Mãn kinh là một tiến trình tự nhiên của quá trình lão hóa mà bất kỳ phụ nữ nào cũng phải trải qua. Bước vào thời kỳ này, chị em phụ nữ phải đối mặt với những thay đổi về tâm lý, nguy cơ mắc nhiều bệnh tật. Để giúp chị em nắm được những thông tin cần biết về triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách vượt qua giai đoạn này, chúng tôi đã tổng hợp những thông tin trong bài viết dưới đây. 

Định nghĩa mãn kinh

Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp lần thứ hai trong đời sống sinh dục của phụ nữ. Đây là giai đoạn chuyển tiếp tự nhiên từ thời kỳ sinh sản sang thời kỳ ngừng sinh sản.

Giai đoạn mãn kinh được xác định khi người phụ nữ không hành kinh trong 12 tháng liên tiếp. Thông thường, phụ nữ sẽ bước vào thời kỳ này ở độ tuổi 40 và kéo dài vào năm trước kỳ kinh cuối tới 1 - 2 năm sau đó, trung bình khoảng 10 - 20 năm. Nếu chị em mãn kinh trước 40 tuổi được xem là mãn kinh sớm, sau 55 tuổi là mãn kinh muộn.

Mãn kinh
Mãn kinh là tình trạng không còn hành kinh vĩnh viễn và không còn khả năng sinh sản tự nhiên

Mãn kinh sẽ diễn tiến từ từ theo tuổi tác, thông thường chị em sẽ trải qua 2 giai đoạn.

  • Tiền mãn kinh: Giai đoạn này thường xảy ra ở độ tuổi 45 - 50 và tùy người mà giai đoạn này có thể kéo dài 2 - 5 năm. Điều này được lý giải là do hoạt động của buồng trứng suy giảm và gây mất cân bằng nội tiết tố nữ (Estrogen và Progesteron), làm kinh nguyệt không đều, kéo dài.
  • Mãn kinh sớm: Phụ nữ sẽ bước vào giai đoạn này trước 40 tuổi. Lúc này, người phụ nữ không còn khả năng mang thai do không còn nang noãn chín hoặc noãn không thể phóng được (không thể rụng trứng được).
  • Mãn kinh thật sự: Giai đoạn này thường xảy ra ở lứa tuổi 50 - 55, do buồng trứng đã ngừng hẳn hoạt động và không tiết nội tiết tố nữ, dẫn đến kinh nguyệt mất hẳn.
  • Mãn kinh muộn: Phụ nữ mãn kinh muộn là sau 55 tuổi.

Nguyên nhân mãn kinh

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mãn kinh của phụ nữ, sau đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất gây mãn kinh:

  • Tuổi tác: Như đã đề cập ở trên, mãn kinh là giai đoạn sinh lý tự nhiên trong cuộc đời của mỗi người. Vì vậy khi trải qua các giai đoạn như dậy thì, sinh sản, tiền mãn kinh, người phụ nữ sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn mãn kinh.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung nhưng vẫn giữ lại buồng trứng thì chu kỳ kinh nguyệt không còn nhưng phụ nữ sẽ không mãn kinh. Lý do là hai buồng trứng vẫn có khả năng phóng thích nang trứng. Khi phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hai buồng trứng và tử cung, phụ nữ sẽ bước vào thời kỳ mãn kinh sớm hơn bình thường và bỏ qua thời kỳ tiền mãn kinh. Lúc này, chu kỳ kinh nguyệt biến mất hoàn toàn, phụ nữ sẽ xuất hiện các dấu hiệu mãn kinh như bốc hỏa, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ,...
  • Hóa trị và xạ trị: Chị em phụ nữ khi phải sử dụng các liệu pháp điều trị ung thư có thể gây mãn kinh. Nhưng trường hợp này sẽ xảy ra từ từ với thời kỳ tiền mãn kinh trong vòng vài tháng tới vài năm trước khi mãn kinh thực sự xảy ra.
  • Suy buồng trứng sớm: Buồng trứng có nhiệm vụ nuôi dưỡng trứng trưởng thành để rụng và thụ thai. Khi buồng trứng tới giai đoạn lão hóa sẽ ngừng hoạt động chức năng ở phụ nữ từ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi.
  • Suy giảm nội tiết tố nữ: Nội tiết tố nữ estrogen là hormone giúp nữ giới có vẻ đẹp và sự quyến rũ. Từ 30 tuổi trở đi, lượng hormone trong cơ thể phụ nữ bắt đầu suy giảm. Khi tới độ tuổi mãn kinh, lượng hormone suy giảm mạnh.

