Viêm tai ngoài thường gây đau đớn, ngứa và khó chịu hơn so với viêm tai giữa. Tuy nhiên, bệnh ít nguy hiểm hơn do tổn thương xảy ra ở ống tai và vành tai. Dù vậy nếu không điều trị đúng cách và kịp thời, ống tai ngoài có thể bị chít hẹp dẫn đến giảm thính lực.

Định nghĩa bệnh viêm tai ngoài

Viêm tai ngoài (Otitis Externa) là một trong ba loại viêm tai bên cạnh viêm tai giữa và viêm tai trong. Viêm tai ngoài là tình trạng tai ngoài (từ màng nhĩ trở ra ống tai cho đến vành tai) bị tấy đỏ, sưng viêm. Bệnh lý này thường gặp sau khi tắm biển hoặc bơi lội.

Các triệu chứng của viêm tai ngoài có thể khó chịu hơn so với viêm tai giữa. Tuy nhiên, do phạm vi viêm nhiễm xảy ra ở ống tai ngoài nên ít ảnh hưởng trực tiếp đến thính lực. Đa phần các trường hợp đều có đáp ứng tốt sau khi sử dụng thuốc và chăm sóc đúng cách.

viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài được xác định khi tình trạng viêm nhiễm, sưng tấy chỉ xảy ra ở ống tai ngoài và vành tai

Viêm tai ngoài là bệnh khá phổ biến với tỷ lệ khoảng 10% và gặp nhiều hơn ở mùa hè. Dù được đánh giá là bệnh lành tính và ít nguy hiểm nhưng không nên vì thế mà chủ quan, lơ là trước các dấu hiệu bất thường.

Viêm tai ngoài ít ảnh hưởng đến thính lực như viêm tai giữa và viêm tai trong. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển ác tính gây phá hủy toàn bộ mô mềm, ống tai ngoài và làm gia tăng nguy cơ bị viêm màng não, viêm cốt tủy xương của nền sọ bên…

Phân loại bệnh

Tương tự như viêm tai giữa, viêm tai ngoài cũng có tiến triển cấp tính và mãn tính. Tuy nhiên, tình trạng viêm nhiễm ở ống tai ngoài còn có khả năng tiến triển ác tính dẫn đến hoại tử mô mềm và sụn tai.

Ngoài phân loại theo tiến triển, viêm tai ngoài còn được phân loại dựa trên đặc điểm lâm sàng. Việc phân loại bệnh sẽ giúp bệnh nhân cũng như bác sĩ hiểu rõ về tình trạng bệnh, từ đó dễ dàng lựa chọn phương pháp điều trị và chăm sóc phù hợp.

Theo diễn tiến bệnh

Viêm tai ngoài thường tiến triển cấp tính và mãn tính. Chỉ có rất ít một số trường hợp phát triển ác tính (hoại tử).

  • Viêm tai ngoài cấp tính - Viêm tai ngoài cấp tính có triệu chứng rầm rộ, bùng phát đột ngột. Các triệu chứng thường kéo dài dưới 3 tuần và hầu hết đều có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
  • Viêm tai ngoài mãn tính - Là tình trạng tai ngoài bị viêm nhiễm dai dẳng kéo dài hơn 3 tháng hoặc tái phát hơn 4 lần/ năm. Viêm tai ngoài mãn tính có thể là hậu quả do viêm tai ngoài cấp tính không được điều trị đúng cách. Hoặc cũng có thể liên quan đến các bệnh da liễu như vẩy nến, chàm, viêm da tiết bã nhờn…
  • Viêm tai ngoài ác tính - Viêm tai ngoài ác tính là tình trạng ống tai ngoài và các mô mềm xung quanh bị hoại tử. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến viêm cốt tủy xương của nền sọ não, viêm màng não… Nguyên nhân gây bệnh không được biết rõ nhưng thường gặp ở người cao tuổi bị tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch.

Theo đặc điểm lâm sàng

Dựa vào vị trí bị tổn thương và đặc điểm lâm sàng, bệnh viêm tai ngoài còn được phân thành các thể như:

Hình ảnh viêm tai ngoài
Dựa vào lâm sàng, viêm tai ngoài được chia thành nhiều thể như nhọt ống tai ngoài, chàm ống tai...

  • Nhọt ống tai ngoài - Nhọt ống tai ngoài là bệnh thường gặp vào mùa hè, đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm khu trú ở một hoặc vài vị trí ở ống tai ngoài. Tác nhân chủ yếu là do tụ cầu khuẩn. Nhọt gây đau nhiều, viêm sưng, tấy đỏ nhưng có thể thuyên giảm nhanh nếu chăm sóc đúng cách.
  • Viêm tấy lan tỏa ống tai ngoài - Là dạng viêm tai ngoài thường gặp sau khi tắm biển và bơi lội. Viêm tấy lan tỏa ống tai ngoài là tình trạng ống tai ngoài bị viêm nhiễm lan tỏa. Loại viêm tai này có biểu hiện nóng rát như bị bỏng, sau đó gây ù tai, đau dữ dội, giảm khả năng nghe…
  • Viêm sụn vành tai - Viêm sụn vành tai là tình trạng thanh dịch ứ giữa màng sụn và sụn. Nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương, nhiễm tụ cầu, tụ máu, gãi gây xước vành tai… Triệu chứng ban đầu chỉ hơi ngứa, rát, sau đó nóng, sưng và đau dữ dội.
  • Chàm ống tai - Chàm ống tai thường gặp ở người có cơ địa dị ứng, mắc bệnh chàm, viêm da tiết bã, viêm da cơ địa… Dạng viêm tai ngoài này khá lành tính, chủ yếu gây tổn thương ở bề mặt da. Tuy không nguy hiểm nhưng chàm ống tai gây ngứa ngáy, khó chịu nhiều.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tác nhân gây viêm tai ngoài chủ yếu là do vi khuẩn. Một số trường hợp có thể do nấm hoặc do dị ứng, kích ứng. Viêm tai ngoài ít khi xảy ra do virus như viêm tai giữa và viêm tai trong.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm tai ngoài:

  • Vi khuẩn (90%) - Pseudomonas Aeruginosa, Haemophilus Influenzae, tụ cầu vàng, liên cầu, phế cầu…
  • Nấm (10%) - Chủ yếu là Aspergillus
  • Các nguyên nhân khác - Một số trường hợp viêm tai ngoài có thể là kết quả do dị ứng, kích ứng với các yếu tố bên ngoài như sơn, phấn hoa, nấm mốc, nọc độc côn trùng, mủ thực vật, xà phòng…

Đa phần các tác nhân gây viêm tai ngoài như vi khuẩn, nấm… chỉ có thể phát triển mạnh khi có điều kiện thuận lợi. Các yếu tố gia tăng nguy cơ viêm tai ngoài bao gồm:

viêm tai ngoài là gì
Bơi lội, tắm biển là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, nấm xâm nhập gây viêm nhiễm tai ngoài

  • Bơi lội, tắm biển - Môi trường nước chứa rất nhiều vi khuẩn, nấm… Nếu không vệ sinh tai đúng cách sau khi bơi lội, vi khuẩn trong nước có thể ứ đọng ở vành tai gây viêm và kích ứng.
  • Vệ sinh tai kém hoặc sai cách - Tai ngoài cần được vệ sinh để tránh viêm nhiễm. Vệ sinh kém sẽ khiến cho dịch ứ đọng tạo điều kiện để nấm và vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, những trường hợp vệ sinh tai quá mạnh, sai cách cũng có thể khiến ống tai ngoài bị trầy xước và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Sử dụng sản phẩm kích ứng - Viêm tai ngoài có thể liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm chứa nhiều thành phần kích ứng, dị ứng như xà phòng, sữa tắm, dầu gội đầu… Các thành phần này khi tiếp xúc với vành tai sẽ gây viêm tấy đỏ và ngứa ngáy.
  • Mắc các bệnh da liễu mãn tính - Những người bị chàm, viêm da cơ địa, vẩy nến… dễ bị viêm tai ngoài do làn da và cơ địa nhạy cảm. Khi tiếp xúc với chất dị ứng, vành tai có thể bị tấy đỏ, ngứa ngáy.
  • Các yếu tố khác - Sử dụng chung dụng cụ ráy tai với người khác, chấn thương vùng tai, dùng nút bịt tai và máy trợ thính không được vệ sinh đúng cách… cũng làm gia tăng nguy cơ bị viêm tai ngoài. Bên cạnh đó, người mắc bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch dài ngày cũng là những đối tượng có nguy cơ cao.

Nếu như viêm tai giữa gặp chủ yếu ở trẻ em thì viêm tai ngoài có thể gặp ở mọi đối tượng. Dù vậy, đối tượng phổ biến nhất vẫn là trẻ nhỏ do giữ vệ sinh kém, chưa có ý thức phòng tránh lây nhiễm các bệnh tai mũi họng…

Triệu chứng của bệnh viêm tai ngoài

Các triệu chứng của viêm tai ngoài có thể gây ra cảm giác vô cùng khó chịu. Toàn bộ vùng tai ngoài sẽ có hiện tượng nóng rát, đau và ngứa dữ dội. Sau đó khoảng vài ngày sẽ xuất hiện các triệu chứng như ù tai, nghe kém… Triệu chứng có thể khác biệt tùy theo từng loại viêm tai cũng như thể trạng của bệnh nhân.

Hình ảnh viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài thường gây ngứa, đau dữ dội và khó chịu hơn so với các dạng viêm tai khác

Các triệu chứng chung của bệnh viêm tai ngoài:

  • Vùng tai ngoài có cảm giác nóng rát, ngứa, tấy đỏ vô cùng khó chịu
  • Xuất hiện cơn đau nhói dữ dội
  • Nghe kém, ù tai
  • Ống tai tiết dịch hoặc tiết mủ
  • Bề mặt vành tai có hiện tượng tấy đỏ, phù nề kèm theo vảy tiết hoặc mụn mủ
  • Ống tai sưng nề, chít hẹp

Ở từng loại viêm tai ngoài sẽ có những biểu hiện đặc trưng hơn:

  • Nhọt ống tai ngoài - Đau tai, mức độ đau nhiều, đau dữ dội. Quan sát sẽ thấy nhọt xuất hiện ở ống tai hoặc vành tai đi kèm với hiện tượng viêm tấy lan tỏa. Ngoài biểu hiện đau, nhọt ống tai ngoài còn gây ù tai, sốt nhẹ hoặc sốt cao.
  • Viêm tấy lan tỏa ống tai ngoài - Khởi phát rầm rộ, đột ngột với triệu chứng nóng rát như bị bỏng. Sau đó vài ngày sẽ xuất hiện những triệu chứng như ù tai, nghe kém. Bề mặt ống tai bị phù nề, ứ dịch vàng và có hiện tượng bong vảy trắng.
  • Viêm sụn vành tai - Ban đầu chỉ gây ngứa rát kèm theo cảm giác hơi đau. Sau đó, tình trạng nóng, sưng đỏ trở nên rõ rệt hơn. Nếu không điều trị có thể dẫn đến viêm sụn hoại tử với biểu hiện đau dữ dội.
  • Chàm ống tai - Chàm ống tai có biểu hiện là viêm đỏ, ngứa và bong vảy toàn bộ ống tai lan ra vành tai. Bề mặt có thể xuất hiện các nốt mụn nhỏ màu trắng, dịch trong suốt. Tổn thương da gây ngứa nhiều, gãi nhiều làm da trầy xước dễ xuất hiện chàm bội nhiễm (xuất hiện các nốt mụn mủ, loét).

Biến chứng và tiên lượng của bệnh viêm tai ngoài

Viêm tai ngoài có tiên lượng tốt. Một vài trường hợp có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Những trường hợp khác đa phần đều có đáp ứng tốt sau khi sử dụng thuốc và chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm tai ngoài đó chính là viêm tai ngoài ác tính. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định nguyên nhân cũng như các yếu tố thúc đẩy nguy cơ ác tính. Viêm tai ngoài ác tính có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cốt tủy xương của nền sọ bên…

Ngoài ra, nếu không được điều trị tốt, viêm tai ngoài có thể gây sẹo làm chít hẹp ống tai ngoài. Từ đó làm giảm khả năng nghe dù tình trạng viêm nhiễm không ảnh hưởng đến tai giữa và tai trong.

Một số loại viêm tai ngoài có thể tái phát nhiều lần (thường là chàm ống tai và nhọt ống tai ngoài). Dù không nguy hiểm nhưng tình trạng tái đi tái lại sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, gây phiền toái, mệt mỏi trong sinh hoạt hằng ngày.

Chẩn đoán bệnh viêm tai ngoài

Viêm tai ngoài ít nguy hiểm hơn so với viêm tai giữa và viêm tai trong. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chủ quan khi gặp phải các triệu chứng. Nếu không chắc chắn vấn đề mà bản thân gặp phải, việc thăm khám là vô cùng cần thiết.

triệu chứng viêm tai ngoài
Bác sĩ sẽ khám tai, nội soi tai... để có thể chẩn đoán xác định bệnh viêm tai ngoài

Các bước chẩn đoán viêm tai ngoài bao gồm các bước sau:

  • Khám lâm sàng
  • Nội soi tai
  • CT scan trong một số trường hợp cần thiết

Chẩn đoán viêm tai ngoài không quá phức tạp. Tuy nhiên, bác sĩ rất khó có thể dự đoán nguy cơ tiến triển viêm tai ngoài ác tính. Hiện tại, khoa học chưa biết rõ nguyên nhân cũng như cơ chế bệnh sinh nên việc phát hiện và điều trị vẫn còn nhiều hạn chế.

Các phương pháp điều trị bệnh viêm tai ngoài

Điều trị viêm tai ngoài phụ thuộc vào loại viêm tai, nguyên nhân cũng như triệu chứng cụ thể. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng đều thuyên giảm nhanh khi dùng thuốc.

Nam giới cao tuổi bị liệt dây thần kinh mặt hoặc bị tiểu đường sẽ được theo dõi để phát hiện sớm nguy cơ bị viêm tai ngoài ác tính. Do các nghiên cứu về bệnh lý này chưa đầy đủ nên phát hiện sớm có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn chức năng nghe và giảm tỷ lệ tử vong.

Điều trị cụ thể cho bệnh viêm tai ngoài bao gồm các biện pháp sau:

Sử dụng thuốc

Như đã đề cập, tác nhân gây viêm tai ngoài chủ yếu là do nấm hoặc vi khuẩn. Vì vậy, thuốc là lựa chọn đầu tay đối với bệnh lý này. Trước khi điều trị, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để chắc chắn tác nhân gây bệnh, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.

điều trị viêm tai ngoài
Dùng thuốc là phương pháp chính trong điều trị viêm tai ngoài

Các loại thuốc được cân nhắc dùng trong điều trị viêm tai ngoài bao gồm:

  • Kháng sinh - Kháng sinh có thể được dùng ở dạng nhỏ tai hoặc dạng uống. Các loại kháng sinh thông dụng bao gồm loại nhỏ tai (Ofloxacin, Ciprofloxacin), loại đường uống (Cefpodoxime, Amoxicillin + Clavulanic Acid)...
  • Kháng nấm - Trường hợp do nấm sẽ được chỉ định dùng kháng nấm dạng nhỏ tai như Miconazole, Clotrimazole, Nystatin, Ciclopirox… Tương tự như kháng sinh, thuốc kháng nấm cũng cần dùng trong thời gian chỉ định để mang lại kết quả tốt, hạn chế nguy cơ kháng thuốc.
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt - Viêm tai ngoài gây đau nhiều nên thuốc giảm đau, hạ sốt thường được chỉ định để làm giảm triệu chứng. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm Paracetamol, Ketoprofen, Ibuprofen…
  • Thuốc chống viêm corticoid - Trường hợp ống tai ngoài bị phù nề và sưng tấy nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng corticoid dạng nhỏ tai hoặc uống trong thời gian ngắn. Thuốc có tác dụng chống viêm, kháng dị ứng tốt giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh viêm tai ngoài.
  • Thuốc kháng histamin H1 - Trường hợp viêm tai ngoài có liên quan đến chàm, viêm da tiết bã nhờn hoặc dị ứng với các dị nguyên có trong không khí, thuốc kháng histamin H1 sẽ được chỉ định. Thuốc có tác dụng ức chế histamin ở thụ thể H1, qua đó giảm ngứa, viêm và một số triệu chứng có liên quan đến phản ứng dị ứng.

Vệ sinh ống tai đúng cách

Khi điều trị viêm tai ngoài cần kết hợp với làm sạch ống tai và vành tai đúng cách. Vệ sinh đúng cách sẽ giúp cho ống tai nhanh chóng hồi phục, giảm mức độ tấy đỏ và nhiễm trùng.

Trường hợp không có chấn thương, có thể làm sạch bằng nước muối sinh lý tại nhà để loại bỏ dịch tiết và ráy tai. Thông qua việc làm sạch dịch tiết, độc tố từ các loại vi khuẩn sẽ được loại bỏ, qua đó làm giảm hiện tượng viêm sưng, tấy đỏ và giúp tăng khả năng thẩm thấu.

điều trị viêm tai ngoài
Cần vệ sinh ống tai ngoài thường xuyên để đẩy nhanh quá trình phục hồi

Trường hợp ống tai có chấn thương kèm vết thương hở, nên đến bệnh viện/ phòng khám để vệ sinh hằng ngày, tránh trường hợp nhiễm trùng lan rộng dẫn đến hoại tử sụn, vành tai.

Chích rạch nhọt ống tai

Nhọt ống tai thường tự vỡ và lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên với các nốt nhọt lớn, bác sĩ sẽ chỉ định chích nhọt và sát khuẩn để tránh viêm nhiễm lan rộng. Nhọt tai nằm ở vị trí khá nhạy cảm nên bệnh nhân không nên tự xử lý tại nhà như nhọt ở những vị trí thông thường.

Điều trị viêm tai ngoài ác tính

Trường hợp viêm tai ngoài ác tính, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị nội trú để được theo dõi và xử trí kịp thời khi có tai biến phát sinh. Lựa chọn đầu tay trong trường hợp này là dùng kháng sinh đường uống hoặc đường tiêm phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh. Do mô xương đã bị hoại tử nên thời gian dùng kháng sinh được khuyến nghị nên kéo dài từ 4 - 6 tuần để tái thông mạch máu.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ dùng bông gạc tẩm kháng sinh đưa vào bên trong ống tai. Kết hợp điều trị tại chỗ và toàn thân sẽ giúp kiểm soát nhanh tình trạng nhiễm trùng, hạn chế nguy cơ phải cắt bỏ mô xương ở tai ngoài.

Những trường hợp điều trị nội khoa thất bại cần phải phẫu thuật cắt bỏ mô, xương hoại tử. Việc cắt bỏ mô hoại tử được xem là cần thiết vì những mô này sẽ làm giảm khả năng hấp thu kháng sinh tại chỗ.

Trong điều trị viêm tai ngoài, bệnh nhân cần phải được kiểm soát lượng đường trong máu. Hiện nay, liệu pháp oxy cao áp đã được phối hợp với liệu pháp hóa dược để tăng tỷ lệ điều trị thành công. Thời gian xem xét mức độ đáp ứng trong trường hợp này chỉ từ 48 - 72 giờ. Nếu không có đáp ứng, phẫu thuật sẽ được chỉ định.

Các biện pháp chăm sóc

Viêm tai ngoài đáp ứng tốt với điều trị hơn so với viêm tai giữa. Tuy nhiên, do tai ngoài dễ tiếp xúc với nấm, vi khuẩn và những yếu tố kích thích nên cần phải có biện pháp chăm sóc hợp lý.

điều trị viêm tai ngoài
Nên hong khô tai sau khi tắm để tránh hiện tượng tấy đỏ, viêm nhiễm lan rộng

Trong thời gian điều trị viêm tai ngoài, cần thực hiện các biện pháp chăm sóc sau:

  • Giữ tai luôn sạch sẽ và khô thoáng. Sau khi tắm rửa, cần dùng khăn mềm và tăm bông lau khô ống tai ngoài. Trường hợp cần thiết có thể dùng máy sấy tóc hong khô hoàn toàn để tránh viêm nhiễm, sưng tấy.
  • Chú ý khi dùng dầu gội, xà phòng để tránh các chất dị ứng, kích ứng tiếp xúc với tai ngoài. Tốt nhất nên đổi sang các sản phẩm lành tính, thành phần tự nhiên nhằm hạn chế viêm tai ngoài tái phát.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý trong thời gian điều trị nhằm nâng cao sức đề kháng. Mặt khác, cần hạn chế căng thẳng và tránh lao động nặng để tránh gây áp lực lên ống tai ngoài.
  • Uống nhiều nước, hạn chế món ăn chứa nhiều gia vị, cay nóng, kiêng rượu bia và thức uống có hàm lượng đường cao.
  • Cách ly với những yếu tố có khả năng dị ứng như một số loại thực phẩm, phấn hoa, mủ thực vật, nọc độc động vật, bụi vải…

Phòng ngừa bệnh viêm tai ngoài

Tương tự như các dạng viêm tai khác, viêm tai ngoài có nguy cơ tái phát cao vào mùa hè. Đặc biệt, ở những đối tượng có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ, người cao tuổi, bệnh có thể tái đi tái lại nhiều đợt trong năm.

điều trị viêm tai ngoài
Vệ sinh tai đúng cách sẽ giúp phòng ngừa viêm tai nói chung và viêm tai ngoài nói riêng

Để phòng ngừa viêm tai ngoài, cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

  • Không sử dụng các dụng cụ lấy ráy tai cứng khiến ống tai ngoài bị trầy xước, tổn thương. Trường hợp ống tai bị trầy xước, cần làm sạch bằng nước muối sinh lý và tránh để dính nước cho đến khi vết thương khô hoàn toàn.
  • Không dùng chung dụng cụ lấy ráy tai với người khác.
  • Vệ sinh tai bằng tăm bông và nước muối sinh lý. Khi thực hiện nên thao tác nhẹ nhàng, tránh để ống tai ngoài bị trầy xước, tổn thương.
  • Khi bơi hoặc tắm biển, nên dùng bịt tai để tránh nước vào bên trong ống tai. Sau khi bơi, cần làm sạch vành tai bằng nước sạch và lau khô bằng khăn mềm.
  • Chú ý làm sạch máy trợ thính, tai nghe và nút bịt tai. Tránh trường hợp dụng cụ nhiễm khuẩn vô tình gây viêm nhiễm, sưng tấy ống tai ngoài.
  • Người có cơ địa dị ứng nên chọn các sản phẩm dầu gội, xà phòng dịu nhẹ, công thức lành tính.
  • Trường hợp dị vật vào tai, không nên tự xử lý tại nhà. Nên đến bệnh viện/ phòng khám gần nhất để được lấy dị vật và sát khuẩn ống tai để tránh nhiễm khuẩn.
  • Người bị chàm, viêm da cơ địa, viêm da tiết bã nhờn… nên dưỡng ẩm những vùng da khô, dễ mất nước. Đồng thời cần xây dựng lối sống khoa học để nâng cao hệ miễn dịch và tránh tiếp xúc với dị nguyên (nghi ngờ hoặc xác định).

Viêm tai ngoài là bệnh lý phổ biến ở cả trẻ em và người trưởng thành. Do tính chất dễ tái phát nên sau khi điều trị, cần lên kế hoạch chăm sóc và phòng ngừa đúng cách. Trường hợp có tiền sử viêm tai ngoài ác tính cần kiểm soát đường huyết và tổ chức lại lối sống để nâng cao hệ miễn dịch.

Câu hỏi liên quan

Viêm tai giữa là bệnh rất phổ biến ở trẻ em, theo thống kê của WHO, có hơn 80% trẻ dưới 3 tuổi có nguy cơ mắc viêm tai giữa ít nhất 1 lần trong...

Xem chi tiết

Mổ viêm tai giữa được chỉ định khi bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính tái đi tái lại, viêm kèm theo ứ dịch, chảy mủ. Ngoài ra, các trường hợp bị viêm tai giữa...

Xem chi tiết

Nhiều trường hợp bị đau đầu thường xuyên nhưng không xác định được nguồn gốc của cơn đau xuất phát từ viêm tai giữa hay do một vấn đề khác về sức khỏe. Khi trao...

Xem chi tiết

Bơi lội là một hoạt động thể chất mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng được khuyến khích tham gia. Một số bệnh lý có thể tăng nặng hơn...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp