3 Dấu Hiệu Nhận Biết Bị Nổi Mề Đay Ngứa Do Nhiễm Ký Sinh Trùng

Khác với các nguyên nhân thông thường, nổi mề đay mẩn ngứa do nhiễm ký sinh trùng không chỉ biểu hiện ngoài da mà còn đi kèm với các triệu chứng ở đường tiêu hóa và một số dấu hiệu toàn thân. Tình trạng này thường khởi phát chậm, âm ỉ nhưng có xu hướng kéo dài và dễ tái phát. 

nổi mề đay sán chó
Nhiễm ký sinh trùng (giun móc, sán chó,…) có thể gây nổi mề đay mẩn ngứa

Mề đay (mày đay) là tình trạng da liễu rất phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số ở mọi độ tuổi. Tình trạng này đặc trưng bởi hiện tượng viêm da, nổi sẩn cục cứng chắc kèm theo ngứa ngáy và nóng rát nhẹ. Mề đay thường bùng phát khi có kích thích cơ học, dị ứng thời tiết, thức ăn, tác nhân từ động vật, thực vật,…

Dù ít gặp hơn nhưng mề đay cũng có bắt nguồn từ các bệnh lý tiềm ẩn như rối loạn tuyến giáp, các bệnh lý về gan và nhiễm ký sinh trùng (giun, sán). Trong đó, mề đay do nhiễm ký sinh trùng là tình trạng thường gặp nhưng ít được chú ý và khó nhận biết. Cũng chính vì nguyên nhân này bệnh thường kéo dài dai dẳng, thậm chí tiến triển thành mề đay mãn tính– ngay cả khi tích cực điều trị và cách ly với các tác nhân dị ứng, kích ứng.

3 Dấu hiệu nhận biết nổi mề đay do ký sinh trùng

Mề đay là tình trạng viêm của mao mạch trung bì da, điển hình bởi sự xuất hiện của các mảng, sẩn cục cứng chắc, bờ tròn, nổi cộm và gây ngứa ngáy. Hơn 80% trường hợp mề đay đều khởi phát đột ngột, ồ ạt nhưng thuyên giảm nhanh. Tuy nhiên nếu xảy ra do nhiễm ký sinh trùng, nổi mề đay mẩn ngứa có những đặc tính riêng và thường đi kèm với các triệu chứng ở đường tiêu hóa và một số dấu hiệu toàn thân.

Để nhận biết nổi mề đay do ký sinh trùng, bạn có thể dựa vào 3 dấu hiệu chính sau:

1. Biểu hiện ngoài da

Mề đay là phản ứng ngoài da có các biểu hiện tương đối điển hình và dễ nhận biết. Tương tự như mề đay do những nguyên nhân khác, mề đay do nhiễm ký sinh trùng thường có các biểu hiện như sau:

nhiễm giun sán nổi mề đay
Nổi mề đay do nhiễm giun sán thường khởi phát âm ỉ, ít khi đột ngột nhưng có xu hướng dai dẳng
  • Da nổi ban đỏ, sau đó xuất hiện các đốm sẩn hoặc mảng nổi cộm so với bề mặt
  • Các sẩn đỏ trên da thường gây nóng rát nhẹ kèm theo ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội
  • Mức độ ngứa tăng lên đáng kể nếu có ma sát với quần áo, gãi cào, chà xát thường xuyên hoặc khi nhiệt độ tăng cao. Nếu xảy ra do nhiễm giun kim, tình trạng ngứa thường bùng phát nhiều vào ban đêm, ngứa nhiều ở vùng da nổi sẩn và cả hậu môn (do giun bài tiết độc tố và đẻ trứng)
  • Da toàn thân nhợt nhạt (dấu hiệu thiếu máu do nhiễm giun sán lâu ngày)

Tuy nhiên, nổi mề đay mẩn ngứa do nhiễm giun sán cũng có những dấu hiệu đặc trưng khác như:

