Nội dung chính

Trào ngược dạ dày khi mang thai thường xảy ra do ảnh hưởng của hormone thai kỳ và thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học. Dù không quá nguy hiểm nhưng chứng bệnh này tác động không nhỏ đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Do đó, bà bầu cần phát hiện và thực hiện các biện pháp an toàn để kiểm soát bệnh triệt để. 

trào ngược dạ dày khi mang thai tháng cuối
Trào ngược dạ dày khi mang thai có thể xảy ra cả trong 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ

Dấu hiệu trào ngược dạ dày khi mang thai

Phụ nữ mang thai là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Như đã biết, chứng trào ngược thường xảy ra do cơ vòng thực quản dưới (LES) bị rối loạn chức năng đóng – mở, dẫn đến hiện tượng dịch vị cùng với thức ăn trào ngược lên thực quản, khoang miệng và thanh quản.

Dù nguyên nhân trực tiếp bắt nguồn từ suy yếu cơ vòng thực quản nhưng GERD là bệnh lý có mối liên hệ mật thiết với thói quen ăn uống và sinh hoạt. Ngoài ra, sự thay đổi đột ngột của hormone trong thời gian mang thai cũng là yếu tố thuận lợi làm gia tăng nguy cơ mắc chứng trào ngược dạ dày và một số bệnh lý tiêu hóa khác.

dấu hiệu trào ngược dạ dày khi mang thai
Trớ thức ăn, ợ nóng, buồn nôn,… là các dấu hiệu thường gặp của bệnh trào ngược dạ dày khi mang thai

Các dấu hiệu nhận biết chứng trào ngược dạ dày ở bà bầu:

  • Trớ thức ăn là triệu chứng điển hình nhất của chứng trào ngược dạ dày. Tình trạng này thường bùng phát ngay sau khi ăn hoặc xảy ra vào ban đêm
  • Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Đau và nóng rát vùng thượng vị
  • Đầy hơi, chướng bụng và chức năng tiêu hóa kém
  • Có cảm giác đắng hoặc chua ở miệng do dịch vị trào ngược lên vòm họng
  • Một số mẹ bầu còn có thể bị ho khan, khàn tiếng và khó nuốt do chứng trào ngược tiến triển dai dẳng

Các triệu chứng của trào ngược dạ dày dễ bị nhầm lẫn với chứng ốm  nghén – nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, chứng ốm nghén thường không gây ợ chua, ợ nóng, nóng rát và đau vùng thượng vị mà chủ yếu gây buồn nôn, nôn mửa nhiều và ăn uống không ngon miệng.

Hơn nữa, ốm nghén thường thuyên giảm kể từ tháng từ thứ 4 thai kỳ. Trong khi đó, các triệu chứng do trào ngược thường nặng dần theo thời gian và đặc biệt bùng phát với tần suất thường xuyên hơn vào 3 tháng cuối.

Có thể bạn quan tâm: Trào Ngược Dạ Dày Gây Viêm Amidan: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở bà bầu

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên ở bà bầu, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của hormone thai kỳ và thói quen ăn uống, sinh hoạt.

Các nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản khi mang thai thường gặp nhất:

1. Áp lực từ sự giãn nở của tử cung

Bắt đầu từ tháng thứ 4 trở đi, tử cung có xu hướng giãn rộng để có đủ không gian cho thai nhi phát triển. Do đó khi thai phát triển lớn, tử cung sẽ gây chèn ép lên các cơ quan tiêu hóa và tiết niệu. Chính vì vậy, mẹ bầu có thể gặp phải tình trạng trào ngược dạ dày trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.

dấu hiệu trào ngược dạ dày ở bà bầu
Sự giãn nở của tử cung là nguyên nhân thường gặp gây ra chứng trào ngược ở phụ nữ mang thai

Ngoài ra, áp lực từ sự giãn nở của tử cung còn khiến nhu động của các cơ quan tiêu hóa bị ảnh hưởng. Bên cạnh hiện tượng trào ngược, mẹ bầu còn có thể gặp phải một số vấn đề khác như khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, ăn uống không ngon, táo bón,…

2. Do thói quen ăn uống

Trong thời gian mang thai, mẹ cần phải bổ sung nguồn dinh dưỡng dồi dào để đáp ứng cho nhu cầu của bản thân và đảm bảo cho thai phát triển tốt, toàn diện. Tuy nhiên, tình trạng ăn uống và tẩm bổ quá mức có thể làm tăng áp lực lên thực quản – dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác.

