Tình yêu nghề của cô Điều dưỡng trưởng tại Hệ thống Bệnh viện Gia Đình Favina Hospital

Điều dưỡng là nghề của tình yêu thương, lòng can đảm và cả sự hy sinh thầm lặng cho nghề. Điều dưỡng – Nghề làm dâu trăm họ. Câu ví này thật đúng đối với nghề điều dưỡng viên. Hàng ngày các điều dưỡng phải tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân khác nhau. Mỗi bệnh nhân đều có bệnh lý khác nhau, mỗi người có một trình độ văn hóa, cách ứng xử và đôi khi là cả đặc trưng tính cách của vùng miền khác nhau, vì vậy để biết được bệnh nhân muốn gì, làm sao để họ cảm thấy thoải mái nhất thì không phải dễ dàng với các điều dưỡng viên. Nếu họ không có tình yêu nghề, thương người thì họ sẽ chẳng bao giờ có thể hoàn thành công việc của mình tốt được

Nhân ngày Quốc tế Điều dưỡng, chúng tôi may mắn có  dịp trò chuyện với chị Nguyễn  Thị Huyền – Điều dưỡng trưởng Hệ thống bệnh viện Gia Đình  Việt Nam – Favina Hospital để hiểu rõ hơn về nghề Điều dưỡng, một nghề cao quý mà cũng lắm nỗi truân chuyên.

Chị Nguyễn Thị Huyền- Điều dưỡng trưởng Favina

Chào chị Huyền, người ta nói nghề điều dưỡng là nghề làm dâu trăm họ. chị có thể chia sẻ thêm một chút về những khó khăn trong nghề chị từng gặp phải không ạ?

Câu nói đó quá thật không sai với nghề điều dưỡng. Người điều dưỡng viên là cầu nối giữa  bác sĩ và bệnh nhân nên phải lựa tình hình để xử lý sao cho thật khéo để tạo điều kiện cho bác sĩ  làm việc cũng như để  bệnh nhân yên tâm theo chỉ định của bác sĩ. Khó khăn nhất chắc là việc xử lý các tình huống bệnh nhân không nghe theo chỉ định của bác sĩ, hay người nhà bệnh nhân kích động, ảnh hưởng đến sự tập trung làm việc của các bác sĩ và điều dưỡng.

Có trường hợp ở khoa ngoại bệnh nhân nhi bị tai nạn, dập các ngón tay. Cháu bé gào thét, khóc lóc không lên bàn mổ, người nhà ở ngoài cũng kêu gào bác sĩ phải xử lý nhanh cho con. Điều dưỡng vừa phải dỗ dành cháu bé, vừa  trấn an người nhà, lại hỗ trợ bác sĩ thủ thuật  nhanh chóng để chữa cho bệnh nhân kịp thời. Có những ca cả một đám thanh niên say rượu đánh nhau rồi đưa nhau vào phòng khám. Cả người bệnh và người nhà đều gào thét chửi cả điều dưỡng và bác sĩ. Những lúc như thế, điều dưỡng vừa phải làm chuyên môn cấp cứu, mặt khác gọi người hỗ trợ để trấn an cũng như nhờ bộ phận hỗ trợ can thiệp đưa người nhà ra khỏi khu vực để ê kíp tập trung công việc. Khi đó người điều dưỡng vừa phải nhẹ nhàng, vừa phải cứng rắn để xử lý công việc. Những bạn điều dưỡng mới ra trường gặp trường hợp như vậy đôi khi sợ phát khóc. Bản thân tôi hàng tuần vẫn có những buổi  đào tạo vừa cung cấp kiến thức kỹ năng, vừa động viên các bạn để các bạn hoàn thành công việc. Được rèn luyện nhiều,  các bạn cũng quen nhanh và đáp ứng công việc rất tốt. 

Có những chuyện nhỏ hơn như  hàng ngày các bạn điều  dưỡng  gọi điện hỏi thăm, dặn dò bệnh nhân dùng thuốc. Nhiều bệnh nhân bác sĩ kê thuốc không uống đủ, bệnh không khỏi, điều dưỡng gọi điện thăm mắng cả điều dưỡng là khám không chuẩn. Lúc đó điều dưỡng lại phải giải thích nhẹ nhàng rồi lại chú ý chăm sóc hỏi lại đến khi bệnh nhân uống hết thuốc, bệnh ổn định lúc đó mới yên tâm.

Không chỉ đối với bệnh nhân mà đối với bác sĩ cũng như vậy. Đôi khi có những công việc, những ca bệnh rất gấp, bác sĩ chỉ truyền đạt những ý chính nhưng bản thân người điều dưỡng phải nắm bắt nhanh và thực hiện chuẩn xác. Có bác sĩ còn không nói nhiều mặc nhiên điều dưỡng phải hiểu và phối hợp. Chính vì thế điều dưỡng  cần có chuyên môn cũng như phải hiểu  từng bác sĩ để hỗ trợ tốt nhất.

 Làm điều dưỡng ở phòng khám đã vất vả rồi, trước kia tôi làm ở bệnh viện  lớn còn vất vả hơn nhiều. Có những khi chúng tôi phải đứng suốt đêm trong phòng mổ vì có nhiều ca mổ cấp cứu. Chúng tôi làm việc như những con sóc, nào là đo huyết áp, phát thuốc cho bệnh nhân, tiêm truyền, thay băng…có những đêm trực hầu như thức trắng vì bệnh nhân cấp cứu, hậu phẫu, bệnh nhân tai nạn… Nhiều lúc nghĩ không biết mình có đủ sức và can đảm để bước tiếp không?  Nhưng rồi mỗi ngày qua thấy những nụ cười của bệnh nhân khi khỏi bệnh, nhận được lời cảm ơn của bệnh nhân và người nhà, bao nhiêu mệt mỏi lại tan biến hết, lại háo hức đi làm như chưa từng có vất vả. 

Một khó khăn nữa của người điều dưỡng mà là khó khăn lớn nhất đó là cảm giác không chu toàn được với gia đình nhỏ hoặc không được người nhà ủng hộ công việc. Khó khăn này còn lớn hơn rất nhiều khó khăn trong công việc. Nếu được gia đình thấu hiểu, người nhà hỗ trợ thì người điều dưỡng sẽ toàn tâm toàn ý cho công việc cũng như có thời gian cân bằng giữa công việc và gia đình nhiều hơn.  Bản thân người điều dưỡng có vui vẻ, hạnh phúc thì mới hỗ trợ tốt nhất cho bác sĩ và bệnh nhân được.

Bản thân tôi tự thấy mình may mắn khi được bố  mẹ và chồng ủng hộ công việc và hỗ trợ tôi chăm sóc gia đình nhỏ. Chính vì vậy tôi có thời gian cho công việc hơn và nhờ đó cũng dành được thành quả nhất định trong công việc. Tôi có con nhỏ hàng ngày được ông bà hỗ trợ chăm sóc đưa đi lớp, chồng biết vợ bận về muộn nên cũng cố gắng về sớm, tắm rửa  hay cơm nước cho vợ. Tôi rất cảm kích bởi điều đó nên càng cố gắng hơn trong công việc cũng như sắp xếp thời gian hợp lý cho gia đình.  

Chị Huyền tư vấn cho khách hàng dùng sản phẩm trong thai kỳ

Vâng, cảm ơn những chia sẻ của chị. Đúng là để đạt được thành công trong việc  điều dưỡng cũng chẳng dễ  dàng. Theo chị Huyền, ngoài chịu khó học hỏi và được hỗ trợ từ gia đình, thì người điều dưỡng  cần nhất điều gì để hoàn thành tốt nhất công việc của mình?

 Với bất kể người nào cũng vậy, nếu không có tình yêu nghề, có tâm với nghề thì chẳng thể gắn bó lâu dài được. Một điều dưỡng viên cần gạt bỏ hết định kiến về người bệnh để chuyên tâm vào công việc của mình, coi người bệnh giống như người nhà của mình để chăm sóc họ một cách trọn vẹn nhất. Phải hiểu và thông cảm cho người bệnh để động  viên và hỗ trợ kịp thời. Hầu hết bệnh nhân đến khám bệnh luôn có tâm lý là sợ hãi, lo lắng về bệnh của mình, hoặc đối với những bệnh nhân khám tổng quát lại có tâm lý lo sợ rằng kết quả của mình có bị mắc bệnh gì hay không. Với tâm lý người bệnh như vậy thì người điều dưỡng cần nắm bắt tâm lý  bệnh nhân thật tốt để có thể cho họ lời khuyên, lời động viên. Cũng có thể hỏi thăm các vấn đề liên quan đến cuộc sống gia đình của họ để họ có thể coi mình là người bạn, giãi bày tâm sự cũng như nói chuyện với mình để bớt lo lắng và nhẹ lòng hơn. 

Người điều  dưỡng cần  nhẫn nại,  thấu hiểu và lắng nghe người bệnh xem họ cần gì, muốn gì và giải thích thật cặn kẽ để bệnh nhân hiểu. Việc gặp phải những bệnh nhân có bệnh khiến cơ thể họ cảm thấy đau đớn, nhức mỏi là rất nhiều, vậy yêu cầu tiên quyết là người điều dưỡng viên phải đồng cảm, phải thấu hiểu và lắng nghe sự mệt mỏi của người bệnh, trở thành một người bạn, một người thân của họ, khiến họ cảm thấy bớt lo lắng, bớt đau đớn hơn. 

Như vậy đúc kết từ kinh nghiệm bản thân tôi, tôi cảm thấy tình yêu nghề, yêu người là hai yếu tố rất cần thiết đối với một điều dưỡng viên. Trải qua bao nhiêu thời gian, cũng bước chân từ một cô điều dưỡng mới ra trường non nớt cho đến bây giờ – khi đã trở thành một người điều dưỡng trưởng, tôi lại càng khẳng định, nếu không có điều này thì không thể trở thành một người điều dưỡng. 

Vậy bên cạnh những khó khăn trong công việc, với tình yêu nghề, yêu người hẳn chị cũng có nhiều niềm vui. Chị có  thể chia sẻ  một vài kỉ niệm vui, hoặc những gì chị có được đối với nghề không ạ?

Đúng vậy, chính những niềm vui trong công việc giúp chúng tôi càng ngày càng gắn bó với nghề này hơn. Như mọi người cũng biết ngoài việc hỗ trợ bác sĩ tại phòng khám, bệnh viện, điều dưỡng chúng tôi hàng ngày vẫn gọi điện hỏi thăm, kết nối với người bệnh chính vì vậy nhận được nhiều sự tin tưởng từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Cá nhân tôi thấy rất vui khi nhiều khách ngoài hỏi về bệnh thì còn tâm sự chuyện gia đình, con cái nhờ tôi tư vấn, hoặc thường xuyên nhắn tin hỏi thăm, chúc mừng những ngày lễ, ngày đặc biệt như 8/3.20/10, ngày của ngành, hay ngày lễ Tết… Điều này làm tôi cảm nhận được tình cảm chân thành mà bệnh nhân dành cho mình. Tôi thấy vui vì tôi đã giúp được cho người bệnh và gia đình của họ. Có  những lúc bệnh nhân đến khám bệnh định kỳ, đến khám còn mang hoa quả vườn nhà tặng bác sĩ và điều dưỡng, có khi tặng cả chai nước mắm,cái bánh đa hay cái khăn … Món quà không có giá trị vật chất lớn nhưng chúng tôi thấy rất ấm áp, có giá trị tinh thần lớn. Thật sự rất vui và xúc động  khi nhận được những món quà nhỏ như vậy từ bệnh nhân. 

Chị Huyền với niềm vui khi giúp đỡ được người bệnh

Dạ vâng, thưa chị Huyền, nghề điều dưỡng có những khó khăn vất vả và có cả những niềm vui, niềm hạnh phúc đúng không ạ! Vậy chị có chia sẻ hay lời khuyên gì đến những bạn điều dưỡng sắp ra trường cũng như các em đang có ý định bước chân vào học ở ngành này không thưa chị?

Bản thân tôi rất yêu nghề này, nó mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc. Tôi được mang tinh thần phục vụ để cống hiến hết mình cho bệnh nhân, cho người thân và cho nền Y Tế nước nhà.  Tôi chỉ có một niềm nhắn nhủ với các bạn là “Hãy yêu nghề rồi nghề sẽ yêu lại các bạn”. 

                                                                        Tôi yêu nghề Điều Dưỡng!

Bình luận (2)

  1. Lan Chi says: Trả lời


    Công nhận hiếm thấy người điều dưỡng nào tận tình như Chị Huyền ở Favina, mình đưa mẹ đi khám đau dạ dày, về mấy hôm chị Huyền gọi điện hỏi thăm bà, bà không biết nghe máy thế là lại gọi cho mình dặn từng ly từng tí cách uống thuốc, lâu lâu lại gọi hỏi thăm xem uống thuốc đủ không. Đến khi mẹ mình bệnh ổn hẳn, kể cho bà ấy , thấy bà ấy vui hơn cả mình rồi lại dặn dò đủ kiểu:)) Giờ hiếm ngừoi được như vậy

  2. Tú Còi says: Trả lời


    Chị Huyền này cực kỳ am hiểu về các loại Vitamin, thực phẩm chức năng nhé! Cần gì mình toàn hỏi chị ấy.Tư vấn nhiệt tình bất kể ngày đêm.Toàn nhờ chị ấy mua hộ ở Phòng khám cho yên tâm, ra ngoài chả biết hàng nào chuẩn, hàng nào không.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.