Bị Nổi Mề Đay Kéo Dài Liên Tục Nhiều Ngày Phải Làm Sao?

Nổi mề đay kéo dài liên tục nhiều ngày có thể khiến tổn thương trên da trở nên nghiêm trọng. Hơn nữa còn làm tăng nguy cơ phát sinh các vấn đề biến chứng. Cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp điều trị đúng cách.

Nổi mề đay liên tục nhiều ngày
Có nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng nổi mề đay kéo dài liên tục nhiều ngày

Nổi mề đay kéo dài liên tục nhiều ngày do đâu?

Nổi mề đay là vấn đề da liễu rất phổ biến với hình thái tổn thương đa dạng. Bệnh thường xảy ra khi hệ miễn dịch sản sinh quá nhiều kháng nguyên IgE trong máu. Từ đó dẫn tới giải phóng các histamine ra khỏi phức hợp với protein.

Thực chất, nổi mề đay đề cập đến phản ứng cấp hay mãn tính xảy ra tại các mạch máu ở lớp trung bì do sự kích thích của các chất trung gian. Từ đó làm phát sinh các triệu chứng nổi sẩn đỏ, phát ban, ngứa ngáy và nóng rát.

Tình trạng nổi mề đay có thể gặp ở mọi đối tượng, bao gồm cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Có nhiều nguyên nhân kích hoạt sự bùng phát của bệnh. Trong đó tổn thương thường kích hoạt sau khi tiếp xúc với các dị nguyên.

Đa phần triệu chứng trên da chỉ tồn tại trong khoảng vài giờ đến vài ngày. Tổn thương do nổi mề đay thường ít có xu hướng kéo dài liên tục nhiều ngày.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có khoảng 5% trường hợp bị nổi mề đay liên tục nhiều ngày không khỏi. Trường hợp này còn được gọi là nổi mề đay mãn tính. Nguyên nhân có thể là do một số vấn đề dưới đây:

1. Không can thiệp điều trị

Các chuyên gia cho biết, một số trường hợp, tình trạng nổi mề đay có thể tự thuyên giảm mà không cần chăm sóc cũng như can thiệp điều trị. Điều này đã khiến cho không ít người chủ quan.

Tuy nhiên, với những người có cơ địa nhạy cảm thì tổn thương trên da có thể kéo dài liên tục nhiều ngày. Thậm chí là ngày càng tiến triển nặng nề thêm.

Tình trạng nổi mề đay kéo dài liên tục nhiều ngày có thể bắt nguồn từ tâm lý chủ quan của người bệnh, không tiến hành can thiệp điều trị kịp thời.

2. Ăn uống, sinh hoạt không hợp lý

Nếu tình trạng nổi mề đay kéo dài liên tục nhiều ngày mặc dù đã can thiệp chăm sóc và điều trị thì bạn nên xem lại chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình. Bởi đây có thể là yếu tố nguyên nhân.

vì sao bị bị nổi mề đay lâu ngày
Căng thẳng, stress có thể làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng nổi mề đay

Việc thường xuyên sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích hay ăn các loại thực phẩm trước đó từng bị dị ứng có thể khiến cho tình trạng nổi mề đay diễn tiến nặng. Ngoài ra, căng thẳng và stress quá mức cũng là vấn đề gây ra nhiều ảnh hưởng.

3. Lạm dụng thuốc chống dị ứng

Dùng thuốc chống dị ứng có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng nổi mề đay. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp giúp làm giảm ngứa tạm thời. Việc lạm dụng, dùng quá thường xuyên với liều cao có thể gây ra tình trạng kháng thuốc. Đôi khi còn khiến cho tổn thương trở nên nghiêm trọng và kéo dài liên tục nhiều ngày.

4. Hệ miễn dịch suy giảm

Nổi mề đay cùng các bệnh về da liễu có nguy cơ bùng phát cao hơn ở những người có hệ miễn dịch suy giảm. Và đây cũng là yếu tố tạo điều kiện cho tổn thương trên da lan tỏa rộng và kéo dài.

Chính vì vậy, những người có sức đề kháng kém, nhất là người bị tiểu đường, ung thư, cấy ghép nội tạng hay nhiễm HIV… thường có xu hướng bị nổi mề đay kéo dài liên tục nhiều ngày. Ngay cả khi được chăm sóc và điều trị đúng cách thì tình trạng này vẫn diễn ra.

5. Thường xuyên tiếp xúc với dị nguyên

Dị nguyên chính là yếu tố kích thích hệ miễn dịch của cơ thể phóng thích các thành phần trung gian. Từ đó làm bùng phát tình trạng phát ban, nổi mề đay.

Trường hợp thường xuyên tiếp xúc với dị nguyên thì tổn thương trên da do nổi mề đay thường có xu hướng kéo dài dai dẳng. Hơn nữa còn dễ lan tỏa rộng và gây ngứa ngáy dữ dội.

Ngoài ra, việc tiếp xúc với dị nguyên còn làm cản trở quá trình điều trị bệnh. Và đây cũng chính là yếu tố rủi ro khiến bệnh có nguy cơ tái phát cao sau điều trị.

6. Ảnh hưởng từ một số bệnh lý

Trong một số trường hợp, tình trạng nổi mề đay kéo dài liên tục nhiều ngày còn có thể xảy ra do ảnh hưởng từ một số bệnh lý. Thường gặp nhất là:

Suy giảm chức năng gan:

Gan là cơ quan làm nhiệm vụ đào thải các thành phần độc tố và thanh lọc cơ thể. Khi chức năng gan suy giảm thì độc tố có thể tích tụ trong máu. Điều này thường gây ra tình trạng ngứa da và khiến mề đay bùng phát. Nổi mề đay do suy giảm chức năng gan thường có xu hướng kéo dài dai dẳng hơn là do các nguyên nhân khác.

nổi mề đay nhiều ngày
Suy giảm chức năng gan có thể gây ra tình trạng nổi mề đay kéo dài

Nhiễm vi khuẩn Hp:

Vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) thường trú ngụ trong dạ dày người và là tác nhân gây ra các vấn đề tiêu hóa. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, nhiễm vi khuẩn Hp có thể liên quan đến việc bùng phát các bệnh viêm da hoặc mề đay mãn tính.

Nhiễm giun sán:

Nổi mề đay do giun sán là tình trạng khá thường gặp, nhất là ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch giải phóng các kháng nguyên đối kháng với ký sinh trùng. Tuy nhiên kháng nguyên này lại vô tình kích thích các phản ứng dị ứng. Từ đó gây ra tình trạng nổi mề đay mẩn ngứa kéo dài nhiều ngày.

Bệnh tuyến giáp:

Tình trạng nổi mề đay có thể kéo dài liên tục nhiều ngày do ảnh hưởng từ các bệnh tuyến giáp. Bởi bệnh lý này có khả năng làm tăng kháng thể kháng giáp antithyroglobulin có trong máu. Các chuyên gia cho biết antithyroglobulin là kháng thể có thể gây kích thích sự bùng phát tình trạng nổi mề đay. Trong đó, tình trạng nổi mề đay có thể đi kèm với chứng phù mạch.

7. Không xác định được nguyên nhân

Số liệu khảo sát cho thấy, có đến khoảng 70 – 80% các trường hợp bị nổi mề đay kéo dài liên tục nhiều ngày chưa thể tìm ra được nguyên nhân chính khác. Lúc này, bệnh thường được gọi là mề đay vô căn tự phát hoặc mề đay mãn tính tự phát. Tình trạng này gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến cả ngoại hình và tâm lý của người bệnh.

Nổi mề đay liên tục nhiều ngày nguy hiểm không?

Tổn thương do tình trạng nổi mề đay gây ra thường rất ít gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh có thể kéo dài nhiều ngày và tiến triển nặng nề.

Khi bệnh kéo dài liên tục nhiều ngày không khỏi, người bệnh có thể bị ngứa ngáy dữ dội. Hơn nữa tổn thương trên bề mặt da cũng kích hoạt ở mức độ nặng nề. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới ngoại hình, tâm lý mà còn làm gián đoạn giấc ngủ cũng như hoạt động thường ngày.

Ngoài ra, người bệnh còn phải đối mặt với một số biến chứng có thể phát sinh như:

Nhiễm trùng da:

Khi bị nổi mề đay, người bệnh thường có xu hướng chà xát hoặc cào gãi lên tổn thương để giải tỏa cơn ngứa ngáy khó chịu. Điều này có thể làm kích hoạt các tổn thương thứ phát. Đây chính là yếu tố tạo cơ hội cho các tác nhân từ bên ngoài tấn công và gây nhiễm trùng da.

Chàm hóa da:

Tình trạng nổi mề đay kéo dài liên tục nhiều ngày thường khiến cho vùng da bị ảnh hưởng trở nên dày sừng. Bên cạnh đó còn có nguy cơ bị thâm nhiễm và nứt nẻ. Hình thái tổn thương này còn được gọi là chàm hóa da. Chàm hóa có thể khiến da bị thâm sẹo sau điều trị.

nổi mề đay liên tục nguy hiểm không
Chàm hóa da là biến chứng dễ gặp khi bị nổi mề đay kéo dài liên tục không điều trị

Tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng:

Cơ chế nổi mề đay có sự liên quan mật thiết đến hoạt động quá mức của hệ thống miễn dịch. Tình trạng nổi mề đay kéo dài nhiều ngày khiến cho hệ miễn dịch phóng thích kháng nguyên IgE vào máu nhiều hơn. Từ đó dễ gây bùng phát một số bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen suyễn hay viêm da dị ứng…

Cách khắc phục tình trạng nổi mề đay liên tục nhiều ngày

Tình trạng nổi mề đay kéo dài liên tục nhiều ngày thường rất khó xác định được nguyên nhân trực tiếp. Điều này gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Để kiểm soát tốt tổn thương trên da, khắc phục triệu chứng của bệnh thì cần kết hợp cả điều trị chuyên sâu cùng với chế độ chăm sóc khoa học. Dưới đây là một số giải pháp có thể đáp ứng:

1. Cách ly với các yếu tố dị nguyên

Như đã phân tích, việc tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên là nguyên nhân phổ biến khiến cho tình trạng nổi mề đay kéo dài liên tục nhiều ngày và tiến triển nặng. Chính vì vậy, bạn cần chú ý cách ly với yếu tố nguy cơ này.

  • Cần xem xét bảng thành phần của các sản phẩm làm sạch và chăm sóc da. Thay đổi ngay nếu sản phẩm bạn đang dùng có chứa thành phần dễ gây kích ứng. Ví dụ như hương liệu, chất bảo quản, cồn… Ưu tiên dùng các sản phẩm có chiết xuất từ thiên nhiên với độ lành tính cao.
  • Tránh tiếp xúc với lông chó mèo, phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, hóa chất, côn trùng hay thực vật có độc…
  • Tránh mặc quần áo quá bó sát, đi giày dép chật. Nên lựa chọn trang phục rộng thoáng, kích cỡ phù hợp để làm giảm ma sát lên da.
  • Hạn chế tiêu thụ các loại đồ ăn thức uống có khả năng gây dị ứng cao. Điển hình như hải sản, đậu phộng, nấm, sữa bò, rượu bia, thức uống chứa cồn hay chất kích thích.
  • Nếu đang bị nổi mề đay thì tốt nhất bạn nên bảo vệ da cẩn thận. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.

2. Sử dụng thuốc đúng cách

Trường hợp tổn thương do mề đay gây ra kéo dài nhiều ngày thì bạn nên sớm tìm gặp bác sĩ da liễu. Lúc này việc dùng thuốc theo toa là rất cần thiết. Ngoài làm giảm ngứa ngáy thì còn hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng bị nổi mề đay khắp người.

điều trị nổi mề đay liên tục nhiều ngày
Sử dụng thuốc đúng cách có thể hỗ trợ kiểm soát tốt tình trạng nổi mề đay liên tục nhiều ngày

Một số loại thuốc có thể được kê toa bao gồm:

  • Thuốc kháng histamine:

Đây là nhóm thuốc được dùng phổ biến nhất trong khắc phục tình trạng ngứa ngáy do nổi mề đay gây ra. Thuốc kháng histamine có tác dụng ức chế phóng thích histamine – thành phần gây kích thích mao mạch ở lớp trung bì. Với các trường hợp đáp ứng kém thì bác sĩ có thể xem xét chỉ định kết hợp thuốc kháng histamine H1 với H2.

  • Thuốc chứa Corticoid cả dạng bôi và dạng uống:

Nhóm thuốc này được chỉ định với các trường hợp mề đay phù mạch, mề đay gây viêm nặng hay lan tỏa rộng. Tuy nhiên cần cẩn trọng bởi các thuốc này rất dễ làm phát sinh tác dụng phụ. Hầu hết thuốc chứa Corticoid đều chỉ được sử dụng trong điều trị ngắn này.

  • Thuốc kháng Leukotrien:

Leukotrien là một trong những chất trung gian có khả năng kích thích các phản ứng dị ứng. Nhóm thuốc kháng Leukotrien thường được chỉ định trong trường hợp người bệnh không đáp ứng tốt với các thuốc kháng histamine.

  • Thuốc Omalizumab:

Omalizumab là hoạt chất có khả năng ức chế sản sinh kháng thể IgE. Từ đó làm giảm phóng thích các chất trung gian gây dị ứng. Thực tế ghi nhận, việc dùng thuốc Omalizumab có thể đem lại cải thiện lâm sàng rõ rệt trong điều trị nổi mề đay kéo dài liên tục nhiều ngày.

  • Thuốc ức chế miễn dịch:

So với các loại thuốc trên thì các thuốc ức chế miễn dịch ít được sử dụng trong điều trị nổi mề đay. Tuy nhiên bác sĩ có thể cân nhắc kê toa trong các trường hợp mề đay vô căn khi cần thiết. Methotrexate, Cyclophosphamide, Cyclosporine là một số loại được dùng phổ biến hơn cả.

Việc dùng bất cứ loại thuốc nào cũng cần tuân thủ chỉ định từ bác sĩ. Trường hợp toa thuốc không đáp ứng triệu chứng hay gây ra những vấn đề bất thường thì người bệnh nên báo ngay với bác sĩ. Lúc này việc điều chỉnh và xử lý kịp thời là rất cần thiết để tránh những hệ quả nghiêm trọng.

3. Nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể

Trong nhiều trường hợp, suy giảm chức năng miễn dịch là yếu tố thuận lợi khiến cho tình trạng nổi mề đay kéo dài nhiều ngày. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn có thể khắc phục được.

chữa ngứa mề đay lâu ngày
Người bệnh nên ăn uống lành mạnh để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, nhất là khi đang bị nổi mề đay nhiều ngày

Người bệnh cần thực hiện các biện pháp sau để nâng cao sức đề kháng cũng như cải thiện sức khỏe tổng thể:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Bổ sung đủ nước, tăng cường các thực phẩm hữu ích như thịt trắng, rau xanh, trái cây tươi, nha đam, sữa chua… Hạn chế tiêu thụ thức ăn chứa nhiều đường, chất béo bão hòa, chất bảo quản, gia vị cay nóng. Đồng thời hạn chế uống rượu bia, chất kích thích…
  • Kiểm soát tốt tình trạng căng thẳng, stress với nhiều giải pháp. Ví dụ như giảm khối lượng công việc cũng như thời gian làm việc. Chú ý đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc mỗi ngày.
  • Dành tối thiểu 20 – 30 phút mỗi ngày cho các hoạt động thể chất. Lựa chọn bộ môn có cường độ phù hợp với thể trạng sức khỏe.
  • Nếu đang có thói quen hút thuốc lá thì hãy sớm từ bỏ. Đồng thời tránh hít phải khói thuốc lá thụ động.
  • Nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm, trước 8h. Bởi lúc này, ánh nắng có cường độ nhẹ sẽ giúp cơ thể tổng hợp được nhiều vitamin D. Từ đó giúp nâng cao hệ miễn dịch.

4. Điều trị triệt để bệnh lý nguyên nhân

Nhiều người rất quan ngại trước trường hợp bị nổi mề đay kéo dài liên tục nhiều ngày là do ảnh hưởng từ các vấn đề bệnh lý. Bởi đây là tình trạng phức tạp hơn.

Lúc này, người bệnh nên sớm tìm đến bác sĩ để được thăm khám, kiểm tra và chẩn đoán nguyên nhân cụ thể. Với mỗi vấn đề bệnh lý sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Chỉ khi bệnh lý nguyên nhân được kiểm soát và điều trị triệt để thì tình trạng nổi mề đay mới được khắc phục hoàn toàn.

nổi mề đay nhiều ngày do bệnh lý
Trường hợp bị nổi mề đay kéo dài nhiều ngày do bệnh lý thì cần sớm thăm khám bác sĩ

5. Một số biện pháp chăm sóc hỗ trợ khác

Ngoài các giải pháp nêu trên thì người bệnh được khuyên là nên chú ý đến vấn đề chăm sóc. Đây là yếu tố cần thiết giúp hỗ trợ khắc phục triệu chứng. Đồng thời khắc phục tốt sự tiến triển của bệnh.

Các biện pháp chăm sóc cần chú ý thực hiện bao gồm:

  • Tuyệt đối không dùng tay cào gãi hay chà xát lên bề mặt da. Có nhiều cách khác an toàn hơn giúp bạn giải tỏa cơn ngứa. Bao gồm tắm nước mát, chườm lạnh hay sử dụng gel nha đam. Ngoài ra có thể dùng thuốc giảm ngứa tại chỗ theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Làm sạch da đúng cách bằng các sản phẩm có độ pH trung tính với thành phần an toàn, dịu nhẹ. Việc vệ sinh da kém sẽ làm tăng sinh mồ hôi và bã nhờn. Điều này khiến mề đay lan rộng và tăng mức độ ngứa ngáy.
  • Bảo vệ da cẩn thận khi di chuyển ngoài trời. Nên che chắn, đeo khẩu trang, mặc áo khoác và thoa kèm chống nắng đầy đủ.
  • Tuyệt đối không để cơ thể tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây dị ứng cao.
  • Giữ cho tinh thần luôn được thoải mái, lạc quan.
  • Tích cực trong quá trình điều trị nổi mề đay. Đồng thời chú ý tái khám theo đúng lịch hẹn bác sĩ yêu cầu.

Tình trạng nổi mề đay có thể kéo dài liên tục nhiều ngày do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tốt nhất người bệnh nên chủ động thăm khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đồng thời thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc tại nhà để tổn thương nhanh chóng được kiểm soát.