6 Biến Chứng Của Bệnh Viêm Loét Dạ Dày Nên Chú Ý

Viêm loét dạ dày là bệnh đường tiêu hóa thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra. Cần đặc biệt cẩn trọng với các biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Tích cực điều trị và chăm sóc tốt cho sức khỏe là cách tốt nhất để ngăn ngừa biến chứng phát sinh.

biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày
Cần đặc biệt cẩn trọng với các biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày

6 Biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày cần cảnh giác

Viêm loét dạ dày thường là hệ quả của việc ăn uống, sinh hoạt không điều độ, lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm, nhiễm vi khuẩn Hp… Các yếu tố này sẽ kích thích dạ dày tăng tiết acid dịch vị và gây bào mòn niêm mạc. Từ đó dẫn tới sự hình thành các ổ viêm loét tại niêm mạc dạ dày.

Bệnh lý này nếu được phát hiện sớm và tích cực điều trị đúng cách thì hoàn toàn có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu để bệnh tiến triển nặng thì các vấn đề nghiêm trọng sẽ dễ dàng phát sinh.

Cần cẩn trọng với 6 biến chứng sau đây của bệnh viêm loét dạ dày:

1. Loét dạ dày mãn tính

Loét dạ dày mãn tính là biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm loét dạ dày. Nguyên nhân là do các ổ viêm loét không được kiểm soát kịp thời. Sau thời gian chúng sẽ tiến triển nặng và chuyển sang giai đoạn mãn tính.

Ở giai đoạn mãn tính, triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày thường bùng phát với tần suất và mức độ nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó việc khắc phục cũng sẽ gặp phải rất nhiều cản trở.

2. Viêm dạ dày mãn tính

Viêm dạ dày mãn tính là hiện tượng lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương và viêm nhiễm trong một thời gian dài, thường tái phát nhiều lần. Khi đó, phần niêm mạc dạ dày bị biến đổi, một số tế bào thực hiện chức năng bảo vệ dạ dày bị mất đi. Sau một thời gian dài không được điều trị, lớp niêm mạc này bị bào mòn, gây nên chứng dị sản, loạn sản, thậm chí là ung thư dạ dày và thủng dạ dày.

Khi bị viêm dạ dày mãn tính, bệnh nhân sẽ gặp một số triệu chứng sau: Có cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị, buồn nôn, đầy hơi khó tiêu, đau vùng bụng trên, cảm giác chán ăn, sụt cân và bị trào ngược dạ dày.

Chứng bệnh này thường không gây ra các cơn đau dữ dội, tuy nhiên bạn không được chủ quan. Ngay khi xuất hiện những biểu hiện bất thường, hãy đến bệnh viện để kiểm tra và có hướng điều trị sớm.

Tìm hiểu thêm: Bệnh viêm loét dạ dày mãn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh

3. Xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày là biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tới tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi các mạch máu ở niêm mạc dạ dày bị tổn thương và vỡ. Từ đó dẫn tới hiện tượng chảy máu (xuất huyết).

Hiện tượng chảy máu dạ dày đặc trưng bởi các tình trạng nôn ói ra máu tươi hay bã nôn có màu cà phê. Ngoài ra, vùng thượng vị còn có cảm giác bỏng rát và đau rất dữ dội.

biến chứng bệnh viêm loét dạ dày
Xuất huyết dạ dày là biến chứng phổ biến của bệnh viêm loét dạ dày

Tùy thuộc vào vị trí viêm và diện tích của ổ viêm loét mà tình trạng chảy máu dạ dày có thể diễn ra âm ỉ hoặc ồ ạt. Nếu xử lý chậm có thể khiến người bệnh mất quá nhiều máu và dẫn tới tử vong. Đặc biệt là trong trường hợp bị chảy máu dạ dày ồ ạt.

4. Hẹp môn vị

Môn vị chính là phần cuối của dạ dày – nơi tiếp xúc với phần đầu của ruột non (tá tràng). Ở những người bị viêm loét dạ dày, phần môn vị thường có xu hướng bị xơ hóa niêm mạc. Từ đó dẫn tới hiện tượng tắc hay hẹp môn vị.

Hẹp môn vị khiến cho thức ăn gặp khó khăn khi vận chuyển qua ruột non. Điều này sẽ gây gián đoạn và làm chậm quá trình tiêu hóa. Hẹp/ tắc môn vị đặc trưng bởi các triệu chứng nôn ói dữ dội sau khi ăn, khó đại tiện, cơ thể mất nước, suy nhược, gầy yếu…

Khi bị hẹp môn vị người bệnh cần được chỉ định phẫu thuật cắt dạ dày sớm. Tránh để lâu bởi có thể sẽ phải phẫu thuật nối vị tràng. Đây là phẫu thuật phức tạp và tiềm ẩn nhiều vấn đề rủi ro.

5. Thủng dạ dày

Thủng dạ dày là biến chứng có thể gặp ở những người bị viêm loét dạ dày mãn tính trong nhiều năm. Niêm mạc dạ dày có khả năng bị thủng do ổ loét bị bào mòn dài ngày. Hệ quả là xuất hiện lỗ thủng tại niêm mạc khiến cho thức ăn và dịch vị dạ dày tràn vào ổ bụng.

Thủng dạ dày là tình trạng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng. Tình trạng này biểu hiện qua một số dấu hiệu như đau dạ dày dữ dội, bí đại tiểu tiện, nôn ói liên tục, tay chân lạnh…

Trường hợp bị thủng dạ dày không được xử lý kịp thời sẽ dẫn tới:

  • Viêm phúc mạc khu trú: Thường xảy ra sau khoảng 4 – 5 giờ kể từ khi bị thủng dạ dày. Người bệnh bị sốt cao, thở mạnh, chán ăn. Khi siêu âm sẽ phát hiện có hình ảnh áp xe tồn dư.
  • Viêm phúc mạc toàn thể: Thường xảy ra sau khoảng 12 – 24 giờ kể từ khi bị thủng dạ dày. Người bệnh suy sụp toàn thân, cơ thể bị rối loạn điện giải, nồng độ urê trong máu tăng, suy thận dẫn đến hôn mê.

6. Ung thư dạ dày

Viêm loét dạ dày ban đầu chỉ là bệnh lý tiêu hóa lành tính. Tuy nhiên, bệnh lý này có thể gây ra biến chứng ung thư dạ dày – đây được cho là biến chứng nguy hiểm nhất. Lúc này, các khối u ác tính sẽ xuất hiện trong dạ dày. Các khối u này rất dễ di căn sang các bộ phận khác của cơ thể nếu không được kiểm soát kịp thời.

viêm loét dạ dày có nguy hiểm không
Trong một số trường hợp, bệnh viêm loét dạ dày có thể dẫn tới ung thư dạ dày

Trong giai đoạn đầu, triệu chứng ung thư dạ dày thường không biểu hiện rõ ràng. Hầu hết các trường hợp đều phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. Lúc này tiên lượng sống sẽ giảm rõ rệt, quá trình điều trị cũng gặp nhiều cản trở.

Có thể bạn quan tâm: Các dấu hiệu nhận biết ung thư dạ dày và cách phát hiện kịp thời

Cách phòng ngừa các biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày

Như đã biết, bệnh viêm loét dạ dày có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không sớm kiểm soát. Để kiểm soát tốt bệnh tình và ngăn ngừa biến chứng phát sinh, cần chú ý đến các vấn đề sau:

1. Tích cực điều trị bệnh

Viêm loét dạ dày là bệnh đường tiêu hóa phổ biến có thể kiểm soát dễ dàng nếu sớm phát hiện và can thiệp đúng cách. Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, bạn cần sớm đến các cơ sở y tế thăm khám. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra, chẩn đoán bệnh và xác định rõ nguyên nhân. Từ đó đưa ra giải pháp điều trị phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Trong đó, sử dụng thuốc được cho là phương pháp điều trị chính với bệnh viêm loét dạ dày. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương niêm mạc và các yếu tố liên quan mà bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc sau:

  • Thuốc trung hòa acid
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc
  • Thuốc kháng Histamin H2
  • Thuốc ức chế bơm proton
  • Kháng sinh trong trường hợp dương tính với vi khuẩn Hp
  • Thuốc bổ sung
phòng ngừa biến chứng viêm loét dạ dày
Để sớm kiểm soát bệnh viêm loét dạ dày cần tích cực điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ

Vấn đề của người bệnh là cần tích cực điều trị theo phác đồ mà bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối tránh tình trạng tùy ý cân chỉnh liều lượng và tần suất dùng thuốc khi chưa được bác sĩ cho phép. Trường hợp toa thuốc không đáp ứng hay gây ra các vấn đề ngoại ý thì hãy báo ngay cho bác sĩ được biết. Từ đó có biện pháp xử lý và điều chỉnh kịp thời.

Tham khảo: 9 Thuốc chữa viêm loét dạ dày tá tràng và lưu ý khi sử dụng

2. Duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ

Thói quen ăn uống và sinh hoạt chi phối rất nhiều đến triệu chứng cũng như tốc độ tiến triển, phục hồi của các ổ viêm loét tại niêm mạc dạ dày. Ngoài điều trị tích cực theo toa thuốc của bác sĩ thì người bệnh cần xây dựng lối sống khoa học. Điều này giúp hỗ trợ điều trị bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm phát sinh.

