Nội dung chính

Trong một số trường hợp, nổi mề đay có thể đi kèm với hiện tượng sốt nhẹ đến sốt cao. Tình trạng này gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là sốt cỏ khô và ảnh hưởng của các bệnh nhiễm trùng.

nổi mề đay kèm sốt
Bị nổi mề đay kèm sốt là dấu hiệu của bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Nổi mề đay kèm sốt là dấu hiệu của bệnh gì?

Nổi mề đay (mày đay) là tình trạng da liễu khá phổ biến, ảnh hưởng đến tất cả mọi lứa tuổi – kể cả trẻ nhỏ, người lớn và người cao tuổi. Mày đay thực chất là phản ứng của da khi cơ thể bị dị ứng, kích thích bởi các yếu tố nội sinh và ngoại sinh.

Tình trạng này đặc trưng bởi sự xuất hiện của các đốm sẩn nổi cộm kèm theo hiện tượng da đỏ, phù nề, nóng rát và châm chích nhẹ. Tất cả các trường hợp nổi mày đay đều gây ngứa âm ỉ đến dữ dội, mức độ ngứa có thể tăng lên nếu có ma sát và kích thích cơ học. Trong một số trường hợp, mề đay có thể đi kèm với sốt nhẹ đến sốt cao. Tình trạng này gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Dưới đây là một số nguyên nhân có khả năng gây nổi mề đay kèm theo sốt:

1. Sốt phát ban – Nguyên nhân gây nổi mề đay kèm sốt thường gặp

Sốt phát ban là tình trạng nhiễm trùng gây ra bởi virus Herpes, bệnh phổ biến ở trẻ từ 4 – 5 tuổi và hiếm khi gặp ở người trưởng thành. Sau khi nhiễm virus khoảng 1 – 2 tuần, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như sốt cao khoảng 39 – 39.5 độ C và nổi các nốt phát ban sau cơn sốt. Các nốt phát ban có thể nằm ẩn dưới da hoặc nhô lên, nổi cộm so với vùng da xung quanh.

Sốt nổi mề đay ở người lớn
Sốt phát ban là nguyên nhân thường gặp gây nổi mề đay kèm sốt ở trẻ nhỏ

Hơn nữa khi bị nhiễm virus, hệ miễn dịch của bé sẽ bị kích thích dẫn đến tình trạng phóng thích histamine vào da và niêm mạc. Kết quả là nổi các đốm phát ban kèm theo mề đay mẩn ngứa. Sốt phát ban được xem là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây nổi mề đay kèm sốt ở trẻ nhỏ.

  • Xem Thêm: Hé Lộ Công Dụng Tuyệt Vời Của Giấm Trị Mề Đay Không Phải Ai Cũng Biết [MEO DÂN GIAN HAY]

2. Nổi mề đay do sốt xuất huyết

Trong một số trường hợp, nổi mề đay kèm sốt có thể là dấu hiệu của sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue với tác nhân lây nhiễm là muỗi vằn. Khi bị muỗi vằn đốt, virus sẽ xâm nhập vào máu và gây ra nhiễm trùng. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng sốt cao, đau nhức cơ, khớp và nổi phát ban, mề đay.

nổi mề đay sốt xuất huyết
Trong một số trường hợp, nổi mề đay kèm theo sốt có thể là dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết

Do đó ngoài các triệu chứng thông thường, sốt xuất huyết còn đi kèm với các mẩn đỏ và hiện tượng ngứa ngáy da. Tình trạng này thường khởi phát sau cơn sốt do phản ứng miễn dịch của cơ thể. Ở một số trường hợp, sốt xuất huyết chỉ gây ra các ban xuất huyết nhưng không gây ngứa hay bứt rứt, khó chịu.

3. Bệnh tay chân miệng gây sốt, nổi mề đay

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ xảy ra do chủng virus thuộc họ enterovirus. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, đặc trưng bởi tình trạng sốt, xuất hiện các mụn nước bên trong miệng và khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân. Bệnh dễ lây lan thông qua tiếp xúc nên có nguy cơ bùng phát thành dịch – nhất là trong môi trường mẫu giáo, trường tiểu học.

Tương tự như các bệnh nhiễm trùng khác, tay chân miệng còn có thể đi kèm với nổi phát ban và mề đay mẩn ngứa do phản ứng của hệ miễn dịch đối với tác nhân có hại. Phản ứng này vô tình giải phóng histamine khỏi phức hợp với protein và kết quả là làm xuất hiện mẩn ngứa, mề đay.

Tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh thường có mức độ nhẹ, chủ yếu gây sốt trong vài ngày và có thể thuyên giảm nhanh nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, phụ huynh không nên chủ quan khi con trẻ có các dấu hiệu của bệnh lý này. Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra các biến chứng như viêm não, viêm cơ tim và viêm màng não do virus.

4. Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn (bệnh thứ năm)

Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn (bệnh thứ năm) là một trong những nguyên nhân gây nổi mề đay kèm sốt có thể gặp phải ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh xảy ra do chủng Parvovirus B19 và chủ yếu bùng phát mạnh vào mùa xuân.

sốt dị ứng nổi mề đay
Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn (bệnh thứ năm) gây ra tổn thương da tương tự như mề đay mẩn ngứa

Sau khoảng 4 – 14 ngày ủ bệnh, các triệu chứng lâm sàng như sốt nhẹ, nổi các hồng ban sẩn cứng ở vùng má,… có xu hướng bùng phát. Các đốm hồng ban nổi tập trung thành từng đám và thường có tính chất đối xứng. Ngoài ra, vùng da toàn thân cũng có thể xuất hiện ban đỏ và mề đay do phản ứng của hệ miễn dịch đối với virus gây nhiễm trùng.

5. Nổi mề đay kèm sốt do các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp thường gặp

Trên thực tế, mề đay là phản ứng da khi cơ thể bị dị ứng thông qua IgE (kháng nguyên). Ngoài ra, mày đay cũng có thể bùng phát do nhiễm trùng. Trong trường hợp này, hệ miễn dịch sẽ hoạt hóa các tế bào miễn dịch nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân có hại. Phản ứng chống lại virus và vi khuẩn khiến cơ thể tăng thân nhiệt (sốt) và đôi khi gây nổi mề đay, mẩn đỏ.

Vì vậy, hầu hết các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp đều có thể gây nổi mề đay kèm theo sốt. Trong đó phổ biến nhất là cảm cúm, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản và viêm phế quản. Tình trạng nổi mề đay do các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch của trẻ chưa phát sinh hoàn chỉnh.

6. Sốt cỏ khô

Sốt cỏ khô là bệnh lý có cơ chế dị ứng, xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các yếu tố bên ngoài (thường gặp nhất là lông mèo, cỏ dại, phấn hoa,…). Cơ chế gây sốt cỏ khô tương tự như các bệnh dị ứng khác.

nổi mề đay bị sốt
Sốt cỏ khô có thể gây sốt nhẹ, hắt hơi, ngứa mũi, mệt mỏi kèm theo mề đay mẩn ngứa

Khi cơ thể tiếp xúc với các yếu tố dị ứng, hệ miễn dịch sẽ phản ứng bằng cách tăng sản xuất IgE, giải phóng leukotriene và phóng thích histamine vào niêm mạc và da. Kết quả là gây ra các triệu chứng lâm sàng như ho, sổ mũi, nhức đầu, nghẹt mũi, ngứa da, nổi mề đay và sốt nhẹ.

Vì vậy, nếu nổi mề đay và sốt đi kèm với các triệu chứng kể trên, nguyên nhân rất có thể là do sốt cỏ khô. Bệnh lý này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ảnh hưởng nhiều hơn đến trẻ em. Ngoài ra, người bị sốt cỏ khô còn nguy cơ cao mắc các bệnh lý có cơ chế dị ứng khác như viêm da cơ địa, viêm kết mạc dị ứng,…

Nổi mề đay gây sốt, ngứa ngáy có nguy hiểm không?

Có thể thấy, đa phần các trường hợp nổi mề đay mẩn ngứa kèm sốt đều là phản ứng của hệ miễn dịch đối với các tác nhân gây nhiễm trùng như virus, vi khuẩn. Trong trường hợp này, mề đay thường xuất hiện sau sốt khoảng 2 – 3 ngày và hiếm khi bùng phát đột ngột, rầm rộ như mề đay cấp tính thông thường. Cũng chính vì vậy mà nổi mày đay kèm sốt thường không thuyên giảm nhanh trong 24 giờ mà có thể kéo dài từ 3 – 7 ngày hoặc hơn.

Hầu hết các trường hợp nổi mề đay kèm sốt đều có thể tự thuyên giảm sau khi tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát. Trong khi đó, ở người bị sốt cỏ khô, mề đay có thể tái phát sau mỗi lần tiếp xúc với các yếu tố kích ứng và dị ứng. Thực tế, mề đay ít khi đe dọa trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, tình trạng này thường gây ngứa nhiều, ngứa dai dẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.

Vấn đề đáng lo ngại nhất đối với mề đay kèm sốt là ảnh hưởng của virus và vi khuẩn gây nhiễm trùng. Ở một số trường hợp nhiễm trùng nhẹ, virus có thể bị tiêu diệt sau khoảng vài ngày nếu chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nhiễm trùng cũng có thể chuyển biến nặng và gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm cơ tim, viêm não, viêm màng não,… nếu không thăm khám và xử lý kịp thời.

Các phương pháp điều trị nổi mề đay kèm sốt

Nổi mề đay kèm sốt đa phần đều xảy ra do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Do đó, cần tiến hành điều trị tình trạng này trong thời gian sớm nhất để kiểm soát nhiễm trùng, giảm mề đay mẩn ngứa và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị nổi mề đay kèm sốt hiệu quả:

1. Thăm khám và điều trị y tế

Thực tế cho thấy, mề đay do nhiễm trùng ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh và có xu hướng nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích. Do đó, tình trạng nhiễm trùng có thể chuyển biến nặng, làm phát sinh biến chứng và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe đến sức khỏe của bé.

nổi mề đay và bị sốt
Trong trường hợp nổi mề đay kèm theo sốt, cần chủ động thăm khám và điều trị y tế

Chính vì vậy nếu nhận thấy nổi mề đay, sốt nhẹ đến sốt cao đi kèm với các triệu chứng bất thường, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị y tế. Điều trị sớm có thể rút ngắn thời gian tiến triển của bệnh, hạn chế biến chứng và các tình huống rủi ro. Ngoài ra, người trưởng thành gặp phải các triệu chứng kể trên cũng không nên chủ quan. Nếu cần thiết, nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị thích hợp.

2. Dùng thuốc giảm ngứa do mề đay

Mề đay kèm sốt là hiện tượng tạm thời do phản ứng chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng. Do đó, tình trạng này có thể tự thuyên giảm sau khoảng vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên nếu mề đay gây ngứa, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng histamine H1: Bao gồm Fexofenadin, Loratadin, Cetirizin, Chlorpheiramin, Promethazin,…
  • Thuốc kháng histamine H2: Thường dùng Famotidin và Ranitine.

Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh nên tham khảo ý kiến dược sĩ/ bác sĩ trước khi dùng thuốc cho trẻ – nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Tự ý sử dụng có thể gây không ít phản ứng bất lợi và các tình huống rủi ro.

Trong trường hợp nổi mề đay kèm sốt do sốt cỏ khô, tình trạng cũng sẽ nhanh chóng sau khi dùng các loại thuốc kể trên. Tuy nhiên nếu mề đay mãn tính, bác sĩ có thể cân nhắc và chỉ định thêm một số loại thuốc khác như thuốc ức chế leukotriene, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế miễn dịch, Dapsone, Colchicine,…

Tuy nhiên, có một thực tế khó tránh, đó là các loại thuốc Tây chỉ có thể kìm hãm phần nào các triệu chứng bề nổi của bệnh. Do đó, đối với các trường hợp mề đay mãn tính hoặc bệnh nặng ở những người bệnh đặc biệt thì cần một phương pháp điều trị chuyên sâu hơn. Lúc này, người bệnh nên tìm tới Y học cổ truyền của nước ta. 

3. Các biện pháp chăm sóc

Song song với các phương pháp y tế, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc để giảm ngứa ngáy do mề đay và hỗ trợ hạ thân nhiệt. Kết hợp điều trị y tế cùng với các biện pháp này giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục, giảm mệt mỏi và phòng ngừa biến chứng hiệu quả.

sốt nổi mề đay ngứa
Bên cạnh các phương pháp y tế, nên kết hợp với một số biện pháp chăm sóc tại nhà

Các biện pháp chăm sóc giúp cải thiện nổi mề đay kèm sốt:

  • Nghỉ ngơi trong suốt thời gian điều trị để cơ thể hồi phục sức khỏe. Đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khỏe mạnh.
  • Nên ăn uống điều độ khi bị nổi mề đay và sốt. Chế độ ăn uống khoa học giúp tăng cường chức năng đề kháng, từ đó nhanh chóng kiểm soát nhiễm trùng và giảm nhẹ các triệu chứng do phản ứng quá mức của hệ miễn dịch.
  • Tình trạng nổi mề đay có xu hướng nghiêm trọng hơn nếu thân nhiệt tăng cao. Vì vậy, nên sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ kết hợp với chườm đắp khăn mát ở vùng cổ, nách và bẹn.
  • Uống nhiều nước trong thời gian nổi mề đay kèm sốt để cân bằng điện giải, tránh tình trạng mất nước khiến cơ thể suy nhược và mệt mỏi.
  • Tắm với nước ấm hoặc dùng khăn ướt làm sạch cơ thể để giảm ngứa ngáy và ngăn ngừa mề đay lan rộng. Bên cạnh đó, nên mặc quần áo rộng và có chất liệu mềm để tránh ma sát lên các mảng da nổi mề đay mẩn ngứa.
  • Không chà xát, tỳ đè lên vùng da nổi mề đay. Ngoài ra, nên hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dị ứng và kích ứng như côn trùng, thực vật, hóa chất, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh,… Các yếu tố này có thể làm tăng mức độ mẫn cảm của hệ miễn dịch và khiến mề đay trở nên nghiêm trọng hơn.

Phòng ngừa nổi mề đay kèm sốt

Có thể thấy, đa phần các trường hợp nổi mề đay kèm sốt đều xảy ra do nhiễm trùng. Do đó để hạn chế tình trạng này tái phát, cần thực hiện biện pháp giúp ngăn ngừa các bệnh lý nhiễm trùng. Đối với mề đay do sốt cỏ khô, nên cách ly với các yếu tố dị ứng và kích ứng có khả năng bùng phát bệnh.

Một số biện pháp giúp phòng ngừa nổi mề đay kèm sốt:

  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố dị ứng có thể gây bùng phát sốt cỏ khô như lông chó mèo, phấn hoa, nấm mốc, mạt bụi,… Vào thời điểm chuyển mùa từ đông sang xuân, nên hạn chế di chuyển ngoài trời nếu không cần thiết và đeo khẩu trang thường xuyên để tránh hít phải chất dị ứng có trong không khí.
  • Rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với các vật dụng công cộng để phòng ngừa các bệnh lây nhiễm. Ngoài ra, nên hạn chế tiếp xúc thân mật với người đang bị sốt phát ban, tây chân miệng và các bệnh viêm đường hô hấp thường gặp khác.
  • Dọn vệ sinh nhà cửa thường xuyên, tránh để ao tù nước đọng,… nhằm hạn chế sự phát triển của muối vằn – tác nhân trung gian gây ra bệnh sốt xuất huyết.
  • Nâng cao sức khỏe tổng thể bằng cách ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc,… Chức năng đề kháng tốt giúp phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm, hạn chế nguy cơ dị ứng và giảm tần suất tái phát của mề đay mẩn ngứa đáng kể.

Nổi mề đay kèm sốt là tình trạng có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Tình trạng này thường bắt nguồn từ các bệnh nhiễm trùng hoặc xảy ra do sốt cỏ khô. Tuy nhiên, mề đay gây sốt cũng có thể bùng phát do những nguyên nhân ít gặp hơn. Vì vậy để xác định đúng tình trạng sức khỏe và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp, nên tìm gặp bác sĩ ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường.

Triệu chứng liên quan