Nổi mề đay sau khi ăn hải sản là dấu hiệu cơ thể bị dị ứng với protein trong tôm, cua, mực, nghêu,… Tình trạng này thường bùng phát đột ngột, ồ ạt trong vài phút và có thể thuyên giảm hoàn toàn sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, dị ứng hải sản có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng.

nổi mề đay khi ăn hải sản
Bị nổi mề đay khi ăn hải sản nguyên nhân do đâu? Nguy hiểm không?

Nguyên nhân nổi mề đay khi ăn hải sản

Nổi mề đay khi ăn hải sản là dấu hiệu cho thấy cơ thể bị dị ứng với protein trong các loại hải sản – thường là hải sản có vỏ như tôm, cua, nghêu, sò,… Trong trường hợp này, protein trong các loại hải sản có vai trò như “dị nguyên” kích thích phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch và kết quả là gây nổi các sẩn, mảng, phát ban da kèm theo ngứa ngáy và nóng rát.

Nổi mề đay do dị ứng hải sản có thể xảy ra do các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ sau:

1. Nguyên nhân trực tiếp

Mề đay do dị ứng hải sản là phản ứng dị ứng qua trung gian IgE. Tức là khi dung nạp hải sản, hệ miễn dịch nhạy cảm với protein có trong thực phẩm và đối kháng bằng cách tăng sản xuất kháng nguyên đặc hiệu (IgE). Nồng độ IgE trong máu tăng cao hoạt hóa tế bào mast, phóng thích các chất gây viêm và giải phóng histamine vào da, niêm mạc.

Mặc dù có cơ chế phức tạp với sự tham gia của nhiều yếu tố nhưng histamine được xem là yếu tố quan trọng, trực tiếp gây ra tình trạng nổi mề đay và các triệu chứng đi kèm.

Histamin có đặc tính giãn mao mạch và tăng tính thấm của mạch máu. Kết quả là làm rò rỉ dịch và protein trong huyết tương vào da gây ra các mảng phát ban, sẩn đỏ khiến bề mặt da nóng rát, ngứa ngáy và châm chích nhẹ. Ngoài ra, histamine còn được giải phóng vào niêm mạc hầu họng, phế quản, thanh quản và cơ trơn đường tiêu hóa.

2. Yếu tố nguy cơ

Hải sản là nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng. Tuy nhiên, tình trạng dị ứng hải sản gây nổi mề đay chỉ xảy ra với một số cá thể nhất định. Do đó theo các chuyên gia, nguy cơ nổi mề đay khi ăn hải sản có thể tăng lên nếu có những yếu tố sau:

  • Cơ địa dị ứng: Người có cơ địa dị ứng thường có nguy cơ dị ứng cao hơn so với bình thường. Mặc dù chưa có lý giải cụ thể nhưng người có cơ địa dị ứng dễ mẫn cảm hơn với các yếu tố dị ứng và kích thích. Do đó, khi dung nạp hải sản, hệ miễn dịch có xu hướng phản ứng thái quá bằng cách tăng IgE và giải phóng histamine vào da.
  • Tiền sử gia đình: Các bệnh lý dị ứng thường có tính chất gia đình. Do đó, nguy cơ nổi mề đay do dị ứng hải sản có thể tăng lên nếu tiền sử ba mẹ hoặc anh chị em ruột gặp phải tình trạng này.
  • Sử dụng hải sản không đảm bảo: Thực tế, nguy cơ dị ứng có thể tăng lên nếu dùng hải sản không rõ nguồn gốc, hải sản ôi thiu, kém chất lượng,… Ngoài ra, ăn quá nhiều hải sản cũng có thể gây ngứa ngáy và nổi mề đay do cơ thể không chuyển hóa hết protein có trong thực phẩm.
  • Một số yếu tố khác: Ngoài ra, tình trạng nổi mề đay do dị ứng hải sản còn có thể xảy ra do cơ thể bị dị ứng từ trước, nhiễm trùng hoặc do thể trạng suy nhược. Những yếu tố này làm tăng mức độ quá mẫn của cơ thể, gây rối loạn đáp ứng miễn dịch khi dùng hải sản và các loại thực phẩm dễ gây dị ứng khác như mè, đậu phộng,…

Dấu hiệu

Dị ứng hải sản gây nổi mề đay là tình trạng khá phổ biến, thường bùng phát sau khi ăn hải sản gây dị ứng khoảng vài phút. Nổi mề đay có xu hướng khởi phát đột ngột và tiến triển nhanh. Ngoài tổn thương da, dị ứng hải sản còn gây ra một số triệu chứng ở đường tiêu hóa, hô hấp và toàn thân.

1. Nổi mề đay do dị ứng hải sản nhẹ

Đa phần các trường hợp nổi mề đay do dị ứng hải sản đều có mức độ nhẹ và có thể thuyên giảm sau khoảng vài ngày.

nổi mề đay khi ăn hải sản
Nổi mề đay sau khi ăn hải sản thường bùng phát nhanh, xảy ra ồ ạt nhưng đa phần đều thuyên giảm nhanh

Các dấu hiệu thường gặp, bao gồm:

  • Da xuất hiện các mảng hoặc đốm phát ban có màu hồng hoặc đỏ nhạt
  • Sau đó, nổi các sẩn/ mảng rõ rệt trên bề mặt, sờ vào cứng chắc, bờ tròn và có ranh giới rõ ràng với vùng da xung quanh
  • Tổn thương da xuất hiện ở vùng cổ họng hoặc giữa ngực, bụng, sau đó lan rộng ra vùng mặt, các chi, lưng,…
  • Mề đay thường gây ngứa, đôi khi có đi kèm với cảm giác nóng bừng và châm chích nhưng chỉ khởi phát thoáng qua, không kéo dài
  • Một số trường hợp có thể bị phù mạch (sưng mí mắt, phù môi, tay chân,…)
  • Nổi mề đay khi ăn hải sản còn gây ra một số triệu chứng ở đường tiêu hóa và hô hấp như buồn nôn, nôn mửa, đầy bụng, khó chịu, cơ thể nôn nao, tiêu chảy, ngứa mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi

Các triệu chứng này thường bùng phát mạnh, đột ngột nhưng đa phần đều thuyên giảm nhanh chóng. Rất ít trường hợp mề đay khi ăn hải sản tiến triển dai dẳng, mãn tính.

2. Nổi mề đay khi ăn hải sản mức độ nặng

Phản ứng của hệ miễn dịch đối với tác nhân dị ứng có sự khác nhau ở từng cá thể. Do đó, một số người có thể bị dị ứng hải sản nặng dẫn đến nổi mề đay ồ ạt kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

nổi mề đay khi ăn hải sản
Trong trường hợp dị ứng nặng, nổi mề đay có thể đi kèm với một số triệu chứng có mức độ nghiêm trọng

Các dấu hiệu nhận biết nổi mề đay do dị ứng hải sản nghiêm trọng:

  • Bùng phát mề đay đột ngột, lan nhanh và thường đi kèm với phù Quincke (sưng môi, sưng mí mắt, phù tay chân, ngứa cổ họng,…)
  • Choáng đầu, chóng mặt
  • Ngứa họng, khó thở kiểu hen suyễn
  • Có dấu hiệu hạ huyết áp
  • Ngất xỉu

Dị ứng hải sản nặng có thể dẫn đến tai biến dị ứng – sốc phản vệ. Do đó ngay khi nhận thấy các triệu chứng này, bệnh nhân cần đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất. Sốc phản vệ là tình trạng diễn tiến nhanh và có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Nổi mề đay khi ăn hải sản có nguy hiểm không?

Hải sản chứa nhiều đạm, khoáng chất và thành phần dinh dưỡng cần thiết đối với sức khỏe. Đây cũng là nhóm thực phẩm đa dạng về chủng loài, hương vị và được sử dụng để chế biến nhiều món ăn thơm ngon. Tuy nhiên, nhóm thực phẩm này có nguy cơ dị ứng cao hơn so với thịt, rau xanh và trái cây.

Thống kê cho thấy, dị ứng hải sản gây nổi mề đay đa phần đều có mức độ nhẹ. Triệu chứng thường tiến triển trong vài ngày và thuyên giảm nhanh chóng sau khi dùng thuốc, nghỉ ngơi và cách ly với các yếu tố dị ứng. Tuy nhiên, một số ít trường hợp cũng có thể bị dị ứng nặng dẫn đến sốc phản vệ và tử vong nếu không kiểm soát kịp thời.

Đa phần các trường hợp nổi mề đay do ăn hải sản đều thuyên giảm nhanh khi được chăm sóc và điều trị đúng cách. Rất ít trường hợp bệnh tiến triển dai dẳng và chuyển sang giai đoạn mề đay mãn tính. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có cơ địa nhạy cảm đi kèm với yếu tố thuận lợi như căng thẳng, rối loạn nội tiết tố, mắc các bệnh về tuyến giáp, mề đay có thể kéo dài và chuyển biến mãn tính. Do đó, bệnh nhân không nên chủ quan khi da bị ngứa ngáy và nổi mề đay do dị ứng hải sản.

Cách xử lý nổi mề đay do dị ứng hải sản

Nổi mề đay sau khi ăn hải sản có mức độ khá đa dạng tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Với những trường hợp nhẹ, mề đay và các triệu chứng đi kèm có thể thuyên giảm nhanh sau khi chăm sóc tại nhà và dùng thuốc không kê toa. Tuy nhiên nếu bị dị ứng nặng, bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc điều trị hoặc cấp cứu trong trường hợp cần thiết.

Các phương pháp xử lý nổi mề đay khi ăn hải sản có thể được áp dụng:

1. Ngưng ăn hải sản gây dị ứng

Ngay sau khi da nổi mề đay, ngứa ngáy, bệnh nhân nên ngưng dùng hải sản hoặc các loại thực phẩm chế biến sẵn có chứa bột tôm, cua,… Nếu tiếp tục sử dụng, cơ thể sẽ phóng thích một lượng lớn histamine vào da và làm nghiêm trọng các triệu chứng nổi mề đay. Đồng thời làm tăng mức độ trầm trọng của các triệu chứng hô hấp, tiêu hóa và có nguy cơ cao dẫn đến sốc phản vệ.

Trong trường hợp không xác định loại thực phẩm gây dị ứng, nên ngưng hoạt động ăn uống và đến ngay bệnh viện để được thăm khám, điều trị. Tại đây bác sĩ sẽ thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán như xét nghiệm IgE đặc hiệu, test lẩy da,… để xác định dị nguyên cụ thể.

Ngoài việc ngưng dùng hải sản, bệnh nhân cũng nên hạn chế các yếu tố có khả năng kích thích mề đay bùng phát và lan rộng như mủ thực vật, nọc độc côn trùng, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, kích thích cơ học (chà xát, tỳ đè, gãi cào,…). Dù không phải là nguyên nhân bùng phát bệnh nhưng các yếu tố này có thể khiến mề đay chuyển biến nặng, phát triển dai dẳng và mãn tính.

2. Áp dụng mẹo cải thiện tại nhà

Trong trường hợp dị ứng hải sản chỉ gây nổi mề đay, ngứa ngáy nhẹ kèm đau bụng, tiêu chảy,… bệnh nhân có thể áp dụng một số mẹo cải thiện tại nhà như:

nổi mề đay dị ứng thức ăn
Có thể dùng trà gừng mật ong ấm để giảm nhẹ các triệu chứng nổi mề đay do dị ứng hải sản
  • Uống nước ấm: Ngay sau khi da nổi mề đay, nên uống 1 ly nước ấm để hỗ trợ trung hòa “dị nguyên” trong niêm mạc cổ họng và ống tiêu hóa. Ngoài ra, uống nhiều nước còn giúp bù chất lỏng do tiêu chảy và nôn mửa.
  • Tắm nước mát: Tắm nước mát là cách trị mề đay tại nhà đơn giản và mang lại hiệu quả khá rõ rệt. Để tăng hiệu quả, bệnh nhân có thể thêm tinh dầu bạc hà hoặc khuynh diệp vào nước tắm. Cách này giúp giảm mức độ ngứa ngáy, hỗ trợ tiêu viêm, giảm các sẩn và ban đỏ trên da.
  • Uống trà gừng mật ong: Trà gừng mật ong có đặc tính chống viêm và kháng dị ứng. Do đó ngay sau khi nổi mề đay do ăn hải sản, bệnh nhân có thể dùng 1 tách trà ấm để giảm nhẹ các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau họng, cơ thể nôn nao,…
  • Dùng kem dưỡng chứa menthol: Kem dưỡng chứa menthol có tác dụng làm mát da, giảm ngứa ngáy và tiêu sẩn ngứa. Nếu không có sẵn, bệnh nhân có thể tìm mua tại các quầy thuốc tư nhân. Sử dụng kem dưỡng chứa menthol giúp làm dịu da và giảm cảm giác khó chịu, bứt rứt nhanh chóng.
  • Nghỉ ngơi: Dị ứng hải sản thực chất là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch với protein trong thực phẩm. Phản ứng này sẽ dần thuyên giảm sau khi hệ miễn dịch ổn định và điều hòa trở lại. Để đẩy nhanh tốc độ phục hồi và rút ngắn thời gian điều trị, bệnh nhân nên dành thời gian nghỉ ngơi trong thời gian này. Tránh căng thẳng, lo âu và làm việc quá mức. Những thói quen này có thể khiến mề đay chậm lành, tiến triển dai dẳng và có nguy cơ phát triển mãn tính.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể áp dụng một số mẹo cải thiện tại nhà khác tùy theo mức độ dị ứng và các triệu chứng gặp phải. Với những trường hợp nhẹ, mề đay và các triệu chứng đi kèm thường thuyên giảm nhanh sau khi áp dụng các mẹo chữa tại nhà.

3. Thăm khám và sử dụng thuốc

Mề đay do dị ứng hải sản có đặc tính bùng phát đột ngột, ồ ạt và dễ chuyển biến thành sốc phản vệ. Do đó nếu nhận thấy mề đay đi kèm với các triệu chứng có mức độ nặng, bệnh nhân nên đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất. Tình trạng chần chừ và chủ quan có thể gây hạ huyết áp, co thắt phế quản và tử vong. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên thăm khám nếu mề đay không thuyên giảm sau 48 giờ đồng hồ.

nổi mề đay dị ứng thức ăn
Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được thăm khám và tư vấn thuốc điều trị

Hiện nay, điều trị mề đay mẩn ngứa do dị ứng hải sản chủ yếu là sử dụng thuốc. Tùy theo mức độ dị ứng, sức khỏe và độ tuổi của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc sau:

  • Thuốc tiêm Epinephrine: Epinephrine được sử dụng khi mề đay cấp do dị ứng hải sản gây ra các triệu chứng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng như khó thở, thở khò khè, hạ huyết áp, tím tái và choáng váng. Loại thuốc này có tác dụng tăng huyết áp, chống co thắt phế quản và tăng mức tiêu tụ oxy của cơ tim. Epinephrine được tiêm ngay sau khi nhập viện để phòng ngừa tử vong ở bệnh nhân bị dị ứng nặng.
  • Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 là thuốc điều trị mề đay thông dụng nhất hiện nay. Thuốc có tác dụng ức chế histamine H1, từ đó làm giảm các triệu chứng ngứa ngáy, tiêu các sẩn và mảng do mề đay gây ra. Trong trường hợp đáp ứng kém, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc kháng histamine H2 để gia tăng hiệu quả điều trị.
  • Corticoid đường uống: Corticoid đường uống được cân nhắc sử dụng khi nổi mề đay cấp có mức độ nặng và có nguy cơ cao chuyển biến thành sốc phản vệ. Thuốc thường được dùng với liều thấp trong thời gian ngắn (3 – 5 ngày) để hạn chế rủi ro và biến chứng phát sinh.

Hầu hết các trường hợp nổi mề đay do dị ứng hải sản đều thuyên giảm nhanh sau khi điều trị bằng các loại thuốc kể trên. Trong trường hợp mề đay phát triển mãn tính, bác sĩ có thể cân nhắc dùng thêm các loại thuốc khác như thuốc kháng leukotriene (Montelukast), thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Doxepin), thuốc kháng IgE dạng tiêm (Omalizumab),…

Phòng ngừa nổi mề đay do dị ứng hải sản

Nổi mề đay sau khi ăn hải sản có thể tái phát nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Hơn nữa, mức độ dị ứng ở những lần kế tiếp thường nghiêm trọng hơn so với lần đầu tiên. Do đó, tình trạng tái phát có thể phát triển thành sốc phản vệ và đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

nổi mề đay dị ứng thức ăn
Nên sử dụng cá thay thế cho các loại hải sản dễ gây dị ứng như cua, mực, tôm, nghêu, sò,…

Để phòng ngừa nổi mề đay sau khi ăn hải sản, nên thực hiện các biện pháp đơn giản sau:

  • Không sử dụng loại hải sản có tiền sử dị ứng. Ngoài ra, nên cân nhắc nguy cơ dị ứng chéo giữa các loài hải sản cùng nhóm (ví dụ như hải sản thân mềm (mực, bạch tuộc, sứa), hải sản có vỏ, các loài cá biển sâu,…).
  • Đọc kỹ thành phần trong các sản phẩm chế biến sẵn. Bởi một số hãng thường bổ sung thêm bột tôm, cua,… để tăng vị ngọt, màu sắc và mùi thơm cho món ăn. Mặc dù chỉ có hàm lượng thấp nhưng việc sử dụng các sản phẩm này vẫn có thể gây dị ứng và nổi mề đay.
  • Thực tế, cá là loài hải sản ít có khả năng dị ứng nhất. Do đó, bệnh nhân có thể dùng cá để bổ sung protein, khoáng chất thay cho các loại hải sản khác.
  • Ở một số người, nổi mề đay do ăn hải sản không xảy ra do dị ứng mà do dung nạp quá nhiều hoặc do chế biến không đúng cách. Nếu xảy ra do những nguyên nhân này, nên lựa chọn hải sản sạch, nguồn gốc rõ ràng và nấu chín hoàn toàn trước khi sử dụng. Ngoài ra, nên ăn kèm hải sản với các loại gia vị có tính ấm như tiêu, gừng, sản,… để giảm vị tanh, hàn có trong nhóm thực phẩm này.

Nổi mề đay sau khi ăn hải sản là tình trạng khá phổ biến và thường có mức độ nhẹ. Tuy nhiên nếu nhận thấy mề đay kéo dài hoặc đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng, bệnh nhân nên chủ động đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị. Tuyệt đối không chủ quan và chần chừ trước các biểu hiện bất thường của cơ thể.

Câu hỏi liên quan

Bị nổi mề đay mẩn ngứa cần kiêng gì là vấn đề được bệnh nhân quan tâm. Bởi một số yếu tố có thể khiến mề đay lan rộng, ngứa ngáy dữ dội và tiến...

Xem chi tiết

Bị nổi mề đay tắm lá gì? Tắm nước lá là cách chữa mề đay theo kinh nghiệm dân gian. Cách chữa này tận dụng các thảo dược tự nhiên có đặc tính tiêu viêm,...

Xem chi tiết

Nổi mề đay có kiêng gió không là câu hỏi được nhiều người bệnh quan tâm. Trên thực tế, không nhất thiết trường hợp mề đay nào cũng phải kiêng gió, có những trường hợp...

Xem chi tiết

Trẻ bị nổi mề đay tắm lá gì an toàn và nhanh khỏi nhất là câu hỏi khiến không ít bậc phụ huynh băn khoăn, lo lắng. Khi bị nổi mề đay, trẻ thường xuyên...

Xem chi tiết

Nổi mề đay có tắm được không? Nhiều người bệnh đang quan tâm đến vấn đề này. Do trong dân gian quan niệm rằng việc tiếp xúc với nước khi bị nổi mề đay có...

Xem chi tiết

Nổi mề đay nằm máy lạnh được không? Vấn đề này đang được nhiều người quan tâm. Do một trong những nguyên nhân khiến bệnh khởi phát có yếu tố nhiệt độ nên việc nằm...

Xem chi tiết

Cách chữa

Dinh dưỡng sức khỏe