Bà bầu bị trào ngược dạ dày nên ăn gì
Thói quen ăn uống quá mức là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng trào ngược ở bà bầu

Khi dung nạp một lượng lớn thức ăn, dạ dày mất nhiều thời gian để tiêu hóa hoàn toàn. Do đó, dịch vị và thức ăn có thể gây áp lực lên cơ vòng thực quản dưới, dẫn đến hiện tượng trào ngược lên thực quản và vòm họng. Ngoài ra, chứng trào ngược dạ dày khi mang thai còn có thể do một số thói quen ăn uống như ăn khuya, ăn quá no, dùng nhiều thực phẩm chua, chứa gia vị cay nóng,…

3. Ảnh hưởng của hormone thai kỳ

Khi mang thai, hormone progesterone tăng mạnh. Đây là hormone quan trọng có vai trò giữ thai, tiết sữa và tăng kích thước tử cung. Để bảo vệ thai nhi, hormone này có khả năng thư giãn các các cơ và giảm hoạt động co thắt của cơ tử cung.

Tuy nhiên, hormone này cũng “vô tình” ảnh hưởng đến sự co thắt của một số cơ khác trong cơ thể – chẳng hạn như cơ vòng thực quản dưới. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai thường có nguy cơ cao mắc chứng trào ngược dạ dày và một số vấn đề tiêu hóa thường gặp khác.

Có thể bạn quan tâm: Trào Ngược Dạ Dày Gây Ho Đờm: Nguyên Nhân, Cách Nhận Biết Và Điều Trị

4. Căng thẳng thần kinh quá mức

Sự thay đổi đột ngột của hormone trong thời gian mang thai khiến thai phụ trở nên nhạy cảm và dễ căng thẳng hơn. Ngoài ra, áp lực tài chính và lo lắng về việc chăm sóc con cái trong tương lai cũng khiến cho nhiều mẹ bầu rơi vào trạng thái căng thẳng và lo âu quá mức.

Mẹo chữa trào ngược dạ dày cho bà bầu
Stress, căng thẳng thần kinh kích thích dịch vị tăng tiết và trào ngược lên trên thực quản

Căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương mà còn tác động đến toàn bộ cơ quan trong cơ thể. Với thực quản – dạ dày, stress kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị bất thường. Đồng thời khiến nhu động thực quản giảm và gây rối loạn chức năng đóng – mở của cơ vòng thực quản dưới. Những tác động này chính là yếu tố gây ra hiện tượng trào ngược trong thời gian mang thai.

5. Một số nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân kể trên, chứng trào ngược dạ dày ở phụ nữ mang thai cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như:

trào ngược dạ dày khi mang thai
Chứng trào ngược dạ dày khi mang thai còn có thể xảy ra do tăng cân quá nhanh, nhiễm vi khuẩn Hp
  • Nhiễm vi khuẩn Hp: Vi khuẩn Hp là tác nhân gây ra hàng loạt các bệnh lý ở dạ dày. Vi khuẩn có khả năng lây nhiễm từ người bệnh sang người khỏe mạnh hoặc lây từ nguồn nước, không khí. Vi khuẩn Hp có khả năng tiết men urease mạnh khiến chất nhầy bảo vệ dạ dày bị phá vỡ và kích thích dạ dày tăng tiết axit quá mức. Điều này làm tăng áp lực trong dạ dày và kích thích hiện tượng trào ngược bùng phát.
  • Mặc quần áo chật, bó sát: Mặc quần áo chật và bó sát làm tăng áp lực ổ bụng dẫn đến kích thích hiện tượng trào ngược bùng phát. Ngoài ra, thói quen này còn khiến mẹ bầu khó chịu, đổ nhiều mồ hôi và ngủ không ngon giấc.
  • Tăng cân quá nhanh: Tăng cân quá nhanh là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng trào ngược dạ dày khi mang thai. Tăng cân làm tăng áp lực ổ bụng, từ đó kích thích cơ vòng thực quản dưới và dẫn đến chứng trào ngược.

Nguy cơ mắc bệnh trào ngược có thể tăng lên nếu bà bầu từng có tiền sử trào ngược dạ dày và hen suyễn.

Đọc thêm: Trào Ngược Dạ Dày Bị Khó Thở Có Nguy Hiểm Không? Cách Điều Trị

Trào ngược dạ dày khi mang thai có nguy hiểm không?

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh tiêu hóa khá phổ biến và hầu hết đều không đe dọa nhiều đến sức khỏe. Do đó, mẹ bầu không nên quá lo lắng khi gặp phải tình trạng này. Đa phần các trường hợp trào ngược dạ dày khi mang thai đều có thể thuyên giảm sau khi điều chỉnh một số thói quen ăn uống và sinh hoạt.

Tuy nhiên nếu chủ quan, trào ngược dạ dày có thể khiến chất lượng cuộc sống đi xuống, mẹ bầu ăn uống kém dẫn đến sức khỏe của mẹ và thai nhi bị ảnh hưởng. Trong trường hợp không can thiệp điều trị và xử lý, chứng trào ngược dạ dày ở bà bầu có thể gây ra nhiều ảnh hưởng và biến chứng như:

  • Ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ gây ra tình trạng mệt mỏi, uể oải
  • Hiện tượng trớ thức ăn sau khi ăn no khiến mẹ bầu giảm cảm giác thèm ăn và ăn uống kém
  • Trào ngược thường gây đắng, chua miệng, ảnh hưởng không nhỏ đến vị giác của mẹ bầu
  • Sức khỏe mẹ bầu suy giảm do ăn uống kém, từ đó tác động gián tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi
  • Trào ngược kéo dài gây viêm loét thực quản, khàn tiếng, ho khan, khó nuốt
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng và hô hấp
Trào ngược dạ dày khi mang thai tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Trào ngược dạ dày khi mang thai tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Có thể thấy, dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng trào ngược dạ dày thực quản tác động không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, mẹ bầu nên điều chỉnh lối sống và tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày.

Mẹ nên đi khám khi nào?

Mẹ bị trào ngược dạ dày khi mang thai cần nghe nghe theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời mẹ cần lưu ý, tuyệt đối không dùng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Bên cạnh đó, khi có những dấu hiệu bất thường sau, mẹ bầu cần nhanh chóng đến bệnh viện:

  • Mẹ bầu cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, thường xuyên nôn ói nhiều.
  • Ho nhiều và sốt cao.
  • Mẹ bầu sút cân nhanh chóng, mất kiểm soát.
  • Ngực thường xuyên đau tức trong thời gian dài.
  • Mẹ bầu chán ăn, đắng miệng và khó thở.

Tóm lại khi có những dấu hiệu này, mẹ bầu cần đến cơ sở y tế khám, bác sĩ sẽ đưa ra phương án khắc phục, điều trị, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

Tìm hiểu thêm: Xét nghiệm trào ngược dạ dày là gì? Chi phí, địa chỉ khám bệnh và lưu ý

Các phương pháp điều trị trào ngược dạ dày khi mang thai

Điều trị ưu tiên đối với chứng trào ngược khi mang thai là áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt, áp dụng mẹo tại nhà,… Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, mẹ bầu cần tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn loại thuốc phù hợp.

Các phương pháp điều trị trào ngược dạ dày có thể được áp dụng cho bà bầu:

1. Điều chỉnh lối sống

Điều chỉnh lối sống là phương pháp chữa trào ngược dạ dày hiệu quả và an toàn với cả mẹ bầu lẫn thai nhi. Tuy nhiên, biện pháp này cần được duy trì trong thời gian dài để đảm bảo mang lại hiệu quả tốt nhất. Ngoài tác dụng kiểm soát chứng trào ngược, lối sống khoa học giúp mẹ bầu duy trì sức khỏe và phòng ngừa các bệnh tiêu hóa thường gặp.

trào ngược dạ dày khi mang thai
Tập thể dục thường xuyên là biện pháp kiểm soát chứng trào ngược dạ dày khi mang thai an toàn

Cách xây dựng lối sống giúp mẹ bầu kiểm soát chứng trào ngược dạ dày thực quản:

