Nội dung chính

Quá phát cuốn mũi khiến cho kích thước cuốn mũi gia tăng, khoang mũi vì thế bị thu hẹp dẫn đến tình trạng nghẹt mũi dai dẳng. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng nhưng trong hầu hết các trường hợp, điều trị nội khoa đều không có đáp ứng và phần lớn phải can thiệp đốt cuốn mũi bằng sóng cao tần, laser…

Quá phát cuốn mũi là gì?

Cuốn mũi là cấu trúc nằm bên trong mũi với hình dạng cong, hẹp và nhô vào khoang mũi. Cơ quan này được bao bọc bởi niêm mạc nhằm gia tăng bề mặt của mũi, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hô hấp.

quá phát cuốn mũi
Quá phát cuốn mũi là tình trạng cuốn mũi phát triển quá mức dẫn đến tình trạng gia tăng về kích thước

Quá phát cuốn mũi hay phì đại cuốn mũi, viêm mũi quá phát… là tình trạng cuốn mũi phát triển quá mức dẫn đến gia tăng về kích thước. Tình trạng quá phát thường không đe dọa đến sức khỏe và đa phần đều lành tính. Tuy nhiên, sự gia tăng về kích thước của cuốn mũi sẽ khiến cho diện tích khoang mũi bị thu hẹp, từ đó làm cản trở quá trình hô hấp.

Người bị quá phát cuốn mũi phải đối mặt với tình trạng nghẹt mũi dai dẳng, có khi nghẹt một bên hoặc nghẹt cùng lúc hai bên gây ra nhiều khó khăn khi hô hấp. Tương tự như viêm xoang và viêm mũi dị ứng, cuốn mũi quá phát cũng được ưu tiên điều trị bảo tồn. Chỉ những trường hợp đáp ứng kém mới phải xem xét phẫu thuật.

Có thể bạn quan tâm: Viêm Mũi Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? Điều Trị Như Thế Nào?

Nhận biết cuốn mũi quá phát

Cuốn mũi phì đại sẽ làm thu hẹp diện tích bên trong khoang mũi. Tình trạng này có thể đi kèm với viêm xoang, viêm mũi mãn tính, viêm mũi dị ứng, viêm amidan… khiến cho các triệu chứng của bệnh bị che lấp.

Nhìn chung, triệu chứng phì đại cuốn mũi không quá điển hình nên sẽ khó nhận biết nếu chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng. Nếu nhận thấy tình trạng kéo dài dai dẳng, nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám chuyên sâu và chẩn đoán chính xác.

quá phát cuốn mũi
Nghẹt mũi dai dằng là triệu chứng điển hình nhất của bệnh quá phát cuốn mũi

Các triệu chứng thường gặp của bệnh quá phát cuốn mũi bao gồm:

  • Nghẹt mũi dai dẳng, có thể nghẹt luân phiên hoặc nghẹt cùng lúc hai bên
  • Khó thở
  • Có cảm giác tịt mũi, bít mũi
  • Thở bằng miệng
  • Ngủ ngáy
  • Chảy nước mũi thường xuyên

Các triệu chứng này kéo dài có thể dẫn đến những biểu hiện thứ phát như ngứa mũi, niêm mạc mũi khô, nhạy cảm, mất mùi… Tuy không quá nguy hiểm nhưng các biểu hiện của viêm cuốn mũi quá phát sẽ gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống.

Nguyên nhân gây ra tình trạng cuốn mũi quá phát

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phì đại cuốn mũi. Trong đó, yếu tố trực tiếp là do niêm mạc cuốn mũi bị viêm trong thời gian dài. Phản ứng này kích thích sự phát triển quá mức của cuốn mũi khiến cho cơ quan này xảy ra hiện tượng phì đại.

viêm mũi quá phát
Viêm mũi dị ứng, viêm xoang… là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng phì đại cuốn mũi

Tình trạng viêm niêm mạc cuốn mũi có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân như:

  • Viêm xoang
  • Viêm mũi dị ứng
  • Viêm mũi do các nguyên nhân khác
  • Viêm amidan
  • Viêm họng
  • Viêm VA

Ngoài ra, những người bị vẹo vách ngăn, polyp mũi, người bị suy gan, rối loạn tiêu hóa… được xác định có nguy cơ bị quá phát cuốn mũi cao hơn so với bình thường. Bởi cấu trúc mũi – xoang bất thường sẽ tạo điều kiện để chất nhầy ứ đọng, tạo sự phát triển cho vi khuẩn và nấm mốc gây ra hiện tượng viêm dai dẳng ở các cơ quan – bao gồm cả cuốn mũi.

Bạn có biết: Chia Sẻ TOP 6 Cách Chữa Viêm Mũi Dị Ứng Bằng Gừng Bạn Nên Thử

Viêm cuốn mũi quá phát có nguy hiểm không?

Tương tự như các bệnh lý hô hấp khác, viêm cuốn mũi quá phát là bệnh lành tính, ít khi gây ra các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, do tính chất dai dẳng, mãn tính nên chất lượng cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Ảnh hưởng đầu tiên là giảm khứu giác dẫn đến ăn uống kém, mệt mỏi. Tình trạng nghẹt mũi bùng phát mạnh vào ban đêm cũng gây khó ngủ, mất ngủ. Về lâu dài, chất lượng giấc ngủ suy giảm sẽ khiến cho sức khỏe tổng thể bị ảnh hưởng. Bệnh nhân khó có thể duy trì hiệu suất lao động, học tập cũng như không thể sinh hoạt một cách thuận lợi.

Trường hợp nặng, cuốn mũi quá phát có thể dẫn đến viêm tắc vòi nhĩ, gia tăng nguy cơ phát triển các bệnh hô hấp trên như viêm xoang, viêm VA, viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa… Khi một trong những cơ quan của hệ thống hô hấp trên bị tổn thương, khả năng đề kháng vì thế sẽ suy giảm tạo điều kiện để vi khuẩn, virus xâm nhập vào các cơ quan hô hấp dưới.

Ngoài những ảnh hưởng kể trên, cuốn mũi quá phát còn gây tác động gián tiếp đến não bộ. Khi kích thước cuốn mũi gia tăng, chức năng hô hấp sẽ bị cản trở, gián đoạn. Từ đó làm giảm oxy lên não, về lâu dài có thể gây đau đầu, mệt mỏi, giảm trí nhớ và khả năng tập trung.

Ảnh hưởng của bệnh quá phát cuốn mũi không dễ dàng nhận thấy như các bệnh hô hấp khác. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chủ quan không điều trị và chăm sóc theo hướng dẫn. Các triệu chứng kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

Điều trị viêm cuốn mũi quá phát hiệu quả

Cuốn mũi quá phát là một trong những bệnh lý hô hấp có tính chất mãn tính, dai dẳng. Hiện tượng quá phát là kết quả do niêm mạc cuốn mũi bị viêm kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.

Hiện nay, phương pháp hiệu quả nhất với viêm cuốn mũi quá phát là phẫu thuật. Tuy nhiên để tránh những can thiệp không cần thiết, bệnh nhân vẫn sẽ được chỉ định điều trị bảo tồn trước.

1. Điều trị nội khoa

Trong một vài trường hợp, sử dụng thuốc có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh quá phát cuốn mũi. Khi tình trạng viêm được kiểm soát, hiện tượng quá phát đôi khi có dấu hiệu thuyên giảm. Từ đó giúp bình thường hóa chức năng hô hấp và giảm nhanh các triệu chứng khó chịu.

viêm mũi quá phát
Một số loại thuốc như thuốc co mạch, thuốc kháng histamin H1… có thể giảm nhẹ triệu chứng của bệnh viêm mũi quá phát

Điều trị nội khoa cho các trường hợp viêm cuốn mũi quá phát chủ yếu là dùng thuốc kết hợp chăm sóc đúng cách:

  • Sử dụng thuốc xịt mũi chứa corticoid hoặc hoạt chất co mạch để giảm phù nề, cải thiện tình trạng nghẹt mũi, tịt mũi…
  • Dùng thuốc kháng histamin để giảm tình trạng hắt hơi, chảy nước mũi.
  • Trường hợp cuốn mũi phì đại do viêm xoang, viêm mũi nhiễm khuẩn sẽ được cân nhắc sử dụng kháng sinh.
  • Bên cạnh đó, nên kết hợp rửa mũi bằng nước muối sinh lý để loại bỏ chất nhầy ứ đọng, làm dịu niêm mạc mũi.

