Mụn nội tiết thường xảy ra ở nữ giới, có diễn biến khá nghiêm trọng và có thể kéo dài dai dẳng không dứt. Để chấm dứt mụn triệt để cần có các biện pháp điều trị, chăm sóc da và sức khỏe phù hợp. 

Định nghĩa mụn nội tiết

Mụn nội tiết là loại mụn xảy ra bởi nội tiết tố có những thay đổi bất thường, không đảm bảo được sự cân bằng dẫn tới những ảnh hưởng rất rõ rệt tới làn da. Mụn có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi khi có dấu hiệu thay đổi hormone.

Theo đó, nữ giới là nhóm đối tượng có nguy cơ nổi mụn cao hơn do có khá nhiều yếu tố có thể tác động tới sự ổn định của nội tiết tố.

Mụn nội tiết là loại mụn chủ yếu xảy ra ở nữ giới
Mụn nội tiết là loại mụn chủ yếu xảy ra ở nữ giới

Nguyên nhân gây mụn nội tiết

Mụn nội tiết xảy ra bởi vấn đề hormone mất cân bằng, những yếu tố, thời điểm có thể làm nội tố bị rối loạn gồm:

Tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì là giai đoạn cơ thể bắt đầu có rất nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, cả nam và nữ giới đều gia tăng lượng hormone testosterone. Khi testosterone được sản xuất nhiều hơn, hoạt động của tuyến bã nhờn dưới da cũng gia tăng mạnh mẽ, làm bít tắc các nang lông, da bết dính, dễ bị bám bụi bẩn, vi khuẩn và da chết. Từ đó hình thành nên mụn nội tiết tuổi dậy thì.

Chu kỳ kinh nguyệt

Là nguyên nhân gây ra mụn nội tiết theo chu kỳ ngắn. Mụn có thể xuất hiện trước hoặc trong chu kỳ do lúc này nội tiết đang mất cân bằng. Cụ thể sự thay đổi diễn ra như sau:

  • Estrogen sẽ tăng cao hơn trong những ngày đầu chu kỳ.
  • Sang tới khoảng giữa chu kỳ, Progesterone sẽ tăng cao và Esrogen hụt giảm.

Trong khi đó, Testosterone (hormone điều chỉnh quá trình tiết đầu nhờn) trong suốt những ngày đèn đỏ sẽ luôn ở mức tương đối cân bằng, nên khi Estrogen bị hạ xuống sẽ dẫn tới tình trạng Testosterone cao hơn so với mức cần thiết.

Khi này, da sẽ có dấu hiệu nổi mụn nội tiết, đổ nhiều dầu, lỗ chân lông đang chứa các bụi bẩn, da chết bị thu nhỏ lại làm da bít tắc. Khi kết thúc kỳ kinh, hormone quay trở lại mức ổn định sẽ làm mở nang lông trở lại và vi khuẩn nhanh chóng tấn công gây mụn.

Mang thai

Nữ giới mang thai có sự thay đổi rất lớn về hormone Progesterone và Estrogen. Sẽ khó tránh khỏi tình trạng xuất hiện mụn nội tiết, mụn có thể viêm nhiễm khá nặng nhưng sẽ hết sau khi sinh con.

Giai đoạn mang thai rất dễ bị nổi mụn
Giai đoạn mang thai rất dễ bị nổi mụn

Giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh

Khi bắt đầu vào thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh, lượng hormone Estrogen sẽ giảm mạnh, có thể có nhiều thay đổi, lão hóa. Da yếu, xỉn màu, có mụn nội tiết, nám và cả tàn nhang. Đặc biệt tiền mãn kinh có thể đến sớm dù nữ giới vẫn đang trong khoảng độ tuổi ngoài 30.

Nguyên nhân khác

Nội tiết tố có thể thay đổi và gây ra mụn khi gặp phải một số yếu tố tác động khác như:

  • Thường xuyên chịu áp lực căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, thần kinh ít khi được nghỉ ngơi thư giãn.
  • Chế độ ăn uống và sinh hoạt thất thường, không khoa học sẽ trực tiếp làm ảnh hưởng tới nội tiết tố.
  • Da bị nhiều vi khuẩn tấn công kích thích khả năng hình thành các nốt mụn sưng viêm.

Đối tượng bị mụn nội tiết

Các đối tượng có nguy cơ bị mụn nội tiết cao nhất gồm:

  • Nam và nữ giới đang trong độ tuổi dậy thì.
  • Nữ giới trưởng thành khi ở chu kỳ kinh nguyệt.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc sau khi sinh con.
  • Nữ giới tiền mãn kinh và mãn kinh.
  • Người mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

Đối với người trong tuổi dậy thì bị mụn nội tiết, mụn sẽ tập trung nhiều tại khu vực chữ T. Trong khi đó, đối tượng trưởng thành bị nhiều hơn ở vùng dưới hàm, cằm và viền quai hàm.

Triệu chứng mụn nội tiết

Mụn nội tiết có các dấu hiệu rất dễ nhận biết như sau:

  • Các nốt mụn sưng viêm xuất hiện trên da với kích thước ban đầu khá nhỏ, sau đó dần phát triển lớn hơn.
  • Mụn nằm ở vùng chữ T hoặc khu vực hàm, cằm. Các nốt mụn có thể là dạng mụn ẩn, mụn bọc hoặc mụn nang ửng đỏ, sưng đau.
  • Mụn có thể tái phát đều đặn hàng tháng do chu kỳ kinh nguyệt hoặc kéo dài nhiều tuần cho tới vài tháng khi nội tiết tố mất cân bằng trong thời gian dài và sẽ lặp đi lặp lại tại đúng vị trí ban đầu.
  • Dù đã áp dụng các mỹ phẩm chăm sóc da nhưng mụn vẫn thường xuất hiện và mất nhiều thời gian để lành lại hoàn toàn.
  • Các nốt mụn có chân sâu, mụn có nhân rõ rệt và có thể kèm mủ.

Mụn thường xuất hiện ở quai hàm, cằm hoặc vùng chữ T
Mụn thường xuất hiện ở quai hàm, cằm hoặc vùng chữ T

Biến chứng mụn nội tiết

Mụn nội tiết cần được chữa trị sớm để không gây ra nhiều tổn thương ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe làn da. Thông thường, nếu mụn chỉ mọc lác đác, xuất hiện theo chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng sẽ không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu mụn xuất hiện từ giai đoạn dậy thì cho tới khi đã trưởng thành hay mụn nổi quanh năm do vấn đề sức khỏe, chế độ sinh hoạt của bản thân, làn da sẽ tốn nhiều thời gian phục hồi.

Da có nguy cơ bị sẹo thâm, các loại sẹo lõm rõ rệt trên da, tế bào da bị tổn thương nặng không thể phục hồi, gia tăng sự phát triển của các hắc sắc tố, làm ảnh hưởng lớn tới tính thẩm mỹ trên gương mặt. Vì vậy, mụn nội tiết cần được chữa trị sớm để hạn chế tối đa các di chứng trên da.

Chẩn đoán mụn nội tiết

Mụn nội tiết được tiến hành chẩn đoán bằng lâm sàng và cận lâm sàng, chi tiết như sau:

  • Các bác sĩ sẽ trao đổi chi tiết với bệnh nhân về tình trạng nổi mụn trong khoảng thời gian gần đây, độ tuổi, công việc, thai kỳ, có mắc bệnh lý ngoài da nào hay không.
  • Thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra với các thiết bị máy móc kỹ thuật gồm: Soi da, định lượng Androgen ở trong máu, sinh thiết da.

Điều trị mụn nội tiết

Mụn nội tiết được chữa trị bằng nhiều phương pháp, loại thuốc khác nhau. Cụ thể thông tin về từng cách chữa như sau:

Thuốc Tây chữa mụn nội tiết

Thuốc Tây có cả loại bôi và loại uống, bất cứ dòng thuốc nào khi sử dụng đều cần có sự tư vấn, chỉ định từ các bác sĩ.

Nhóm thuốc uống:

  • Viên uống nội tiết tố: Được sử dụng rất phổ biến với cơ chế đưa CPA/EE vào ức chế hoạt động của Androgen mạnh mẽ, giảm việc tích tụ bã nhờn trên da. Thuốc chỉ dùng cho nữ giới, không dùng cho người bị huyết khối tĩnh mạch, rối loạn đông máu.
  • Isotretinoin: Là thuốc có tác dụng cản trở sự phát triển của các vi khuẩn gây mụn, kiểm soát các nốt mụn nội tiết, làm dịu sưng viêm, ửng đỏ nhanh chóng. Thuốc phát huy mạnh mẽ công dụng nhưng cũng dễ gây ra tác dụng phụ khi dùng sai liều lượng, sai cách. Thuốc chỉ được dùng khi bác sĩ yêu cầu.
  • Spironolactone: Thuộc vào nhóm  kháng Androgen, cho hiệu quả trị mụn rõ rệt, phục hồi các vùng da bị tổn thương nhưng không được sử dụng cho bệnh nhân mắc các bệnh về thận, ung thư cổ tử cung, ung thư vú hoặc buồng trứng.
  • Retinoids: Thuốc có dạng gel hoặc kem bôi, dùng cho những người bị mụn nội tiết nhẹ và vừa. Giúp giảm sưng viêm, gom cồi mụn và tái tạo da tổn thương rất tốt. Tuy nhiên thuốc có khả năng làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng.
  • Thuốc tránh thai: Giúp nồng độ hormone được cân bằng, mụn nội tiết do đến ngày “đèn đỏ” giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên thuốc không dùng cho người tăng huyết áp, rối loạn đông máu, đau tim, có tiền sử đột quỵ, người bị ung thư vú và xuất huyết âm đạo bất thường.

Thuốc trị mụn nội tiết được kê đơn tùy từng trường hợp
Thuốc trị mụn nội tiết được kê đơn tùy từng trường hợp

Công nghệ trị mụn hiện đại

Khi bị mụn nội tiết phát triển mạnh, lan rộng, mụn ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng, có thể áp dụng các kỹ thuật công nghệ hiện đại như:

  • Laser CO2 vi điểm: Kỹ thuật trị mụn nội tiết bằng Laser CO2 vi điểm giúp làm giảm các tổn thương do mụn gây ra, ngăn chặn sự phát triển của hắc sắc tố melanin, dưỡng da đều màu, ngừa thâm. Collagen được kích thích sản sinh, hạn chế bã nhờn và tình trạng lỗ chân lông to.
  • IPL: Ánh sáng xung nhiệt IPL cho tác dụng trị mụn với các nguồn sáng phổ rộng, tác động nhanh vào từng tế bào, phá hủy hắc sắc tố, làm lành da bị tổn thương với bước sóng 430nm và 530nm. IPL tác động vào lớp trùng bì, không gây tổn thương cho thượng bì. Các vi khuẩn bám trụ đều bị tiêu diệt, viêm nhiễm thuyên giảm và hoạt động của tuyến bã nhờn được điều tiết ổn định.
  • Phun Oxy jet: Dùng nguồn oxy kết hợp với các thiết bị để đưa oxy vào da với vận tốc siêu nhanh. Qua đó bổ sung nước và dưỡng chất cần thiết giúp trị mụn, giảm viêm nhiễm, ngừa thâm và làm sạch sâu cho các lỗ chân lông.

Mẹo dân gian

Các mẹo dân gian được nhiều người lựa chọn để trị mụn nội tiết tại nhà phổ biến nhất hiện nay gồm:

  • Nghệ tươi: Dùng 1 củ nghệ tươi, rửa sạch cho hết đất bẩn rồi rồi thái thành miếng nhỏ và đem xay nhuyễn. Ép lấy phần nước cốt nghệ rồi thoa đều lên da và giữ trong khoảng 20 phút. Sau cùng rửa mặt thật sạch và nên dùng nghệ 2 - 3 lần mỗi tuần.
  • Trà xanh: Dùng một nắm lá trà xanh, nhặt bỏ hết lá sâu hỏng rồi đem rửa sạch. Cho trà vào nồi nấu với lượng nước vừa đủ, phần nước trà thu được sẽ thoa đều lên da sau khi đã nguội bớt. Qua 30 phút, rửa lại lớp nước trà bằng nước mát như bình thường, cách làm này có thể dùng mỗi tuần 3 lần.
  • Nha đam: Cắt 1 nhánh nha đam, loại bỏ lớp vỏ và rửa lại cho sạch hết nhựa cùng bụi bẩn. Xay nhuyễn nguyên liệu rồi đắp lên da cho thật đều, giữ mặt nạ khoảng 20 phút và vệ sinh bằng nước sạch. Nha đam dùng đều đặn 3 lần mỗi tuần.

Trà xanh giúp giảm mụn an toàn
Trà xanh giúp giảm mụn an toàn

Thuốc Đông y

Thuốc Đông y có khả năng đẩy lùi mụn nội tiết tố, điều hòa khí huyết cơ thể, một số bài thuốc được dùng nhiều gần đây gồm có:

Bài thuốc số 1:

  • Vị thuốc: Táo đỏ, hồng hoa, liên kiều, huyền sâm, bồ công anh, chi tử, hoàng liên, hoàng cầm, kinh giới, sinh địa, bồ công anh.
  • Cách dùng: Cho thuốc vào ấm sắc với 1.5 lít nước, lửa để nhỏ. Sau khoảng 1 giờ lấy thuốc ra uống theo 3 bữa trong ngày.

Bài thuốc số 2:

  • Vị thuốc: Hạ khô thảo, đậu xanh, đan bì, bạch truật, thương nhĩ tử, tỳ bà diệp, liên kiều, trần bì, đan bì, tang bạch bì, lá dâu.
  • Cách dùng: Cho thuốc vào nồi sắc cùng 1 lít nước. Khi nước thuốc sôi hạ nhỏ lửa và đợi cạn còn 1 bát con. Nước thuốc uống đều đặn vào buổi sáng, trưa và tối mỗi ngày.

Bài thuốc số 3:

  • Vị thuốc: Bạch linh, thục địa, ngũ vị, hoài sơn, mạch môn, ngưu tất, trạch tả, đan bì.
  • Cách dùng: Cho thuốc vào ấm cùng 5 bát nước, nấu sôi nhỏ lửa cho tới khi thuốc cạn còn 1 nửa. Chia thuốc làm 3 bữa uống hết trong ngày để đạt kết quả tốt.

Phòng tránh mụn nội tiết

Để phòng tránh mụn nội tiết hiệu quả cần áp dụng các biện pháp chăm sóc cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể như sau:

  • Luôn chú ý vệ sinh làn da sạch sẽ mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và tối với sữa rửa mặt phù hợp. Khi rửa không chà xát mạnh, không dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh. Tẩy trang đầy đủ cuối ngày dù không dùng các sản phẩm trang điểm.
  • Mỹ phẩm cần lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu rõ ràng. Các thành phần phải đảm bảo phù hợp với làn da, không gây kích ứng, không tẩy rửa mạnh. Nên tránh cách sản phẩm có chứa cồn, gốc dầu khoáng, paraben.
  • Hàng tuần nên duy trì đều đặn việc xông hơi và tẩy tế bào chết. Phương pháp này giúp hạn chế tối đa tình trạng da bị bít tắc bởi bụi bẩn, vi khuẩn cùng bã nhờn, da được làm sạch sâu sẽ có sức đề kháng tốt hơn.
  • Luôn thoa kem chống nắng khi ra ngoài, nếu phải hoạt động liên tục ngoài trời cần bổ sung thêm kem chống nắng sau khoảng 3 tiếng để bảo vệ làn da tốt nhất.

Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ tốt cho làn da
Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ tốt cho làn da

  • Không nên lạm dụng mỹ phẩm trang điểm. Không cho tay lên sờ mặt hoặc cào gãi khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập sinh sôi, gây ra nhiều loại mụn khác nhau.
  • Không gian sống cần vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, thay vỏ gối, chăn ga định kỳ để tránh làm vi khuẩn, nấm gây bệnh trú ngủ gây tổn thương, viêm nhiễm cho làn da.
  • Duy trì giấc ngủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày, ngủ trước 23h và nên có khoảng 30 phút giờ nghỉ trưa. Hạn chế thức khuya thường xuyên vì sẽ làm làn da yếu đi nhanh chóng, da mất khả năng miễn dịch, bị xỉn màu, thâm sạm, làm rối loạn nội tiết tố dẫn tới nổi mụn.
  • Giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, hạn chế căng thẳng lo lắng quá độ.
  • Uống mỗi ngày 2 lít nước lọc để cơ thể có đủ nước, da đảm bảo độ ẩm phù hợp, độc tố dễ dàng được đào thải ra ngoài. Từ đó da luôn sáng khỏe và căng bóng hơn.
  • Nên ăn nhiều rau củ xanh, các loại trái cây có chứa nhiều vitamin A, B, C, E, các thực phẩm chứa hàm lượng kẽm, canxi, magie,.... dồi dào để da khỏe mạnh từ tận sâu bên trong. Có thể pha trà xanh, trà atiso, trà hoa cúc để uống giải nhiệt, thanh lọc cơ thể rất tốt.
  • Nên tránh dùng những đồ uống chứa cồn và chất kích thích, các thực phẩm được đóng hộp, đồ chế biến sẵn, thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc có chứa các gia vị cay nóng, nhiều chất bảo quản, chất tạo màu, thực phẩm có lượng muối, đường lớn.

Mụn nội tiết có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau, tùy từng người sẽ có mức độ tổn thương nhiều hay ít. Nhưng nhìn chung đây đều là loại mụn khá dai dẳng, tốn nhiều thời gian để chữa trị và phục hồi sức khỏe cho làn da. Theo đó, cần sớm tới bệnh viện thăm khám, áp dụng đúng liệu trình được hướng dẫn bởi các bác sĩ. Không nên tự ý mua thuốc về dùng tại nhà sẽ dễ làm nội tiết rối loạn hơn, mụn bùng phát mạnh khiến da bị tổn thương nghiêm trọng.

Dịch vụ & Giải pháp

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.