Bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải đối mặt với giai đoạn tiền mãn kinh. Khi này, cơ thể chị em có nhiều thay đổi đáng kể về sức khỏe và sắc vóc. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách điều trị như thế nào, độc giả hãy tham khảo bài viết dưới đây. 

Định nghĩa tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là quá trình chuyển đổi mãn kinh ở phụ nữ. Lúc này, cơ thể sẽ không xuất hiện chu kỳ rụng trứng, kinh nguyệt sẽ mất đi và không còn khả năng sinh sản. Thời kỳ này ở mỗi người có thể diễn ra ở các lứa tuổi khác nhau, các triệu chứng cũng không giống nhau.

Phụ nữ khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh trước khi mãn kinh từ 8 - 10 năm, có nghĩa là ở độ tuổi 37 - 45. Giai đoạn này, hoạt động của hệ trục vàng Não bộ - Tuyến yên - Buồng trứng suy giảm, không còn sản xuất đủ nội tiết tố nữ đó là estrogen, progesterone, testosterone để đáp ứng những hoạt động của cơ thể.

Chính vì vậy, trong giai đoạn này phụ nữ phải đối mặt với những xáo trộn về tâm sinh lý, sức khỏe và vẻ bề ngoài.

Tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển đổi đến thời kỳ mãn kinh, trước khi chấm dứt hoàn toàn chu kỳ kinh nguyệt.

Nguyên nhân tiền mãn kinh 

Tiền mãn kinh là giai đoạn xảy ra một cách tự nhiên trong cuộc đời của phụ nữ. Sự suy giảm của hệ trục Não bộ - Tuyến Yên - Buồng trứng đã dẫn tới sự thay đổi của bộ 3 nội tiết tố Estrogen, Progesterone, Testosterone trong cơ thể là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng rối loạn tiền mãn kinh ở phụ nữ. Tuổi tác càng cao, quá trình sụt giảm càng diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng, dẫn tới những rối loạn của thời kỳ này.

Nhưng một số người có thể bước vào thời kỳ tiền mãn kinh sớm hơn bình thường do những yếu tố sau đây:

  • Hút thuốc lá: Thuốc lá làm giảm lượng hormone estrogen trong cơ thể nữ giới và có thể gây ra tiền mãn kinh sớm. Hút thuốc lá thường xuyên có thể làm thời kỳ mãn kinh bắt đầu sớm hơn từ 1 - 2 năm.
  • Yếu tố di truyền: Nếu mẹ của bạn có độ tuổi mãn kinh sớm thì bạn sẽ có khả năng cũng sẽ bị tiền mãn kinh, mãn kinh sớm.
  • Điều trị ung thư: Phụ nữ đang phải áp dụng các biện pháp điều trị bằng hóa trị, xạ trị có thể ảnh hưởng tới thời gian tiền mãn kinh.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng: Điều này có thể làm giảm sản xuất estrogen.
  • Bệnh lý khác: Chị em bị suy buồng trứng hoặc mắc các bệnh lý liên quan tới buồng trứng, rối loạn miễn dịch, rối loạn chuyển hóa,...

Tuổi tác là yếu tố tự nhiên dẫn tới tiền mãn kinh

Đối tượng mắc tiền mãn kinh

Giai đoạn tiền mãn kinh xảy ra ở nữ giới từ 45 đến 55 tuổi. Khi độ tuổi càng cao, quá trình sụt giảm estrogen diễn ra càng nhanh chóng và gây ra những rối loạn ở thời kỳ này. Cũng có một số trường hợp bước vào mãn kinh sớm do:

  • Có người trong gia đình là mẹ hoặc chị gái bị mãn kinh sớm.
  • Người đã cắt bỏ toàn bộ buồng trứng hoặc tử cung.
  • Người bị suy buồng trứng.
  • Người phải sử dụng hóa trị, xạ trị điều trị ung thư.
  • Trường hợp mắc một số chứng bệnh như rối loạn chuyển hóa, rối loạn hệ miễn dịch,...
  • Người có thói quen hút thuốc lá.

Triệu chứng tiền mãn kinh 

Các dấu hiệu tiền mãn kinh ở mỗi người sẽ khác nhau. Có những người sẽ có triệu chứng rõ rệt, kết thúc nhanh chóng sau vài năm nhưng lại có người phải đối mặt với triệu chứng này trong thời gian dài. Các triệu chứng có thể kể tới như:

  • Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt thất thường, có những tháng tới sớm, có tháng tới muộn, có khi 2 - 3 tháng mới có kinh một lần. Tuy nhiên, một số bệnh ung thư phụ khoa cũng có thể gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Vì vậy, chị em cần lưu ý, nếu kinh nguyệt thất thường từ 3 tháng trở lên phải đi khám sức khỏe ngay.
  • Khó thụ thai: Bên cạnh rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng gặp trục trặc khi phòng thích trứng sẽ khiến việc có thai tự nhiên của phụ nữ ở độ tuổi này gặp khó khăn.
  • Bốc hỏa: Cảm giác nóng bừng ở ngực lên vai, cổ và mặt, trường hợp này sẽ thường kéo dài trong khoảng 2 - 3 phút hoặc lâu hơn. Một ngày, triệu chứng này sẽ xảy ra nhiều lần, nhất là trong lúc ngủ.
  • Thay đổi tính tình: Khi tới thời kỳ này, chị em sẽ trở nên nhạy cảm, hay lo âu, buồn phiền. Nếu không được giải tỏa, có thể gây ra chứng trầm cảm.
  • Dễ tăng cân: Tuổi tác cao khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể càng chậm lại. Các triệu chứng căng thẳng, lo âu, mất ngủ sẽ tạo điều kiện cho sự tích tụ của tế bào mỡ trắng. Dẫn tới tình trạng dễ tăng cân.
  • Khô âm đạo: Nồng độ estrogen suy giảm khiến âm đạo giảm lượng dịch tiết và độ đàn hồi làm chị em cảm thấy khó chịu, đau rát khi quan hệ tình dục. Đây cũng là lý do khiến chị em không còn hứng thú với chuyện chăn gối khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh.
  • Mật độ xương giảm, loãng xương: Nếu mức độ estrogen suy giảm, bạn sẽ có nguy cơ bị hao hụt canxi, làm cho xương bị xốp, yếu đi, giòn và dễ gãy. Gây ra bệnh loãng xương, thoái hóa khớp,...
  • Rối loạn giấc ngủ: Những thay đổi về nội tiết tố cùng tình trạng đổ mồ hôi ban đêm có thể làm bạn mất ngủ, trằn trọc.
  • Suy giảm trí nhớ: Những thay đổi nội tiết tố với các triệu chứng của tiền mãn kinh khác như rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính tình có thể khiến trí nhớ của bạn suy giảm.

Biến chứng tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh có ảnh hưởng gì không? Điều này là vấn đề mà nhiều chị em quan tâm. Ngoài những triệu chứng mà bạn có thể cảm nhận và thấy được sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh lý như sau:

  • Hay quên, dễ mắc Alzheimer: Estrogen có liên quan mật thiết tới hệ thần kinh, điều phối chính cho hoạt động chuyển hóa của não bộ và cơ thể. Estrogen còn bảo vệ tế bào thần kinh khỏi quá trình oxy hóa. Sự suy giảm của estrogen làm giảm lượng đường chuyển hóa cho não, tăng chất độc, làm giảm hoạt động của não. Do đó, nữ giới bị giảm estrogen tiền mãn kinh dễ bị sa sút trí nhớ.
  • Mất xương, loãng xương: Estrogen có nhiệm vụ ngăn chặn chuyển hóa xương và giữ ổn định mức độ tạo xương, giảm số lượng và tuổi thọ của tế bào hủy xương. Estrogen suy giảm khiến mật độ xương giảm theo, độ bền vững của xương yếu hơn, gây ra tình trạng mất xương, loãng xương.
  • Dễ mắc các bệnh lý tim mạch: Sự suy giảm estrogen có thể làm tăng LDL Cholesterol (mỡ xấu), giảm HDL Cholesterol (mỡ tốt), gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch như mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp.

Tiền mãn kinh
Các triệu chứng của tiền mãn kinh khiến chị em khó chịu, bứt rứt.

Chẩn đoán tiền mãn kinh

Khi tới thăm khám, sau khi hỏi thăm một số câu hỏi để nắm được tình trạng tiền mãn kinh, các bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm, kiểm tra để chẩn đoán tình trạng mãn kinh sớm:

  • Hormon estrogen: Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm hormone estrogen. Nồng độ estrogen cao hay thấp sẽ cho thấy bạn đang bị tiền mãn kinh sớm hay không.
  • Hormon kích thích nang trứng (FSH): Nếu nồng độ FSH luôn ở mức trên 30 mIU/ml và chị em không có kinh nguyệt trong một năm, thì khả năng cao bạn đã tới tuổi mãn kinh.
  • Hormon kích thích tuyến giáp (TSH): Bác sĩ có thể kiểm tra mức TSH để chẩn đoán. Nếu tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp), mức TSH ở mức cao.
  • Siêu âm có hình ảnh tử cung teo nhỏ.
  • Sinh thiết cho thấy niêm mạc tử cung teo đét.

Tiền mãn kinh
Các xét nghiệm sẽ được thực hiện

Điều trị tiền mãn kinh

Do tiền mãn kinh là quá trình diễn ra tự nhiên nên hầu như các trường hợp không cần sự can thiệp y tế hay điều trị. Có những người trải qua thời kỳ này rất nhẹ nhàng nhưng có những người không thể chịu được hàng loạt các triệu chứng của rối loạn tiền mãn kinh. Dựa vào các trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc, các liệu pháp bổ sung nội tiết hay thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống,...

Sau đây là một số phương pháp điều trị đơn giản:

Thuốc Tây điều trị tiền mãn kinh

Cần tìm hiểu rõ các nguyên nhân để tìm ra giải pháp điều trị. Các chị em có thể dùng thuốc, các sản phẩm để cải thiện nồng độ estrogen hoặc thuốc điều trị từng triệu chứng. Cụ thể như sau:

  • Liệu pháp thay thế hormone (HRT): Đây được cho là lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng bốc hỏa và đổ mồ hôi vào ban đêm. Bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân sử dụng dẫn chất estrogen (thuốc có thể ở dạng uống, cao dán hoặc dạng kem) nhằm bổ sung những thiếu hụt mà cơ thể không đáp ứng được.
  • Vaginal estrogen: Thuốc giúp làm dịu chứng khô âm đạo, estrogen có thể được đưa trực tiếp vào âm đạo để các mô âm đạo hấp thụ. Điều này làm âm đạo bớt khô ráp, làm dịu một số triệu chứng liên quan tới âm đạo.
  • Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc có tên gọi là “thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin” (selective serotonin reuptake inhibitors-SSRIs) có tác dụng làm dịu hiện tượng bốc hỏa và các triệu chứng tâm lý khác như lo âu, muộn phiền.

Tuy nhiên trong quá trình sử dụng thuốc điều trị tiền mãn kinh, chị em có thể gặp phải một số tác dụng phụ gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, chị em không được lạm dụng thuốc tây, không tự ý mua thuốc và sử dụng tại nhà mà chưa có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

Mẹo tại nhà

Những cách mọi người có thể áp dụng để cải thiện các triệu chứng của thời kỳ tiền mãn kinh như sau:

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh: Bổ sung một số loại thực phẩm giàu đạm, axit béo omega-3, chất xơ, Canxi như: Thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, các loại đậu, cá hồi, rau củ quả, sữa không đường tách béo, các loại đậu, động vật có vỏ, trứng,...
  • Thay đổi chế độ sinh hoạt: Việc thay đổi chế độ sinh hoạt khoa học sẽ giúp bạn đẩy lùi các triệu chứng tiền mãn kinh. Chị em có thể tập thể dục hàng ngày, ngừng hút thuốc lá, bia rượu, không thức khuya, ngủ đủ giấc 7 - 8 tiếng/ngày, duy trì cân nặng ổn định.
  • Uống đủ lượng nước mỗi ngày: Theo khuyến cáo của chuyên gia, mỗi ngày mọi người cần uống đủ từ 1,5 - 2 lít nước. Nước giúp có thể đào thải các chất độc hại, làm da mềm mại, bớt nhăn hơn. Chị em cũng có thể uống nước lọc, nước canh hoặc nước ép các loại trái cây.
  • Tăng cường tập luyện thể dục thể thao:Chị em có thể thực hiện các bài tập điều tiết hơi thở như yoga, thiền, thái cực quyền,...

Tiền mãn kinh
Tăng cường tập luyện thể dục thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh và vượt qua thời kỳ tiền mãn kinh dễ dàng

Thuốc Đông y

Phương pháp Đông y trị tiền mãn kinh được nhiều người lựa chọn bởi sự an toàn, lành tính, không gây tác dụng phụ, điều trị gốc rễ bệnh, bồi bổ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng. Một số bài thuốc chị em có thể áp dụng đó là:

  • Bài thuốc Sơ can an thần thang: Thành phần bài thuốc bao gồm: Sài hồ (9g), chỉ xác (9g), phục thần (15g), viễn chí (5g), xương bồ (6g), mẫu lệ (30g), hương phụ (9g), bạch thược (9g), xuyên khung (9g), cam thảo nướng (9g). Đem sắc các nguyên liệu trên cùng 1 lít nước tới khi cạn còn 300ml thì tắt bếp. Chia thuốc thành 3 lần/ngày. Mỗi ngày sắc 1 thang và dùng liên tục trong vòng 1 tháng giúp trị các biểu hiện tinh thần u uất, hồi hộp, rối loạn kinh nguyệt, ngực sườn hoặc 2 bầu vú đau tức, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng,...
  • Bài thuốc Tư âm trấn kinh thang: Thành phần bao gồm: Tri mẫu (9g), hoàng bá (9g), trạch tả (12g), thiên ma (9g), câu đằng (15g), sinh địa (15g), sơn thù du (9g), đan bì (9g), thạch quyết minh, trân chu mẫu (30g), tang ký sinh (12g), đỗ trọng (12g). Đem các nguyên liệu trên sắc cùng 1200ml nước ở lửa vừa tới khi cạn còn 300ml thì tắt bếp. Chia thuốc thành 3 phần bằng nhau và uống hết trong ngày.
  • Bài thuốc Nhị tiên thang gia vị: Chuẩn bị các thành phần tiên mao (9g), tiên linh tỳ (9g), ba kích thiên (9g), tri mẫu (9g), hoàng bá (9g),  đương quy (9g), thỏ ty tử (15g), thục địa (15g), sơn dược (15g), sơn thù du (9g), câu kỷ tử (12g), tang ký sinh (15g). Đem các nguyên liệu trên nấu cùng với 1000ml nước, đun tới khi cạn còn 300ml thì tắt bếp. Uống thuốc 3 lần/ngày vào lúc đói bụng.

Do thuốc Đông y có tác dụng chậm nên mọi người cần kiên trì sử dụng thuốc trong thời gian dài, không được bỏ thuốc giữa chừng và nên uống thuốc khi còn ấm để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất.

Phòng ngừa tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là giai đoạn mà bất kỳ phụ nữ nào cũng phải trải qua. Để giảm các triệu chứng và phòng ngừa rối loạn sau mãn kinh, chị em cần lưu ý một số điều dưới đây:

  • Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi, bổ sung các dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ, cân đối các chất.
  • Bổ sung thêm nhiều rau củ quả nhất là các sản phẩm từ đậu nành, cỏ linh lăng và các thức ăn có nhiều canxi, vitamin D, omega-3 và omega-6.
  • Cần tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ.
  • Khi quan hệ tình dục có thể sử dụng chất bôi trơn để làm giảm tình trạng khô âm đạo, đau rát.
  • Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện và xử lý sớm các bệnh phụ khoa trong đó có ung thư.
  • Luôn giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress.
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

Trên đây là những thông tin cần biết về tiền mãn kinh. Nếu thấy được những thay đổi bất thường của bản thân, chị em phụ nữ nên sớm đi thăm khám để được tư vấn và điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Dịch vụ & Giải pháp