Đối tượng mãn kinh

Tuổi mãn kinh tự nhiên trung bình thường xảy ra ở tuổi 45 - 55 tuổi. Ở những nước có nền kinh tế phát triển, tuổi mãn kinh tự nhiên trung bình khoảng 51. Còn những nước đang phát triển, tuổi mãn kinh tự nhiên trung bình khoảng 48 tuổi. Còn tại Việt Nam, tuổi mãn kinh trong khoảng 47 - 52 tuổi.

Mãn kinh
Tuổi mãn kinh xảy ra ở độ tuổi 45 - 55

Triệu chứng mãn kinh

Tùy mỗi người mà các triệu chứng cũng thay đổi và khác nhau. Có người chỉ gặp một số triệu chứng nhẹ thoáng qua, có người mắc phải hàng loạt những biến đổi tâm sinh lý. Cụ thể như sau:

  • Kinh nguyệt không đều: Nội tiết tố estrogen giảm sút khiến chu kỳ kinh nguyệt có thể không đều, dừng đột ngột, ngắn lại hoặc thưa ra, rong kinh, rong huyết. Lượng máu kinh cũng không đều như trước.
  • Rối loạn chức năng tình dục, giảm ham muốn: Estrogen suy giảm khiến âm đạo bị khô, giảm hoặc không tiết chất nhờn khiến quan hệ tình dục trở nên khó khăn, gây đau rát. Lâu ngày khiến nhu cầu tình dục cũng giảm đáng kể.
  • Bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm: Cơ thể sẽ nóng bừng ở nửa trên, những cơn bốc hỏa đột ngột làm chị em đổ mồ hôi, nhất là về đêm. Đây là triệu chứng mãn kinh phổ biến nhất.
  • Mất ngủ, gián đoạn giấc ngủ: Cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm gây ra tình trạng mất ngủ, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
  • Chóng mặt, nhức đầu: Sự thay đổi nồng độ estrogen có thể gây ra những thay đổi trong não, hệ thống thần kinh và mạch máu. Estrogen ảnh hưởng tới các động mạch - đây là bộ phận giữ cho mạch máu linh hoạt, giãn nỡ, co bóp để thích ứng với lưu lượng dòng máu. Vì thế, sự suy giảm estrogen trong thời kỳ này gây ra hiện tượng chóng mặt, đau đầu.
  • Chuyển hóa chậm, tăng cân: Estrogen có tác dụng đồng hóa, làm tăng khối lượng cơ. Estrogen suy giảm dẫn tới sự tăng tự nhiên khối mỡ, giảm khối cơ.
  • Sự thay đổi về tâm sinh lý: Chị em phụ nữ trở nên trầm mặc, lo âu, băn khoăn, thất vọng, chán nản. Tính tình dễ cáu gắt, khó chịu, dễ bị kích động.
  • Sự thay đổi vẻ bề ngoài: Da dẻ trong giai đoạn này xấu hơn, nhiều nếp nhăn, nám, sạm, tóc yếu, dễ gãy rụng và dần chuyển màu,... móng trở nên giòn, dễ gãy, có mùi cơ thể.
  • Khô âm đạo: Nồng độ estrogen suy giảm có thể gây giảm dịch nhờn âm đạo. Khi khả năng bôi trơn giảm, các mô âm đạo trở nên mỏng hơn gây đau rát khi quan hệ tình dục và viêm âm đạo.
  • Loãng xương, dễ mắc các bệnh tim mạch: Xương trở nên xốp, mỏng, giòn, dễ gãy, tỷ lệ mắc loãng xương là rất cao. Estrogen có tác dụng loại bỏ các chất mỡ có hại trong máu, giữ tính đàn hồi, mềm mại, suy giảm khiến chị em có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao.
  • Những biến đổi ở âm đạo: Âm đạo xuất hiện các dấu hiệu như âm đạo dần teo mỏng, âm đạo khô rát, ngứa ngáy, dễ bị xây xước hoặc nhiễm trùng.

man kinh
Các triệu chứng mãn kinh gây ra những khó chịu và phiền toái cho chị em

Biến chứng mãn kinh

Mãn kinh là quá trình tất yếu xảy ra đối với mọi nữ giới, theo đó, các chị em nếu không có biện pháp chăm sóc sức khỏe thật tốt ở giai đoạn này sẽ thấy cơ thể yếu đi rất nhiều. Thường xuyên gặp các vấn đề đau nhức xương khớp, cơ thể mệt mỏi, bực dọc, tâm lý xảy ra nhiều căng thẳng, khó chịu. Bên cạnh đó, còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác. Do đó, nên sớm có những biện pháp để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của mãn kinh.

Chẩn đoán mãn kinh 

Để chẩn đoán tình trạng mãn kinh, các bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra thể chất và lấy mẫu xét nghiệm để loại trừ các tình trạng khác. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm để đo mức estradiol. Nồng độ estradiol thấp sẽ chỉ ra buồng trứng đang bắt đầu suy giảm chức năng. Khi nồng độ estradiol dưới 30, nó có thể báo hiệu đây là thời kỳ mãn kinh.

Tuy nhiên, xét nghiệm quan trọng nhất được sử dụng để chẩn đoán mãn kinh sớm là xét nghiệm máu đo hormone kích thích nang trứng (FSH). FSH làm buồng trứng sản xuất estrogen. Mức độ FSH sẽ tăng lên khi buồng trứng làm chậm quá trình sản xuất estrgen. Khi mức độ FSH tăng lên trên 40mIU/mL, điều này cho thấy chị em đang trong thời kỳ mãn kinh.

Điều trị mãn kinh

Như đã nói ở trên, mãn kinh là giai đoạn sinh lý tự nhiên của mỗi chị em phụ nữ vì vậy không cần điều trị y tế trong thời kỳ này. Tuy nhiên, chị em phụ nữ có thể áp dụng một số phương pháp để giảm bớt những triệu chứng khó chịu, phiền toái mà mãn kinh gây ra.

Thuốc Tây giảm mãn kinh

Trong một số trường hợp, các triệu chứng rối loạn mãn kinh nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống, các bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc sau đây:

  • Thuốc bổ sung canxi và vitamin D: Loãng xương là triệu chứng thường gặp nhất khi phụ nữ bước vào tiền mãn kinh do sự thiếu hụt estrogen gây ra. Vì thế các bác sĩ sẽ bổ sung các loại thuốc và thực phẩm có nhiều canxi và vitamin D. 
  • Thuốc chống trầm cảm: Loại thuốc này có tác dụng đẩy lùi các triệu chứng do rối loạn vận mạch trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh ở phụ nữ như bốc hỏa, đỏ bừng mặt, đổ mồ hôi và đêm. 
  • Sử dụng liệu pháp thay thế hormone (HRT): Đây được coi là phương pháp hàng đầu giúp giảm tình trạng bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi vào ban đêm. Ngoài ra còn giúp cải thiện tình trạng khô âm đạo và duy trì mật độ xương. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa hormone estrogen hoặc progesterone tổng hợp vào cơ thể để cân bằng nội tiết tố bị thiếu hụt.
  • Estrogen âm đạo: Loại này có dạng kem bôi trực tiếp vào âm đạo, viên nén hoặc vòng đặt. Thuốc có tác dụng làm giảm khô, khó chịu khi quan hệ.

man kinh
Bác sĩ sẽ dựa vào mức độ các triệu chứng để kê một số loại thuốc

Do các loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ nên mọi người cần tuân thủ theo hướng dẫn của các bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý mua và sử dụng thuốc tại nhà.

Thuốc Đông y

Thuốc Đông y chữa mãn kinh dựa vào những biểu hiện cụ thể ở từng người mà có những bài thuốc tương ứng.

Một số bài thuốc Đông y có thể áp dụng như sau:

  • Bài thuốc thể âm hư nội nhiệt: Các nguyên liệu bao gồm sinh địa, thục địa, đơn bì, phục linh, trạch tả, hoàng bá, tri mẫu, địa cốt bì, sơn thù nhục, sinh long cốt, sinh mẫu địa. Mỗi ngày sắc một thang thuốc và uống đều đặn trong khoảng 1 - 2 tháng.
  • Bài thuốc thể thận âm hư - chứng hư can vượng: Chị em chuẩn bị hoài sơn, sinh địa, sơn thù, đơn bì, trạch tả, bạch linh, kỷ tử, cúc hoa, hạ khô thảo, sao dấm, bạch thược, câu đằng. Với những người có triệu chứng mất ngủ, có thể bổ sung thêm táo nhận, bá tử nhân, dạ giao đằng.
  • Bài thuốc điều trị tình trạng bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm: Chuẩn bị 30g phù tiểu mạch, 10 quả đại táo, 10g cam thảo. Rửa sạch các nguyên liệu trên rồi cho vào nồi thêm khoảng 2 chén nước và đun ở lửa vừa tới khi thuốc cạn còn khoảng 1 chén thì tắt bếp. Uống thuốc mỗi ngày trong vòng 1 tháng, các triệu chứng bốc hỏa, đổ mồ hôi sẽ cải thiện rõ ràng.

Do thuốc Đông y có tác dụng chậm nên mọi người cần kiên trì sử dụng trong thời gian dài, tránh bỏ dở thuốc giữa chừng và uống thuốc khi còn ấm để đạt được hiệu quả tốt nhất.

man kinh
Thuốc Đông y giúp đẩy lùi triệu chứng mãn kinh

Mẹo dân gian

Trong quá trình dùng thuốc trị các triệu chứng mãn kinh, chị em cũng có thể kết hợp bổ sung các loại thực phẩm như sau:

  • Tăng cường bổ sung các loại ngũ cốc: Các loại ngũ cốc nguyên hạt có nhiều chất dinh dưỡng như chất xơ, vitamin B,... có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư và tử vong sớm.
  • Thực phẩm giàu canxi: Chị em hãy bổ sung thực phẩm giàu canxi trong chế độ ăn hàng ngày như tôm, cua, ốc, trứng, các loại rau cải, sữa và các sản phẩm từ sữa,...
  • Thực phẩm giàu chất sắt: Bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt như thịt nạc đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng, rau xanh, các loại hạt và các sản phẩm ngũ cốc.
  • Thực phẩm giàu chất xơ: Ngoài những vấn đề sức khỏe tôi nêu ở trên, táo bón cũng là tình trạng phổ biến ở phụ nữ thời mãn kinh. Chị em nên tăng cường ăn những loại thực phẩm giàu chất xơ như: ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả, các loại đậu,... để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, ăn nhiều chất xơ cũng khiến no lâu hơn, hạn chế cảm giác thèm ăn, duy trì cân nặng tránh nguy cơ béo phì tuổi mãn kinh.
  • Rau xanh và trái cây tươi: Rau xanh và trái cây tươi cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho phụ nữ tuổi mãn kinh. Ngoài ra, loại thực phẩm này còn giúp ngăn ngừa lão hóa, kiểm soát lượng đường trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Uống đủ nước: Cần uống đủ lượng nước mỗi ngày, theo khuyến cáo là 1,5 - 2 lít nước/ngày. Nước giúp cơ thể đào thải các chất độc hại, làm da mềm mại, bớt nhăn hơn. Chị em có thể uống nước lọc, nước canh hoặc nước trái cây ép, không nên uống các loại nước ngọt có gas, cà phê, trà đặc,...

Phòng tránh mãn kinh

Giống như những giai đoạn trước, khi bước vào thời kỳ mãn kinh, cơ thể của nữ giới đứng trước nguy cơ rối loạn. Khi biết cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giảm thiểu được tối đa tình trạng này. Một số biện pháp mà chị em có thể áp dụng tại nhà như sau:

  • Xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học, lành mạnh ngay khi bước vào thời kỳ mãn kinh.
  • Tăng cường bổ sung các loại rau củ quả, đặc biệt là thực phẩm giàu canxi, omega-6,  omega-3 và vitamin D.
  • Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, các bộ môn như khiêu vũ, yoga,... để giúp cơ thể khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng.
  • Chú ý theo dõi sức khỏe bản thân, khi gặp phải những vấn đề sức khỏe, chị em nên đi khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện kịp thời những bất thường của cơ thể.
  • Từ bỏ những thói quen xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe như thức khuya, ăn uống không khoa học, sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.

Trên đây là những thông tin về mãn kinh mà chị em cần biết. Đây là giai đoạn sinh lý tự nhiên ở nữ giới, ai cũng phải trải qua giai đoạn này, việc nắm bắt những thông tin về hội chứng này sẽ giúp chị em có thể vượt qua thời kỳ này dễ dàng.

Dịch vụ & Giải pháp