  • Mề đay thường không bùng phát đột ngột mà chủ yếu khởi phát chậm, âm ỉ và mở rộng phạm vi ảnh hưởng dần theo thời gian
  • Ảnh hưởng chủ yếu đến vùng da ở lưng, bụng và cổ, sau đó có thể lan dần lên vùng mặt và các chi
  • Mề đay do giun sán thường âm ỉ trong vài ngày đến vài tuần, sau đó thuyên giảm và có xu hướng tái phát nhiều lần
  • Một số trường hợp có thể xuất hiện tình trạng giun sán nằm bên dưới da và dễ quan sát thấy bằng mắt thường

2. Các triệu chứng ở cơ quan tiêu hóa

Đa phần các loại giun sán đều phát triển trong ống tiêu hóa vì lây chủ yếu thông qua hoạt động ăn uống. Do đó bên cạnh tổn thương ngoài da, bạn cũng có thể xác định nổi mề đay do nhiễm giun sán qua một số triệu chứng tiêu hóa như:

nổi mề đay sán chó
Ngoài biểu hiện trên da, nổi mề đay do giun sán còn gây đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, ăn uống không ngon,…
  • Táo bón không rõ nguyên do, ngay cả khi uống nhiều nước và bổ sung nhiều rau xanh
  • Đầy hơi
  • Tiêu chảy
  • Ăn uống không ngon
  • Thường xuyên cảm thấy đói hoặc mất cảm giác thèm ăn
  • Đau bụng (thường tập trung ở vùng rốn)

3. Dấu hiệu toàn thân

Giun sán là loài ký sinh trùng sống nhờ vào dưỡng chất và máu trong cơ thể. Do đó nếu nhiễm giun sán lâu ngày, bạn có thể bị nổi mề đay kèm theo một số dấu hiệu toàn thân như:

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi do không làm việc quá sức, ăn uống điều độ và ngủ nghỉ đúng giờ
  • Có thể đi kèm với tình trạng chóng mặt, giảm trí nhớ (do sán dây hấp thu một lượng lớn vitamin B12 của cơ thể)

Trên thực tế, triệu chứng nhiễm giun sán rất đa dạng tùy thuộc vào chủng ký sinh trùng cụ thể. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp nhiễm giun sán lâu ngày đều gây ra hiện tượng nổi mề đay mẩn ngứa hoặc ngứa da đơn thuần.

Vì sao nhiễm giun sán dễ bị nổi mề đay mẩn ngứa?

Thông thường, các loại giun sán như giun kim, giun móc, sán chó,… có mặt chủ yếu trong các loài thực phẩm, thức uống không được nấu chín hoàn toàn. Ngoài ra, ký sinh trùng cũng có thể sống trên cơ thể của các loại súc vật như chó, mèo,… Tuy nhiên trong quá trình sinh hoạt, ký sinh trùng dễ lây qua người thông qua đường ăn uống hoặc có thể xâm nhập qua da (ít gặp hơn).

Nguyên nhân dẫn đến nổi mề đay do nhiễm kỳ sinh trùng thường là do ấu trùng lạc chỗ. Tức là ký sinh trùng không nằm trong ống tiêu hóa mà di chuyển đến tổ chức dưới da, phủ tạng,… Lúc này, hệ miễn dịch nhận định ký sinh trùng là “dị nguyên” và kích thích phản ứng dị ứng. Phản ứng này giải phóng một lượng lớn histamine vào da dẫn đến viêm đỏ, phát ban, ngứa ngáy và bứt rứt.

Ngoài ra, nổi mề đay cũng có thể xảy ra do nhiễm giun sán lâu ngày – ngay cả khi giun sán nằm trong ống tiêu hóa hoàn toàn. Các loại ký sinh trùng đều có đặc tính sinh sôi và phát triển bằng cách hút dưỡng chất từ vật chủ. Do đó, nhiễm giun lâu ngày còn khiến cơ thể suy nhược, hệ miễn dịch suy giảm và gây bùng phát mề đay. Như đã biết, ngoài những yếu tố ngoại sinh, mề đay còn có thể bùng phát do suy nhược cơ thể và một số bệnh lý tiềm ẩn khác.

Hơn nữa, một số loại giun sán (như giun kim, giun móc,…) có thể tiết ra độc tố gây ngứa ngáy, khó chịu. Ở người có cơ địa nhạy cảm, hệ miễn dịch thường có phản ứng đối kháng với độc tố từ giun, sán bằng cách sản sinh IgE và kích thích giải phóng histamine.

  • Xem Thêm: Xông Hơi Trị Mề Đay Có Hiệu Quả Như Lời Đồn Không? Mách Bạn 5 Bài Thuốc Xông Hơi Đơn Giản Mà Hiệu Quả Bất Ngờ

Nổi mề đay do nhiễm ký sinh trùng có nguy hiểm không?

Nổi mề đay là phản ứng thông thường của da khi cơ thể bị dị ứng. Đa phần các trường hợp mày đay đều thuyên giảm nhanh mà không cần điều trị và hiếm khi đe dọa đến sức khỏe. Ngay cả khi mề đay xảy ra do nhiễm giun sán, bệnh lý da liễu này cũng hiếm khi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, tình trạng mề đay kéo dài có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, bứt rứt, ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống.

nhiễm giun sán nổi mề đay
Nổi mề đay do nhiễm giun sán kéo dài còn gây sụt cân và suy nhược cơ thể

Vấn đề đáng lo ngại nhất không phải mề đay mà là ảnh hưởng của ký sinh trùng đối với sức khỏe – nhất là khi nhiễm giun sán trong thời gian dài. Giun sán có thể phát triển mạnh hút toàn bộ dưỡng chất trong ruột non, ruột già khiến cơ thể còi cọc, sụt cân, suy nhược, trẻ em bị suy dinh dưỡng và chậm lớn. Ngoài ra, số lượng giun sán tăng mạnh còn có thể gây tắc ruột.

Ở thể nặng hơn, ấu trùng có thể luân chuyển trong máu và di chuyển đến những cơ quan khác như mắt, não bộ, gan,… Dù không phổ biến nhưng cũng đã có trường hợp bị co giật do ấu trùng tấn công lên hệ thần kinh trung ương và gây giảm thị lực – đặc biệt là trường hợp nhiễm sán chó.

Chẩn đoán nổi mề đay do nhiễm giun sán

Nổi mề đay do nhiễm giun sán có triệu chứng tương tự như mề đay mãn tính do các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Do đó trước khi đưa ra phương án điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán như:

  • Thăm khám lâm sàng
  • Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể
  • Xét nghiệm công thức máu (phân tích tế bào máu ngoại vi để đo đinh lượng bạch cầu ái toan)
  • Xét nghiệm miễn dịch ELISA trong trường hợp ấu trùng lạc chỗ

Cách điều trị nổi mề đay do nhiễm giun sán

Nổi mề đay do nhiễm ký sinh trùng có đặc tính dai dẳng, kéo dài và dễ tái phát. Hơn nữa nếu không xử lý sớm, giun sán có thể tăng nhanh về số lượng, sản sinh ấu trùng và dẫn đến tình trạng ấu trùng lạc chỗ. Có thể thấy, nhiễm giun sán là tình trạng không quá nguy hiểm và diễn tiến chậm. Tuy nhiên nếu chủ quan, bệnh lý này có thể khiến mề đay nổi khắp người, ngứa ngáy nhiều và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Để kiểm soát mề đay do nhiễm giun sán, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp sau:

1. Điều trị dứt điểm tình trạng nhiễm giun sán

Nhiễm ký sinh trùng (giun sán) là yếu tố kích thích mề đay mẩn ngứa bùng phát. Do để kiểm soát triệt để các triệu chứng trên da, cần khắc phục dứt điểm nguyên nhân gây bệnh. Đối với tình trạng nhiễm giun sán, điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc chống ký sinh trùng.

Tùy theo loại giun, sán, bác sĩ có thể chỉ định dùng Albendazole, Mebendazole, Thiabendazol, Praziquantel, Mintezol,… Các loại thuốc này thường chống chỉ định với phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ dưới 2 tuổi và người có tiền sử nhiễm độc tủy xương.

nhiễm giun sán nổi mề đay
Cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát hoàn toàn nổi mề đay do giun sán

Việc sử dụng thuốc trị giun sán phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị, dự phòng rủi ro và các phản ứng bất lợi. Ngoài ra, nên chú ý dùng thuốc đều đặn trong thời gian được khuyến cáo để tránh hiện tượng tái nhiễm và tăng chủng ký sinh trùng kháng thuốc.

Thực tế sau khi điều trị giun sán dứt điểm, hiện tượng nổi mề đay mẩn ngứa vẫn có thể kéo dài trong vài ngày đến vài tuần. Sau một thời gian nhất định, tình trạng mề đay sẽ dần thuyên giảm khi ấu trùng giun sán lạc chỗ bị tiêu diệt hoàn toàn.

2. Dùng thuốc trị mề đay mẩn ngứa

Như đã đề cập, nổi mề đay mẩn ngứa do nhiễm ký sinh trùng có xu hướng dai dẳng, gây ngứa nhiều – đặc biệt là khi về đêm và có thể kéo dài thêm một thời gian sau khi kết thúc điều trị. Do đó ngoài việc sử dụng thuốc chống ký sinh trùng, bác sĩ cũng có thể chỉ định các loại thuốc điều trị mề đay như:

nổi mề đay sán chó
Có thể dùng thuốc kháng histamine H1, H2,… để giảm ngứa ngáy và tiêu sẩn đỏ do mề đay gây ra
  • Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 là thuốc điều trị mề đay được sử dụng phổ biến, có bán tại các quầy thuốc tư nhân và có thể dùng mà không cần kê toa. Thuốc có tác dụng đối kháng với histamine ở thụ thể H1. Như đã biết, histamine là chất trung gian gây dị ứng và là nguyên nhân trực tiếp gây bùng phát mề đay mẩn ngứa. Các loại thuốc kháng histamine H1 thường được sử dụng bao gồm Fexofenadine, Loratadine, Cetirizin,…
  • Thuốc kháng histamine H2: Thuốc kháng histamine H2 có tác dụng đối kháng với histamine ở thụ thể H2 (có trong mạch máu và tế bào viền dạ dày). Thuốc thường được dùng chủ yếu để điều trị loét dạ dày và trào ngược thực quản. Tuy nhiên trong trường hợp mề đay đáp ứng kém với thuốc kháng H1, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp thêm nhóm thuốc này.

Các loại thuốc trị mề đay mẩn ngứa có thể giảm nhanh tổn thương da và đẩy lùi hoàn toàn cảm giác ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng giảm triệu chứng tạm thời. Sau khi ngưng thuốc một thời gian, các triệu chứng có thể bùng phát trở lại. Do đó, cần kết hợp song song với điều trị nhiễm ký sinh trùng để kiểm soát mề đay hoàn toàn.

Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo điều trị mề đay bằng thuốc y học cổ truyền. Theo đó, mề đay do ký sinh trùng đường ruột sẽ gây thấp nhiệt nội sinh. Cho nên, để điều trị bệnh tận gốc thì phải kết hợp “khu tà” – đào thải tà độc lẫn “bổ chính” – tăng cường chức năng tạng phủ, hệ miễn dịch. Cơ thể được thanh lọc độc tố hoàn toàn, các cơ quan giải độc hoạt động tốt, sức đề kháng được tăng cường thì mề đay mới được xử lý triệt để.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng thêm một số biện pháp hỗ trợ để giảm ngứa ngáy và mẩn đỏ do mề đay. Đồng thời giúp nâng cao thể trạng, tăng mức độ đáp ứng đối với các phương pháp y tế và hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị.

nổi mề đay sán chó
Để hỗ trợ quá trình điều trị, nên ăn uống điều độ và ngủ nghỉ điều độ

Các biện pháp hỗ trợ giảm nhẹ nổi mề đay mẩn ngứa do nhiễm ký sinh trùng:

  • Nên dành thời gian nghỉ ngơi và ăn uống điều độ để cải thiện sức khỏe. Bởi nhiễm giun sán thường khiến cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng, suy nhược và mệt mỏi. Tình trạng này tạo điều kiện cho mề đay dễ dàng bùng phát và lây lan rộng.
  • Tránh chà xát mạnh lên da và hạn chế các kích thích cơ học như tỳ đè, ma sát,… Mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng các yếu tố này khiến da bị kích thích, mề đay lan rộng gây ngứa ngáy và nóng rát nhiều.
  • Có thể tận dụng các cây thuốc nam chữa mề đay như lá trầu không, lá khế, sài đất, rau sam, gừng tươi,… để nấu nước tắm. Các thảo dược này có đặc tính giảm ngứa, tiêu viêm và kháng khuẩn tự nhiên. Nếu áp dụng thường xuyên, tình trạng ngứa, nổi sẩn và viêm do mề đay gây ra có thể thuyên giảm đáng kể. Qua đó hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ lạm dụng thuốc.
  • Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố có thể khiến mề đay bùng phát mạnh như nhiệt độ quá nóng hoặc quá cao, mủ thực vật, động vật, xà phòng, hóa chất,…

Phòng ngừa nổi mề đay ngứa do nhiễm ký sinh trùng

Ký sinh trùng có mặt trong nhiều loại thực phẩm, gia súc, nguồn nước,… Nếu không chủ động phòng ngừa, tình trạng tái nhiễm có thể xảy ra và dẫn đến tái phát mề đay mẩn ngứa.

nổi mề đay sán chó
Ngâm rửa sạch thực phẩm và ăn chín uống sôi là cách phòng ngừa nổi mề đay do ký sinh trùng hiệu quả

Chính vì vậy sau khi điều trị, bạn nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nổi mề đay do nhiễm giun sán như:

  • Tránh dùng các món ăn có khả năng chứa nhiều giun sán như nem chua, tiết canh, thịt tái, sống, rau sống, ốc chưa được nấu chín hoàn toàn,…
  • Ngâm rửa sạch thực phẩm và nấu chín trước khi ăn. Ăn chín uống sôi là biện pháp phòng ngừa nổi mề đay do nhiễm giun sán hiệu quả nhất.
  • Lựa chọn thực phẩm tươi sạch, không sử dụng thịt từ lợn, bò nhiễm bệnh hoặc các loại hải sản ôi thiu, không rõ nguồn gốc.
  • Tẩy giun định kỳ 6 tháng/ lần – đặc biệt là cho trẻ nhỏ vì trẻ chưa có ý thức về việc giữ gìn vệ sinh và bảo vệ sức khỏe bản thân.
  • Rửa sạch tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đất và chơi đùa với chó, mèo.
  • Mang bao tay và ủng nếu phải tiếp xúc với đất cát. Do một số loại ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua da, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và làm bùng phát mề đay mẩn ngứa.
  • Đậy kín thức ăn, đồ uống, tránh ruồi nhặng đậu vào làm lây nhiễm ký sinh trùng.
  • Với trẻ nhỏ, nên khuyến khích trẻ vui chơi trong nhà nhằm hạn chế tiếp xúc với đất cát. Ngoài ra, nên chú ý mang giày dép thường xuyên và cắt ngắn móng tay.

Nổi mề đay mẩn ngứa do nhiễm ký sinh trùng (sán chó, giun đũa, giun móc, giun kim,…) là tình trạng ít được chú ý. Đây là một trong những nguyên nhân khiến mề đay tiến triển dai dẳng, mãn tính và dễ tái phát. Vì vậy, nếu nhận thấy các dấu hiệu nhiễm giun sán được đề cập trong bài viết, nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.