Người bệnh viêm loét dạ dày cần xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt đáp ứng các nguyên tắc sau:

  • Tuyệt đối không tiêu thụ rượu bia và thức uống có cồn. Cồn có thể làm phá hủy chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Đồng thời còn đẩy nhanh tốc độ ăn mòn của acid dịch vị với tế bào biểu mô. Nếu thường xuyên sử dụng rượu bia thì các ổ viêm loét sẽ chậm lành và tiến triển nặng. Điều này làm tăng nguy cơ bị chảy máu và thủng dạ dày.
  • Không uống nước ngọt có gas và các thức uống đóng chai sẵn. Đồng thời hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều acid như xoài, cóc, me, đồ muối chua…
  • Hạn chế sử dụng các món ăn có chứa nhiều gia vị (tiêu, ớt, muối, đường…), chất bảo quản và dầu mỡ. Thay vào đó nên tập thói quen ăn nhạt để hỗ trợ làm giảm kích ứng lên niêm mạc dạ dày đang bị viêm loét.
  • Ăn uống đúng giờ giấc và đủ bữa. Tránh tình trạng bỏ bữa, nhịn ăn hay ăn uống quá mức. Chú ý ăn chậm nhai kỹ. Đồng thời nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày để làm giảm áp lực lên dạ dày. Hơn nữa còn tránh tình trạng kích thích quá mức lên các ổ viêm loét.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu dưỡng chất và dễ tiêu hóa. Ví dụ như rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên cám, sữa chua, thực phẩm giàu chất béo lành mạnh…
  • Giảm khối lượng công việc, tránh làm việc hay căng thẳng quá mức. Chú ý ngủ đúng giờ đủ giấc (đi ngủ trước 23 giờ và ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày)
  • Trường hợp bị stress kéo dài thì nên cân nhắc việc điều trị tâm lý để cải thiện. Bởi stress có thể khiến cho tình trạng viêm loét dạ dày tồi tệ thêm. Ngoài ra, stress còn làm tăng nguy cơ bị tăng cân, thiếu máu não, tiểu đường…
  • Dành tối thiểu 30 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất. Thường xuyên tập thể dục sẽ giúp điều hòa hoạt động tiêu hóa và giải phóng căng thẳng.

Nên xem: Bị viêm loét dạ dày nên kiêng gì [Xem ngay]

phòng bệnh viêm loét dạ dày tiến triển
Người bệnh viêm loét dạ dày cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh

3. Phòng ngừa bệnh tái phát

Viêm loét dạ dày là bệnh lý có tiến triển dai dẳng và khó điều trị. Đặc biệt là trong các trường hợp bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính. Hơn nữa, bệnh cũng có nguy cơ tái phát cao nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa.

Vì vậy, sau khi điều trị, người bệnh cần chủ động phòng ngừa bệnh tái phát bằng các biện pháp sau:

  • Thay đổi các thói quen ăn uống kém lành mạnh như bỏ bữa, nhịn ăn, ăn uống quá mức, ăn vội vàng, nằm hay vận động ngay sau khi ăn, ăn tối quá muộn…
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống gây kích thích niêm mạc dạ dày. Ví dụ như cà phê, trà đặc, bia rượu, nước ngọt có gas, đồ ăn chứa nhiều acid, đồ cay nóng nhiều gia vị, thực phẩm khó tiêu…
  • Không nên tiếp xúc thân mật với những người bị nhiễm vi khuẩn Hp. Trong trường hợp có người thân trong gia đình bị nhiễm thì nên thăm khám để sớm phát hiện và điều trị.
  • Hạn chế tình trạng lo lắng, căng thẳng và stress quá mức.
  • Dành thời gian cho hoạt động thể chất và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Không lạm dụng thuốc Tây. Đặc biệt là các thuốc chống viêm như corticoid và NSAID. Ngoài ra, nên thông báo với bác sĩ về tiền sử viêm loét dạ dày để chỉ định thêm các thuốc bảo vệ niêm mạc nếu bắt buộc phải dùng các loại thuốc nói trên.

Biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày sẽ dễ dàng phát sinh nếu không sớm kiểm soát tiến triển của bệnh. Ngoài việc điều trị tích cực theo chỉ dẫn của bác sĩ thì cần kết hợp với việc ăn uống, sinh hoạt khoa học. Ngoài ra, dự phòng nguy cơ tái phát của bệnh cũng là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm: