Cách Chọn Kem Dưỡng ẩm Cho Người Bị Viêm Da Cơ Địa

Khi lựa chọn kem dưỡng ẩm cho người bị viêm da cơ địa, cần chú ý bảng thành phần, kết cấu và nguồn gốc – xuất xứ của sản phẩm. Dưỡng ẩm đúng cách không chỉ giúp da mềm mịn, giảm khô ráp, bong tróc mà còn tăng đáp ứng với thuốc điều trị và hỗ trợ phòng ngừa bệnh tái phát. 

Dưỡng ẩm trong viêm da cơ địa
Dưỡng ẩm có vai trò quan trọng trong điều trị – phòng ngừa bệnh viêm da cơ địa ở cả người lớn và trẻ nhỏ

Bị viêm da cơ địa có nên dùng mỹ phẩm không?

Viêm da cơ địa là bệnh da liễu khá phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng da viêm đỏ mãn tính kèm ngứa ngáy dai dẳng, có mức độ từ âm ỉ đến dữ dội. Ở bệnh nhân bị viêm da cơ địa, da bị thiếu hụt filaggrin và loricrin khiến các tế bào biểu mô giảm mức độ liên kết, da dễ bị thoát hơi nước, khô căng và nứt nẻ. Đây là điều kiện thuận lợi để dị nguyên xâm nhập vào cơ thể và kích hoạt phản ứng thái quá của hệ miễn dịch.

Chính vì hàng rào bảo vệ da bị tổn thương nên bệnh nhân viêm da cơ địa tương đối nhạy cảm với thành phần có trong các loại mỹ phẩm. Tuy nhiên theo các bác sĩ da liễu, bệnh nhân viêm da cơ địa có thể cân nhắc sử dụng các loại mỹ phẩm từ thương hiệu uy tín, công thức an toàn và đã được kiểm định da liễu với làn da nhạy cảm.

Tránh sử dụng mỹ phẩm chứa chất lột tẩy, hương hiệu, chất bảo quản và thành phần tổng hợp. Các thành phần này có khả năng kích ứng cao và dễ khiến da đỏ rát, ngứa ngáy – nhất là với người bị viêm da cơ địa và các bệnh da liễu gây tổn thương lớp sừng.

Hiện nay bên cạnh các dòng sản phẩm cho da mụn, da nhạy cảm, một số thương hiệu đã bắt đầu nghiên cứu và sản xuất dòng sản phẩm dành cho da có các vấn đề da liễu như viêm da cơ địa, vảy nến, chứng đỏ mặt, viêm da tiết bã nhờn,… Các sản phẩm này đều chứa công thức an toàn, lành tính và hầu như không gây kích ứng khi sử dụng.

Có thể bạn quan tâm: Bệnh Viêm Da Cơ Địa Có Tự Khỏi Không? Mất Bao Lâu Thì Bệnh Cải Thiện

Vai trò của dưỡng ẩm đối với bệnh viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa là một dạng tổn thương da tương đối lành tính. Tuy nhiên, bệnh lý này có cơ chế bệnh sinh tương đối phức tạp bao gồm nhiều yếu tố tác động như cơ địa nhạy cảm (rối loạn đáp ứng miễn dịch), yếu tố di truyền, hàng rào bảo vệ da bị tổn thương. Các yếu tố này bị kích hoạt khi có các tác nhân nội sinh và ngoại sinh (được gọi là dị nguyên).

Như đã đề cập ở trên, hàng rào bảo vệ da ở bệnh nhân bị viêm da cơ địa thường bị suy giảm do thiếu hụt loricrin và filaggrin – các loại protein có vai trò liên kết tế bào biểu mô. Thông thường, các loại protein này liên kết mô da nhằm tạo ra hàng rào bảo vệ ngăn chặn mất nước và giảm thiểu sự xâm nhập của dị nguyên vào cơ thể.

Kem dưỡng ẩm cho người bị viêm da cơ địa
Do thiếu hụt filaggrin nên da của bệnh nhân viêm da cơ địa dễ mất nước, khô ráp, bong tróc và ngứa ngáy

Ở bệnh nhân bị viêm da cơ địa, da tăng mất nước, khô và trở nên nhạy cảm với các dị nguyên. Đây cũng lý do vì sao bệnh khởi phát mạnh vào mùa đông, không khí khô hanh và giảm nhẹ khi thời tiết ấm áp.

Ngoài việc sử dụng thuốc uống và thuốc bôi, dưỡng ẩm là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh – cả trong giai đoạn cấp và mãn tính. Đối với bệnh nhân viêm da cơ địa, dưỡng ẩm có những vai trò quan trọng như sau:

  • Duy trì độ ẩm tự nhiên cho làn da, cải thiện tình trạng da khô ráp, nứt nẻ và bong tróc
  • Cải thiện triệu chứng ngứa ngáy và giảm nhẹ tổn thương da
  • Phục hồi hàng rào bảo vệ da, ngăn chặn sự mất nước và giảm thiểu sự xâm nhập của các dị nguyên
  • Giảm tần suất và thời gian sử dụng thuốc – đặc biệt là thuốc bôi chứa corticoid
  • Dưỡng ẩm thường xuyên và lâu dài giúp da khỏe mạnh. Qua đó có thể duy trì bệnh ở mức độ ổn định và phòng ngừa bệnh bùng phát mạnh.

Ngoài ra, dưỡng ẩm còn giúp cải thiện các rối loạn chức năng của da và hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng của các vấn đề da liễu khác. Chính vì vậy, các sản phẩm dưỡng ẩm được khuyến khích dùng tối thiểu 2 lần/ ngày ngay cả khi da không có biểu hiện khô ráp, bong tróc và đỏ ngứa.

Cách lựa chọn kem dưỡng ẩm cho người bị viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa đặc trưng bởi tình trạng hàng rào da suy giảm, da khô, dễ mất nước, bong tróc và nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài. Chính vì vậy, cần lựa chọn sản phẩm có đặc tính riêng biệt, đáp ứng được nhu cầu dưỡng ẩm của da và có công thức an toàn, không gây dị ứng.

Để lựa chọn được loại kem dưỡng ẩm phù hợp với người bị viêm da cơ địa, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

1. Thương hiệu, nguồn gốc – xuất xứ

Khi chọn mua kem dưỡng ẩm, nên ưu tiên dùng các sản phẩm của những thương hiệu lớn, uy tín. Đa phần sản phẩm của những thương hiệu này đều được nghiên cứu và phát triển bởi đội ngũ chuyên gia, da liễu da hàng đầu. Hơn nữa, các thương hiệu mỹ phẩm lớn đều tiến hành các thực nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá độ an toàn và tính hiệu quả của sản phẩm trước khi cho ra mắt thị trường.

viêm da cơ địa có nên dùng mỹ phẩm
Nên lựa chọn các loại kem dưỡng ẩm cho người bị viêm da cơ địa của những thương hiệu lớn và uy tín

Hiện nay, có khá nhiều sản phẩm dưỡng ẩm, chăm sóc da cho bệnh nhân viêm da cơ địa. Tuy nhiên thực tế, một số sản phẩm có nguồn gốc – xuất xứ không rõ ràng, thành phần thiếu minh bạch và được phóng đại quá mức về công dụng. Sử dụng các sản phẩm có thể không mang lại hiệu quả như mong đợi hoặc thậm chí gây ra không ít rủi ro, tác dụng phụ.

2. Thành phần sản phẩm

Các loại kem dưỡng ẩm chứa nhiều thành phần với tác dụng và đặc tính khác nhau. Để lựa chọn được sản phẩm phù hợp, nên lựa chọn các loại kem dưỡng ẩm chứa những thành phần sau:

  • Thành phần kháng viêm: Các loại kem dưỡng ẩm thường được bổ sung các thành phần kháng viêm tác dụng nhẹ như Ceramide (chất béo tự nhiên trên da), Palmitoylethanolamine và Glycyrrhetinic acid (chiết xuất từ rễ cam thảo). Các thành phần này có thể giảm nhẹ phản ứng viêm ở lớp sừng do viêm da cơ địa gây ra.
  • Thành phần làm bít da, ngăn mất nước: Các thành phần như Zinc oxide, Mineral oil (dầu khoáng), petroleum và lanolin có tác dụng tạo màng kỵ nước trên bề mặt da giúp ngăn chặn tình trạng thoát hơi nước. Từ đó duy trì độ ẩm tự nhiên của da, hạn chế tình trạng da khô ráp, bong tróc.
  • Thành phần hút nước: Thành phần hút nước (Hyaluronic acid, urea và Glycerin sorbitol) có tác dụng hút nước từ lớp thượng bì đến lớp sừng nhằm giúp da mềm mịn, giảm bong tróc và nứt nẻ.
  • Thành phần làm mềm da: Các thành phần làm mềm da như Isopropyl palminate, dầu bơ, yến mạch, dầu thầu dầu,… có tác dụng hydraye hóa lớp sừng giúp da bóng mịn và mềm mại. Ngoài ra, các thành phần này còn lấp đầy khoảng trống của các tế bào biểu mô và ngăn chặn sự xâm nhập của dị nguyên.

3. Kết cấu của sản phẩm

Da khô, bong tróc và sần sùi là triệu chứng đặc trưng của viêm da cơ địa. Tuy nhiên, mức độ khô da có sự khác biệt ở từng giai đoạn phát triển của bệnh, vị trí da bị ảnh hưởng và cơ địa của từng người. Do đó khi chọn kem dưỡng ẩm cho người bị viêm da cơ địa, nên chú ý về kết cấu để lựa chọn được sản phẩm phù hợp.

Kem dưỡng ẩm cho da bị viêm da cơ địa
Cần đánh giá nhu cầu của da để lựa chọn sản phẩm có kết cấu phù hợp
  • Dạng sữa dưỡng (lotion): Lotion có kết cấu lỏng, mềm với thành phần chính là nước kết hợp với một ít dầu nhằm duy trì độ ẩm tự nhiên cho da. Ưu điểm của loại kết cấu này là không gây bết rít và dễ tán. Tuy nhiên do kết cấu lỏng, sản phẩm dưỡng ẩm dạng lotion thường có hiệu quả dưỡng ẩm không cao nên chỉ thích hợp với bệnh nhân bị khô và bong tróc da nhẹ.
  • Dạng kem (cream): Sản phẩm dạng kem chứa hỗn hợp nước và chất lỏng khác với tỷ lệ 1:1. Ưu điểm của kết cấu dạng cream là cung cấp độ ẩm lý tưởng, ít bết dính và dễ tán. Tuy nhiên, các loại kem (cream) thường chứa chất bảo quản và chất ổn định để ngăn tách các thành phần. Do đó, một số người có thể bị dị ứng khi sử dụng các sản phẩm này.
  • Dạng mỡ (ointment): Sản phẩm dạng mỡ có kết cấu đặc với hơn 80% là dầu. Sản phẩm mang lại hiệu quả dưỡng ẩm cao với tác dụng chính là ngăn chặn sự mất nước và phục hồi hàng rào bảo vệ da. Tuy nhiên do độ ẩm quá cao nên sản phẩm dễ gây bết rít và làm bít tắc lỗ chân lông. Sản phẩm dưỡng ẩm dạng mỡ chủ yếu được dùng khi da quá khô – đặc biệt những vùng da bị dày sừng, thâm nhiễm, nứt nẻ nặng như bàn chân, bàn tay, mặt sau của đầu gối,…

Việc lựa chọn kem dưỡng có kết cấu phù hợp giúp đảm bảo hiệu quả dưỡng ẩm, hạn chế tình trạng bết rít và khó chịu khi sử dụng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể lựa chọn sản phẩm dạng cream, lotion để dùng vào ban ngày và sử dụng dạng ointment vào ban đêm để cung cấp độ ẩm lý tưởng cho da, đồng thời tránh bết rít và bít tắc lỗ chân lông.

Tham khảo thêm: Bệnh viêm da cơ địa vùng kín là gì?  Điều trị thế nào?

4. Một số yếu tố khác

Ngoài ra khi lựa chọn kem dưỡng ẩm cho người bị viêm da cơ địa, cần lưu ý một số nguyên tắc khác như:

  • Công thức an toàn, lành tính, không chứa hương liệu và chất gây dị ứng
  • Có thể sử dụng liên tục và lâu dài
  • Sản phẩm có độ pH tương tự da tự nhiên (dao động từ 5 – 6)
  • Dễ sử dụng, tiện lợi, phù hợp về mặt kinh tế và thẩm mỹ

Khác với các loại thuốc bôi trị viêm da cơ địa, kem dưỡng ẩm được khuyến khích sử dụng lâu dài – ngay cả khi da không có các biểu hiện của bệnh. Do đó, nên lựa chọn sản phẩm có giá thành phù hợp để giảm gánh nặng kinh tế.

Lưu ý khi dùng kem dưỡng ẩm cho viêm da cơ địa

Kem dưỡng ẩm là sản phẩm chăm sóc da không thể thiếu đối với bệnh nhân viêm da cơ địa ở cả giai đoạn cấp, bán cấp và mãn tính. Sử dụng sản phẩm đều đặn có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc và phòng ngừa bệnh tái phát bằng cách cải thiện rối loạn chức năng của hàng rào bảo vệ da.

Dưỡng ẩm trong viêm da cơ địa
Nên sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm ít nhất 2 lần/ ngày – ngay cả khi da không có biểu hiện bệnh

Tuy nhiên để dưỡng ẩm cho đúng cách, cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nên lựa chọn kem dưỡng ẩm phù hợp với mức độ khô của da, vị trí ảnh hưởng (mặt, cổ, chân tay, thân mình), cơ địa, sở thích và độ tuổi. Có thể thay đổi sản phẩm tùy vào yếu tố thời tiết và thời điểm sử dụng (ban ngày – buổi tối).
  • Dùng kem dưỡng ẩm đều đặn ít nhất 2 lần/ ngày và có thể tăng lên 3 – 5 lần/ ngày nếu da khô, bong tróc nhiều. Các loại kem dưỡng ẩm cho người bị viêm da cơ địa đều có công thức lành tính, an toàn nên có thể dùng nhiều lần trong ngày mà không gây ra tác dụng phụ.
  • Nên dùng ngay sau khi rửa mặt và tắm để cung cấp độ ẩm lý tưởng cho da, hạn chế hiện tượng thoát hơi nước khiến da khô căng, nứt nẻ và bong tróc.
  • Trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh, nên sử dụng kèm theo thuốc bôi corticoid để giảm viêm, ngứa ngáy và ức chế sự tăng sinh quá mức của tế bào sừng. Nếu dùng đồng thời, nên thoa kem dưỡng ẩm (nên lựa chọn dạng lotion hoặc cream) trước khi dùng thuốc bôi chứa corticoid.
  • Khi thoa kem dưỡng, chỉ sử dụng một lượng sản phẩm vừa đủ và massage nhẹ để kem thẩm thấu tốt. Nếu da khô và bong tróc nhiều, có thể tăng tần suất sử dụng trong ngày. Tránh sử dụng lượng kem quá dày vì có thể gây khó chịu, bết rít và ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm với tần suất tối thiểu 2 lần/ ngày ngay cả khi không có triệu chứng ngứa, khô ráp, nứt nẻ,…
  • Bên cạnh kem dưỡng, bệnh nhân có thể dùng sữa tắm và sữa rửa mặt bổ sung thành phần dưỡng ẩm, làm mềm và dịu da để cải thiện tình trạng da nứt nẻ, khô căng do viêm da cơ địa gây ra.
  • Nên dùng kem dưỡng ẩm ngay khi da có dấu hiệu ngứa ngáy. Mặc dù không chứa hoạt chất chống dị ứng nhưng các sản phẩm dưỡng ẩm có thể làm dịu da và hỗ trợ giảm mức độ ngứa đáng kể.
  • Nên làm sạch da trước khi thoa kem dưỡng để tránh tình trạng bít tắc lỗ chân lông và gây mụn – đặc biệt là khi bị viêm da cơ địa ở vùng mặt, ngực, lưng và vùng bẹn.

Sử dụng kem dưỡng ẩm có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa viêm da cơ địa tái phát. Ngoài ra, dưỡng ẩm đúng cách còn giúp hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc và phục hồi, cải thiện các rối loạn hàng rào bảo vệ da. Nếu đang băn khoăn trong việc lựa chọn sản phẩm, nên tìm gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn và cho lời khuyên hữu ích.