  • Không nên ăn quá no vì thói quen này làm tăng áp lực lên dạ dày – thực quản. Kết quả là khiến chứng trào ngược trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Thay vào đó, mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn (4 – 6 bữa) để giảm áp lực lên cơ vòng thực quản và giảm thiểu nguy cơ bùng phát chứng trào ngược.
  • Nên tập thói quen ăn chậm nhai kỹ, hạn chế ăn tối muộn và nên giảm lượng thức ăn vào bữa tối. Những thói quen này đều có thể làm giảm áp lực lên thực quản – dạ dày và hỗ trợ kiểm soát chứng trào ngược dạ dày hiệu quả.
  • Tránh uống nước quá nhiều trong các bữa ăn. Điều này kích thích cơ vòng thực quản mở ra để dịch vị và thức ăn trào ngược lên trên. Thay vào đó, mẹ bầu nên uống nước sau khi ăn khoảng 30 – 40 phút và hạn chế nằm/ vận động mạnh ngay sau bữa ăn.
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm cay nóng, nhiều gia vị và khó tiêu hóa. Ngoài ra, mẹ bầu cần tránh tuyệt đối rượu bia và nước ngọt có gas. Sử dụng các loại thực phẩm và thức uống này có thể làm nghiêm trọng hơn các triệu chứng do trào ngược dạ dày thực quản gây ra.
  • Nên đa dạng các nhóm thực phẩm trong thai kỳ, không nên bổ sung quá nhiều thực phẩm giàu đạm và chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Để tránh tăng cân đột ngột, mẹ bầu nên cân đối giữa rau xanh, trái cây, ngũ cốc và thực phẩm giàu protein, khoáng chất.
  • Dành 15 – 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể dục thể thao. Các nghiên cứu cho thấy, thực hiện các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng như đi bộ, yoga,… trong thời gian mang thai có thể giảm chứng trào ngược và cải thiện chức năng tiêu hóa đáng kể.
  • Ngoài ra, nên tránh thức khuya và căng thẳng quá mức. Bên cạnh đó, cần ngủ trước 23:00 và đảm bảo ngủ đủ 7 giờ đồng hồ mỗi ngày.
  • Để giảm trào ngược dạ dày vào ban đêm, mẹ bầu nên dùng gối kê cao và nằm nghiêng sang bên trái. Đồng thời nên mặc những bộ trang phục rộng rãi và thoải mái để giảm áp lực lên thực quản – dạ dày.

ĐỪNG BỎ LỠ: Hướng dẫn 13 bài tập yoga chữa trào ngược dạ dày đơn giản tại nhà

2. Áp dụng mẹo giảm trào ngược an toàn

Bên cạnh điều chỉnh lối sống, mẹ bầu cũng có thể cải thiện chứng trào ngược dạ dày bằng một số mẹo đơn giản như:

trào ngược dạ dày khi mang thai
Có thể dùng mật ong pha nước ấm uống để giảm các triệu chứng khó chịu do trào ngược gây ra
  • Sử dụng mật ong: Mật ong có đặc tính trung hòa dịch vị, giảm buồn nôn và nóng rát thượng vị. Khi tình trạng trào ngược bùng phát, mẹ bầu nên dùng 3 thìa cà phê mật ong hòa với nước ấm uống từng ngụm nhỏ. Áp dụng mẹo chữa này có thể giảm nhanh các triệu chứng khó chịu do trào ngược dạ dày gây ra.
  • Trà hoa cúc: Tương tự như mật ong, trà hoa cúc cũng có tác dụng trung hòa axit dạ dày và làm dịu niêm mạc thực quản. Bên cạnh đó, hoạt chất apigenin trong thảo dược này còn hỗ trợ giảm viêm loét và phù nề ở dạ dày – thực quản. Vì vậy, mẹ bầu có thể dùng 1 tách trà hoa cúc ấm vào mỗi tối để ngăn trào ngược và giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Dùng gừng tươi: Dùng gừng tươi có thể giảm cảm giác buồn nôn và đắng miệng do dịch vị trào ngược lên vòm họng. Do đó mỗi khi chứng trào ngược bùng phát, mẹ bầu nên dùng 1 củ gừng tươi hãm với nước ấm (có thể thêm đường phèn và mật ong vào để tăng hương vị). Ngoài ra, trà gừng mật ong còn giúp kích thích vị giác và giảm cảm giác chán ăn.

Dân gian lưu truyền khá nhiều cách chữa trào ngược dạ dày bằng thảo dược tự nhiên. Tuy nhiên, một số loại thảo dược có thể gây co thắt tử cung mạnh dẫn đến tăng nguy cơ sảy thai và sinh non. Do đó, mẹ bầu nên tránh tự ý áp dụng các mẹo này khi chưa tham vấn y khoa.

Tìm hiểu thêm: Mách Bạn 4 Cách Dùng Lá Tía Tô Chữa Trào Ngược Dạ Dày Cực Hay Và Hiệu Quả

3. Sử dụng thuốc khi cần thiết

Trong một số trường hợp, chứng trào ngược khi mang thai có thể không thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp không dùng thuốc. Nếu triệu chứng có mức độ nặng, mẹ bầu cần tiến hành thăm khám để được chẩn đoán bệnh và tư vấn loại thuốc điều trị phù hợp.

Hầu hết các loại thuốc điều trị đều có khả năng đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, bác sĩ thường chỉ định các loại thuốc ít có nguy cơ phát sinh tác dụng phụ để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.

Trào ngược dạ dày khi mang thai 3 tháng đầu
Trong trường hợp nặng, bà bầu phải sử dụng một số loại thuốc chữa trào ngược dạ dày theo hướng dẫn của bác sĩ

Một số loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản có thể sử dụng cho bà bầu:

  • Antacid (thuốc trung hòa axit dạ dày)
  • Thuốc kháng thụ thể H2 (Famotidine, Cimetidine, Ranitidin,…)
  • Thuốc ức chế bơm proton (Pantoprazole, Lansoprazole,…)

Việc sử dụng thuốc trong thời gian mang thai tiềm ẩn không ít rủi ro và tác dụng không mong muốn. Do đó, mẹ bầu chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc trong trường hợp chưa tham vấn y khoa.

Xem chi tiết: TOP 12 Thuốc Trị Trào Ngược Dạ Dày Cho Bà Bầu Hiệu Quả Nhất

Phòng ngừa chứng trào ngược dạ dày ở bà bầu

Dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng chứng trào ngược dạ dày ở bà bầu gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Hơn nữa, chứng bệnh này còn khiến mẹ bầu ăn uống kém, sụt cân và gián tiếp tác động đến sức khỏe của thai nhi.

Do đó để đảm bảo sức khỏe, mẹ bầu nên chủ động phòng ngừa bệnh bằng một số biện pháp đơn giản như:

  • Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp để cải thiện sức khỏe và chức năng tiêu hóa. Để đảm bảo thai nhi phát triển toàn diện, mẹ bầu nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp với từng giai đoạn thai kỳ.
  • Tránh căng thẳng và lo âu quá mức.
  • Đảm bảo ngủ đúng giờ, đủ giấc và dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để tập các bộ môn thể dục nhẹ nhàng. Tập thể dục không chỉ giúp mẹ bầu phòng ngừa chứng trào ngược mà còn đảm bảo quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi và an toàn hơn.
  • Trước khi mang thai, nên khám sức khỏe tổng quát và sàng lọc nguy cơ nhiễm vi khuẩn Hp. Bởi ở một số trường hợp, nhiễm vi khuẩn Hp thường không gây ra triệu chứng nếu chưa có điều kiện thích hợp. Chủ động sàng lọc và điều trị vi khuẩn Hp sớm là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến dạ dày trong thời gian mang thai.
  • Không mặc quần áo bó sát và chật. Ngoài ra, cần cai thuốc lá và tránh sử dụng chất kích thích trước và trong khi mang thai.

Trào ngược dạ dày khi mang thai là chứng bệnh tiêu hóa khá phổ biến. Nếu chăm sóc và điều trị đúng cách, bà bầu hoàn toàn có thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh lý này chỉ sau một thời gian ngắn. Ngược lại, tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh tiến triển nặng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Bài viết liên quan

Câu hỏi liên quan

Trào ngược dạ dày ở trẻ có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Được biết, bệnh lý này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe...

Xem chi tiết

Bị trào ngược axit dạ dày có chữa khỏi không là mối bận tâm hàng đầu của nhiều bệnh nhân. Theo các chuyên gia, bệnh lý này có thể chữa khỏi nếu tích cực điều...

Xem chi tiết

Trào ngược dạ dày thực quản được chia thành 5 mức độ bao gồm độ 0, độ A, B, C và D theo thang phân loại Los Angeles. Các cấp độ của bệnh được phân...

Xem chi tiết

Chỉ khi nắm rõ được độ nguy hiểm của trào ngược dạ dày, người bệnh mới biết mình cần nên làm gì để đối mặt với các biến chứng nguy hiểm do loại bệnh này...

Xem chi tiết

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược các chất từ dạ dày lên thực quản. Triệu chứng đặc trưng của bệnh đó là ợ nóng, ợ chua, có đôi khi...

Xem chi tiết

Trào ngược dạ dày thực quản nên nằm bên nào là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Bởi điều chỉnh tư thế ngủ là biện pháp kiểm soát giúp chứng trào ngược về...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp