Khô âm đạo không phải là tình trạng hiếm gặp ở chị em phụ nữ. Mặc dù khô âm đạo không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nhưng lại gây ra những ảnh hưởng về tâm lý, những khó chịu, phiền toái, ảnh hưởng tới đời sống chăn gối vợ chồng. Vậy khô âm đạo là gì? Nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị tình trạng này như thế nào? Độc giả hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Định nghĩa khô âm đạo
Khô âm đạo hay khô hạn vùng kín là tình trạng thành âm đạo thiếu chất bôi trơn khiến vùng kín bị khô, không đủ lượng dịch nhầy để bảo vệ âm đạo trước sự xâm nhập của vi khuẩn, gây cảm giác khó chịu, đau rát trong quá trình quan hệ tình dục.
Estrogen, hormone sinh dục nữ đảm nhiệm vai trò tăng tiết dịch nhờn ở âm đạo, giúp âm đạo duy trì độ ẩm, có tính đàn hồi và mềm mại. Khi nồng độ estrogen suy giảm, các chất nhờn âm đạo ít đi, không sản xuất đủ cho âm đạo và gây ra khô rát, thành âm đạo mỏng đi.
Theo các số liệu thống kê, tình trạng khô âm đạo là triệu chứng điển hình ở thời kỳ tiền mãn kinh. Sau giai đoạn này, khô hạn vùng kín sẽ diễn ra thường xuyên, nhiều trường hợp gặp phải tình trạng teo âm đạo.
Nguyên nhân khô âm đạo
Nguyên nhân chính khiến âm đạo bị khô đó là sự suy giảm của nồng độ estrogen. Tuổi càng cao, nồng độ estrogen sẽ sản xuất ít đi. Điều này dẫn tới việc kết thúc kinh nguyệt trong thời gian tiền mãn kinh. Nhưng mãn kinh không phải là nguyên nhân duy nhất làm giảm sản xuất estrogen. Một số nguyên nhân khác như:
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú: Trong giai đoạn này, nồng độ estrogen giảm xuống kéo theo dịch nhờn âm đạo giảm.
- Hút thuốc lá: Thói quen này ảnh hưởng tới lưu lượng máu đến các mô của cơ thể, bao gồm cả âm đạo.
- Căng thẳng, stress quá mức: Tinh thần không ổn định làm khó đạt được hưng phấn, hạn chế tiết dịch âm đạo. Căng thẳng có thể gây ra quá trình viêm khác trong cơ thể, ảnh hưởng tới lưu lượng máu hoặc hệ thống thần kinh dẫn truyền.
- Dung dịch vệ sinh: Các thành phần có trong dung dịch vệ sinh vùng kín có thể làm khô các mô âm đạo. Nhiều chị em thụt rửa âm đạo sâu cũng làm cho vùng kín khô hơn.
- Sử dụng thuốc tránh thai: Loại thuốc này làm giảm nồng độ estrogen và gây ra khô âm đạo.
- Sử dụng thuốc histamin: Thuốc kháng histamine làm ngăn chặn tác động của các phản ứng dị ứng, ngăn chặn những phản ứng điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh chịu trách nhiệm bôi trơn âm đạo.
- Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và thuốc chống trầm cảm ba vòng, có thể gây ra tác dụng phụ gây khô âm đạo.
- Mắc hội chứng Sjogren: Đây là tình trạng rối loạn tự miễn dịch tấn công các tế bào sản xuất độ ẩm cho cơ thể.
- Phương pháp hóa trị/xạ trị: Những người đang dùng các phương pháp hóa trị, xạ trị để điều trị ung thư có nguy cơ cao mắc khô âm đạo.
- Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng: Vì lý do nào đó, bác sĩ chỉ định cắt bỏ buồng trứng, hiện tượng thiếu hụt hormone sinh dục nữ có thể gây ra hiện tượng khô âm đạo và đau khi quan hệ tình dục.
Đối tượng mắc khô âm đạo
Khô âm đạo là bệnh lý có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau do lượng estrogen thấp hoặc do nhiễm trùng. Cụ thể với những cột mốc dưới đây, chị em cần đặc biệt chú ý:
- Phụ nữ sau tuổi 30: Chị em phụ nữ sau 30 tuổi bắt đầu phải đối mặt với những dấu hiệu của suy giảm nội tiết. Trong đó tình trạng khô âm đạo, giảm ham muốn cũng gây ảnh hưởng tới đời sống của nhiều chị em.
- Phụ nữ sau sinh: Trong quá trình mang thai, nồng độ estrogen trong cơ thể tăng nhanh chóng để đảm bảo của sự phát triển của thai nhi. Sau khi sinh, lượng nội tiết estrogen lại giảm đột ngột để cho hormone prolactin (đây là hormone kích thích cơ thể tiết sữa cho bé bú) Vì thế nội tiết tố nữ mất cân bằng, gây ra tình trạng khô âm đạo.
- Phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh: Thông thường, phụ nữ khi bước vào độ tuổi 40 sẽ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Khi đó buồng trứng giảm hoạt động kéo theo sự suy giảm nội tiết estrogen nhanh chóng.
- Phụ nữ sau phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng: Buồng trứng là cơ quan có vai trò sản xuất nội tiết tố nữ estrogen. Việc phẫu thuật cắt bỏ 1 hoặc 2 bên buồng trứng kiến nội tiết tố nữ suy giảm hoặc không còn sản xuất được nữa. Phụ nữ sẽ phải đối mặt với những triệu chứng như giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, trong đó có biểu hiện đau, khô rát nghiêm trọng khi quan hệ tình dục.
Triệu chứng khô âm đạo
Khô âm đạo khiến chị em phụ nữ luôn cảm thấy khó chịu ở vùng âm đạo và vùng chậu. Một số triệu chứng phổ biến người bệnh có thể gặp như:
- Khô rát vùng kín, đau hoặc nóng khó chịu: Đây là triệu chứng thường gặp nhất khi phụ nữ bị khô hạn.
- Bị ngứa âm đạo: Vùng kín ngứa ngáy, bứt rứt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và chất lượng cuộc sống, mất tự tin trong đời sống chăn gối.
- Chảy máu khi yêu: Không chỉ khiến chị em thấy bứt rứt, khó chịu mà còn gây chảy máu khi quan hệ. Chị em cần hết sức lưu ý nếu gặp phải các triệu chứng này.
- Thường xuyên bị viêm nhiễm vùng kín: Khô hạn khiến môi trường âm đạo không ổn định, niêm mạc âm đạo cũng trở nên yếu hơn tạo điều kiện thuận lợi khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và phát triển trong âm đạo và gây ra các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
Biến chứng khô âm đạo
Mặc dù khô âm đạo không gây nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng tới đời sống tình dục của chị em. Nếu tình trạng này không được cải thiện sẽ gây ra một số ảnh hưởng tới sức khỏe của chị em như:
- Ảnh hưởng đến tinh thần, khiến nhiều phụ nữ suy giảm ham muốn: Khô âm đạo gây ra tình trạng đau, khô rát khi quan hệ. Nếu tình trạng này kéo dài khiến chị em sợ “yêu”, mất dần ham muốn tình dục.
- Làm tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa: Như đã nói ở trên, âm đạo khô khiến quan hệ tình dục dễ gây tổn thương, đau rát, sưng tấy, chảy máu âm đạo. Dịch nhờn tiết ra ít làm mất cân bằng độ pH tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh dễ dàng tấn công, gây viêm phụ khoa.
- Giảm khả năng thụ thai: Mặc dù khô âm đạo không gây vô sinh nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến quá trình thụ thai trở nên khó khăn. Từ đó làm giảm khả năng thụ thai ở phụ nữ.
- Bị teo âm đạo: Tình trạng khô hạn kéo dài khiến niêm mạc âm đạo đàn hồi kém, màng âm đạo mỏng dần, từ đó gây ra hiện tượng teo âm đạo.
- Ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình: Khô hạn làm chị em khó chịu, đau rát, ảnh hưởng tới cảm xúc của bạn đời khi quan hệ, không thỏa mãn nhu cầu tình dục. Tình trạng này gây ra những bất đồng và rạn nứt tình cảm vợ chồng.
Chẩn đoán bệnh khô âm đạo
Để chẩn đoán bệnh khô âm đạo, các bác sĩ có thể thực hiện việc thăm khám và xét nghiệm sau đây:
- Kiểm tra vùng chậu: Bác sĩ kiểm tra trực quan sinh dục bên ngoài, âm đạo, cổ tử cung
- Pap test: Thu mẫu tế bào ở cổ tử cung để kiểm tra bằng kính hiển vi. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể lấy mẫu từ các chất tiết âm đạo để kiểm tra các dấu hiệu của viêm âm đạo hoặc kiểm tra thay đổi âm đạo liên quan tới thiếu hụt estrogen.
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm mẫu nước tiểu, phân tích cho điều kiện tiểu.
Điều trị khô âm đạo
Đây chắc hẳn là vấn đề được nhiều chị em quan tâm nhất. Có nhiều cách để tăng dịch nhờn âm đạo từ áp dụng các mẹo dân gian, uống thuốc tây cho tới dùng thuốc đông y.
Chị em có thể tham khảo các cách điều trị khô âm đạo dưới đây:
Cách điều trị khô âm đạo tại nhà
Đây là phương pháp điều trị khô âm đạo được nhiều chị em lựa chọn bởi an toàn, lành tính, dễ thực hiện và cũng tiết kiệm chi phí. Những mẹo dân gian chị em có thể áp dụng đó là:
- Chữa khô âm đạo bằng lá trầu không: Rửa sạch một ít lá trầu không và cho vào nồi đun sôi. Cho nước lá trầu không ra chậu nhỏ hoặc xô và ngồi vào đó để xông vùng kín. Chị em xông từ 15 - 20 phút cho tới khi nước nguội hẳn. Ngoài ra cũng có thể xay nhuyễn lá trầu không, thêm một chút nước ấm, lọc lấy nước và vệ sinh vùng âm đạo.
- Uống sữa đậu nành: Ngâm đậu qua đêm, nhặt bỏ vỏ rồi cho vào máy xay sinh tố cùng 1 lít nước. Lọc bỏ bã và đun sôi phần sữa trong khoảng 3 phút. Chị em thêm một chút đường vào và uống 3 lần/ngày trước mỗi bữa ăn.
- Rau sam và trứng gà trị khô âm đạo: Rau sam rửa sạch, giã nhỏ rồi vắt lấy nước. Trứng gà luộc và lấy lòng trắng dăm nhỏ và uống cùng nước rau sam. Nên sử dụng cách làm này sau mỗi bữa ăn để đạt được kết quả tốt nhất.
- Chữa khô hạn bằng củ từ: Củ từ luộc chín, bóc vỏ, xay nhuyễn và trộn cùng 2 thìa mật ong nguyên chất. Lấy hỗn hợp này, thoa và massage vùng kín để kích thích tuyến nhờn phát triển. Sau đó rửa sạch lại với nước ấm. Áp dụng cách làm này 2 - 3 lần/tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Sử dụng đậu bắp và nghệ: Đun 2 quả đậu bắp với 200ml nước tới khi nước sánh lại. Khuấy đều 2 thìa bột nghệ tinh chất vào, có thể thêm một chút đường cho dễ uống. Uống hỗn hợp này hàng ngày.
Mặc dù các mẹo giúp cải thiện tình trạng khô rát hiệu quả nhưng chỉ áp dụng với tình trạng bệnh nhẹ, không có tác dụng trị khỏi khô âm đạo. Do đó, khi áp dụng cách làm này, chị em cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, không nên lạm dụng các phương pháp này.
Thuốc chữa khô hạn ở phụ nữ
Sau khi thăm khám, nắm rõ được tình trạng, mức độ bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cho chị em sử dụng một số loại thuốc, một số phương pháp trị khô hạn.
Phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay đó là liệu pháp thay thế hormone estrogen. Liệu pháp này có tác dụng giúp thay thế những loại hormone mà cơ thể đã mất khả năng sản xuất, qua đó cải thiện các triệu chứng khó chịu của khô âm đạo.
Ngoài ra một số phương pháp bổ sung estrogen khác được bác sĩ chỉ định tình trạng âm đạo bị khô đó là:
- Thuốc đặt âm đạo có chứa Estradiol (ví dụ như Vagifem): Loại thuốc này có tác dụng làm dày niêm mạc âm đạo, tăng tiết dịch âm đạo, ngoài ra estrogen tạo ra lượng glycogen dồi dào, tiết ra acid lactic giúp môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, hạn chế vi khuẩn có hại. Do vậy, âm đạo không bị khô, viêm nhiễm.
- Vòng âm đạo có chứa Estrogen (Estring): Các bác sĩ sẽ đặt vào âm đạo bệnh nhân một chiếc vòng mềm và dẻo để tiết trực tiếp estrogen vào vùng mô của cơ quan này. Chiếc vòng này sẽ được thay mới 3 tháng/lần.
- Kem bôi âm đạo có chứa Estrogen (Premarin, Estrace): Chị em bôi trực tiếp dạng kem này vào âm đạo và duy trì đều đặn trong khoảng 1 - 2 tuần. Sau đó sẽ giảm tần suất xuống 1 - 3 lần/tuần.
Dùng thuốc để trị khô âm đạo được nhiều người lựa chọn bởi hiệu quả mang lại nhanh nhưng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ, ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Vì vậy, chị em không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc mua thuốc và sử dụng tại nhà mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc Đông y trị khô âm đạo
Các bài thuốc Đông y sử dụng các loại thảo dược quý hiếm từ tự nhiên qua quá trình bào chế tạo thành các bài thuốc với các công dụng khác nhau. Vì thế thuốc Đông y an toàn, lành tính và không gây tác dụng phụ.
Theo quan niệm Đông y, nguyên nhân gây ra khô âm đạo ở nữ giới là do các thể can uất tỳ hư (do tâm trạng, chế độ ăn uống của người bệnh), tinh khí của thận âm hư (hàm lượng estrogen suy giảm), thận dương bất túc (cơ thể mệt mỏi làm giảm ham muốn).
Đông y có nhiều phương pháp điều trị phổ biến như: châm cứu, thuốc xoa bóp, thuốc uống hay thuốc bôi ngoài da. Nhưng đối với trường hợp chữa bệnh khô âm đạo bằng Đông y, thầy thuốc sẽ kê đơn thuốc bằng đường uống để bổ sung nội tiết tố nữ estrogen làm giảm tình trạng khô hạn và tăng ham muốn.
Một số bài thuốc có thể áp dụng đó là:
- Bài thuốc Tiêu giao tán: Các thành phần cần chuẩn bị đó là: 40g sài hồ, 40g đương quy, 20g chích thảo, 40g bạch thược, 40g bạch truật, 40g bạch linh. Đem các nguyên liệu trên tán thành bột khô. Hòa 6 - 9g/lần uống và uống 2 lần/ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Bài thuốc Bổ thiên đại táo hoàn gia giảm: Các thành phần trong bài thuốc bao gồm 15g đẳng sâm, 10g hoàng kỳ, 10g bạch truật, 12g cao quy bản, 15g nữ trinh tử, 30g tang thầm, 12g lộc giác giao, 10g sơn thù, 15g thục địa, 15g câu kỷ tử, 10g A giao, 10g nhục thung dung. Đem các nguyên liệu trên sắc cùng 500ml nước trong vòng 45 phút, chia thuốc thành 3 phần bằng nhau và uống trong ngày.
- Bài thuốc Thể khí huyết bất túc: Các thành phần: Đẳng sâm 20g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 10g, a giao 10g, lộc giác phấn 1g, cam thảo 6g, thục địa 15g, tiên linh tỳ 10g, ba kích 10g, bạch linh 10g, đương quy 10g, xuyên khung 6g, sinh địa 15g, thỏ ty tử 10g, nhục thung dung 10g. Sắc các nguyên liệu trên với 500ml nước trong vòng 45 phút ở lửa vừa. Chia thuốc thành các phần bằng nhau và uống hết trong ngày. Mỗi ngày sắc một thang thuốc.
Thuốc Đông y có tác dụng chậm nên mọi người cần kiên trì sử dụng thuốc trong thời gian dài, tránh bỏ dở thuốc giữa chừng làm ảnh hưởng tới kết quả điều trị và nên uống thuốc khi thuốc còn ấm.
Phòng tránh bệnh khô âm đạo
Ngoài áp dụng các biện pháp điều trị như trên, các bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây để tình trạng bệnh nhanh chóng được cải thiện.
- Bị khô âm đạo nên ăn gì? Chị em cần xây dựng chế độ ăn uống điều độ, khoa học, bổ sung thêm nhiều rau xanh, các loại hoa quả tươi giàu các vitamin A, C, E (đỗ, đậu, ổi, đậu nành, cải xanh, bí ngô, cà rốt, bưởi, kiwi, mầm đậu nành, sữa…). Tránh ăn các loại thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, đồ uống có cồn và cafein,...
- Uống đủ lượng nước khuyến cáo mỗi ngày từ 1,5 - 2 lít. Ngoài ra chị em cũng có thể uống kết hợp các loại nước ép hoa quả.
- Tránh dùng các sản phẩm gây kích ứng cho âm đạo.
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao điều độ, tham gia tập yoga, khiêu vũ,...
- Giữ tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái, tránh căng thẳng, stress.
- Vệ sinh âm đạo sạch sẽ, đúng cách. Không nên thụt rửa quá sâu vào âm đạo.
- Kiểm tra và tái khám sức khỏe định kỳ để được theo dõi diễn biến các triệu chứng và tình trạng sức khỏe.
Trên đây là thông tin về khô âm đạo mà benhvienfavina muốn cung cấp thông tin đến quý độc giả. Mặc dù khô âm đạo không gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng gây ra những triệu chứng khó chịu, phiền toái do đó hãy thăm khám sớm để được tư vấn cách điều trị tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!