Nguyên nhân chủ yếu gây cuốn mũi quá phát là do viêm xoang và viêm mũi dị ứng. Cả hai bệnh lý này đều liên quan đến yếu tố cơ địa, vì vậy nên kết hợp với lối sống khoa học, năng vận động thể chất, hạn chế stress và thức khuya để nâng cao sức đề kháng. Hệ miễn dịch được tăng cường sẽ giúp đẩy lùi tình trạng viêm và giảm nhẹ các triệu chứng hô hấp trên.

Đừng bỏ lỡ: Review TOP 13 Thuốc Trị Viêm Mũi Dị Ứng Hiệu Quả, An Toàn Nhất Hiện Nay

2. Bẻ cuốn mũi

Khi điều trị nội khoa thất bại, bẻ cuốn mũi có thể được chỉ định. Trường hợp cuốn mũi bị vẩu kết hợp phì đại gây ngạt mũi nhiều và dai dẳng, kỹ thuật này sẽ được cân nhắc. Tuy nhiên, bẻ cuốn mũi chỉ có hiệu quả trong trường hợp niêm mạc cuốn còn có khả năng co hồi.

Bẻ cuốn mũi được thực hiện bằng cách đưa kéo cong dày vào sát thành sau họng, sau đó bẻ từ từ cuốn cuối đến cuốn đầu. Kỹ thuật này tương đối đau nên bệnh nhân sẽ được gây mê để quá trình thực hiện diễn ra thuận lợi.

3. Can thiệp bằng sóng cao tần

Hiện nay, đa số các ca quá phát cuốn mũi đều được can thiệp bằng sóng cao tần. Ưu điểm của phương pháp này là không gây ra tình trạng chảy máu, dính cuốn mũi, vẩy mũi hay ảnh hưởng đến khứu giác như các phương pháp cũ.

Can thiệp bằng sóng cao tần sử dụng thiết bị hiện đại với đầu que nhỏ, dễ dàng nhắm trúng mục tiêu. Thiết bị này sẽ tạo ra tần số vô tuyến, tận dụng năng lượng ion hóa để giảm thể tích của cuốn mũi.

cuốn mũi quá phát
Can thiệp bằng sóng cao tần giúp thu nhỏ kích thước cuốn mũi, cải thiện tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi dai dẳng…

Vì sử dụng sóng cao tần nên phương pháp này có ưu điểm là không gây đau đớn, quá trình thực hiện nhanh chóng và ít chảy máu. Nguy cơ gặp phải biến chứng sau khi thực hiện cũng thấp hơn so với các phương pháp khác.

Những đối tượng được chỉ định đốt cuốn mũi bằng sóng cao tần:

  • Phì đại niêm mạc cuốn mũi gây nghẹt mũi dai dẳng
  • Cuốn mũi phì đại gây ngưng thở khi ngủ, chảy nước mũi dai dẳng
  • Không đáp ứng với điều trị bảo tồn
  • Trường hợp cuốn mũi phì đại gây ứ đọng chất nhầy sau sửa mũi, nâng mũi cũng được chỉ định đốt cuốn mũi bằng sóng cao tần.

Mặc dù ít xâm lấn nhưng kỹ thuật này không thể thực hiện cho những đối tượng bị nhiễm trùng cấp tính, thiếu máu, người bị rối loạn đông máu, tiểu đường hoặc mắc các bệnh tim mạch chưa kiểm soát được. Để đảm bảo an toàn, nên thành thật khai báo với bác sĩ nếu có các vấn đề sức khỏe kể trên.

4. Các phương pháp khác

Hiện nay, phẫu thuật cuốn mũi chủ yếu sử dụng sóng cao tần vì phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, một số cơ sở y tế nhỏ vẫn chưa được đầu tư máy Coblator II.

Ngoài sóng cao tần, đốt cuốn mũi phì đại có thể sử dụng các kỹ thuật khác như laser đốt cuốn, dùng nitơ lỏng, phẫu thuật Vidian, hóa đông lạnh, đốt đông điện, cắt xương cuốn dưới dưới niêm mạc, cắt cuốn dưới bán phần, cắt cuốn mũi toàn phần, cắt cuốn dưới dưới niêm mạc bằng Microdebrider..

Những trường hợp chống chỉ định với phẫu thuật có thể được điều trị bằng cách tiêm corticoid hoặc tiêm chất xơ hóa. Cả hai phương pháp này đều có tác dụng thu nhỏ kích thước của cuốn mũi, qua đó cải thiện tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi, bít mũi… dai dẳng.

Tìm hiểu thêm: Những Thông Tin Về Phẫu Thuật Viêm Mũi Dị Ứng Bạn Cần Biết

Chăm sóc sau khi phẫu thuật cắt cuốn mũi

So với các phương pháp truyền thống, kỹ thuật đốt cuốn mũi bằng sóng cao tần có thể khắc phục hầu hết những hạn chế như chảy máu, hình thành vảy mũi, đau nhiều, thời gian phục hồi chậm… Dù vậy, vẫn cần có kế hoạch chăm sóc hợp lý để vết thương nhanh phục hồi, hạn chế tối đa biến chứng và tác dụng phụ.

cuốn mũi quá phát
Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên giúp phòng ngừa cuốn mũi quá phát và các bệnh hô hấp thường gặp khác

Hướng dẫn chăm sóc sau khi điều trị cắt cuốn mũi:

  • Sau khi phẫu thuật, phản ứng đau tức vùng mặt – mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt, rỉ máu, chóng mặt, đau đầu… là tình trạng bình thường, không đáng lo ngại.
  • Thông báo với bác sĩ nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, đau nhiều, tụt, chảy máu tươi, dị ứng, nổi mề đay
  • Có thể ăn uống bình thường trong vòng 6 giờ sau khi mổ. Ưu tiên món ăn mềm, lỏng và không có quá nhiều gia vị nhằm hạn chế kích ứng niêm mạc cổ họng, mũi…
  • Trong 5 – 7 ngày đầu, nên đi lại nhẹ nhàng, tránh vận động và lao động nặng.
  • Vệ sinh vết mổ theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Dùng thuốc theo chỉ định, không tự ý ngưng thuốc (đặc biệt là kháng sinh).
  • Trong thời gian đầu, không nên dùng tay ngoáy mũi, hỉ mũi quá mạnh. Đồng thời nên nghỉ ngơi ở nhà trong 5 – 7 ngày, hạn chế tiếp xúc với khói bụi.

Phòng ngừa viêm mũi quá phát

Ngay cả khi đã điều trị, cuốn mũi quá phát vẫn có thể tái phát trở lại. Để phòng ngừa bệnh lý này, bệnh nhân nên thực hiện một số biện pháp sau:

  • Thăm khám tổng quát và điều trị nếu có những vấn để như vẹo vách ngăn, phì đại VA, viêm amidan, viêm mũi dị ứng, viêm xoang…
  • Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
  • Tập thói quen đeo khẩu trang để tránh tiếp xúc với bụi bẩn.
  • Thay đổi công việc nếu môi trường làm việc độc hại, thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, hóa chất.
  • Nâng cao sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc. Tăng cường hệ miễn dịch sẽ giúp đẩy lùi các bệnh lý hô hấp, hạn chế nguy cơ phát triển chứng phì đại cuốn mũi.

Viêm mũi quá phát là tình trạng phổ biến ở những người bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng… Triệu chứng của bệnh khá mờ nhạt nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh hô hấp trên khác gây ra nhiều cản trở trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Nếu nghi ngờ mắc chứng bệnh này, nên thăm khám chuyên sâu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan

Một trong những vấn đề mà nhiều bệnh nhân băn khoăn khi cắt polyp mũi là có phải nằm viện không. Nắm rõ thời gian lưu viện sẽ giúp người bệnh chủ động sắp xếp...

Xem chi tiết

Có nhiều cách điều trị polyp mũi nhưng sử dụng thuốc điều trị, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa khối polyp phát triển bằng các mẹo dân gian. Khi polyp mũi lớn, ảnh hưởng...

Xem chi tiết

“Viêm mũi dị ứng có lây không” không chỉ là thắc mắc của người bị viêm mũi dị ứng, mà còn là nỗi trăn trở của người thân, bạn bè hay những người tiếp xúc...

Xem chi tiết

Phẫu thuật luôn tiềm ẩn rủi ro, biến chứng nên việc lựa chọn địa chỉ thực hiện là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Trước băn khoăn Mổ polyp mũi ở đâu tốt nhất?,...

Xem chi tiết

Viêm mũi dị ứng có tiêm được vaccine Covid không là băn khoăn của rất nhiều bạn đọc. Bởi các đối tượng có cơ địa mẫn cảm sẽ dễ dị ứng với thuốc và vaccine...

Xem chi tiết

Bệnh viêm mũi dị ứng có chữa được không và bao lâu khỏi là mối bận tâm của nhiều người bệnh khi không may gặp phải tình trạng này. Những triệu chứng của viêm mũi...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp