Nội soi đại tràng là gì: Quy trình và chi phí, nội soi có đau không?

Nội soi đại tràng được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở ruột già. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ quan sát và phát hiện các tổn thương rất ở nhỏ ở niêm mạc mà các kỹ thuật chẩn đoán thông thường không thể hiện rõ. 

nội soi đại tràng có đau không
Nội soi đại tràng là phương tiện chính trong chẩn đoán các bệnh lý ở ruột già

Nội soi đại tràng là kỹ thuật gì? Có mấy phương pháp?

Nội soi đại tràng (Colonoscopy) là một trong những phương tiện chẩn đoán các bệnh lý ở khu vực đại tràng và trực tràng. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách sử dụng ống mềm gắn camera ở phần đầu (hay còn được gọi là ống nội soi) đưa vào hậu môn, sau đó di chuyển dần đến trực tràng và đại tràng.

Camera được gắn ở đầu thiết bị có chức năng ghi lại hình ảnh bên trong ruột già để phục vụ cho công tác chẩn đoán. Tuy nhiên để quan sát rõ tổn thương thực thể ở đường ruột, bác sĩ phải sử dụng thiết bị tạo khí để bơm phồng ống tiêu hóa dưới.

nội soi đại tràng có phải nhịn ăn không
Thiết bị nội soi có gắn camera giúp bác sĩ quan sát rõ toàn bộ niêm mạc của đại tràng

Không chỉ là phương tiện chẩn đoán, nội soi đại tràng còn là kỹ thuật để thực hiện cùng lúc các thủ thuật như cắt polyp, sinh thiết, nội soi cầm máu,… Chính vì vậy bên cạnh nội soi thực quản và dạ dày, nội soi đại tràng cũng là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến hiện nay.

Hiện tại, có hai phương pháp nội soi đại tràng là nội soi không gây mê (gây tê) và nội soi gây mê (nội soi không đau). Hai phương pháp này có những đặc điểm như sau:

  • Nội soi đại tràng không gây mê: Phương pháp này sử dụng kỹ thuật vô cảm tại chỗ bằng các loại gel chứa hoạt chất Lidocaine hoặc Benzocaine. Hoạt chất gây tê làm giảm thụ cảm ở dây thần kinh, từ đó giảm cảm giác đau và khó chịu trong quá trình soi.
  • Nội soi gây mê: Nội soi gây mê được thực hiện bằng cách gây mê toàn thân. Do đó, bệnh nhân hoàn toàn không có ý thức trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên nếu chọn phương pháp này, cần sắp xếp có người nhà đi cùng để tránh rủi ro khi tự điều khiển phương tiện giao thông. Nội soi gây mê được thực hiện để chẩn đoán, theo dõi bệnh (tự nguyện, có thể thay thế bằng kỹ thuật gây tê) và hỗ trợ các thủ thuật ngoại khoa (bắt buộc).

Xem thêm: Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm đại tràng chính xác

Khi nào cần nội soi đại tràng?

Như đã đề cập, nội soi đại tràng là phương tiện chẩn đoán các bệnh lý ở khu vực ruột già. Tuy nhiên trên thực tế, kỹ thuật này còn được ứng dụng để theo dõi tiến triển bệnh và hỗ trợ trong thực hiện một số thủ thuật ngoại khoa.

1. Nội soi chẩn đoán, theo dõi bệnh

Nội soi đại tràng là phương tiện chẩn đoán chính đối với bệnh lý ở ruột già. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể lựa chọn kỹ thuật này để theo dõi tiến triển của tổn thương thực thể ở niêm mạc đại tràng.

Chẩn đoán, theo dõi bệnh bằng nội soi đại tràng được thực hiện trong những trường hợp sau:

  • Gặp phải những triệu chứng có liên quan đến rối loạn chức năng đại tràng như hấp thu kém, đau vùng bụng dưới hoặc đau dọc theo khung đại tràng, tiêu chảy, táo bón, thay đổi thói quen đại tiện
  • Thiếu máu thiết sắt chưa rõ nguyên nhân
  • Sụt cân bất thường
  • Đại tiện ra máu hoặc đi phân đen
  • Xét nghiệm phân có máu ẩn
  • Tầm soát ung thư đại trực tràng và theo dõi sau khi điều trị (tầm soát thường được thực hiện cho người trên 50 tuổi và người có tiền sử gia đình bị ung thư đường ruột)
  • Phát hiện búi trĩ nhú hậu môn
  • Theo dõi tiến triển của bệnh viêm loét đại tràng

2. Nội soi điều trị

Ngoài mục tiêu chẩn đoán và theo dõi bệnh, nội soi đại tràng cũng được thực hiện để thực hiện một số thủ thuật ngoại khoa như:

Quy trình kỹ thuật nội soi đại tràng
Nội soi đại tràng còn được thực hiện để cắt polyp, cầm máu, sinh thiết và thực hiện một số thủ thuật khác
  • Nội soi cầm máu đại trực tràng (trong trường hợp xuất huyết tiêu hóa dưới)
  • Cắt polyp
  • Hỗ trợ trong quá trình thực hiện một số thủ thuật điều trị bệnh trĩ

Trên thực tế, nội soi đại tràng là kỹ thuật chẩn đoán và hỗ trợ điều trị, theo dõi bệnh lý được sử dụng rất phổ biến. Ngoài những trường hợp được đề cập trong bài viết, kỹ thuật này cũng có thể được áp dụng trong một số trường hợp khác tùy theo biểu hiện cụ thể và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.

Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết ung thư đại tràng? Biện pháp phòng tránh hiệu quả

Chống chỉ định nội soi đại tràng

Mặc dù có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị các bệnh lý ở ruột già nhưng nội soi đại tràng không phù hợp với tất cả bệnh nhân. Kỹ thuật này chống chỉ định với những trường hợp sau:

  • Nghi ngờ thủng đại tràng
  • Tắc ruột
  • Bị viêm túi thừa đại tràng
  • Viêm phúc mạc
  • Mới nhồi máu cơ tim trong vòng 3 tuần trước, huyết áp không ổn định và suy hô hấp

Trước khi nội soi đại tràng cần làm gì?

So với nội soi thực quản – dạ dày, nội soi đại tràng có quy trình phức tạp hơn. Do đó trước khi thực hiện, bệnh nhân cần được tư vấn cụ thể về quy trình nội soi, mục tiêu để hiểu rõ hơn và hợp tác với bác sĩ trong quá trình thực hiện.

Khi nào cần nội soi đại tràng
Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 6 giờ đồng hồ trước khi tiến hành nội soi đại tràng

Trước khi nội soi đại tràng, bệnh nhân cần có những bước chuẩn bị như sau:

  • Hai ngày trước khi nội soi, bệnh nhân nên dùng thức ăn lỏng và thực phẩm có ít chất xơ như rau củ nấu chín, trái cây không hạt, thịt nạc, bánh mì,… Tránh dùng quá nhiều ngũ cốc, thực phẩm giàu chất béo và các loại trái cây có hạt.
  • Nên nhịn ăn ít nhất 6 giờ đồng hồ trước khi nội soi đại tràng. Do đó, thời điểm thích hợp nhất để thực hiện kỹ thuật này là vào sáng sớm.
  • Với những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu dùng thuốc làm sạch ruột từ 7 – 9 giờ tối hôm trước. (nên làm lạnh thuốc trước khi uống để đảm bảo hiệu quả)
  • Ngưng một số loại thuốc trước khi nội soi đại tràng theo hướng dẫn của bác sĩ (thuốc tiểu đường và một số loại thuốc điều trị khác)
  • Nếu phải làm nội soi đại tràng sau 12 giờ trưa, cần nhịn ăn để đảm bảo quá trình nội soi diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể dùng một số loại nước như nước hầm gà, nước táo, nước lọc,… để giảm cảm giác đói.

Việc chuẩn bị trước khi thực hiện nội soi là bước rất quan trọng. Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, chất cặn bã có thể sót lại trong ống tiêu hóa dẫn đến mất nhiều thời gian thụt tháo và ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình soi. Đại tràng không được làm sạch còn ảnh hưởng đến phạm vi quan sát của thiết bị nội soi, dẫn đến bỏ sót tổn thương thực thể – đặc biệt là các polyp (khối u lành) có kích thước nhỏ.

Đọc thêm: Viêm đại tràng khi mang thai có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

Quy trình thực hiện kỹ thuật nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phức tạp hơn so với nội soi ống tiêu hóa trên. Kỹ thuật này được thực hiện theo quy trình sau:

1. Làm sạch đại tràng

Đối với những bệnh nhân áp dụng phương pháp làm sạch ruột bằng cách dùng thuốc, bác sĩ thường chỉ định nội soi vào sáng sớm nếu sử dụng thuốc vào buổi tối hôm trước. Tuy nhiên nếu cần thiết, bệnh nhân có thể dùng thuốc ngay tại bệnh viện vào sáng sớm và chờ đến buổi trưa hoặc buổi chiều để thực hiện nội soi. Sau khi dùng thuốc, cần phải nội soi ngay sau 3 – 8 giờ vì để lâu dịch tiêu hóa và dịch mật có thể đi xuống làm bẩn niêm mạc đại tràng.

Ngoài cách làm sạch đại tràng bằng thuốc, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định thụt tháo nếu không có nhiều thời gian. Thụt tháo là phương pháp sử dụng dung dịch thụt vào ống hậu môn – trực tràng. Sau khi thụt, bệnh nhân cần nhịn đi tiêu đến khi không thể nhịn và tiến hành đại tiện để làm sạch chất thải trong đường ruột.

Phương pháp này phải thực hiện ở bệnh viện nên khá bất tiện, hơn nữa có thể gây đau và đôi khi không mang lại hiệu quả. Hiện nay thụt tháo chỉ được áp dụng cho những trường hợp không có nhiều thời gian hoặc bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, tai biến mạch máu não, bệnh nhân xuất hiện tiêu hóa,… để kịp thời nội soi xử lý.

2. Tiến hành nội soi

Quá trình nội soi được thực hiện khá nhẹ nhàng. Sau khi gây mê hoặc gây tê, bác sĩ sẽ tiến hành đưa ống nội soi vào hậu môn, sau đó di chuyển đến trực tràng, đại tràng sigma,… Qua hình ảnh được ghi lại từ camera, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán các bệnh lý ở ruột già. Trong trường hợp cần thiết, nội soi đại tràng được kết hợp thêm với một số thủ thuật như sinh thiết, cầm máu, cắt polyp.

trước khi nội soi đại tràng cần làm gì
Kỹ thuật nội soi đại tràng được diễn ra tương đối nhanh chóng

Sau khi nội soi, bệnh nhân chờ kết quả và đưa kết quả xuống phòng khám bệnh để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn điều trị. Bệnh nhân có thể gặp phải một số tình trạng như đau bụng, cảm giác buồn đi tiêu, chướng bụng,… sau khi thực hiện. Do đó, nên ngồi nghỉ ngơi tại bệnh viện trong thời gian ngắn trước khi ra về.

Đối với bệnh nhân nội soi đại tràng gây mê, nên bắt taxi hoặc nhờ người thân, bạn bè đi cùng để tránh rủi ro phát sinh khi tự điều khiển phương tiện giao thông. Sau khi trở về nhà, bệnh nhân nên nghỉ ngơi vài tiếng và có thể ăn uống, sinh hoạt như bình thường (những trường hợp nội soi để điều trị sẽ có hướng dẫn riêng về cách chăm sóc).

Tìm hiểu thêm: Viêm Đại Tràng Cấp Tính Có Nguy Hiểm Không? Điều Trị Thế Nào?

Những lưu ý sau khi phẫu thuật nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là phương pháp có xâm lấn dù không nhiều. Do đó sau khi thực hiện, bệnh nhân gặp phải một số triệu chứng khó chịu như bụng chướng nhẹ, có cảm giác mót rặn, đau bụng ít hoặc đau quặn từng cơn.

chống chỉ định nội soi đại tràng
Sau khi nội soi đại tràng, bệnh nhân nên dùng thức ăn dễ tiêu hóa để giảm chướng bụng và đầy hơi

Để giảm nhẹ các triệu chứng sau khi nội soi đại tràng, bệnh nhân nên thực hiện một số biện pháp sau:

  • Nên dùng món ăn mềm, lỏng và ít gia vị để dạ dày và đường ruột dễ dàng tiêu hóa. Dùng món ăn chứa nhiều dầu mỡ và thực phẩm khô, cứng có thể khiến đại tràng tăng nhu động và gây đau bụng, tiêu chảy/ táo bón.
  • Uống nhiều nước và bổ sung rau xanh, trái cây để giảm tình trạng mất nước sau khi dùng thuốc nhuận tràng.
  • Không sử dụng rượu bia, thức uống chứa caffeine và thức uống chứa cồn. Sử dụng các thức uống này có thể làm nghiêm trọng tình trạng đầy hơi, chướng bụng sau khi nội soi đại tràng.
  • Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ (nếu có) và chủ động đến bệnh viện nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường như đại tiện ra máu, buồn nôn, sốt, đau bụng dữ dội,…

Xem ngay: Nội soi đại tràng cần nhịn ăn bao lâu? Lưu ý cho người bệnh

Nội soi đại tràng nguy hiểm không? Có ảnh hưởng gì không?

Ngoài các triệu chứng thường gặp, nội soi đại tràng cũng có thể gây ra một số biến chứng. Nhìn chung, đây là phương tiện chẩn đoán, theo dõi và điều trị các bệnh lý ở ruột già tương đối an toàn. Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng như:

  • Thủng ruột
  • Xuất huyết trực tràng
  • Nhiễm trùng
  • Biến chứng tim phổi
  • Lây nhiễm bệnh lý từ những bệnh nhân khác do thiết bị không được vô trùng hoàn toàn

Các biến chứng này chủ yếu gặp ở bệnh nhân có cơ địa đặc biệt (có bệnh lý nặng đi kèm, người già yếu, suy kiệt,…) hoặc do thực hiện ở những phòng khám nhỏ lẻ, không đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất và đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên.

Nội soi đại tràng giá bao nhiêu? Có được bảo hiểm chi trả?

Nội soi đại tràng có giá bao nhiêu là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Bởi đây là yếu tố để lựa chọn cơ sở thực hiện phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính. Trên thực tế, chi phí nội soi đại tràng phụ thuộc vào phương pháp thực hiện (gây mê hay gây tê), thiết bị sử dụng (máy CV 190 hay máy CV 170), cơ sở thực hiện, tay nghề bác sĩ và các thủ thuật đi kèm (sinh thiết, cắt polyp, cầm máu,…).

Nội soi đại tràng có được bảo hiểm chi trả
Chi phí nội soi đại tràng phụ thuộc phần lớn vào cơ sở thực hiện và phương pháp nội soi (gây mê hoặc gây tê)

Để dễ dàng lựa chọn được địa chỉ phù hợp, bệnh nhân có thể tham khảo chi phí nội soi đại tràng ở một số bệnh viện sau:

  • Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc – Hà Nội: Chi phí nội soi đại tràng không mê có giá từ 2.8 – 3.6 triệu đồng và gây mê có giá 3.3 – 4.1 triệu đồng (tùy theo loại máy thực hiện)
  • Bệnh viện Việt Đức – Hà Nội: Nội soi đại tràng không gây mê có giá 300.000 đồng và 401.000 đồng nếu kèm sinh thiết
  • Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc – Hà Nội: Nội soi đại tràng không gây mê có giá 800.000 đồng và 1.5 triệu đồng đối với nội soi đại tràng gây mê.
  • Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Nội soi đại tràng không gây mê có giá 1 triệu đồng và nội soi đại tràng không gây mê có giá 2 triệu đồng.
  • Bệnh viện Chợ Rẫy – TPHCM: Nội soi đại tràng gây mê có giá dao động từ 1.5 – 2.2 triệu đồng và 400 – 600.000 đồng đối với nội soi không gây mê.
  • Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: Nội soi đại tràng không gây mê có giá 900.000 đồng/ lần và 2.8 triệu đồng đối với nội soi đại tràng gây mê.
  • Chi phí được cung cấp chỉ có tính chất tham khảo, chi phí thực tế có thể chênh lệch phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác

Ngoài vấn đề về chi phí, nội soi đại tràng có được bảo hiểm chi trả không cũng là một trong những mối bận tâm hàng đầu của bệnh nhân. Thực tế nếu khám đúng tuyến, BHYT sẽ chi trả khoảng 80% chi phí nội soi và 40% chi phí trong trường hợp khám trái truyến. Tuy nhiên, chi phí miễn giảm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, bệnh nhân nên trao đổi trước với bác sĩ, y tá để được tư vấn cụ thể hơn.

Chia sẻ thêm: Khám viêm đại tràng ở đâu uy tín, tốt nhất tại TPHCM và Hà Nội

Chẩn đoán bằng nội soi đại tràng có chính xác không?

Ống tiêu hóa nói chung và đại tràng nói riêng là cơ quan rất khó chẩn đoán do nằm sâu bên trong cơ thể và có không gian khép kín. Các phương pháp chẩn đoán như siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), X-Quang và chụp cắt lớp vi tính (CT) hoàn toàn không thể phản ánh xác thực tình trạng niêm mạc ruột. Do đó hiện nay, nội soi được xem là phương tiện chẩn đoán có giá trị nhất đối với các bệnh tiêu hóa có tổn thương thực thể.

Qua hình ảnh từ nội soi, bác sĩ có thể phát hiện những tổn thương có kích thước rất nhỏ (khoảng vài mm) và sinh thiết để xác định ung thư, sự hiện diện của các một số chủng vi trùng có hại. Ngoài ra, nội soi còn giúp bác sĩ cầm máu, cắt polyp và hỗ trợ trong việc thực hiện một số thủ thuật khác.

nội soi đại tràng giá bao nhiêu
Nội soi đại tràng là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở ruột già

Có thể nói, nội soi đại tràng là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở ruột già. Do đó, hầu hết bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã xác định mắc bệnh lý ở đại tràng đều có chỉ định thực hiện kỹ thuật này. Ngoài ra trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm bổ sung (xét nghiệm phân, máu, chụp X-Quang cản quang,…) để có thêm dữ liệu phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị.

Có thể bạn cần: Dùng Thuốc Kháng Sinh Điều Trị Viêm Đại Tràng Thế Nào An Toàn?

Một số thắc mắc liên quan đến nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là phương tiện chính trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý ở đường tiêu hóa dưới. Tuy nhiên, xung quanh kỹ thuật này còn khá nhiều vướng mắc.

Dưới đây là một số thông tin giải đáp về các vấn đề thắc mắc xoay quanh kỹ thuật nội soi đại tràng.

1. Nội soi đại tràng có đau không?

Nội soi đại tràng có đau không là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm – nhất với những người chịu đau kém. Thực tế, nội soi đại tràng không gây mê có thể gây đau khi thụt gel bôi chứa hoạt chất gây tê. Nếu sợ đau, bệnh nhân có thể lựa chọn nội soi đại tràng gây mê. Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân hoàn toàn mất ý thức nên không cảm thấy đau hay khó chịu.

Dù gây mê hay gây tê, sau khi nội soi đại tràng, bệnh nhân vẫn có thể bị đau bụng âm ỉ đến đau quặn từng cơn do ruột tăng nhu động quá mức. Tuy nhiên, triệu chứng này thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và thuyên giảm hoàn toàn sau 2 – 3 giờ. Nếu đau dữ dội và kéo dài, nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám và xử lý kịp thời.

2. Nội soi đại tràng mất khoảng bao lâu?

Nội soi đại tràng chỉ mất khoảng 10 – 20 phút. Thời gian thực hiện có thể lâu hơn nếu kết hợp với cắt polyp và cầm máu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đầy đủ kỹ thuật này có thể kéo dài ít nhất 1 – 5 giờ đồng hồ (bao gồm cả giai đoạn làm sạch đại tràng và chờ kết quả). Để giảm thiểu thời gian khi thực hiện nội soi đại tràng, bệnh nhân nên có những bước chuẩn bị trước khi đến bệnh viện.

3. Nên thực hiện nội soi đại tràng ở đâu?

Nội soi đại tràng là phương tiện chính trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở đường tiêu hóa dưới. Kỹ thuật này được áp dụng rất phổ biến và hầu hết các bệnh viện, phòng khám có chuyên khoa Tiêu hóa đều thực hiện. Tuy nhiên, bạn đọc nên cân nhắc lựa chọn địa chỉ uy tín để phòng tránh rủi ro và tác dụng phụ sau khi nội soi.

4. Nội soi đại tràng có được ăn sáng không?

Bệnh nhân có ý định nội soi đại tràng nên nhịn ăn trước khi soi ít nhất 6 giờ đồng hồ. Do đó vào buổi sáng, bệnh nhân không nên ăn sáng để quá trình soi diễn ra thuận lợi, tránh mất thời gian chờ đợi và thụt tháo phân nhiều lần. Nếu lỡ ăn sáng, bệnh nhân phải chờ đến buổi trưa hoặc buổi chiều mới có thể tiến hành nội soi.

5. Thực hiện nội soi đại tràng bằng đường nào?

Nội soi đại tràng được thực hiện bằng cách đưa thiết bị chuyên dụng vào hậu môn, sau đó di chuyển thiết bị đến trực tràng, đại tràng sigma, đại tràng xuống, đại tràng ngang, đại tràng lên và cuối cùng là manh tràng. Để thuận lợi cho việc nội soi, bệnh nhân nên mặc quần áo rộng rãi và nên sắp xếp nội soi vào những ngày không có kinh nguyệt (đối với nữ giới).

Nội soi đại tràng là kỹ thuật chẩn đoán chính đối với các bệnh lý ở ruột già. Hy vọng qua bài viết, bệnh nhân có thể hiểu rõ hơn về mục tiêu, quy trình, chi phí và những vấn đề liên quan đến phương pháp này. Từ đó có những bước chuẩn bị để quá trình nội soi diễn ra thuận lợi và thoải mái nhất.

Bài viết liên quan: