Dị Ứng Thời Tiết: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Cách Điều Trị

Dị ứng thời tiết là tập hợp các triệu chứng xảy ra do hệ miễn dịch phản ứng với các yếu tố của thời tiết (chất dị ứng trong không khí, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm). Bệnh có triệu chứng tương đối đa dạng nhưng phổ biến nhất là tổn thương da và các triệu chứng ở mũi, họng.

Dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết thường xảy ra vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng

Dị ứng thời tiết là gì?

Dị ứng thời tiết là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng với các yếu tố của thời tiết. Tình trạng này thường xảy ra vào giai đoạn chuyển mùa khi thời tiết thay đổi đột ngột về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ và các thành phần có trong không khí. Sự thay đổi đột ngột này kích thích phản ứng thái quá của hệ miễn dịch dẫn đến việc bùng phát các triệu chứng dị ứng ở da và cơ quan hô hấp. Ngoài ra, bệnh cũng có thể bùng phát do thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Đây là tình trạng tương đối phổ biến và ảnh hưởng nhiều đến người có cơ địa dị ứng. Thông thường, bệnh lý này có thể tự thuyên giảm sau khi thời tiết ổn định mà không điều trị y tế.

Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, hiệu suất lao động và sinh hoạt. Do đó khi cần thiết, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc và thực hiện một số mẹo chăm sóc để giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu.

Dựa vào thời gian tiến triển, bệnh được chia thành 2 loại:

  • Dị ứng thời tiết cấp tính: Là tình trạng các triệu chứng dị ứng xảy ra từ 24 giờ đến 6 tuần. Biểu hiện chủ yếu là tổn thương da, nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa mũi và cổ họng.
  • Dị ứng thời tiết mãn tính: Là tình trạng các triệu chứng kéo dài hơn 6 tuần – ngay cả khi thời tiết đã ổn định trở lại. Các triệu chứng dị ứng kéo dài có thể phát triển thành một số vấn đề về sức khỏe như viêm da cơ địa, mề đay mãn tính, viêm mũi dị ứng quanh năm, hen phế quản,…

Tìm hiểu thêm: Viêm Da Cơ Địa Là Bệnh Gì? Triệu Chứng Gây Bệnh Và Cách Điều Trị

Nguyên nhân gây dị ứng thời tiết

Nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh là do hoạt động rối loạn của hệ miễn dịch. Ở người mắc bệnh, hệ miễn dịch nhạy cảm hơn với các yếu tố bên ngoài (nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, nồng độ phấn hoa, nấm mốc và dị nguyên trong không khí). Để đối kháng với “dị nguyên”, hệ miễn dịch có xu hướng sản sinh ra hàng loạt kháng thể (IgE) dẫn đến phóng thích histamine vào niêm mạc, da và gây ra các triệu chứng dị ứng.

nguyên nhân của bệnh dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết và các bệnh dị ứng đều có tính chất di truyền

Tuy nhiên bệnh chỉ xảy ra khi có những yếu tố thuận lợi sau:

  • Cơ địa dị ứng: Trên thực tế, dị ứng thời tiết và các bệnh lý có cơ chế dị ứng đều xảy ra ở người có cơ địa nhạy cảm. Yếu tố này có vai trò quan trọng trong phản ứng thái quá của hệ miễn dịch đối với sự thay đổi đột ngột của thời tiết (phấn hoa, nấm mốc, độ ẩm tăng, nhiệt độ, ánh sáng,…).
  • Di truyền: Hầu hết các bệnh lý dị ứng đều có tính chất di truyền. Thống kê cho thấy, người bị dị ứng thời tiết mãn tính thường có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý có cơ chế dị ứng như viêm da cơ địa, nổi mề đay mãn tính, viêm mũi/viêm xoang mãn tính và hen phế quản.
  • Điều kiện thời tiết: Dị ứng thời tiết hiếm khi xảy ra vào thời điểm nhiệt độ và độ ẩm duy trì ở mức cân bằng. Tình trạng này thường bùng phát mạnh vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Bởi đây đều là những thời điểm nồng độ phấn hoa, nấm mốc trong không khí tăng cao, nhiệt độ và độ ẩm có sự thay đổi đột ngột khiến cơ thể không kịp thời thích nghi và có xu hướng đối kháng bằng cách sản sinh kháng thể (IgE).
  • Hệ miễn dịch suy giảm: Thực tế, một số người chỉ bị dị ứng thời tiết một vài lần trong đời và thường có không tính chất lặp lại. Điều này được lý giải là vì trong thời điểm chuyển mùa, cơ thể bị suy giảm sức khỏe và chức năng đề kháng dẫn đến tình trạng hệ miễn dịch nhạy cảm hơn với các yếu tố bên ngoài.
  • Các yếu tố khác: Ngoài ra, nguy cơ bị bệnh cũng có thể tăng lên nếu có những yếu tố như tuổi tác (chủ yếu là trẻ nhỏ, người cao tuổi), căng thẳng thần kinh, rối loạn nội tiết tố, có sẵn các bệnh lý cơ địa,…

Tham khảo thêm thông tin: Bệnh Dị Ứng Da Mặt Nên Uống Hay Bôi Thuốc Gì Nhanh Khỏi? CHUYÊN GIA TƯ VẤN

Biểu hiện, triệu chứng của dị ứng thời tiết

Dị ứng thời tiết có biểu hiện lâm sàng tương đối đa dạng. Trong đó, phổ biến nhất là tổn thương da và triệu chứng ở mũi, họng. Ngoài ra ở một số trường hợp hợp nặng, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng ở mắt và đường tiêu hóa nhưng thường không phổ biến.

nguyên nhân của bệnh dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết có biểu hiện khá đa dạng, bao gồm tổn thương da, các triệu chứng ở mũi, mắt và họng

Các triệu chứng dị ứng thời tiết thường gặp:

  • Phát ban da: Da xuất hiện các ban màu hồng đỏ hoặc nổi các sẩn đỏ, cộm ở những vùng da hở như mặt, tay, chân và cổ. Phát ban da thường gây ngứa, đôi khi đi kèm với tình trạng nóng rát nhưng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Tổn thương da có xu hướng lan rộng, phù nề và sưng đỏ hơn nếu liên tục gãi cào, chà xát.
  • Viêm mũi dị ứng: Dị ứng thời tiết còn gây ra các triệu chứng viêm mũi dị ứng do hoạt động phóng thích histamine vào niêm mạc cổ họng và mũi. Các triệu chứng thường gặp bao gồm chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa mũi,…
  • Nổi mề đay: Ngoài tổn thương ở dạng phát ban, bệnh nhân bị dị ứng thời tiết có thể xuất hiện mề đay mẩn ngứa. Mề đay là phản ứng của da khi cơ thể bị dị ứng, đặc trưng bởi sự xuất hiện của các sẩn hồng/ đỏ, cứng chắc, bờ tròn và cộm hơn so với vùng da lành. Tương tự như phát ban da, mề đay thường gây ngứa âm ỉ đến dữ dội.
  • Chàm: Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây bùng phát tổn thương da dạng chàm – đặc biệt là ở người mắc viêm da cơ địa và các thể chàm khác. Chàm đặc trưng bởi các ban dát đỏ, ngứa ngáy, da khô, sần sùi và nứt nẻ.
  • Một số triệu chứng khác: Dị ứng thời tiết cũng có thể gây sưng môi, sưng mí mắt, viêm kết mạc, khó thở, ho nhiều, thở khò khè,… trong một số ít trường hợp (chủ yếu xuất hiện ở trẻ em).

Dị ứng thời tiết có các biểu hiện lâm sàng và mức độ triệu chứng tương đối đa dạng phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, tình trạng sức khỏe và cơ địa của từng người.

Xem thêm định nghĩa: Dị Ứng Thời Tiết Nóng Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? Cách Phòng Ngừa

Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết là một trong những bệnh dị ứng thường gặp. Bệnh lý này bùng phát mạnh vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Sự thay đổi đột ngột của các yếu tố như ánh sáng, độ ẩm, không khí, nhiệt độ,… chính là nguyên nhân trực tiếp kích thích phản ứng thái quá của hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, mỗi cá thể sẽ có phản ứng khác nhau đối với sự thay đổi từ thời tiết. Do đó, bệnh có biểu hiện và mức độ triệu chứng rất đa dạng. Thống kê cho thấy, đa phần các trường hợp mắc bệnh lý này đều có mức độ nhẹ và có thể tự thuyên giảm sau 2 – 3 tuần khi thời tiết ổn định. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể dùng thuốc không kê toa và chăm sóc tại nhà để kiểm soát các triệu chứng khó chịu.

Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp bị dị ứng thời tiết nghiêm trọng dẫn đến phù mạch, khó thở, hen phế quản, sưng môi, cổ họng,… Trong trường hợp này, đa phần bệnh nhân cần được điều trị y tế để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Biểu hiện của dị ứng thời tiết
Các triệu chứng của dị ứng thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống

Nếu không kiểm soát dị ứng thời tiết, bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng như:

  • Rối loạn giấc ngủ
  • Giảm hiệu suất lao động, học tập
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý cơ địa
  • Dễ chuyển sang giai đoạn mãn tính
  • Viêm nhiễm, bội nhiễm da

So với phản ứng dị ứng với thức ăn, hóa chất và nọc độc côn trùng, dị ứng thời tiết thường có mức độ nhẹ hơn và hiếm khi dẫn đến sốc phản vệ (phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng). Tuy nhiên, dị ứng thời tiết có nguy cơ cao phát triển mãn tính nếu không can thiệp các phương pháp chăm sóc và điều trị.

Nên xem: Tổng hợp các cách trị dị ứng da mặt bằng nha đam hiệu quả, an toàn

Dị ứng thời tiết cần kiêng gì và ăn gì?

Những trường hợp bị dị ứng thời tiết cần có chế độ ăn uống khoa học để hỗ trợ việc điều trị bệnh được tốt hơn. Trong chế độ ăn uống dành cho những người có cơ địa nhạy cảm, các bạn cần bổ sung và nên tránh những loại thực phẩm sau:

  • Thực phẩm nên ăn

Trong chế độ ăn uống hàng ngày, chúng ta nên bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả tươi vì chúng có chứa hàm lượng vitamin A, C lớn. Các loại rau có màu lá xanh đậm hay súp lơ xanh đều rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, bưởi, cam, cà rốt, lê,… cũng như là loại hoa quả dễ tiêu hóa, lành mạnh, giàu chất xơ mà bạn không nên bỏ qua.

Bổ sung thật nhiều rau xanh vào chế độ ăn uống hàng ngày
Bổ sung thật nhiều rau xanh vào chế độ ăn uống hàng ngày

Ngoài ra, những người hay bị dị ứng cũng nên uống nhiều nước để tăng cường quá trình trao đổi chất cũng như duy trì độ ẩm tự nhiên. Ngoài nước lọc, bệnh nhân cũng có thể bổ sung nước sinh tố, trái cây, nước ép rau củ quả có tính mát để bổ sung thêm dưỡng chất.

  • Thực phẩm nên kiêng

Người bệnh cần hạn chế thức ăn dễ gây dị ứng như gia vị, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, rượu bia hay chất kích thích. Hải sản như tôm, cua, mực,… cũng là một trong những thực phẩm dễ gây kích ứng cho một số người dùng. Chưa hết, một số loại đồ ăn nhanh được chế biến sẵn như lạp xưởng, đồ hộp hay đồ ngọt, sữa,… người bệnh cũng nên hạn chế trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Xem chi tiết: Bị Dị Ứng Thời Tiết Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì? Chuyên Gia Tư Vấn

Bị dị ứng khi thời tiết thay đổi có tắm được không?

Dân gian từ xưa có quan niệm sai lầm rằng đang bị dị ứng nổi mề đay thì nên kiêng tuyệt đối nước. Đây là suy nghĩ không đúng, theo các nghiên cứu khoa học thì việc tắm không ảnh hưởng nhiều tới bệnh dị ứng hay nổi mày đay. 

Tuy nhiên việc tắm khi đang bị dị ứng thì các bạn cần lưu ý một số điều cơ bản như sau để đảm bảo an toàn:

  • Nên tắm bằng nước ấm và tắm ở chỗ kín gió, tắm nhanh và không ngâm mình.
  • Tuyệt đối không sử dụng xà phòng hoặc sữa tắm có chứa thành phần hóa học bởi những chất này dễ gây kích ứng da và khiến bệnh dị ứng nặng hơn. Bên cạnh đó, việc tắm bằng xà phòng khi đang dị ứng, nổi mề đay có thể gây ra tình trạng viêm da.
  • Dùng thảo dược để tắm như hương nhu, húng quế, hoa hồi, lá khế, kinh giới, húng chanh, lá bưởi,… Nấu nước thảo dược tắm nhờ các thành phần có trong thảo dược cũng sẽ giúp đẩy lùi bệnh bị dị ứng.
  • Che chắn cẩn thận sau khi tắm xong, đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh. 
  • Dưỡng ẩm cho da sau khi tắm xong để giảm kích thích cũng như giúp cải thiện tình trạng dị ứng trên da.

Các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, an toàn

Dị ứng thời tiết thường không gây ra các triệu chứng quá nghiêm trọng và có dấu hiệu thuyên giảm sau 24 – 36 giờ đồng hồ. Điều trị bệnh lý này chủ yếu là loại trừ các yếu tố dị ứng và thực hiện biện pháp chăm sóc, sử dụng thuốc để làm giảm các triệu chứng khó chịu. Dưới đây là các cách chữa dị ứng thời tiết mà bạn có thể tham khảo:

1. Tránh các yếu tố dị ứng, kích ứng

Tương tự như các bệnh dị ứng khác, vấn đề quan trọng nhất khi điều trị dị ứng thời tiết là phải cách ly với các yếu tố có khả năng gây dị ứng và kích ứng. Đối với những trường hợp nhẹ, triệu chứng có thể thuyên giảm hoàn toàn sau khi loại trừ “dị nguyên”.

Biểu hiện của dị ứng thời tiết
Tránh các yếu tố dị ứng, kích ứng có thể giảm nhẹ triệu chứng của dị ứng thời tiết
  • Sử dụng khẩu trang khi hoạt động, di chuyển ngoài trời để tránh hít phải phấn hoa, nấm mốc và các chất gây dị ứng có trong không khí.
  • Có thể sử dụng máy lọc không khí để giảm nồng độ các chất dị ứng, kích ứng.
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh. Nếu dị ứng thời tiết nóng, cần vệ sinh cơ thể thường xuyên nhằm đảm bảo da thông thoáng và hạn chế tiết mồ hôi quá mức.
  • Tránh sử dụng thực phẩm quá nóng/ lạnh và các loại thực phẩm có khả năng dị ứng cao như đậu phộng, sữa bò, hải sản, mè,… Dùng các loại thực phẩm này có thể khiến triệu chứng của dị ứng thời tiết lan rộng, tiến triển nặng và đe dọa đến sức khỏe.
  • Hạn chế dùng rượu bia, cà phê, chất kích thích và tránh hút thuốc lá.
  • Tác động cơ học (ma sát, gãi cào,…) là một trong những yếu tố làm nghiêm trọng triệu chứng của dị ứng thời tiết. Do đó trong thời gian điều trị, tuyệt đối không chà xát lên vùng da tổn thương, đồng thời nên mặc quần áo rộng rãi và thông thoáng để giảm ma sát lên da.
  • Kiêng tiếp xúc với gió để hạn chế các yếu tố dị ứng như nấm mốc, bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật, côn trùng,…

Xem ngay: dị ứng thời tiết nên kiêng gì? tổng hợp các thực phẩm bạn nên tránh

2. Các biện pháp không dùng thuốc

Trong trường hợp dị ứng thời tiết có mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp không dùng thuốc để cải thiện.

Hình ảnh dị ứng thời tiết
Để giảm mề đay và phát ban do dị ứng thời tiết, có thể chườm mát hoặc sử dụng kem dưỡng ẩm
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm: Nếu da bùng phát tổn thương dạng chàm, nên tăng cường dưỡng ẩm để tránh ngứa ngáy, nứt nẻ và khô ráp. Ngoài ra, dưỡng ẩm thường xuyên còn giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da và phòng ngừa tổn thương da lan rộng. Nên ưu tiên sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm chứa các thành phần có khả năng làm dịu, giảm ngứa như chiết xuất yến mạch, menthol, zinc oxide, rau má,…
  • Chườm mát: Chườm mát giúp giảm nhanh tình trạng phát ban và nổi mề đay. Nhiệt độ mát có tác dụng co mạch, từ đó làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn và cải thiện tình trạng phù nề, viêm đỏ rõ rệt.
  • Xông mũi: Xông mũi với nước muối hoặc các loại thảo dược tự nhiên như tràm trà, chè xanh, gừng,… có thể hỗ trợ tăng dẫn lưu dịch, từ đó loại bỏ dị nguyên (phấn hoa, nấm mốc) và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh khó chịu như ngứa mũi, nghẹt mũi, sổ mũi,…
  • Các biện pháp khác: Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể áp dụng thêm một số biện pháp khác như súc miệng bằng nước muối, sử dụng máy tạo độ ẩm, tắm nước thảo dược, uống trà gừng, trà hoa cúc,… tùy theo triệu chứng gặp phải.

Bạn có biết: Bị Dị Ứng Thời Tiết Có Tự Khỏi Không? Khi Nào Thì Khỏi?

3. Sử dụng thuốc

Nếu dị ứng thời tiết gây phiền toái trong quá trình sinh hoạt, lao động và ảnh hưởng đến giấc ngủ, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định thuốc. Các loại thuốc chữa dị ứng thời tiết thường được sử dụng để điều trị dị ứng thời tiết, bao gồm:

Hình ảnh dị ứng thời tiết
Tìm gặp bác sĩ trong trường hợp dị ứng thời tiết tiến triển dai dẳng
  • Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong quá trình điều trị dị ứng thời tiết. Thuốc có tác dụng ức chế chọn lọc histamine ở thụ thể H1, từ đó làm giảm các triệu chứng dị ứng như ngứa mũi, nghẹt mũi, nổi mề đay, ngứa da và phát ban.
  • Thuốc ức chế leukotriene: Leukotriene là tác nhân trung gian kích thích phản ứng dị ứng. Thuốc ức chế Leukotriene (thuốc đối vận thụ thể Leukotriene) có thể được sử dụng khi dị ứng thời tiết có mức độ nặng và không đáp ứng với thuốc kháng histamine H1.
  • Omalizumab: Thuốc Omalizumab có tác dụng ức chế sự gắn kết giữa kháng nguyên (IgE) với basophil và tế bào mast dẫn đến giảm giải phóng các chất trung gian gây dị ứng vào da và niêm mạc. Loại thuốc này thường được dùng trong trường hợp dị ứng thời tiết mãn tính và không có đáp ứng với các loại thuốc điều trị thông thường.
  • Corticoid đường uống: Corticoid đường uống có thể được sử dụng để điều trị dị ứng thời tiết nếu triệu chứng bùng phát và tiến triển nhanh. Do có nguy cơ và rủi ro cao nên loại thuốc này chỉ được dùng trong thời gian ngắn và cần phải theo dõi tác dụng phụ thường xuyên.
  • Thuốc điều trị triệu chứng: Ngoài ra, dựa vào triệu chứng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc khác như thuốc co mạch, long đờm, thuốc giảm ho, thuốc bôi chứa corticoid, kháng sinh,…

Dị ứng thời tiết là phản ứng tạm thời của cơ thể đối với các yếu tố bên ngoài. Do đó, tình trạng này thường có xu hướng thuyên giảm sau khoảng vài ngày đến vài tuần. Vì việc, bệnh nhân cần tránh tình trạng sử dụng thuốc khi không cần thiết.

Ngoài thuốc tây, bệnh nhân bị dị ứng thời tiết mãn tính có thể cân nhắc sử dụng các bài thuốc Đông y. Trong những trường hợp này, thuốc Đông y được khuyến khích sử dụng vì có tương đối an toàn, lành tính và mang lại hiệu quả khá tốt.

4. Sử dụng mẹo dân gian

Khi bị dị ứng thời tiết nhẹ, người bệnh có thể áp dụng các mẹo dân gian điều trị dị ứng thời tiết tại nhà. Phương pháp này an toàn, lành tính, dễ thực hiện vì tận dụng được những nguyên – vật liệu có sẵn trong bếp. Cụ thể:

  • Sử dụng lá khế

Do có tính lạnh, vị hơi chát nên lá khế thường được dùng để thanh nhiệt, loại bỏ độc tố, cải thiện các triệu chứng dị ứng, sưng tấy, ngứa ngáy trên da. Người bệnh có thể yên tâm sử dụng lá khế để chữa trị dị ứng thời tiết bằng lá khế.

Người bệnh có thể dùng lá khế xát trực tiếp lên da, trước khi chà xát lá khế lên da, bạn cần đem lá đi rửa sạch, để khô và rang cho tới khi héo. Lưu ý không dùng lá khế khi chúng còn quá nóng vì dễ gây bỏng da. Hãy thực hiện theo phương pháp này 3 lần mỗi lần để thấy hiệu quả điều trị dị ứng tốt nhất. Ngoài ra, bạn có thể dùng lá khế để xông hơi hoặc ép thành nước uống. 

  • Chữa bằng rau má

Rau má có vị đắng, tính mát, nhờ đó mà mang lại công dụng thải độc, thanh nhiệt cơ thể và làm mát gan. Vậy nên trong dân gian thường sử dụng rau má để chữa trị bệnh. 

Để thực hiện bạn cần chuẩn bị một nắm rau má, nhặt bỏ lá hỏng và giữ nguyên rễ. Mang đi rửa sạch rồi để ráo nước để xay nhuyễn. Chiết lấy phần nước cốt rau má và uống sẽ thấy hiệu quả sau vài tháng sử dụng. 

ĐỌC NGAY: Chia Sẻ 7 Mẹo Chữa Dị Ứng Thời Tiết Bằng Lá Lốt Mang Lại Hiệu Quả Cao

Phòng ngừa dị ứng thời tiết tái phát

Tương tự như các bệnh dị ứng khác, bệnh có khả năng tái phát cao – đặc biệt là ở những người có cơ địa nhạy cảm. Mặc dù ít khi ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng các triệu chứng của bệnh lý này tác động không nhỏ đến giấc ngủ, hiệu suất lao động và học tập.

Hình ảnh dị ứng thời tiết
Giữ ấm cơ thể và mặc quần áo dài giúp hạn chế tiếp xúc với nấm mốc, phấn hoa và nhiệt độ lạnh

Do đó vào thời điểm giao mùa, cần chủ động thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như:

  • Khi thời tiết thay đổi đột ngột (đặc biệt là vào mùa đông sang mùa xuân), nên hạn chế hoạt động ngoài trời nếu không cần thiết. Ngoài ra, nên mặc quần áo dài tay và mang khẩu trang để tránh tiếp xúc với các chất dị ứng, kích ứng.
  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất, khói thuốc, bụi bẩn, mủ thực vật và côn trùng – đặc biệt là trong giai đoạn chuyển mùa. Sự thay đổi của thời tiết cùng với các yếu tố này có thể khiến hệ miễn dịch bị kích hoạt và dẫn đến các triệu chứng dị ứng.
  • Giữ nhiệt độ phòng ổn định, dao động khoảng 25 – 30 độ C và mặc quần áo ấm để tránh hệ miễn dịch phản ứng quá mức với nhiệt độ lạnh. Trong trường hợp dị ứng thời tiết nóng, nên mặc quần áo rộng rãi, chất liệu vải mềm, thấm hút tốt và hạn chế các hoạt động làm tăng thân nhiệt và đổ nhiều mồ hôi.
  • Các yếu tố bên ngoài như ánh sáng, độ ẩm, nồng độ chất dị ứng trong không khí,… hầu như không thể thay đổi. Tuy nhiên, việc nâng cao sức khỏe và thể trạng có thể giảm mức độ nhạy cảm của cơ thể đối với dị nguyên. Do đó, nên ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên và sinh hoạt khoa học để tăng cường chức năng đề kháng và giảm nguy cơ bệnh tái phát.
  • Kiểm soát các yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng thời tiết như căng thẳng, rối loạn nội tiết tố, stress,…

Dị ứng thời tiết là một trong những bệnh dị ứng thường gặp, có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Đa phần các triệu chứng của bệnh lý này có thể thuyên giảm khi áp dụng biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu nhận thấy bệnh tiến triển dai dẳng, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị sớm.

Xem thêm

Bình luận (1)

  1. Minerva says: Trả lời


    Hi there just wanted too give youu a quick heads up.

    The words in your articlke seem to be running off the
    screen in Chrome. I’m not sure if this is a format issue or something
    to do with browser compatibility but I figured I’d post to let you
    know. The layout look great though! Hope you get
    the problem fixed soon. Many thanks
    http://cse.google.pn/url?q=https://comprarcialis5mg.org/it/comprare-spedra-avanafil-senza-ricetta-online/
    Minerva (Minerva) http://cse.google.com.ph/url?q=https://comprarcialis5mg.org/it/comprare-spedra-avanafil-senza-ricetta-online/

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.