnh.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.